Chinh phục đỉnh Putaleng ngày đại hàn

56

Tết dương lịch, trong những ngày đông giá rét khi mà nhiệt độ toàn miền Bắc đều xuống dưới 10 độ C, đáng nhẽ nên chăn ấm đệm êm ở trong nhà, chúng tôi quyết định chinh phục đỉnh Putaleng. Một hành trình đi trong mưa gió, giá lạnh đính kèm thêm những cảm xúc không thể thốn hơn đã được thực hiện.

Trưa chủ nhật, ngày cuối cùng của năm, nhiệt độ Hà Nội đã giảm xuống gần 10 độ C, khi mà tất cả đã nghĩ về những ngày nghỉ nhàn chán với những chiếc chăn và laptop, chúng tôi quyết định liên hệ với Porter để chinh phục đỉnh Putaleng.

Putaleng

Quang cảnh trên đường leo Putaleng.

Chuyến xe Ngân Hà lúc 22 giờ đêm tại bến xe Mỹ Đình đưa chúng tôi thẳng tiến xã Hồ Thầu, Tam Đường, Lai Châu. Xuống xe tại điểm mốc cách thành phố Lai Châu 17 km vào 4 giờ 30 phút, cảm giác đầu tiên ập đến chúng tôi đó chính là “lạnh”, sương mù giăng kín mọi nẻo đường. Dường như chỉ có 2 kẻ muốn chinh phục đứng co ro trên con đường đen kịt.

Putaleng

4 giờ 30 sáng trên đường.

Đón chúng tôi là một porter nữ rất đặc biệt tên Gôn, em là vợ của porter Đánh đã đưa chúng tôi chinh phục thành công đỉnh Tả Liên. Có lẽ số trời đã định để “Đánh Gôn” về chung một nhà. Bếp lửa hồng cùng một nồi nước nóng đã được chuẩn bị sẵn trước khi em ra đón chúng tôi. Một bữa cơm đơn giản kết hợp chút rượu “ngọc cẩu” đã làm ấm lòng những kẻ chinh phục.

Putaleng

Bữa cơm đầu tiên tại nhà Gôn.

Sương mù dày đặc kết hợp với cái lạnh căm căm vào buổi sáng làm cho chúng tôi 7 giờ 30 phút mới xuất phát để chinh phục đỉnh Putaleng. Một chú nhện nhỏ bé chăng tơ khi nhiệt độ là 8 độ C dường như muốn nói “ta có thể làm việc trong thời tiết này không lẽ bọn mi lại không?”.

Putaleng

Chú nhện ngày đại hàn.

Những bước đầu tiên có vẻ không khó lắm, vượt qua một con mương dẫn nước về bản trong khoảng 20 phút, bên ven đường là những cây dại vẫn nhiệt tình trổ hoa mặc kệ sự khắc nhiệt của thời tiết.

Putaleng

Những đoạn đường đầu tiên.

Chúng tôi bắt gặp con suối đầu tiên. Những tảng đá, thân gỗ lớn – tàn tích của một trận lũ quét, kết hợp với sương mù dày đặc dường như tôn thêm vẻ đẹp của những kẻ dám chinh phục.

Putaleng

Đi dọc con suối đầu tiên.

Đi dọc theo con suối một quãng đường khá dài, chúng tôi bắt gặp “thác tiểu” – một tên gọi vui do 2 cô nàng trong đoàn đặt. Tại đây 3 thành viên tha hồ chụp những bức ảnh đẹp và tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức để vượt qua quãng đường gian nan phía trước.

Putaleng

Thác tiểu.

Bắt đầu lên dốc và đi xuyên qua những rừng cây ẩm ướt, một chút mùi hương của cây thảo quả tăng thêm động lực cho các thành viên.

Putaleng

Bắt đầu lên dốc.

Có những đoạn dốc rất khó vượt, một thân cây lớn vô tình hay hữu ý đã giúp đoạn đường trở lên dễ dàng hơn.

