Ngũ Chỉ Sơn hay núi Ngũ Chỉ là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Mặc dù chỉ cao 2858m, nhưng núi Ngũ Chỉ có hành trình chinh phục thuộc dạng khó bậc nhất trong các dãy núi của Việt Nam.
Ngũ Chỉ Sơn nhìn từ phía xa.
Để chinh phục Ngũ Chỉ Sơn thông thường có 2 cách: Leo từ bản Tả Giàng Phình, Bát Xát, Lào Cai hoặc leo từ bản Chu Va, Tam Đường, Lai Châu. Cuối cùng chúng tôi quyết định chọn cung đường khó nhưng đẹp hơn để đi đó là: Leo từ bản Chu Va, về từ bản Tả Giàng Phình.
22h ngày thứ 6 lên xe giường nằm thẳng tiến Sapa. Tưởng chừng như gần sáng chúng tôi mới có mặt tại đó nhưng không, 3h30 sáng chúng tôi đã đặt chân đến Sapa trong một ngày trời khá lạnh. Đi trong màn đêm như những kẻ hành khất đã mang lại cho chúng tôi những cảm xúc không thể diễn tả. Trong màn sương sớm tất cả đều huyền ảo đến không ngờ.
Khung cảnh mờ ảo lúc 4h sáng.
Đi mãi rồi cũng chán, Sapa hôm nay yên ắng đến lạ, ngoài một vài quán đồ nướng ra thì tất cả vẫn chìm sâu trong giấc ngủ còn dang giở. Không biết phải làm gì chúng tôi quyết định ngồi ven hồ đợi trời sáng, và rồi… hừng đông cũng ló rạng.
Hừng đông.
Sau khi điểm tâm nhanh bằng những bát phở nóng hổi, cả đoàn đợi chuyến xe 16 chỗ đưa mình lên đến địa điểm bắt đầu leo. Trong lúc chờ đợi không quên ghi lại những bức ảnh đẹp về Sapa buổi sáng sớm.
Sẵn sàng cho chuyến đi.
Điểm khởi hành là một trang trại cá hồi thuộc địa phận bản Chu Va, Tam Đường, Lai Châu ngay cạnh quốc lộ 4D. Sau khi phân phát đồ đoàn, 5 anh em siêu nhân bắt đầu chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn cùng sự giúp đỡ của Porter vui tính, hài hước nhất vịnh Bắc Bộ: A Sinh.
Điểm khởi hành leo Ngũ Chỉ Sơn.
Những bước chân đầu tiên đi qua một trang trại nuôi lợn rừng và gà gô rất thơ mộng, tiếp đó là một trại cá hồi rất lớn tiếp đó là một trại cá hồi rất lớn (tiếc là trong trận lũ quét lịch sử vừa rồi đã cướp đi của người dân tất cả). Trận mưa to vừa mới kết thúc làm cho đường rất trơn và nước suối dâng lên khá nhiều. Do không cẩn thận tôi bị ngã tại bước nhảy đầu tiên, quần áo lều bạt, máy ảnh đều rơi xuống suối, rất may là trục vớt kịp thời. Mục tiêu không để quần áo ướt đã không hoàn thành được ngay lúc bắt đầu. Chính vì sự cố đó cho nên toàn bộ quãng đường sau chúng tôi phải đi rất cẩn trọng.
Giúp nhau vượt suối.
Suối liền suối, đường đi cứ thế lắt léo từ bờ bên này sang bờ bên kia. Có những đoạn suối cao quá gối cùng với những tảng đá vô cùng trơn trượt như thách thức những kẻ chinh phục.
Nước suối cao quá gối.
Đến mức thanh niên khỏe nhất đoàn cũng không dám tự mình nhảy từ tảng đá này sang tảng đá kia mà phải nhờ đến kỹ thuật và sự quen đường của chàng porter nhiệt thành a Sinh.
A Sinh giúp đỡ A Linh.
Trai tráng đã thế, còn các bạn gái thì sao? Đối với họ, A Sinh như một vị chúa cứu thế được cử xuống trần gian để giúp đỡ mọi người. Đoạn đường leo suối kéo dài gần 3 tiếng, nếu không có người Porter ấy không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
A Sinh tận tình giúp đỡ các bạn gái.
Sau khi “bắt đủ ếch cho bữa tối” và nỗi “khiếp sợ suối” đến tột đỉnh, chúng tôi cũng được gặp con thác đầu tiên khá đẹp. Thác không quá cao nhưng khá ấn tượng. Chỉ dám tranh thủ chụp vài kiểu ảnh rồi tiếp tục đi tiếp bởi vì… đường còn xa.
Thác tí hon.
