Trải nghiệm lội biển ra đảo – du lịch đảo Nhất Tự Sơn

26

đảo Nhất Tự Sơn

Du khách lội qua biển ra đảo Nhất Tự Sơn

Biển Việt Nam có một số ít những hòn đảo rất thú vị ở một điểm: có thể lội bộ trên mặt biển để đến đảo. Trong đó có 2 loại đường đi bộ trên biển: đi từ đảo này sang đảo khác (ví dụ: đảo Điệp Sơn trong vịnh Vân Phong); đi bộ từ đất liền ra đảo (đảo Hòn Bà ở Vũng Tàu và đảo Nhất Tự Sơn ở Sông Cầu). Ở đảo Nhất Tự Sơn, điều đặc biệt là thậm chí ô tô có thể dễ dàng chạy sang tới đảo vào những thời điểm thủy triều xuống thấp nhất.

Đường đến Nhất Tự Sơn

Đảo Nhất Tự Sơn nằm ở địa phận phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu. Nếu từ phía Bắc vào, đến trung tâm thị xã Sông Cầu, theo đường Nguyễn Hồng Sơn đi cặp bờ biển khoảng gần 5km là tới.

Nếu đi từ phía Nam, từ hướng thành phố Tuy Hòa ra tới cầu Huyện trên QL1A ở cửa ngõ phía Nam thị xã Sông Cầu, rẽ tay phải ngay khi vừa qua hết cầu (đây chính là điểm cuối của đường Nguyễn Hồng Sơn), rồi đi thêm khoảng 1 km nữa là đến.

Theo người dân địa phương, từ mùng 1 đến 15 âm lịch hàng tháng, nước rút (thủy triều xuống) vào buổi chiều; còn từ ngày 15 âm lịch về cuối tháng, nước rút vào buổi sáng. Thời gian đẹp nhất để khám phá Nhất Tự Sơn là trong khoảng từ đầu tháng 3 tới hết tháng 8 dương lịch.

đảo Nhất Tự Sơn

Cầu tàu ra đảo

Nghe được thông tin thú vị về hòn đảo nhỏ xinh đẹp này từ những người bạn ở Qui Nhơn, một ngày đầu tháng 5/2021 Lữ Phong lên đường ra Qui Nhơn để lấy ngựa sắt của bạn bè từ Qui Nhơn chạy về Sông Cầu khám phá đảo Nhất Tự Sơn. Xem lại ngày, biết lịch nước rút vào buổi chiều nên y túc tắc vòng vèo cafe với bạn bè ở Qui Nhơn chán, ăn trưa sớm rồi mới đi Sông Cầu.

Khi y vào tới cửa bán vé ra tham quan đảo, thấy con đường dã lờ mờ dưới làn nước rồi (nhìn dấu vết con đường hiện ra lờ mờ, y ước đoán nước đang sâu khoảng hơn nửa mét). Vào thời điểm tháng 5/2021, phí tham quan đảo là 50.000 đồng, bao gồm nước uống và vé cano ra đảo (bởi không phải lúc nào cũng có thể lội bộ trên biển). Vào những thời điểm có thể lội bộ ra đảo, du khách vẫn có thể lựa chọn đi cano, và cano của khu du lịch luôn sẵn sàng hoạt động, dù chỉ một vài khách ra đảo.

Khám phá đảo Nhất Tự Sơn

Lữ Phong quyết định đi cano ra đảo, để lúc về, nước rút thêm cạn sẽ lội bộ vào bờ. Ngồi trên cano chạy ngang biển, thấy nhóm du khách đang lội qua biển, nước còn khá cao, đến ngang hông nhiều người, thấy quyết định của mình là hợp lý.

đảo Nhất Tự Sơn

Nước còn đang tương đối sâu

Nhất Tự Sơn không có người ở, được một công ty du lịch quản lý và khai thác. Du khách không được cắm trại lại trên đảo qua đêm. Dịch vụ hầu như không có gì ngoài quầy bán nước giải khát, nhưng khi Lữ Phong ra tới đảo, thì quầy đóng cửa và có vẻ như từ khá lâu không bán nữa. Nhưng bù lại, đảo xanh mướt cây rừng, các công trình xây dựng bằng bê tông gần như không có gì ngoài quầy bán nước.

đảo Nhất Tự Sơn

Những giàn bông giấy nở hoa, tô điểm cho màu xanh của đảo

Nhất Tự Sơn không chỉ thú vị ở con đường lội bộ ra đảo, nó còn có một thềm đá bao xung quanh đảo – điều mà ít du khách quan tâm. Vì đảo cũng không lớn, chỉ khoảng 6ha, nên Lữ Phong quyết định đi khám phá bãi đá vòng quanh chu vi đảo.

