Từ rất lâu, vùng đất Tây Đô Cần Thơ đã nổi tiếng với du khách gần xa cả trong và ngoài nước, và trở thành cái tên không thể thiếu trên bản đồ du lịch. Không chỉ là thành phố lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, thủ phủ Miền Tây, Cần Thơ còn nằm bên con sông Hậu hiền hòa chảy qua thành phố, có lợi cho phát triển du lịch, kinh tế, nông nghiệp, giao thông vận tải. Bên cạnh đó Cần Thơ còn có nhiều nét văn hóa địa phương, con người hiền lành chân chất. Vừa rồi mình và người bạn thân đã dành ra 2 ngày 1 đêm rời phố thị ồn ào để về khám phá nét chân chất nơi đây. Vẻ đẹp và sự mến khách của người dân Tây Đô được đúc kết qua hai câu thơ:
“Cần Thơ Gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về”
Cầu Cần Thơ bắc qua Sông Hậu, nối liền 2 tỉnh Vĩnh Long và Tp Cần Thơ.
Chuyến đi lần này mình di chuyển bằng xe máy để tiện dừng lại dọc đường nghỉ ngơi, chụp ảnh. Quãng đường từ Sài Gòn xuống Cần Thơ dài 170km nên sẽ mất tầm 3 tiếng di chuyển. Mình xuất phát từ Sài Gòn lúc 04h00 sáng, lái xe ra QL1A hướng về Cần Thơ. Nếu ai đi xe khách hoặc ô tô cá nhân thì đi bằng tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương và Trung Lương Mỹ Thuận sẽ nhanh hơn. Trên đường đi, mình đi qua cây cầu Mỹ Thuận – một trong những cây cầu dây văng đầu tiên ở miền Tây bắc qua sông Tiền nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.
Cầu Mỹ Thuận.
Qua cầu Mỹ Thuận là tới tỉnh Vĩnh Long, chạy tầm 30km qua những cánh đồng lúa ở hai bên đường là đến cầu Cần Thơ, qua cầu là đến thành phố Cần Thơ. Sau đó mình chạy về khách sạn gần bến Ninh Kiều đã book trước đó để nghỉ ngơi lấy sức sau quãng đường dài. Ở khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ và bến Ninh Kiều có rất nhiều khách sạn từ 2 đến 5 sao tùy theo nhu cầu của mỗi người. Ngoài ra Cần Thơ có loại hình nghỉ dưỡng nữa là các homestay và Bungalow theo phong cách miền quê thiên nhiên phù hợp cho những người thích yên tĩnh. Nói sơ qua về nguồn gốc tên gọi Cần Thơ thì có rất nhiều giả thuyết, mà đúng nhất là bắt nguồn từ “Kìn tho” nghĩa là 1 loài cá sặc rằn, rồi dần người ta đọc trại ra là Cần Thơ.
Toàn cảnh Bến Ninh Kiều về đêm.
1. Đình Bình Thủy
Sau khi nghỉ ngơi tại khách sạn, mình lấy xe bắt đầu đi dạo quanh các con phố của xứ Tây Đô. Điểm đầu tiên mà mình đến là đình Bình Thủy – ngôi đình cổ ở Cần Thơ có kiến trúc độc đáo. Di tích lịch sử Cần Thơ này được xây dựng vào năm 1844 tại làng Bình Hưng, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên (nay là phường Bình Thủy – quận Bình Thủy – thành phố Cần Thơ). Năm 1852, trong một lần đi tuần trên thuyền, quan khâm sai Huỳnh Mẫn Đạt bất ngờ gặp phải trận cuồng phong, nhưng nhờ ẩn nấp kịp ở Bình Hưng nên bình an vô sự. Sau khi thoát nạn, ông cho tổ chức tiệc mừng và đổi lại tên đất này thành "Bình Thủy", mang nghĩa "bình ổn dòng nước", từ đó ngôi đình cũng được người dân gọi là đình Bình Thủy.
Kiến trúc ngôi đình được xây theo kiểu đình làng Nam Bộ kết hợp với kiến trúc Trung Hoa. Ngoài thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh thì đình còn thờ hổ thần. Bên trong đình là tượng bia một số anh hùng yêu nước ở Việt Nam như Bác Hồ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Đinh Công Tráng, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Trung Trực,… Ngoài ra ở đây còn thờ thần rừng, thần khai kênh dẫn nước và Thần Nông.
Đình Bình Thủy.
2. Bãi biển nhân tạo Cần Thơ
Sau khi thăm thú và chụp ảnh thì mình di chuyển sang bãi biển Cần Thơ. Đây thực ra chỉ là bãi tắm nhỏ nằm ở đoạn sông Hậu. Ở đây bạn có thể ngồi ở những quán nước sát bờ sông tận hưởng không khí trong lành cùng với khung cảnh của vùng sông nước thơ mộng, thi thoảng có những chiếc ghe thuyền chạy ngang. Tại đây bạn có thể tắm sông hoặc tham gia các trò chơi như chèo thuyền kayak, moto nước, phao chuối,…tối đến bạn có thể tổ chức những buổi tiệc nhỏ bên sông.