Putaleng

Lên dốc cây.@ducle

Tưởng chừng những đoạn được tiếp theo toàn là dốc thì bỗng nhiên xuất hiện một đoạn suối đã tưới mát cho những tâm hồn đang dần trở nên u ám. Đây cũng chính là đoạn suối cuối cùng có thể bắt gặp trên đường đến lán nghỉ ngày đầu tiên.

Putaleng

Đoạn suối cuối cùng ngày 1.

Chia tay với suối, đập vào mặt chúng tôi là con dốc đầu tiên, một trong 3 con dốc kinh khủng nhất trên đường chinh phục đỉnh Putaleng. Độ dài con dốc có thể xếp vào hàng “vô đối”. Có những đoạn phải cần đến sự trợ giúp của những chiếc thang mới leo lên được.

Putaleng

Chiếc thang cứu trợ.

Kiệt sức sau quãng đường vượt dốc cả tiếng đồng hồ. Đỉnh của con dốc vẫn chưa thấy bóng dáng đâu, điều này có lúc làm cho chúng tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng, chính cảnh sắc trên đường đi đã phần nào làm cho suy nghĩ ấy dần lắng xuống. “Tại sao dưới 10 độ C mà tụi rêu nó vẫn xanh mướt thế nhỉ”? và hàng loạt câu hỏi khác đã được đặt ra.

Putaleng

Rêu tầng thấp.

Putaleng

Rêu tầng cao.

Bất chợp bắt gặp cảnh “ma mị” đến không ngờ, những cây cổ thụ mờ ảo trong trận mưa phùn tưởng như chúng tôi đang lạc vào một xứ sở thần tiên nào đó. Ôi! Mưa rừng và lạnh giá đôi lúc nó cũng có cái đẹp riêng của nó.

Putaleng

Cây cổ thụ trong trận mưa phùn.

Những trận mưa không ngớt mà ngày càng trở nên nặng hạt. Đi trong mưa kết hợp với trời lạnh làm cho sức con người giảm sút nhanh chóng. Sau bữa trưa nhẹ nhàng bao gồm: bánh mì kẹp giò; một ít bánh Chocopie…chúng tôi tìm được một hang sấy thảo quả của người dân địa phương để nghỉ ngơi.

Putaleng

Nghỉ trưa tại hang sấy thảo quả.

Chốn nghỉ thật thơ mộng. Bên trong hang đá chúng tôi có thể tránh những trận gió đang rít phía ngoài. Cầm trên tay những chiếc lá phong nhặt nhạnh được trên đường, hai cô nàng trong đoàn tha hồ sáng tác những bức ảnh đẹp.

Putaleng

Hợp lá phong thành một chiếc lớn.

Phía trên đỉnh hang là cây mang sắc đỏ ẩn hiện trong làn mưa mù, hỏi cô nàng porter cũng không biết tên của nó cho nên chúng tôi thống nhất gọi tên những loài cây không biết tên là “cây rừng” và đánh số thứ tự cho nó.

Putaleng

Cây rừng 1.

Phía dưới thung lũng là biển mù, lúc tràn lên bao quanh núi rừng, lúc kéo xuống tạo thành một sự kết hợp tương đối đẹp.

Putaleng

Thung lũng mây.

Nghỉ ngơi khá lâu mà trời vẫn không ngớt mưa, chúng tôi đành phải xách ba lô tiếp tục bước đi trước khi trời quá tối. Lên dốc, lên dốc là trạng thái duy nhất với cung đường dẫn đến lán nghỉ. Thi thoảng chúng tôi tìm được một chỗ dừng nghỉ rất đẹp, riêng cô nàng Porter đã chọn được cây sống ảo cho riêng mình. Thoắt cái đã thấy em ấy ở tít trên cao, và một bức ảnh đẹp được tạo ra.

Putaleng

Cây sống ảo của Gôn Porter.

Sau khoảng hơn 8 giờ đồng hồ vừa leo vừa nghỉ, chúng tôi đã thấy thấp thoáng bóng dáng của lán nghỉ từ phía xa. Nghĩ đến việc đêm nay chỉ có 3 thành viên ở lán làm cho mọi người “vừa hào hứng, vừa sợ”.