Bãi đá sẽ lấp xấp nước khi triều lên, còn lúc này đã nổi lên khoảng hơn gang tay, rộng vài chục mét tính từ chân đảo ra. Sóng biển vỗ ì oạp, thỉnh thoảng tung bọt trắng xóa tràn lên bãi đá. Con đường đi vòng quanh đảo chủ yếu tự lựa bước trên bãi đá, ở một vài điểm hơi quá bước, người ta bắc qua bằng những tấm đan bê tông để du khách có thể vượt qua an toàn.

đảo Nhất Tự Sơn

“Thềm đá” bao xung quanh chân đảo lộ ra khi nước xuống

đảo Nhất Tự Sơn

Những vết hằn kỳ dị trên bề mặt “thềm đá”

đảo Nhất Tự Sơn

Một vài vị trí được đặt cầu bằng tấm đan bê tông đảm bảo an toàn

Đi men theo bãi đá khá dễ dàng, Lữ Phong gặp 2 chiếc hang lớn bên vách đá chân đảo: hang Dơi và hang Phật. Cửa hang Dơi có vị trí cao hơn cửa hang Phật một chút, bởi thời điểm y đi qua, cửa hang Phật ngập nước một phần, và một trong số các cây “cầu” bê tông được bắc qua ngay phía trước miệng hang Phật.

đảo Nhất Tự Sơn

Hang Dơi, hang Phật

Qua khỏi hang Phật một đoạn ngắn, ngay chân đảo có một hõm xoáy nước, có vẻ như là một miệng hang thông sang phía mặt bên kia của hòn đảo, bởi thỉnh thoảng lại nghe tiếng ùng ục của nước biển và lát sau nước biển và bọt nước phun lên trắng xóa ở chỗ ấy.

đảo Nhất Tự Sơn

Hốc nước dưới chân đảo…

đảo Nhất Tự Sơn

… chốc lát lại phun nước và bọt trắng xóa từ dưới lên

Qua khỏi hõm nước xoáy ấy, Lữ Phong đi qua một bãi nhỏ dày đặc vỏ ốc, trông thật đẹp mắt, trước khi bước vào con đường dẫn lên mặt trước hòn đảo ở đoạn cuối thềm đá bao quanh đảo.

đảo Nhất Tự Sơn

Bãi vỏ ốc ở cuối “thềm đá” bao quanh đảo

Con đường mòn xuyên qua khu vườn sinh vật cảnh được phủ lưới, với những khu vực vườn chim và hồ cá Koi rợp bóng cây, rồi trở về đến khu quầy giải khát đóng cửa từ lâu trên đảo.

đảo Nhất Tự Sơn

Vườn chim và hồ cá Koi trên đảo

Đi hết chu vi đảo, thấy trời còn nắng và lại có một lối bậc thang dẫn lên núi, Lữ Phong bước lên luôn, lên gần tới đỉnh núi – vốn cũng không phải là cao lắm – Lữ Phong gặp một cái sân rộng, đặt tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, bèn dừng lại thắp hương, rồi tiếp tục đi lên đỉnh núi trên đảo, ngắm biển trời bao la xanh ngắt một màu. Lúc y xuống núi, trên đảo còn mỗi mình y cùng một người của khu du lịch đang cố đợi y để về đất liền. Chỉ 1 khách, cano cũng chạy. Nhưng Lữ Phong nói cô gái của khu du lịch cứ lên cano vào bờ, y lội qua biển về.

đảo Nhất Tự Sơn

Phía đảo, con đường trên biển đã lộ ra khá rõ

đảo Nhất Tự Sơn

Đoạn nước ngập sâu nhất giữa đường cũng chỉ còn ngang đầu gối

Lúc này nước đã cạn hơn lúc y sang đảo, con đường trên biển lộ ra, nổi lên nhiều hơn, chỗ sâu nhất chỉ ngập qua đầu gối của Lữ Phong một chút mà thôi. Cảm giác lội bộ qua biển để từ đảo vào bờ – dù không quá dài – thật hết sức thú vị.

Nhất Tự Sơn rất thú vị và dễ đến, lại không mất quá nhiều thời gian khám phá. Nếu có dịp qua Sông Cầu, các bạn cố gắng bớt chút thời gian ghé thăm hòn đảo xinh đẹp này nhé.