1. Các địa điểm check-in tại Đà Lạt
Đà Lạt mộng mơ và xinh đẹp đến nỗi mỗi góc phố, mỗi địa điểm ở đây cũng trở thành một địa điểm check – in không thể bỏ qua. Điểm đầu tiên, tớ ghé qua chính là chợ Đà Lạt.
Khu Hoà Bình – chợ Đà Lạt
Tớ có một tình yêu với Đà Lạt mộng mơ đến nỗi cứ mỗi hai tháng tớ lại có mặt ở đây để ngắm nhìn những khoảnh khắc đẹp đến nao lòng của thành phố thân thương này. Lần nào ghé qua, tớ cũng không thể bỏ qua chợ Đà Lạt. Chợ truyền thống chính là một cái hồn của thành phố đó, là một nơi mà mọi người có thể nhìn thấy toàn bộ bản sắc ở đây.
Hoàng hôn bên chợ Đà Lạt.
Đà Lạt nhỏ xíu nhưng lại có sức hút kỳ lạ. Mà có gì đâu nhỉ? Chỉ là cà phê Tùng ở góc ngã ba cũ chợ Hòa Bình, những con dốc nhỏ chạy dài theo những ngôi nhà xinh xắn chỗ cao chỗ thấp hay cánh rừng thông xanh rì cùng mặt hồ lấp lánh… Ấy mà hay, năm này qua năm khác, người ta vẫn nhớ nhung đến nao lòng về một Đà Lạt mờ sương và đặc biệt hơn là khu chợ đêm sầm uất, náo nhiệt – điểm nhấn tạo nên nét văn hóa truyền thống độc đáo mà chỉ riêng Đà Lạt mới có.
Cái hay của Đà Lạt là ở chỗ người ta chỉ cần đi mà không cần phải lên kế hoạch trước. Cứ tới Đà Lạt thì lại đi loanh quanh, ăn vài món thân thuộc, ngồi nhâm nhi ly cà phê, dạo chợ đêm hưởng cái lạnh rồi lòng sẽ nhẹ tênh lúc nào chẳng hay…Sát góc bên trái của rạp Hoà Bình là những ki ốt bán hàng lưu niệm của người Đà Lạt, trong đó có một vài người gốc Bắc. Mỗi lần đi "bát phố" ở khu này, người ta sẽ thấy vẻ mặt "hơi hằn học" của các ông chủ, bà chủ có tiệm sát rạt khu Hòa Bình, nhưng chẳng phải ngại vì thật ra các ông bà chủ khu này đều là người dễ thương, hiền lành và tốt bụng.
Khu Hòa Bình.
Nhịp sống chậm của người dân nơi đây.
Nhà thờ Cam Ly
Trong không khí buổi chiều lạnh, một ngôi nhà rông lẩn khuất dưới những cây thông, gợi lên sự trầm mặc của một miền Sơn Cước (một tên gọi khác của Nhà thờ Cam Ly – số 1, Nguyễn Khuyến, phường 5, Đà Lạt).
Nhà thờ Cam Ly được xây dựng vào năm 1959 và hoàn thành vào năm 1967, từ ý tưởng của linh mục người Pháp Boutary về một ngôi nhà chung của Chúa và Yàng. Những người tạo tác nên Nhà thờ Cam Ly đã thể hiện sự hội nhập văn hóa qua nghệ thuật kiến trúc khi thể hiện sự sùng bái chúa trời hòa nhập vào sự sùng bái Yàng. Bao trùm lên nhà thờ là mái nhà cao 17m sừng sững được kết từ 80 ngàn viên ngói lá (ngói liệt) có trọng lượng 90 tấn. Nhìn xa giống như lưỡi búa khổng lồ nằm vắt ngang trời, gợi lên hình ảnh dụng cụ lao động, vũ khí thô sơ gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Kết cấu chịu lực chính là khung cột bê tông cốt thép để trần không tô, tường lấp xây đá kiểu dày 40cm, cao 2m, bên trên là hàng kính màu. Cột cao 3m với kích thước 20 x 50cm được liên kết chặt chẽ với kết cấu đỡ mái hệ giàn kèo gỗ ghép vượt khẩu độ 12m trông thật ấn tượng. Để lợp mái nhà có độ dốc lớn như vậy, người ta đã cho đục lỗ vào gờ móc 80.000 viên ngói phẳng để luồn dây kẽm rồi buộc chặt ngói vào litô. Vẻ đẹp như in vào từng phiến đá, từng viên ngói rêu phong.