Putaleng

Lán nghỉ ở độ cao 2400 m.

Lán rất đẹp và rộng, bình thường có điện nhưng đen cho chúng tôi là hôm đó lại không hề có. Nhanh chóng chuẩn bị bữa tối trước khi màn đêm ập xuống. Quây quần bên bếp lửa cùng các món ăn nóng hổi bao gồm: thịt gà, thịt rang cháy cạnh và canh cải; 3 thành viên đánh chén ngon lành mặc kệ ngoài trời vẫn mưa rã rích.

Putaleng

Quây quần bên mâm cơm.

Hoạt động văn hóa văn nghệ được nối tiếp sau bữa ăn. Hai chị em nhà họ hát nhiệt tình những bài ca về Tây Bắc, về tình yêu; còn tôi chỉ biết im lặng thưởng thức cốc trà gừng và ngắm nhìn 2 con người ấy. Những phút sống chậm thật quá giá, hôm nay họ trông đẹp đến lạ. Tất cả chỉ dừng lại khi đồng hồ điểm 22 giờ, chúng tôi nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ để chuẩn bị sức cho 2 ngày tới, mặc kệ cái lạnh căm căm 6 độ C phía ngoài cánh cửa.

Gôn là người thức dậy đầu tiên vào buổi sáng hôm sau, em chuẩn bị nước nóng và bữa sáng cho cả đoàn rất chu đáo. Sau khi đánh bay bát mì tôm cải thịt trong vòng một nốt nhạt, 7 rưỡi cả đoàn xuất phát lên đỉnh Putaleng. Đoạn đường đầu tiên chưa dốc lắm, qua một khu rừng khá đẹp gồm những cây đại thụ.

Putaleng

Cây cổ thụ trên đường đi.

Đoạn đường tiếp theo phải vượt qua 7 rừng trúc tương ứng với 7 núi khác nhau. Lúc đi lên, khi lại đi xuống, thi thoảng lại xuất hiện những chỗ nghĩ ngơi rất thơ mộng. Mưa rất to làm cho những chiếc áo The north face không có tác dụng gì nhiều, chúng tôi phải mặt thêm một chiếc áo mưa bên trong mới chống lại được cái lạnh.

Putaleng

Nghỉ ngơi trong rừng trúc.

Nghỉ ngơi một chút rồi lại leo, cứ thế đủ 7 lần thì rừng trúc cũng lùi lại dần phía sau.

Putaleng

Dời xa rừng trúc.

Gần đến đỉnh, một rừng đỗ quyên vàng và đỏ chào đón đoàn. Dưới những cơn mưa mù, khu rừng trở nên ma mị đến lạ thường, tâm hồn của chúng tôi đắm chìm trong nó, chỉ có sự khắc nhiệt của thời tiết mới có thể lôi chúng tôi về với hiện tại – phải lên đỉnh trước khi quá lạnh.

Putaleng

Khu rừng đỗ quyên ma mị.

Vậy là, sau hơn 3 tiếng leo liên tục thì chóp inox mang tên Putaleng đã hiện ra trước mặt. Ôi! Chúng tôi đã chinh phục được đỉnh núi cao thứ 3 của đất nước. Tự hào với bản thân được thể hiện qua sự nhiệt thành của từng câu hát trong bài “Quốc ca” của dân tộc.

Putaleng

Đỉnh Putaleng ngày mưa gió.

Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy trên đỉnh ẩn chứa những vẻ đẹp thật bất ngờ. Vẻ đẹp có thể đến từ những khóm rêu, những cành cây phải hứng chịu sự khắc nhiệt của thiên nhiên hoặc những nụ hoa đỗ quyên các loại…Tất cả đều đến rất tự nhiên.

Putaleng

Họ hàng nhà rêu trên đỉnh.

Putaleng

Đời sống cộng sinh trên đỉnh.

