Năm 2020, trang Wonderlist từng đưa Việt Nam vào top 10 điểm du lịch hấp dẫn có chi phí rẻ nhất năm. Chuyên trang du lịch The Travel cũng từng đề xuất Việt Nam là 1 trong 5 điểm đến có mức giá phải chăng nhất năm 2022.
Hai năm sau, tháng 1/2024, du lịch Việt tiếp tục xuất hiện trên truyền thông quốc tế gắn với hai từ… “giá rẻ”: Tạp chí du lịch nổi tiếng Condé Nast Traveler liệt kê Việt Nam trong danh sách 21 điểm đến rẻ nhất năm 2024.
Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019.
Song, ngay cả khi đã lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước nhà vẫn được nhận định “tụt hậu đến 5 năm so với thực tế”. Theo các chuyên gia, đã đến lúc, du lịch Việt Nam cần thoát mác “giá rẻ” để thăng hạng.
Khách Tây kinh ngạc ăn 3 bữa ở Việt Nam chưa đến 50.000 đồng
Max McFarlin, một du khách đến từ Arkansas, Mỹ đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam hơn 4 năm.
Cuối tháng 3, Max thực hiện một thử thách trải nghiệm ẩm thực, với mục đích “xem chi tiêu ở Việt Nam rẻ đến cỡ nào”. Để tăng độ khó, nam du khách người Mỹ chỉ cầm 50.000 đồng, chi tiêu cho ba bữa ăn, trong một ngày, ở thành phố được coi là đắt đỏ bậc nhất Việt Nam là TPHCM.
Du khách người Mỹ thực hiện thử thách ăn 3 bữa ở TPHCM với 2 USD khoảng 50.000 đồng) (Ảnh: Chụp màn hình).
Anh cũng đặt ra tiêu chí cho chuyến đi là “không buffet, không đồ chay” vì đây đều là những món ăn khá tốn chi phí.
Vào buổi sáng, Max chọn ăn cơm tấm vỉa hè trên đường Đoàn Văn Bơ (Quận 4, TPHCM), giá 25.000 đồng/đĩa. Sau đó, vị khách Tây di chuyển đến Quận 8, ăn món bánh canh Mỹ Tho vỉa hè, giá 10.000 đồng/suất.
Bữa ăn cuối cùng trong ngày, nam du khách đã mua một chiếc bánh mì, giá 7.000 đồng/chiếc. Tổng chi phí cho ba bữa ăn là 48.000 đồng.
Việc ăn ba bữa/ngày hết gần 50.000 đồng chỉ là một thử thách riêng của Max McFarlin, song không thể phủ nhận, hình ảnh “điểm đến du lịch giá rẻ” đã tác động đến các nhóm khách quốc tế và quyết định chi tiêu của họ khi đến Việt Nam.
Max McFarlin cho biết, một số người bạn của anh khi có ý tưởng về một điểm đến chỉ cần tiêu ít tiền, họ nghĩ ngay tới Việt Nam. Nhiều khách Tây khác cũng chia sẻ, khi đến du lịch nước ta, họ chỉ cầm chưa đến 1 USD (khoảng 24.000 đồng) để có thể ăn no bụng với một món ăn đường phố.
Du lịch Việt Nam đang tự “dìm hàng”?
5 năm trước, một đơn vị lữ hành tại Việt Nam vốn dĩ chuyên đón dòng khách cao cấp, đã quyết định mở rộng thị trường, đón thêm nhóm khách chi tiêu trung bình.
Từ khi công ty này bán các sản phẩm, dịch vụ cho nhóm khách bình dân hơn, nhiều đơn vị kết nối khách chi tiêu cao bắt đầu lên tiếng. Họ không muốn nhóm khách nhà giàu của mình bị gắn với hình ảnh phải lựa chọn một nhà cung cấp dịch vụ bình dân.
Đơn vị lữ hành này ngay sau đó ghi nhận tình trạng sụt giảm lượng khách cao cấp, trong khi, nguồn thu từ dòng khách bình dân, dù bán tối đa sản phẩm cũng chỉ đạt khoảng 60% so với nguồn thu trước đó của khách chi tiêu cao.
Nếu hiểu định vị thương hiệu là việc tạo ra vị thế riêng, đảm bảo có nhóm khách hàng riêng, có thể phân biệt rõ ràng thương hiệu này với các thương hiệu cạnh tranh khác, thì đơn vị lữ hành trên, thời điểm đó đã “đi sai một nước cờ” trong chiến lược tiếp thị của mình.
Từ bài học này cho thấy, muốn thu hút nhóm khách chi tiêu cao, việc định vị thương hiệu du lịch quốc gia là vô cùng quan trọng.
Nhìn lại tiến trình phát triển của ngành du lịch 10 năm trở lại đây, hình ảnh là một “điểm đến giá rẻ” từng giúp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về giá so với nhiều điểm đến khác trên thế giới.
Song, theo bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc Khối Sun World – Tập đoàn Sun Group, phát biểu tại hội thảo “Mở visa, phục hồi du lịch”: “Có thể thấy rõ chúng ta đang tự dìm hàng, tự biến bản thân thành điểm đến giá rẻ trong khi thiên nhiên, du lịch Việt xứng đáng có giá hơn.