Những ô cửa đầy sự độc đáo.
Cấu trúc mái đặc trưng
Bước vào nhà thờ trước cửa là bức tượng hình hai con hổ và phượng hoàng tượng trưng cho sức mạnh của chúa sơn lâm và uy nghiêm tôn kính của loài chim phượng hoàng. Mặt bằng nhà thờ hình chữ nhật đơn giản có diện tích 324m2, trong đó 1/3 diện tích dành cho cung thánh, 2/3 diện tích còn lại là nơi dành cho tín đồ cầu nguyện. Các bức vách ở thánh đường được thiết kế, liên kết với nhau bằng hững bức tường lửng xây đá chẻ có độ cao 2m, trên đó lắp các cửa kính màu xanh, nâu, vàng với nhiều hình dạng khác nhau từ hình vuông, hình tam giác tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Khi ánh mặt trời hay đèn điện chiếu sáng sẽ tỏa ra những khoảng màu sắc hết sức rực rỡ.
Cánh cửa bước vào nhà thờ.
Tất cả các lối đi lại ở nhà thờ đều được lát đá nên đi lại khá dễ dàng và sạch sẽ. Điều làm mình thích thú ở đây nhất đó là ngoài sự tôn nghiêm, cổ kính nơi đây còn là nơi cư trú của khá nhiều em nhỏ cơ nhỡ, hoàn cảnh khó khăn người đồng bào. Nghe Sơ Đào (người phụ trách nhà thờ) cho biết: Từ trước khi xây dựng nhà thờ, nơi đây đã cưu mang nuôi dạy nhiều thế hệ trẻ em đồng bào dân tộc nghèo quanh vùng. Sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào giáo dân quanh nhà thờ được về định canh định cư tại các buôn làng thuộc xã Tà Nung – Đà Lạt, K’rèn, K’Long, Đarahoa (xã Hiệp An – Đức Trọng), nhà thờ trở thành nhà nguyện của dòng tu Mến thánh giá. Theo truyền thống nuôi dạy trẻ, từ năm 1990 đến nay các sơ lại đi về những buôn làng dân tộc ở Đam Rông, Di Linh đưa những trẻ em nghèo về nuôi cho ăn học từ lớp 1 đến vào đại học. Có gần 50 trẻ em đủ mọi lứa từ 6 – 18 tuổi là con gia đình đồng bào nghèo, đông con được các sơ nuôi dạy với tất cả trách nhiệm. Lứa này lớn lên vào đại học, lứa khác lại đến. Không khí ấm cúng như một đại gia đình, đứa lớn giúp các sơ chăm sóc đứa nhỏ. Đã có nhiều em tốt nghiệp đại học, lập nghiệp ở Tp.Hồ Chí Minh, có em trở về buôn làng mình làm cô giáo, y bác sĩ, có em quay lại đây cùng các sơ nuôi dạy đàn em.
Hoàng hôn dã chiến
Nếu được hỏi một câu về Đà Lạt rằng bạn mê mẩn cái gì ở nơi thành phố ngàn hoa này? Có người sẽ trả lời rằng họ mê những mùa hoa Đà Lạt với sắc màu rực rỡ khắp trời mây. Có người lại khá yêu bức tranh ảm đạm và huyền hoặc rừng thông. Cũng có du khách lại mê mẩn những khoảng màu nhộn nhịp của cuộc sống tại Đà Lạt và những món ẩm thực hút hồn. Còn riêng với tớ, điều khiến tớ vô cùng yêu mến ở xứ Đà Lạt này chính là những chiều hoàng hôn tím, an yên và đậm đà.
