Chèo thuyền trên dòng thác Gia Long

27

Khi nghĩ về Tây Nguyên, nhiều người thường vô thức nghĩ đến một vùng đất khô cỏ cháy, đặc biệt nóng bức và khắc nghiệt vào mùa hè. Thế nhưng mình lại có một lời hứa với chỉnh bản thân, rằng sẽ luôn quay lại Buôn Mê Thuột vào mùa hè. Mùa hè đại ngàn có một sự cuốn hút lạ kỳ mà không đâu có được: Thác hùng vĩ, suối róc rách, dòng nước sông hiền hòa ngập cánh bướm bay. Nếu không phải người quá mạo hiểm, bạn vẫn có thể trải nghiệm trọn vẹn những nét đẹp này khi xuôi theo dòng – một trong những con thác nổi tiếng nhất ở đây. Bạn vẫn sẽ được leo núi, ngắm cảnh, chèo thuyền và chạm tay vào con thác hùng vĩ đậm chất Tây Nguyên, trong một nhịp đi vừa đủ “chậm” để kịp “cảm” hết cái đẹp của nó.

thác Gia Long

Khung cảnh hùng vĩ của sông nước và núi đá trên đường tới thác Gia Long.

Về thác Gia Long

Đắk Lắk và Đắk Nông chỉ cách nhau một chiếc cầu chảy qua dòng sông Sêrêpôk, trên dòng chảy này của mình, nó đã tạo ra những con thác nổi tiếng như thác Dray Nur, Dray Sap, cùng một con thác nằm giữa đường biên của cả hai tỉnh, là thác Gia Long.

Tên ban đầu của Gia Long là Dray Sap Thượng, cho đến khi vua Bảo Đại tình cờ ghé thăm và cảm khái trước vẻ đẹp của nó, bèn dùng tên của vị vua triều Nguyễn là Gia Long để đặt tên cho thác. Điều thú vị của con thác này là mỗi bờ của nó thuộc về hai tỉnh khác nhau: Một bên của Đắk Lắk và bên kia của Đắk Nông. Cả hai bờ đều có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác theo những góc độ khác biệt.

Đặc tính này của thác cũng gắn liền với một câu chuyện cổ: Truyền thuyết kể rằng ngày xưa, con sông Sêrêpốk mới chỉ vẫn là một dòng nước nhỏ bình thường chảy quanh làng thì nó trở thành ranh giới phân định hai ngôi làng ở đây. Có một đôi trai gái ở hai làng yêu nhau, nhưng mối tình vừa bị ngăn cách địa lý, vừa bị gia đình hai bên cấm cản. Không còn cách nào khác, hai người cùng nhau gieo mình xuống sông để được bên nhau trọn đời. Cũng kể từ đó, địa điểm này thường xuyên xuất hiện những con sóng to, dần dà tách dòng sông thành hai nhánh khác nhau, và một trong hai nhánh sông đó đã tạo nên Dray Sap thượng – hay Gia Long – ngày nay.

Đến năm 1993, dòng thác này đã được công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia. Trong vô vàn con thác đẹp ở Việt Nam, Gia Long hay Dray Sap Thượng không quá to hay dài nhưng có nét đẹp rất riêng biệt. Nó nằm giữa không gian xanh rì rộng lớn, thác nước quanh năm trắng xoá đổ dài như lụa, khói mờ nhân ảnh, xen lẫn các mỏm đá cổ hình thú bí hiểm cùng nhiều truyền thuyết dân gian cổ xưa. Quang cảnh ở thác Gia Long vừa có chút hoang dại, lại vừa rất thư thái và đem đến cảm giác yên bình.

thác Gia Long

Một buổi chiều thảnh thơi bên thác.