Mặc dù băng giá không xuất hiện nhưng trên đỉnh nhiệt độ khá thấp. Chúng tôi chỉ dám tá túc trên đó gần 30 phút, điểm tâm nhanh bằng những chiếc bánh và tụt xuống nhanh nhất có thể. Trên đường về cả đoàn bắt gặp nhiều cây rất lạ nhưng thật mạnh mẽ và hiên ngang trước sự khắc nhiệt của thời tiết. Đầu tiên phải kể đến một cây mang sắc đỏ, vẻ đẹp của nó nổi bật cả một vùng xung quanh.

Putaleng

Cây rừng 2.

Sau đó phải kể đến họ hàng nhà cây, khi còn trẻ sẽ có màu xanh, còn khi về già sẽ dần chuyển sang sắc đỏ đang bình lặng nằm bên bờ suối.

Putaleng

Cây rừng 3.

Sau đúng 2 giờ tụt xuống gần như liên tục, chúng tôi trở về đến lán. Hãy nhìn chiếc quần mưa của tôi, các bạn sẽ thấy cung đường vừa trải qua nó lầy lội đến mức nào.

Putaleng

Trở về đến lán.

Bữa trưa nhanh chóng được chuẩn bị khi đồng hồ đã điểm 1 rưỡi chiều. Ăn bát mì tôm mà lòng cảm thấy vô cùng lo lắng – trời ngày càng mưa nặng hạt. Đợi mãi đến 3 giờ chiều, những trận mưa dường như không muốn dừng lại, chúng tôi quyết định đội mưa tụt xuống lán thứ 2. Thật may, đi được một khoảng thời gian ngắn thì mưa dần ngớt, đúng lúc chúng tôi gặp con suối đầu tiên trên đường xuống.

Putaleng

Con suối đầu tiên trên đường xuống.

Đường xuống hướng về phía bản Tả Lèng rất rất đẹp. Liên tục đi qua những khu rừng nguyên sinh siêu đẹp kết hợp với thảm thực vật bên dưới với đầy đủ các gam màu.

Putaleng

Nghỉ ngơi bên rừng nguyên sinh.

Một gốc cây đại thụ, bên cạnh vẻ già nua của nó vẫn toát lên những vẻ đẹp không thể diễn tả bằng lời.

Putaleng

Gốc cây đại thụ.

Sau 2 giờ tụt xuống liên tục, cả đoàn có mặt tại lán nghỉ. Nhưng thật đen đủi, chiếc lán đầy đủ chăn ấm đệm êm đã bị khóa, người giữ chìa khóa đã quên mất chúng tôi. Trời bắt đầu tối, tất cả đều cảm thấy hoang mang, câu hỏi “tối nay sống sót ra sao?” đã xuất hiện trong đầu tất cả các thành viên. Tất cả các phương án đã được nghĩ ra “phá khóa vào lán” hay “đi xuyên màn đêm để về với bản” nhưng tất cả đều không khả quan chút nào. Đúng lúc đó, một chiếc lán nhỏ của người chăn trâu đã cứu vớt chúng tôi. Không đầy đủ, nhưng ít ra cũng có chỗ tá túc. May mắn thay!

Putaleng

Lán của người chăn trâu.

Bên trong lán có một hốc đá lớn, các món cho buổi tối được chuẩn bị trong đó. Một bữa tiệc trong rừng bao gồm: thịt gà, thịt nướng, canh xương nấu khoai tây và ca rốt, canh cải và một chút rượu của anh chàng người H’Mông Lý A Phừ đã được chuẩn bị bằng sức lực của tất cả mọi người.

Putaleng

Chuẩn bị bữa tối ngày thứ 2.

Đêm xuống nhiệt độ giảm rất sâu, trong lán chỉ có 2 chiếc chăn, dường như nó quá nhỏ và mỏng để có thể che chăn cho 4 người. Tất cả đều không ngủ được, ai cũng mong trời sáng thật nhanh, ngay cả chàng trai người H’Mông cũng cảm thấy cái lạnh mặc dù đã “ăn 3 bát rượu”.