Hoàng hôn bên những tán thông.
Nếu như bình minh của Đà Lạt mang đến cho du khách những xúc cảm tươi mới, rực rỡ của một ngày nắng nhẹ, phủ đầy sương khói và mây trời thì hoàng hôn Đà Lạt lại mang đến cho con người ta cái cảm giác yên bình sau một ngày làm việc và học tập nặng nề.
Đà Lạt được ví là mảnh đất mùa nào cũng đẹp, giờ nào cũng khiến cho ta phải yêu thích đến vô cùng. Dù là mùa xuân hay mùa thu, dù là ngày nắng hay ngày mưa, dù là mùa hoa hay mùa săn mây hay dù là bình minh hay hoàng hôn, Đà Lạt cũng thể hiện vẻ đẹp của mình một cách rất riêng, không lẫn vào đâu được. Hoàng hôn Đà Lạt chính là vẻ đẹp đặc trưng riêng biệt của Đà Lạt.
Hoàng hôn Đà Lạt chưa hẳn là vẻ đẹp xuất sắc và hoàn hảo của tự nhiên nhưng chắc hẳn một điều rằng, hoàng hôn Đà Lạt là vẻ đẹp rất thực, rất quyến rũ khiến bất kỳ người du khách nào cũng phải mê. Bởi đơn giản rằng, hoàng hôn Đà Lạt biết cách để khiến người ta cảm thấy cuộc sống nào còn nhiều điều bình yên lắm!
2. Các quán cà phê ở Đà Lạt
Cà phê bà Năm
Chắc ai đến Đà Lạt thì cũng đã quen hoặc từng ghé ngang qua cà phêTùng, DaLat Night, Diễm Xưa hay những quán rất mới và “chất” như cà phê An, Là Việt… Còn quán cà phê Bà Năm thì chắc ít người biết, mà cũng phải thôi cái quán nhỏ teo nằm bên góc đường với dăm ba cái ly loại xưa rồi, in ít mấy loại nước uống và dăm ba cái vợt treo ngoài hẻm vắng. Vậy mà quán bao giờ cũng đông khách, những vị khách người Đà Lạt.
Đã hơn nửa thế kỷ nay, bà Năm và quán cà phê nhỏ vẫn lặng lẽ cạnh bến xe thành phố, nay là con phố tấp nập Phan Bội Châu. Quán chẳng mấy khi vắng khách, nhưng vẫn giữ được cái bình yên, trầm lặng giữa nhịp sống hối hả.
Cà phê bà Năm không dành cho những ai vội vàng. Dù đông khách đến đâu, người chủ quán hơn 80 tuổi vẫn bình tĩnh, chậm rãi chế từng mẻ cà phê, sao cho đến tay khách phải là ly cà phê hoàn hảo nhất. Có lẽ cũng quen với điều đó mà khách đến đây chẳng ai giục, ai cũng bình thản chờ đến lượt mình.
Khách ruột của quán thường ở độ tuổi trung niên. Người ngồi đọc báo sáng, người ôm theo cây đàn, người lặng lẽ châm điếu thuốc… Thỉnh thoảng, cũng có vài vị khách du lịch nghe tiếng tìm đến uống thử thức cà phê pha bằng vợt độc đáo.
Ngồi cà phê bà Năm, hiếm ai nghe thấy chuyện hợp đồng lớn nhỏ ra sao, hay dự án cũ mới thế nào. Cũng chẳng mấy ai cắm mặt vào smartphone hay hỏi password Wi-Fi là gì. Người ta gần gũi, sát lại với nhau hơn bởi những câu chuyện thường ngày, những kỷ niệm của một Đà Lạt trong thì quá khứ.
Thay vì pha bằng phin, cà phê của bà Năm sẽ được lọc qua một chiếc vợt. Chiếc ấm nhôm hứng những giọt cà phê được đặt bên trên một chiếc ấm đun nước khác. Hơi nước bốc ra từ chiếc ấm này sẽ giúp cho cà phê giữ được độ nóng cũng như hương thơm đặc trưng.