Lịch trình chèo thuyền xuôi thác

Chúng mình quyết định xuôi dòng Gia Long chỉ trong vòng 30 phút, vào một buổi sáng đã ăn xong đặc sản phở khô, ngắm hết biển hồ và… chẳng biết làm gì nữa. Thật sự phí phạm khi ở giữa Tây Nguyên mà người ta chỉ có ăn và uống cafe hết ngày như ở thành phố. Vậy là quyết định tìm tour trải nghiệm thiên nhiên, với niềm tin rằng cảnh đẹp nơi đây đủ hùng vĩ và choáng ngợp, để người ta bỏ qua cái tính thương mại cố hữu của các tour du lịch.

Thật may là mình đã tin đúng.

Sau khoảng 1 tiếng đi xe, từ trung tâm Buôn Mê Thuột, chúng mình đã tới thác Dray Nur. Đầu tiên, bạn sẽ đạp xe địa hình để di chuyển từ Dray Nur tới thác Gia Long. Đoạn đường khoảng 2-3 km nhưng cảm giác dài… gấp đôi vì nắng to và đường khá dốc. Đổi lại là hai bên đường vẫn nhiều bóng cây, cùng toàn cảnh buôn làng và đời sống địa phương sẽ dần bày ra trước mắt. Nếu sức khoẻ kém, bạn có thể chọn đi ô tô tới thẳng thác Gia Long, nhưng riêng mình vẫn nghĩ “cố sức” một chút thì sẽ được hưởng chiếc view đẹp hơn nhiều.

Điều đặc biệt là tour có quy mô nhỏ, tối thiểu 2 người, đi kèm một hướng dẫn viên người đồng bào bản địa. Suốt chặng đường đi chúng mình như những người bạn, được dạy vài từ thông dụng trong tiếng Ê Đê, nghe kể về văn hoá của người dân tộc, cả những câu chuyện về địa lý của vùng đất này.

thác Gia Long

Chúng mình đạp xe tới địa điểm chèo thuyền và vượt thác.

Phần thú vị nhất của chuyến đi là chặng thứ 2: Trekking 500m trên những triền đá cổ xưa của dòng Sêrêpôk. Để tới được khu vực chèo thuyền vượt thác, bạn buộc phải đi bộ trên những phiến đá trầm tích hàng trăm năm này. Theo hướng dẫn viên người đi cùng chúng mình, đây là bãi đá trầm tích chìm sâu trong nước từ xa xưa. Khi đập thuỷ điện được xây, nó ngăn dòng nước của sông nên bãi đá bị phơi lộ, đẹp đến sững sờ. Vỉa đá trầm tích mênh mông, bạt ngàn các loại đá cổ hình thù độc nhất vô nhị, xếp lớp cầu kỳ cùng các vết cắt tự nhiên sắt như dao chém. Dựa trên các gam màu nâu, đen, đỏ đan xen, người ta có thể xác định đá trầm tích từ lục nguyên kỷ Jura. Từ những vỉa đá này có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh dòng Sêrêpôk với đá, cây và suối đan xen: Hùng vĩ, hoang sơ như cái hồn Tây Nguyên.

Nếu tới đây nhất định phải làm một bộ ảnh “sống ảo” mang về nhé!

thác Gia Long

Vỉa đá trầm tích nơi ai cũng dừng lại để chụp một tấm ảnh kỷ niệm.

Hoạt động chính của chương trình bắt đầu khi chúng mình được xếp thuyền: Cứ hai người vào một thuyền phao, kèm một HDV và người lái thuyền. Phần còn lại thì hoàn toàn tin tưởng vào tay nghề của người bản địa. Công bằng mà nói, hành trình trên sông Serepốk không quá khắc nghiệt, nhưng chia làm nhiều chặng với cảnh quan độc đáo, khác biệt, đem lại trải nghiệm biến hoá khó quên. Chúng mình bắt đầu từ chân thác Gia Long hiền hoà yên ả, màu nước ngọc bích như một tuyệt tình cốc trong truyện cổ:

thác Gia Long

Địa điểm “tập kết” với chiếc cầu gỗ rất xinh.

thác Gia Long

Màu nước ngọc bích xanh ngắt, hứa hẹn một hành trình đáng nhớ.