Bãi biển nhân tạo Cần Thơ vào một buổi chiều.
3. Bến Ninh Kiều và chợ đêm Cần Thơ – thú vui về đêm ở Tây Đô
Tối đến, 2 đứa mình đi ăn món vịt nấu chao tại quán Thành Giao, một quán ăn nhỏ nhưng rất nổi tiếng với các món đặc sản Cần Thơ và miền Tây như: vịt nấu chao, ốc bươu nướng tiêu xanh, ếch đồng chiên mắm. Giá cả các món ăn ở đây dao động từ 150.000 – 300.000 VNĐ/ món tùy theo số lượng người ăn. Ngoài ra, quán còn có bán các loại bánh quê đặc sản như bánh ú, bánh tét lá cẩm.
Món vịt nấu chao trứ danh Cần Thơ.
Ăn xong, hai đứa mình về lại khách sạn cất xe và đi bộ ra bến Ninh Kiều và chợ đêm Cần Thơ dạo mát và ăn vặt. Bến Ninh Kiều vào buổi tối nên thơ và sôi động khi người người đi dạo mát. Đứng từ đây có thể phóng tầm mắt ra hướng cầu Cần Thơ lung linh trong ánh đèn và dòng sông Hậu êm đềm, xung quanh còn có các nhà hàng nổi phục vụ du khách vào buổi tối.
Phía trước chợ Cần Thơ.
Ngoài ra bạn còn có thể đến cầu đi bộ du lịch Cần Thơ nối bến Ninh Kiều và Cồn Cái Khế gần đó để dạo mát. Sau một hồi dạo mát thì 2 đứa mình ra khu chợ đêm để ăn vặt. Chợ Cần Thơ hay còn có các tên gọi khác là Chợ đêm Tây Đô hay chợ cổ Cần Thơ, chợ Hàm Dương hay chợ Lục Tỉnh nằm tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều. Nhìn từ bên ngoài, chợ đêm Cần Thơ rất hoành tráng. Khu chợ là sự kết hợp hài hòa giữa nét cổ kính và hiện đại. Nét cổ kính dễ dàng được nhận ra bởi mái ngói được lợp theo kiểu âm dương. Bên trong trần nhà được xây theo đường cong xương cá. Ở phía ngoài và bên trong chợ có bán đầy đủ các loại mặt hàng từ đồ thủ công mỹ nghệ cho đến các loại đồ ăn, thức uống. Hai đứa mình tranh thủ ăn uống, chụp ảnh, đi dạo thì về khách sạn nghỉ ngơi lấy sức cho ngày mai.
Ngôi chợ lúc về đêm.
Một con phố ở Cần Thơ về đêm.
Toàn cảnh khu vực bến Ninh Kiều và Cồn Cái Khế về đêm.
4. Chợ nổi Cái Răng – trải nghiệm không thể thiếu khi đến với Cần Thơ
Khi đến với miền Tây sông nước, ngoài hình ảnh cánh đồng lúa hay những mái nhà tranh bình dị thì những hoạt động trên sông nước là văn hóa không thể thiếu đối với người dân miền Tây Nam Bộ, trong đó phải kể đến Chợ Nổi – một hình thức họp chợ độc đáo sầm uất tiêu biểu cho sông nước miền Tây diễn ra trên một dòng sông, một khúc sông mà chỉ có vùng đồng bằng sông Cửu Long mới có. Các chợ nổi thường họp chợ từ rất sớm khoảng từ 4h00 sáng cho đến 9h00 là kết thúc. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có những khu chợ nổi như: Cái Bè (Tiền Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), Ngã bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng), Long Xuyên (An Giang), Cà Mau (tỉnh Cà Mau), trong đó Cái Răng là chợ nổi lâu đời nhất ở miền Tây cũng như là Cần Thơ.
Vào sáng sớm, tụi mình dậy sớm và di chuyển ra khu vực Bến Ninh Kiều lên thuyền để đi tham quan Chợ Nổi. Vé đi chợ nổi thường có nhiều giá và tùy theo hướng tham quan của từng người, mình thì chọn đi chợ nổi và tham quan lò làm hủ tiếu. Giá dao động khoảng 100.000 – 350.000 VNĐ/ người tùy theo nhóm khách đông hay ít. Đúng 5h30 thuyền di chuyển, ngồi trên thuyền mình tranh thủ ghi lại khung cảnh buổi sáng trên sông Hậu và Chợ nổi Cái Răng.
Bảng hiệu Chợ Nổi chào mừng du khách.
Bình minh trên sông Hậu.
Khách sạn Vinpearl Cần Thơ nhìn từ phía sông Hậu.
Khi đến Chợ Nổi, đập vào mắt mình là hàng trăm chiếc ghe tụ lại một chỗ, những chiếc ghe nhỏ cập vào những chiếc ghe lớn để trao đổi và buôn bán các loại mặt hàng khác nhau: rau, củ, quả, trái cây.