Nhưng điều bất ngờ không phải ở đây. Sau hơn 3 tiếng vượt suối chúng tôi gặp một kiệt tác của thiên nhiên, linh hồn của cung đường chinh phục Ngũ Chỉ Sơn theo hướng bản Chu Va, đó là thác Ngũ Chỉ Sơn (thác Chu Va) – Một trong những tuyệt phẩm của núi rừng Tây Bắc.
Thác Ngũ Chỉ Sơn nhìn từ xa.
Chụp ảnh kỷ niệm bên thác nước.
Đồng hồ điểm chính Ngọ, chúng tôi quyết định chọn vị trí gần thác nước làm nơi nghỉ trưa. Bữa trưa đơn giản chỉ bao gồm: cơm lam, bánh mì gối, ruốc… mà chúng tôi cảm thấy ngon đến lạ thường.
Bữa trưa đầu tiên.
Thác nước đúng là địa điểm nghỉ trưa lý tưởng. Nơi đây là địa điểm sống ảo tuyệt vời cùng với dòng suối trong vắt luồn lách qua những vách đá và xa xa là thác Ngũ Chỉ tuyệt đẹp. Lòng người như lặng xuống, mọi mệt nhọc đều biến đi đâu mất.
Nghỉ trưa bên thác Ngũ Chỉ Sơn.
Nhưng… tất cả điều đó chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 45 phút. Chúng tôi tiếp tục đi khi đồng hồ điểm 1 giờ. Buổi chiều quả là một cơn ác mộng, chúng tôi phải chạy đua với mặt trời. Nhưng, đi mãi, đi mãi vẫn chưa đến chỗ nghỉ.
Những tia nắng cuối ngày.
Cuộc đua chỉ dừng lại khi đồng hồ ghi dấu 23 giờ đêm. Nhanh chóng dựng lều, nấu cơm và nướng gà. Bữa tối chủ yếu là cơm bởi vì gà nướng không chín. Đành tự an ủi, bụng chúng ta tốt mà, gà chưa chín cũng ăn. Trong những lần leo núi trước đây chưa bao giờ chúng tôi phải vất vả như vậy, đến nỗi cô em trong đoàn liên tục thốt lên “hành xác mà”. Bỏ lại những mệt nhọc, chúng tôi nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ khi đồng hồ điểm 1 giờ sáng.
Tiếng chim trời đánh thức chúng tôi thức dậy, một buổi sáng tuyệt vời. Bao quanh lều chúng tôi là rừng trúc lùn kết hợp với những gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Trên cao mây chạy như có điều gì đó đang ngóng trông chúng và…xa xa là cả một biển mây trắng xóa. Ôi, cuộc sống tươi đẹp biết bao.
Mây của trời.
Cây lớn gần nơi cắm trại.
Biển mây ngay bên dưới.
Nếm trọn từng khoảnh khắc, hai thành viên quyết định dừng chân nghỉ tại lều. Lý do đầu tiên là cả hai mới leo núi lần đầu nên chân đau không thể đi tiếp, một phần là do tại nơi cắm trại cảnh cũng rất đẹp đủ để thỏa mãn 2 bạn ấy. 3 thành viên còn lại bao gồm cả tôi, ăn nhanh bữa sáng bằng mì tôm nấu với hài cốt gà, sau đó tiếp tục lên đường.
Bữa sáng có gì?
Hài cốt gà nấu với mì tôm.
Những tia nắng ban mai xuyên qua những ngọn núi báo hiệu một ngày đẹp trời nhưng không kém phần chông gai. Những con dốc liên tục làm chúng tôi liên tục phải dừng lại để nạp thêm năng lượng.
Tia nắng sớm mai.
Đoạn đường tiếp theo phải đi xuyên qua những khu rừng ma mị đã lâu không có dấu chân người, A Sinh biểu “lâu lắm rồi mới có đoàn đi theo hướng này”. Chúng tôi phải mở đường, lăn lê bò trườn qua những rừng trúc là cảm giác không thể thốn hơn. Nhưng bù lại là một khu rừng nguyên sinh khá đẹp.
Ngồi nghỉ tại gốc cây lớn.
Qua khu rừng trúc là đoạn đường toàn dốc là dốc nhưng khi ngoảnh lại thì… biển mây hiện hữu đằng xa giữa các ngọn núi như một nguồn động lực to lớn. Một khung cảnh thật tuyệt vời.
Biển mây phía đằng xa.
Không thể đắm chìm mãi trong khung cảnh ấy. Chúng tôi phải lên “đỉnh”. Nhưng đi mãi đi mãi mà câu hỏi “Ngũ Chỉ Sơn kia rồi sao đi mãi không đến?” vẫn không có câu trả lời.
Ngũ Chỉ Sơn nhìn từ đằng xa.
