Độc lạ món cháo ở Đà Nẵng muốn ăn khách phải… chờ

51
Tên gọi "cháo chờ" Nam Ô (Đà Nẵng) xuất phát từ nét riêng của món ăn này khi thực khách phải chờ để chủ quán làm mọi công đoạn từ sơ chế bột đến hoàn thành món ăn.

Sẽ không khó để tìm kiếm một quán cháo ngon trong trung tâm thành phố Đà Nẵng, nhưng để thưởng thức được hương vị độc đáo, không ít thực khách đã chấp nhận đi đến làng chài Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) để được trải nghiệm món “cháo chờ” bình dị, độc đáo.

Bán “cháo chờ” trên đường Ngô Xuân Thu (quận Liên Chiểu) được hơn 7 năm nay, quán của bà Nguyễn Thị Nga (71 tuổi) được mọi người truyền tai nhau nhất định phải ghé mỗi khi muốn thưởng thức món ăn dân giã này.

Cháo chờ Nam Ô thường sẽ ăn kèm với quẩy hoặc bánh mỳ (Ảnh: Việt Hằng).

Theo bà Nga, khi khách vào gọi món, bà mới bắt đầu đun nước dùng để nấu bột. Lúc chín, món ăn sẽ sền sệt lại như cháo. Khách muốn ăn sẽ phải ngồi đợi một lúc, món mới được đưa lên, cái tên “cháo chờ” cũng từ đó ra đời.

“Phần quan trọng nhất của cháo là thịt cá nục. Cá mua về được sơ chế sạch sẽ, luộc và gỡ thịt cá ra, tiếp theo là mang cá đi rim. Cá rim sẽ được ăn cùng với cháo”, bà Nga chia sẻ.

Cá nục được nêm đậm đà, rim cho tới khi chuyển sang màu cá nướng (Ảnh: Việt Hằng).

Vì được xem như linh hồn của món ăn, nên chọn cá là công đoạn khó khăn, vất vả nhất. Cá nục phải còn tươi, mắt vẫn mở, dùng tay ấn vào sẽ thấy thịt còn săn và có độ đàn hồi. Muốn bắt đầu rim cá phải tỉ mỉ gỡ thịt ra, đảm bảo không còn dính xương mới đạt yêu cầu.

Dù chỉ là quán ăn vỉa hè mới vài cái bàn con con, nhưng quán bà Nga vẫn luôn trong tình trạng tấp nập khách ra vào. Nhất là buổi tối, người dân địa phương, du khách sẽ đến ăn rất đông, có những ngày chỉ đến 19h đã hết đồ để bán.

“Quán thường dùng nồi 80 lít để hầm xương heo, củ cải và cá để cho ra nồi nước dùng có vị ngọt tự nhiên. Cá nục Nam Ô rất tươi, nên nước dùng cũng sẽ có vị ngọt thanh đặc trưng mà chỉ món ăn này mới có”, bà Nga cho biết.

Bột bánh thường làm từ bột gạo, hoặc bột lọc. Bột có hình sợi dài giống sợi bánh canh (Ảnh: Việt Hằng).

“Cháo chờ” Nam Ô sẽ được nấu cùng với bột gạo hoặc bột lọc, tùy theo sở thích của khách hàng. Sợi bột của “cháo chờ” có kích thước dài giống với sợi bánh canh.

Khi ăn cháo sẽ không thể thiếu muỗng mắm ớt cay nhẹ và kèm theo chút tắc chua chua. Cháo được ăn kèm bánh mỳ hay quẩy, khi chấm vào nước dùng đậm đà sẽ tạo nên hương vị mà thực khách chẳng thể nào quên.

Bà Nguyễn Thị Nga đã có kinh nghiệm 7 năm bán “cháo chờ” Nam Ô (Ảnh: Việt Hằng).

“Trung bình mỗi ngày tôi bán được 150 tô cháo, những ngày cao điểm là 200 tô. Cháo ở đây thường có mức giá chung là 15.000 đồng”, bà Nga chia sẻ thêm.

Bên cạnh cá nục, quán cũng có thêm nhiều loại nhân khác như xương, chả, trứng để khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên phần cá sẽ luôn được bán hết nhanh nhất, bởi nhiều người địa phương thường có thói quen gọi thêm một bát cá rim để ăn cùng với cháo hoặc bánh mỳ.

                                                                                                                   Việt Hằng