Thuyền phao tiếp tục lướt đi giữa hai bờ sông với những dãy núi xanh ngắt hùng vĩ và nên thơ. Ở chặng đầu của thác, chưa có nhiều chướng ngại gập ghềnh hay gay cấn, có thể không đủ thỏa mãn những người ưa mạo hiểm. Đổi lại, nếu đi vào đầu mùa hè – đặc biệt là tháng 4 đến tháng 5 – sẽ bắt gặp từng đàn bướm bay lượn trên mặt nước. Mùa bướm của Tây Nguyên rơi vào hạ chí, khi mưa vẫn thưa và nước thì trong xanh nhất, tạo nên một tổ hợp lung linh huyền ảo, đẹp khó quên.

Đến khi gặp thác, bạn sẽ được dừng lại ngắm nhìn dòng nước ào ào đổ xuống từ trên cao, trải dài như dòng lụa, phủ mờ hơi nước huyền ảo. Lúc này mình mới hiểu cái tên “Dray Sáp’ – tức là “khói’ mà người bản địa đặt cho nó. Hiếm có hành trình nào mà người ta được ở gần thác thiên nhiên như vậy, nên tới đây thì bạn cứ mạnh dạn dừng lại lâu chút, chạm tay vào thác, cảm nhận nét đẹp nguyên sơ của tự nhiên.

thác Gia Long

Khoảnh khắc “chạm tay vào thác” đáng nhớ nhất với chúng mình.

Thuyền tiếp tục vượt chướng ngại vật và ngày càng yên ả, cho tới khi chạm đến bến nước của người dân tộc bản địa. Đây là khu vực không quá sâu, gần như không còn đá, nước trong và lặng, có thể dừng để tắm, nghỉ ngơi dừng chân, thong thả ăn bắp nướng và ngắm nhìn sông nước Tây Nguyên ở một khía cạnh khác: Thanh bình và cực kỳ chill.

thác Gia Long

Chúng mình nghỉ ngơi ăn khoai nướng…

thác Gia Long

… bơi lội và đi dạo giữa bến nước yên bình.

Chặng cuối của cuộc hành trình thường rơi vào lúc chiều tà, thuyền cũng “tà tà” mà xuôi lại về Dray Nur. Không còn những vỉa đá cổ quái, những con thác ào ào, sông Sêrêpôk thanh tịnh lạ lùng trong cái nắng hoàng hôn dìu dịu. Từ đây có thể cảm nhận chân thực đời sống đồng bào hai bên sông, khi xen kẽ thuyền của du khách là những chiếc thuyền đơn sơ của người bản địa, cứ thong dong và khoan thai đồng hành.

Chúng mình cứ thể độc hành trên dòng Sêrêpôk, nằm ngửa ngắm bầu trời rộng như bất tận, trong tiếng nhạc phát ra từ điện thoại cùng tiếng kể chuyện chầm chậm của người hướng dẫn viên…

thác Gia Long

Hoàng hôn trên dòng Serepốk.

Trải nghiệm này gần như thay đổi cách nhìn của mình về tự nhiên Tây Nguyên, rằng nơi đây không chỉ nhiều đất đỏ còn trong mướt màu xanh, thảm thực vật trù phú và tươi mát vô cùng. Rằng nếu ví mỗi vùng đất như một cô gái thì Tây Nguyên hẳn là một cô nàng bí ẩn, sớm nắng chiều mưa, đôi lúc có thể rất dữ dội và khiến người ta choáng ngợp, lúc sau lại hiền lành và ung dung đến lạ.

Hành trình nửa ngày vượt thác Gia Long đã truyền tải trọn vẹn cái nét đẹp độc đáo ấy, xứng đáng thêm vào lịch trình khi đến Buôn Mê Thuột.

Thông tin tour

Những lưu ý cơ bản