Càng lên đến gần đỉnh thì đường càng dốc. Chúng tôi phải lần mò từng bước trước một con đường ẩm ướt và trơn trượt. Vượt qua chiếc thang gỗ thứ 1 với cảm giác khá chênh vênh.
Chiếc thang thứ 1.
Chiếc thang thứ 2 xuất hiện. Đây là một chiếc thang do dân bản mới làm, ngày trước khi chưa có những chiếc thang này thì chúng ta sẽ không bao giờ lên đỉnh cao nhất của ngọn Ngũ Chỉ được.
Chiếc thang thứ 2.
Nhưng, đó chưa phải là chiếc thang kinh khủng nhất. Một chiếc thang gỗ trên vách đá dựng đứng là điều không dành cho những kẻ yếu tim. Đó chính là chiếc thang thứ 3 – chiếc thang cuối cùng dẫn đến đỉnh.
Chiếc thang lên thiên đường.
Cuối cùng sau hơn 3 tiếng vừa leo vừa nghỉ chúng tôi đã có mặt tại đỉnh cao nhất của đỉnh Ngũ Chỉ Sơn. Cảm xúc như vỡ ào khi cả một biển mây chào đón chúng tôi.
Biển mây nhìn từ đỉnh Ngũ Chỉ Sơn.
Đỉnh Ngũ Chỉ Sơn hồi chúng tôi đi chỉ có một thanh gỗ đánh dấu tọa độ nhưng hiện tại đã có chóp để các bạn có thể sống ảo. Vội vàng chụp những bức ảnh kỷ niệm ghi dấu hành trình chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, chúng tôi phải xuống thật nhanh trước khi trời tối.
Chụp ảnh kỷ niệm trên đỉnh.
Lên đỉnh thì sướng, nhưng xuống núi lại là một cuộc chạy đua không tưởng. Chúng tôi phi ầm ầm xuống những con dốc, xuyên qua những rừng cây bụi đầy gai nhưng phải hơn 2 tiếng chúng tôi mới có mặt lại tại điểm cắm trại. Rất may là 2 thành viên nữ ở lại đã thu dọn đồ đạc ngon lành, chúng tôi nằm vật ra đất nghỉ trong chốc lát khi đồng hồ đã điểm 2 giờ chiều.
Tranh thủ nằm nghỉ một chút.
Đường xuống núi gian nan không kém, một phần là do sức của cả đoàn đã suy giảm, tôi có cảm giác trúng gió nhẹ; một phần là do phải vượt qua những ngọn núi quá cao cho nên tốc độ của đoàn chậm như rùa bò. Một chút lại phải dừng lại nghỉ để nạp năng lượng.
Nằm nghỉ bên vách đá.
Đường về vẫn tràn ngập mây và rừng già, nhưng bóng tối đang chuẩn bị bao trùm. Những đoạn dốc cao, con đường trơn trượt và bóng tối như lấy đi chút sức lực cuối cùng của cả đoàn.
Đường về vẫn ngập mây và núi.
Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy hoang mang như bây giờ: đi trong vô định, tụt xuống dốc bằng mông, đèn pin chuẩn bị hết điện. Cảm giác là kẻ thua cuộc đang dần hiện ra trước mắt. Đúng lúc đó thì ánh đèn của trang trại cá hồi phía Tả Giàng Phình xuất hiện, tuy phải mất hơn 2 tiếng đi xuyên màn đêm nữa mới đến đó nhưng đó cũng là động lực không hề nhỏ, giống như “ánh sáng phía cuối con đường”. Chúng tôi chỉ có thể đến trang trại cá hồi vào thời khắc nửa đêm. Thật may mắn là anh lái xe vẫn kiên trì đợi chúng tôi không thì cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra…
Cơn mưa lất phất dừng như muốn xóa nhòa tất cả những dấu chân, những nỗ lực của cả đoàn trong suốt khoảng thời gian chinh phục. Nhưng chúng tôi sẽ mãi giữ những kỷ niệm đó trong tim của mỗi người.
Cuộc chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn đã kết thúc, bỏ lại những con suối, thác nước và những khu rừng ma mị chúng tôi về đến SaPa khi đồng hồ đã điểm 1h30 sáng. Một cung đường hành xác nhưng đáng nhớ. Chân thành cảm ơn A Sinh, một người dẫn đường nhiệt huyết và tốt bụng. Cảm ơn các bạn của tôi đã cùng tôi vượt qua 48 giờ không thể nào quên.
Những chú ý không nên bỏ qua
Lịch trình tham khảo 2 ngày 3 đêm
Kinh phí tự tổ chức: 1.500.000 VND. Porter A Sinh: 0857012105 hoặc Phàn A Páo: 01273800220.