Chúng ta phải phát triển sao cho đúng chứ không phải chỉ giá rẻ là tốt, đó là cạnh tranh không lành mạnh”.
Bà Nguyện cho biết, khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch bằng tour giá rẻ rất nhiều. Tuy nhiên, không phải vì du khách không có nhiều tiền mà bởi khách sạn, tour du lịch của chúng ta có chất lượng không thua kém họ, nhưng giá lại rẻ hơn.
Điều này cũng lý giải vì sao lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 liên tục tăng trưởng, nhưng hàng loạt doanh nghiệp lữ hành vẫn than “ế”, sản phẩm bán ra chỉ vài dịch vụ nhỏ lẻ.
Hơn 10 năm nay, chi tiêu khách quốc tế vào Việt Nam vẫn dao động ở mức 105 USD/ngày (khoảng 2,7 triệu đồng) mà chưa có sự cải thiện. Trong khi đó, mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế tại Thái Lan và Malaysia khoảng 160 USD/ngày (hơn 4 triệu đồng).
Nếu tiếp tục duy trì hình ảnh là điểm đến giá rẻ, du lịch Việt Nam không những đánh mất cơ hội tiếp cận dòng khách hạng sang có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, mà còn gây nguy cơ phát triển nền công nghiệp du lịch kiểu đại trà với những áp lực xấu đến môi trường, cơ sở hạ tầng, tài nguyên văn hóa…, đe dọa sự phát triển bền vững của ngành kinh tế xanh nước nhà. Đây là điều đi ngược lại xu hướng phát triển du lịch của thế giới.
Đã đến lúc cần “đánh ván bài mới”
Trước khi gặp các rào cản về vé máy bay cao hay vấn nạn chặt chém, Phú Quốc từng là một ngôi sao trong việc thăng hạng du lịch.
Khoảng 7 năm trước, thị trấn Đông Dương vẫn quạch màu bùn đỏ, khắp hai miền Nam – Bắc đảo vắng bóng các khách sạn, resort 5 sao. Dù sở hữu tiềm năng lớn, Phú Quốc vẫn bị đánh giá là điểm đến mờ nhạt trên chính “sân nhà”.
Sẽ không có gì đáng kể, nếu Phú Quốc chỉ tăng trưởng về lượng khách qua các năm. Nhưng từ hình ảnh một “làng chài xơ xác”, đảo ngọc đã có cuộc đổi ngôi, trở thành thiên đường du lịch, địa điểm nghỉ dưỡng hạng sang hàng đầu của châu Á.
Bây giờ, khi nhắc đến Phú Quốc, du khách sẽ nghĩ về chuyến đi sang trọng, đắt đỏ. Hàng loạt tỷ phú Ấn Độ đã chọn đây là nơi để tổ chức đám cưới xa xỉ, với hàng trăm khách mời thuộc giới thượng lưu, chi phí mỗi buổi lễ lên tới vài tỷ đồng.
Câu chuyện “lột xác” của Phú Quốc là minh chứng tiêu biểu cho bài học: Du lịch cần thay đổi cách nhận diện điểm đến để thu hút những dòng khách tiềm năng, tạo đà cho ngành phát triển đột phá.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB): “Du lịch Việt Nam hoàn toàn có khả năng phục vụ số lượng lớn khách hạng sang. Chúng ta sở hữu lợi thế về thiên nhiên, là một điểm đến an toàn, bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ cũng ngày càng được nâng cấp”.
Đồng quan điểm, bà Phạm Bích Hạnh, Giám đốc Công ty Phúc Hưng Thịnh, nhà sáng lập chuỗi nhà hàng Quán Ăn Ngon và Ngon Garden cũng nhận định, du lịch Việt Nam xứng đang có một vị thế cao hơn.
“Trong một tháng, chúng tôi từng đón liên tiếp 3 nguyên thủ châu Âu. Họ ngồi ăn trong nhà hàng là một căn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội. Được bao quanh bởi những cây mít, cây thị, cây bồ đề, hoa ban hay những chùm hoàng lan trải dài. Chúng tôi phục vụ cho họ 100% các món ăn truyền thống của Việt Nam và nhận lại những phản hồi rất tích cực”, bà Hạnh kể.
Dưới góc nhìn của người kinh doanh ẩm thực truyền thống, bà Hạnh cho biết, ẩm thực Việt Nam là một kho tàng để khai thác. Nhiều năm trước, chúng ta phải núp bóng sau những nhà hàng Trung Hoa vì khi đó chưa ai biết món ăn Việt là gì.
Nhưng thời điểm hiện tại, ẩm thực Việt đã có vị trí riêng, thậm chí trở thành một xu hướng ẩm thực toàn cầu.
Theo các chuyên gia, để thu hút được dòng khách hạng sang, du lịch Việt Nam cần tìm cách tái định vị thương hiệu, để Việt Nam là “điểm đến sang trọng”. Làm sao để du khách thấy chúng ta có những sản phẩm du lịch tốt, có những cơ sở lưu trú đẳng cấp, những món ăn ngon… có khả năng phục vụ nhóm khách nhà giàu.
Điều này, trong những năm qua, ngành du lịch quốc gia vẫn còn nhiều lúng túng.