Màu tháng năm trên phố người Hoa – Chợ Lớn Sài Gòn

41

Chợ Lớn Sài Gòn

Nhịp sống Sài Gòn ở Chợ Lớn là một thứ gì rất riêng.

Thật lạ! Qua một quãng thời gian dài dằng dặc, những con phố người Hoa hiện nay vẫn còn như vẹn nguyên nét văn hóa, kiến trúc và cả đời sống con người. Một nhịp sống vừa Sài Gòn lại vừa rất riêng. Và tháng tư, cùng một buổi chiều sau mưa càng làm tôi cảm nhận được hết vẻ đẹp xưa cũ đó…

Ấn tượng nét kiến trúc còn lưu lại

Từ nút giao của Đường Tân Hưng với Thuận Kiều, một góc phố nép mình yên bình đến khó tả. Những tòa chung cư cũ hai ba tầng nằm san sát nhau bám màu thời gian, phảng phất một nét kiến trúc cổ điển độc đáo. So với phố thị ngoài kia thì chẳng phải là nhà cao cửa rộng, nhưng những ô cửa sơn lại hay khu vườn nhỏ nơi ban công… tất cả đều toát lên sự ấm cúng cùng sức sống rất mãnh liệt. Thoạt nhìn những hàng quán có tấm biển viết chữ Hoa, thì đã nhận ra ngay là mình đang ở chốn nào.

Chợ Lớn Sài Gòn
Chợ Lớn Sài Gòn
Chợ Lớn Sài Gòn

…là một phần kí ức khó quên của người Sài Gòn

Một nét đặc sắc khác là những công trình kiến trúc tôn giáo cổ kính, uy nghiêm như chùa, miếu, đền, đình… hay còn được gọi là hội quán mà người Hoa xây dựng để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa và tâm linh. Tôi ghé thăm Hội quán Tuệ Thành, một trong những công trình còn giữ được vẹn nguyên phong cách kiến trúc truyền thống của người Hoa, từ trong ra ngoài là nét cổ kính và trầm mặc bao phủ. Hội quán Tuệ Thành, hay còn gọi là Chùa Bà Chợ Lớn (tọa lạc tại số 710, đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5) được xây dựng vào năm 1760, với cấu trúc hình chữ “Quốc” gồm tiền điện, trung điện và hậu điện. Trên mái được trang trí bằng những phù điêu, linh vật như long, lân, quy, phụng… với họa tiết công phu và tinh tế.

Chợ Lớn Sài Gòn

Các công trình kiến trúc tôn giáo ở phố người Hoa cổ kính

Chợ Lớn Sài Gòn

Chợ Bình Tây tồn tại từ những năm 20 của thế kỉ XX đến nay

Nằm trên đường Tháp Mười, quận 6, Chợ Bình Tây là khu chợ nổi tiếng với lịch sử gần 100 năm. Dù được thiết kế và xây dựng theo kỹ thuật phương Tây, song quần thể chợ lại khoác lên mình nét kiến trúc Trung Hoa độc đáo. Cổng chợ có dạng tháp lầu cao, bốn phía có đồng hồ lớn, mái lợp ngói âm dương và có hình rồng đắp nổi…

Chợ Lớn Sài Gòn

Một góc chợ Bình Tây…

Một đời sống và văn hóa rất khác

Rất khác? Tôi không chắc với mọi người thì sẽ thế nào, nhưng theo tôi cảm nhận, thì con người ở đây đang sống một nhịp sống của riêng mình. Đủ nhanh, đủ chậm, đủ để giữ cho mình một cái gì đó thật đặc biệt…

Chợ Lớn Sài Gòn

Phố người Hoa có nhịp sống của riêng mình…

Chợ Lớn Sài Gòn

…không lẫn vào đâu được!

Từ lâu, người Hoa đã sinh sống chủ yếu sản bằng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp và buôn bán. Rồi cha truyền con nối, đời này đến đời khác chẳng bỏ nghề, cũng chính vì vậy mà chẳng thấy một cái nghề nào của họ dần mai một. Khắp các con phố, từ ngõ trong ra ngõ ngoài, vẫn là các hàng quán suốt mấy chục năm chỉ bán đúng một mặt hàng. Họ làm cơ khí, hóa nhựa, làm da, dệt vải… Họ bán hương liệu, đông nam dược, đồ gia dụng… Tôi có nghe bảo, là ít khi mà họ xây lại hàng quán hay di dời, bởi người Hoa rất kỹ về phong thủy, đã làm ăn được ở đâu thì sẽ không thay đổi. Chắc đó cũng chính là lý do mà nơi đây vẫn giữ được cái màu cũ kĩ.

Chợ Lớn Sài Gòn

Buôn bán là một trong những ngành nghề phổ biến của người Hoa tại Sài Gòn

Chợ Lớn Sài Gòn

Phố người Hoa có rất nhiều cửa hàng bán đông nam dược, hương liệu,…

“Ăn quận 5, nằm quận 3”, nói về văn hóa ẩm thực thì từ lâu Chợ Lớn đã được xem là thiên đường ẩm thực, với rất nhiều món ăn mang đậm hương vị Trung Hoa truyền thống như: Há cảo, bánh bao, mì vịt tiềm, gà ác tiềm, cơm Triều Châu, heo quay, phá lấu, mì kéo sợi…

Chợ Lớn Sải Gòn

Phố người Hoa – một kỉ niệm xưa cũ trong tìm người Sài Gòn

Chợ Lớn Sài Gòn

Chợ Lớn được xem là một trong những thiên đường ẩm thực nên trải nghiệm ở Sài Gòn.

Một điểm khác cũng không kém phần đặc sắc là đời sống văn hóa. Đó là sự kết hợp giữa những nét truyền thống cùng quá trình phát triển và hội nhập. Đời sống của người Hoa tương đối giản dị, chất phác với nhiều tập tục, tín ngưỡng dân gian. Họ thường tổ chức lễ hội vào các ngày tết cổ truyền như tết Nguyên Ðán, Nguyên Tiêu, Ðoan Ngọ, Trung Thu… Những dịp như vậy, nhà ở, chùa chiền, đình, miếu… được treo đèn kết hoa, dán đầy các mảnh giấy màu đỏ tượng trưng cho sự hạnh phúc, may mắn và bình yên.

Chợ Lớn Sài Gòn

Người Hoa ở Sài Gòn có lối sống chấc phác, giản dị

Chẳng phô trương giữa Sài Gòn hoa lệ, phố người Hoa vẫn bình dị và in màu tháng năm!