Người đầu tiên dậy là A Phừ, anh chàng nhanh chóng cho thêm củi vào bếp và không quên bắn một ly thuốc lào cho đời nở hoa. Chúng tôi cũng lò dò dậy theo, vì dù có nằm cũng không ngủ được. Bữa sáng ngon lành diễn ra trong khi trời vẫn tối.

Putaleng

Bữa sáng cuối cùng.

Trời sáng hẳn, những tia nắng đầu tiên xuất hiện trên một đỉnh núi. Sau 2 ngày lạnh lẽo cuối cùng ánh nắng cũng xuất hiện. Mọi thứ trở nên lung linh hơn, ngắm nhìn sự tương phản của 2 chiếc lán. Đầu tiên tôi nghĩ “lán to như thế không được nghỉ mà phải nghỉ ở lán bé tí tẹo” nhưng suy nghĩ đó nhanh chóng được đẩy lùi bằng “có chỗ nghỉ là tốt rồi, với lại có thêm một người bạn mới cũng vui”. May mắn vẫn mỉm cười với chúng tôi.

Putaleng

Ngắm nhìn 2 lán nghỉ.

Chia tay với chàng trai A Phừ dễ mến chúng tôi trở về với bản. Trước khi đi, tất cả đều không quên chụp bước ảnh kỷ niệm với nơi đã được ngủ cùng nhau.

Putaleng

Chụp ảnh kỷ niệm với A Phừ.

Đường xuống đi xuyên qua những vườn cây thảo quả của người dân, suối một lần nữa lại xuất hiện. Nắng sớm gần như bao chùm được nửa khu rừng.

Putaleng

Nắng bên rừng thảo quả.

A………..ú. Những tiếng hét thất thanh của tất cả thành viên khi chứng kiến cảnh tượng cả biển mây xuất hiện phía dưới vang vọng cả núi rừng. Thực sự phấn khích, mặc dù không thể chứng kiến biển mây trên đỉnh nhưng được ngắm nhìn nó tại bất kỳ nơi đâu đều là điều may mắn.

Putaleng

Biển mây Putaleng.

Xuống dưới một chút, bên cạnh bờ suối nơi chúng tôi dự định nghĩ. Một cảnh đẹp là sự kết hợp của ánh nắng, một chút sương mù và rừng cây được tạo ra. Tất cả đều ngẩn ngơ trước quang cảnh đó.

Putaleng

Những tia nắng rừng.

Ngay cạnh đó, một cây phong vẫn còn nguyên sắc vàng của lá làm cho vị trí nghỉ ngơi thêm phần lãng mạn. Đáng nhẽ vào thời điểm này cây phong phải rụng hết lá rồi chứ nhỉ?

Putaleng

Cây phong rừng Putaleng.

Chính những may mắn gặp được trong suốt hành trình đã tạo động lực cho cả đoàn hạ sơn rất nhanh. Khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ sau khi dời lán, chúng tôi đã có mặt tại cây cầu treo gần bản Tả Lèng.

Putaleng

Cầu treo Tả Lèng.

Chúng tôi đã kết thúc hành trình chinh phục đỉnh Putaleng trong 3 ngày 2 đêm như thế. Để ăn mừng sự an toàn của cả đoàn, một bữa tối thịnh soạn được tổ chức tại nhà Gôn. Dưới sự nhiệt thành của tất cả gia đình, ai cũng muốn say một lần trong hoàn cảnh đó.

Putaleng

Bữa tối cuối ở nhà Gôn.

Chúng tôi đã có những ngày đáng nhớ trong ngày đầu năm mới, những kỷ niệm về hành trình sẽ mãi in đậm trong tâm trí của mỗi thành viên. Thông điệp cuối cùng mà tôi muốn gửi đến các bạn đã, đang và sẽ chinh phục các đỉnh núi đó là “đừng để lại gì ngoài những vết chân”.

Putaleng

Thông điệp từ đỉnh Putaleng.

Thân chào tạm biệt Putaleng – Top 3 những ngọn núi cao nhất của Việt Nam.

Một số lưu ý khi leo Putaleng