Vào một buổi chiều cuối tuần, tôi quyết định lên đường đi Phan Thiết và nhanh chóng soạn vali, gọi điện book khách sạn, xe giường nằm cho chuyến đi của mình. Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm, sửa soạn đồ và di chuyển ra văn phòng nhà xe ở Quận 1, xe bắt đầu di chuyển hướng ra đường Mai Chí Thọ và hướng thẳng lên cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Nằm trên xe, tôi tranh thủ nghỉ ngơi, cắm tai nghe và thả hồn vào những bản nhạc để lấy sức cho chuyến khám phá Phan Thiết. Sau khoảng 4 tiếng di chuyển thì xe đã đến thành phố Phan Thiết, nhìn ngắm 2 bên đường Quốc lộ 1A là những vườn cây thanh long, xe đến khu vực Mũi Né và thả tôi tại khách sạn tôi đã đặt từ trước và bắt đầu chuyến khám phá Phan Thiết.
Sắc hoa trên đường ven biển ra Mũi Né
1. Bãi Đá Ông Địa – bãi biển độc đáo tại Phan Thiết
Bãi Đá Ông Địa nằm tại con đường dẫn vào thiên đường resort Nguyễn Đình Chiểu thuộc phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết cách trung tâm thành phố 10 km. Bãi đá có nhiều ghềnh đá nhô ra biển cộng với những chiếc thuyền thúng của người dân biển tạo nên một khung cảnh thơ mộng, yên bình. Sau khi nghỉ ngơi tại khách sạn, tôi lấy xe máy được thuê từ trước và chạy xe ra Bãi Đá Ông Địa vào lúc chiều tà và ngắm hoàng hôn trên biển, đi dạo trên bãi biển để tận hưởng không khí miền biển, ghi lại khoảnh khắc hoàng hôn trên bờ biển, sau đó đi vào trung tâm thành phố để ăn tối.
Buổi chiều trên bãi biển
Những chiếc thuyền thúng của người dân
Sau khi ăn tối, tôi liền chạy về khách sạn nghỉ ngơi lấy sức cho ngày hôm sau của chuyến đi, đi ngang con sông Cà Ty chảy qua thành phố tôi liền lưu lại vài tấm ảnh thành phố về đêm. Trên đường về khách sạn, tôi ghé qua mua một vài món ăn vặt để cảm nhận hết hương vị ẩm thực nơi phố biển như: răng mực nướng, gỏi cuốn, bánh căn……Về đến khách sạn, tôi đi bộ ra bãi biển phía trước khách sạn dạo mát, ngồi trên bãi biển hóng gió và nhâm nhi đồ ăn vặt là một cảm giác không gì thú vị hơn.
Con sông Cà Ty chảy qua thành phố.
2. Bàu Trắng – cung đường ven biển đẹp nhất Miền Trung, Làng chài Mũi Né
Sáng sớm thức dậy, tôi chạy ra bãi biển làm vài động tác thể dục rồi sau đó đi ăn sáng bằng một tô bánh canh chả cá trứ danh của Phan Thiết. Xong bữa sáng, tôi liền xách xe hướng thẳng ra Bàu Trắng. Trên đường đi, tôi thả hồn vào cung đường phía trước, con đường Võ Nguyên Giáp rộng bao la chạy ngang qua những đồi cát vàng khiến bao nhiêu cảm giác muộn phiền đều tan biến. Đi ngang qua khu vực đồi cát bay bèn vội tấp vào làm một trái dừa ba nhát xua tan đi cái nóng oi ả của miền biển.
Một góc cung đường ven biển Võ Nguyên Giáp
Một góc bãi biển buổi chiều
Đến Bàu Trắng – nơi có những bãi cát trắng tuyệt đẹp tôi liền đến ngay khúc cua huyền thoại để làm một vài kiểu ảnh. Khi đứng tại nơi này, cảm giác mọi áp lực, ưu phiền đều tan biến vì khung cảnh đẹp như một bức tranh bởi hiếm có nơi nào mà hai bên đường bao quanh là cát trắng và xa xa là biển.
Khúc cua huyền thoại trên cung đường Bàu Trắng
Trên đường về khách sạn tôi ghé ngang qua làng chài Mũi Né ngắm cảnh, tuy nhiên do trời đã chiều tối nên chỉ thấy thấp thoáng ánh đèn của những chiếc thuyền. Làng chài là nơi diễn ra các hoạt động mua bán hải sản hằng ngày, người dân hiền lành, đôn hậu sẽ tạo cho du khách kỉ niệm khó quên. Du khách còn có thể mua các loại hải sản với mức giá cực rẻ. Điểm đặc biệt ở làng chài là những chiếc thuyền thúng đặc trưng trải dài cả một vùng biển, khung cảnh đẹp nhất là lúc bình minh và hoàng hôn bởi khi đó mặt biển sẽ phủ một màu cam rực rỡ.
Làng chài buổi chiều
3. Tháp Chăm Poshanu
Tôi thức dậy sớm ăn sáng và ra bãi biển trước khách sạn tắm, sau đó tranh thủ chạy đến khu tháp chăm Poshanu, một trong những tháp chăm cổ và lâu đời tại Phan Thiết. Giá vé vào cổng tham quan là 10.000 đồng. Đây là một trong những cụm tháp chăm cổ tại miền trung cũng như Bình Thuận. Khu tháp tọa lạc tại đồi Bà Nài thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết. Điểm đặc biệt của khu tháp là lối kiến trúc. Tinh hoa nghệ thuật của người Chăm xưa tạo nên những công trình độc đáo, kỳ bí mà ngày nay còn nhiều điều chưa được giải thích khám phá. Ở khu di tích còn có các chương trình biểu diễn nghệ thuật của các cô gái người Chăm phục vụ du khách. Hằng năm tại khu tháp còn diễn ra lễ hội ngay dưới chân tháp như Kate, Rija Nưga, Poh Mbăng Yang thu hút nhiều người dân địa phương và du khách thập phương. Cùng trong khu di tích là Lầu Ông Hoàng, nơi gắn liền với chuyện tình nhà thơ Hàn Mặc Tử – Mộng Cầm. Nơi đây trước kia là biệt thự của một người Pháp xây dựng nghỉ dưỡng và trải qua chiến tranh nên ngày nay chỉ còn lại nền móng của ngôi biệt thự.
Cụm tháp chăm Poshanu
Sau khi thăm thú khu tháp Chăm, tôi quay về khách sạn chuẩn bị trả phòng, xe máy và lên xe về lại Sài Gòn, kết thúc chuyến đi một mình 3 ngày 2 đêm tại thành phố biển Phan Thiết. Chắc chắn tôi sẽ có nhiều dịp để quay lại khám phá, trải nghiệm nhiều hơn nơi này.