Cảnh ghe thuyền tấp nập ở Chợ Nổi.
Và điều đặc biệt ở đâyđể cho ghe bán mặt hàng này cho các ghe thuyền khác thì người ta sử dụng một cây sào dựng trên ghe và cột trên đó món hàng mình muốn bán. Người dân nơi đây gọi là “cây bẹo” và ngôn từ thường dùng khi buôn bán là “bẹo hàng”. Đây cũng là một nét văn hóa ở miền Tây, theo phương ngữ miền Tây, từ “bẹo” có nghĩa là chưng ra, phô bày và trên những ghe thuyền buôn bán miền sông nước, cây bẹo được sử dụng với công dụng trưng bày hàng hóa, mời gọi khách hàng.Cây bẹo hàng được treo các mặt hàng đó lên và được hiểu theo 4 cách thú vị theo từng kiều treo:
Hình ảnh bình dị trên Chợ Nổi.
Các ghe, thuyền trao đổi, mua bán hàng hóa với nhau.
Ngoài các ghe buôn bán hàng hóa, còn có các ghe bán đồ ăn, đồ uống để phục vụ khách du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng. Trên sông còn có các loại hình kinh doanh dịch vụ giống ở trên bờ như: cửa hàng xăng dầu nổi, tiệm tạp hóa nổi, tiệm sửa xe… Do đi từ sáng sớm nên mình tranh thủ trải nghiệm ăn sáng ngay trên sông bằng một tô hủ tiếu trứ danh. Ăn sáng hủ tiếu và uống một ly cà phê sữa ngay trên sông là một trải nghiệm không thể tuyệt vời hơn khi đi chợ nổi. Giá cả cũng rất rẻ, chỉ từ 30.000VNĐ/ tô. Ngoài ra bạn cũng có thể tranh thủ mua trái cây từ các ghe bán trái cây khi họ cập vào mạn thuyền với giá cả phải chăng chỉ từ vài chục nghìn đồng cho 1 kg.
Tô hủ tiếu ở chợ nổi.
Sau một hồi lênh đênh trên sông thì thuyền ghé vào lò hủ tiếu truyền thống cho khách tham quan. Ở đây mình được xem quy trình làm ra sợi hủ tiếu và được thử làm hủ tiếu. Ngoài sợi hủ tiếu trắng thì còn có các sợi hủ tiếu có màu sắc khác nhau: xanh, đỏ, tím, vàng…Sau khi tham quan lò hủ tiếu xong thì thuyền đưa mình về lại Bến Ninh Kiều.
4. Chùa Ông Cần Thơ
Tiếp đó mình đi Chùa Ông Cần Thơ để chụp vài kiểu ảnh. Chùa Ông Cần Thơ nằm trên đường Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều. Chùa còn có tên gọi khác là Hiệp Thiên Cung được xây dựng năm 1894. Là ngôi chùa của người Hoa gốc Quảng Đông ở Cần Thơ, ngôi chùa mang lối kiến trúc Trung Hoa đặc trưng của người Hoa Nam Bộ với các phù điêu cá chép hóa rồng, long phụng, mái ngói âm dương, bao lam.
Chùa Ông Cần Thơ.
5. Nhà Cổ Bình Thủy Cần Thơ
Nhà cổ Bình Thủy nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Ngôi nhà cổ này là nhà thờ họ Dương có dấu ấn 100 năm tuổi, nơi đây được làm bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng như “Người đẹp Tây Đô”.
Toàn cảnh nhà cổ Bình Thủy.
Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1870 và được tôn tạo lại vào đầu thế kỷ 20, chủ nhân của ngôi nhà là ông Dương Chấn Kỷ – một thương gia trí thức giàu có, đồng thời cũng là điền chủ có óc mỹ thuật. Ông rất thích tìm tòi cái mới, lạ của trào lưu Tây phương đang thịnh hành, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc, chính vì vậy mà ngôi nhà bên ngoài mang đậm kiến trúc cổ kiểu Pháp sang trọng, và pha một chút kiến trúc Phương Đông. Mặc dù mang lối kiến trúc phương Tây nhưng khi bước vào bên trong ngôi nhà, ta có thể thấy gian thờ bày trí theo phong cách thuần việt cùng với nhiều đồ vật quý của gia chủ.
Nội thất bên trong nhà cổ.
Sau khi tham quan Nhà cổ thì mình về khách sạn nghỉ ngơi và trả phòng lúc trưa. Trước khi chạy xe máy về Sài Gòn, mình tranh thủ ghé qua lò hủ tiếu Sáu Hoài ở đường Lộ Vòng Cung để ăn món pizza hủ tiếu nổi tiếng và mua hủ tiếu tại lò, Sau đó mình lên đường về, kết thúc 2 ngày khám phá Tây Đô. Chắc chắn mình sẽ quay lại đây nhiều hơn để khám phá những điểm mà mình chưa đi hết.