Không phải ai cũng thích cà phê pha bằng vợt, song nếu đã trót nghiện thì khó lòng đổi sang loại khác. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao có những người Đà Lạt đã uống cà phê ở quán bà Năm suốt 50-60 năm nay.
Khách quen có, khách đến lần đầu cũng có, đôi khi chẳng ai quen ai nhưng không khí buổi sớm ở đây lúc nào cũng rôm rả và gần gũi. Hễ nhắc đến quán cà phê vợt bà Năm thì bất kỳ ai từng ghé qua đều tấm tắc khen.
Cafe Tùng
Nhắc tới Đà Lạt, không ai có thể không nhắc tới Cafe Tùng, một hương thơm quyến rũ riêng biệt của xứ này.
Cafe Tùng luôn mang một nét đẹp hoài cổ
Chủ quán cà phê Tùng, thường được mọi người gọi một cách thân mật là “chú Tùng”, vốn là người Bắc di cư vào Đà Lạt. Café Tùng, đã hơn 50 năm, là một phần không thể thiếu của Đà Lạt, một phần cuộc sống của người dân xứ mộng mơ cũng là một phần ký ức của người đi xa mỗi khi nhớ về xứ ngàn hoa.
Trước đây quán còn mở bán cả trên ban công nhỏ ở lầu 1, chỉ có duy nhất 1 bàn. Nhưng nay do nhu cầu sử dụng của thế hệ sau, quán không còn phục vụ cà phê trên ban công nữa. Cà phê Tùng có sức hấp dẫn đặc biệt với những nghệ sĩ ưu tú của Đà Lạt và miền Nam trước năm 1975 như Từ Công Phụng, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, … Nơi đây từng chứng kiến buổi đầu gặp gỡ của ca sỹ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cũng là nơi cặp đôi nghệ sỹ Lê Uyên và Phương chọn làm điểm hẹn hò.
Đến nay quán vẫn được giữ gìn và bảo quản tốt, không gian gần như nguyên vẹn từ chiếc ghế da đến những bức tranh nhuốm màu thời gian trên tường. Đặc biệt, nhạc Pháp vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu tại đây. Ca từ lãng mạn của dòng nhạc này hòa quyện với không gian sang trọng một thuở xưa kia làm cho khách tới đây như được đi một chuyến du hành tới quá khứ của Đà Lạt. Tới đây có lẽ bạn nên thay chiếc điện thoại thông minh bằng một cuốn sách yêu thích trong lúc chờ từng giọt cà phê tí tách nhỏ.
Quán Đương
Nếu bạn nào ghé Đà Lạt, muốn tìm cho mình một nơi thật yên tĩnh để thả hồn, để tâm hồn được chìm vào một không gian hoài niệm thì đừng quên ghé Đương nhé. Quán nằm ở 31 đường 3/4.
Một buổi chiều tại Đương. Nằm trong hốc hác rừng ngay tại trung tâm, đường xuống cho bạn một cảm giác không thể nguy hiểm hơn : vừa dốc nhưng bên phải lại là vực nữa nên phải thật cẩn thận. Nhưng có vẻ như đó lại là ấn tượng khiến mình cảm thấy thích thú, đời đâu có gì hay ho mà lại không trải qua cái khó gì đó ? Đương lọt thỏm giữa thung lũng, chả có wifi đúng như chất xưa của nó…. Và mọi thứ, mọi người ở Đương rất mộc mạc và yên tĩnh. Một nơi đáng đến để tận hưởng cuộc sống.
Căn bếp ở Đương
Căn nhà ghép từ những mảnh gỗ cũ mà được chăm chút , bày trí gọn gàng xinh xinh làm nhớ tới nhà bà nội lúc bé tí. Xung quanh chỉ có vườn xanh mướt, rừng thông hoang vắng, không bóng người. Mấy món nước do quán tự làm đều siêu ngon.
Phía góc thiên nhiên bên ngoài
Ở Đương mọi góc đều rất thơ
Mọi góc ở Đương đều được tận dụng làm bằng gỗ
Góc cửa sổ nhà Đương
Tiệm cafe tháng 3
Tiệm Cafe Tháng 3 dù là “lính mới” trong hàng ngàn tiệm cà phê tại Đà Lạt, chẳng vì vậy mà Tháng Ba lại thiếu sức hút. Một lần ghé tới là mang thương nhớ, muốn trở lại một lần nữa nếu có cơ hội.
Quán tọa lạc ở 23 Yên Thế, phường 10. Mặc dù không nằm ở một vị trí đắc địa, một con đường sầm uất ngợp bóng người qua lại ở Đà Lạt, thế nhưng Tiệm vẫn cuốn tim biết bao kẻ khờ mộng mơ tìm đến để một lần được thả hồn mình vào cái gọi là không gian cafe đúng nghĩa.
Cái tên "Tiệm cafe tháng ba" gắn liền với một chuyện tình rất đáng yêu. Thoạt đầu "Tiệm" chỉ mới là đam mê nung nấu gần 10 của bạn Trịnh Sang, Sang gắn bó với cafe từ rất sớm và luôn ao ước có một tiệm cafe riêng cho mình. Vào một ngày tháng 3 gió nhẹ, Sang gặp và yêu Pi, hai bạn trẻ đến với nhau cùng một đam mê đã biến những ước mơ và đam mê ấy thành "Tiệm cafe tháng ba".
"Tiệm cafe tháng ba" là một nơi lý tưởng cho những ai yêu thích sự yên tĩnh, cần không gian suy tư và sáng tạo, là nơi cực tuyệt cho những ai muốn "trốn" và muốn thưởng thức cafe đúng cách nhất. 80% thức uống tại "tiệm" đều là những món cafe khác nhau, các loại hạt đến từ nhiều nơi, nhiều nhà rang khác nhau với mong muốn mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho mọi thực khách khi đến đây.
Đến với Tiệm các bạn hãy mang theo một cuốn sách nhé
View từ Tiệm đẹp đến nao lòng
Dew Mountain View
Người ta thường hay hỏi nhau về thời tiết Đà Lạt trước khi đến. Người ta sợ những ngày thời tiết xấu, không có nắng, lạnh lẽo, ẩm ướt. Người ta sợ không thể đi chơi, chụp hình không đẹp. Nhưng mấy ai biết rằng, có một Đà Lạt rất thật, dịu dàng êm ái, đầy hoài niệm, dưới những cơn mưa dài.
Đồi Dã Chiến (đoạn Hùng Vương hướng về Trại Mát, gần nhà máy bia, thung lũng đèn), không chỉ nổi tiếng vì cảnh hoàng hôn đẹp, tuyệt đỉnh của nơi này là ngắm mây đổ về thung lũng sau cơn mưa, dưới thung lũng cực rộng lớn, nhìn ra đỉnh Pinhatt hùng vĩ đằng xa. Quay về một hướng khác, là thấy thành phố ở dưới thấp hơn, trập trùng mờ ảo sau màn sương.
Dew Mountain View có lẽ không phải là homestay, họ gọi là hệ thống phòng view núi, nằm trên đồi Dã Chiến. Đúng như tên gọi, các phòng của Dew đều có tầm nhìn ra núi. Có phòng là ô cửa sổ kính lớn bên giường, có phòng sở hữu dãy cửa kính dài, nằm dưới tán rừng thông, nhìn về thung lũng. Cảm giác ở đây hoàn toàn khác lạ.
Cũng là mây đó, cũng là sương Đà Lạt đó thôi, nhưng hùng vĩ gấp nhiều lần. Mây tràn vào phòng sau cơn mưa là chuyện thường thấy. Khá thú vị.
Mọi góc ở Dew đều đem lại một cảm giác thú vị
Khách đến với Dew để cảm nhận một Đà Lạt yên bình
Dew Mountain View không có nhiều góc sống ảo, cái đẹp nơi này mang lại đến từ tự nhiên, rừng núi, cây cối, hoa cỏ. Phòng của Dew đủ tiện nghi, ấm áp, chủ nhà phục vụ khách theo quy chuẩn, tận tâm khi cần.