Lạc bước tại cổ trấn bị thời gian bỏ quên ở Việt Nam

26

du lịch làng cổ Đường Lâm

Một nét cổ kính của Đường Lâm

Ngược dòng thời gian quay lại mùa đông năm 2019, đó là lần đầu tiên mình có cơ hội đến vùng đất thanh bình này. Đường Lâm nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 44km. Trong quá khứ, nơi đây được xem là mảnh đất "địa linh nhân kiệt" vì là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng – hai nhân vật lịch sử gắn liền với tuổi thơ của bao người. Chính vì thế, chuyến đi ngày hôm ấy đến Đường Lâm đã đọng lại trong mình một cảm xúc mạnh mẽ không thể nào quên.

Đi gì để đến đất "Hai Vua"?

Từ thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể đi bằng máy bay đến Hà Nội cho tiết kiệm thời gian. Lúc trước, vì còn là sinh viên, nên mình đã đi bằng tàu hỏa từ Nam ra Bắc mất hết 2 ngày. Đúng thật là trải nghiệm. Sau này mới ngộ ra, chỉ cần biết cách săn vé máy bay giá rẻ, đi đúng mùa thì mình có thể bay vi vu vì giá vé trên So Sánh Tour rất tốt và đa dạng chuyến bay.

Có rất nhiều cách để đến được Đường Lâm như đi bằng xe máy, xe bus, thuê xe… nhưng vì lúc đấy đi theo đoàn của trường đại học nên mình đã đi bằng xe khách. Mình nghĩ đoạn đường từ trung tâm Hà Nội đến Đường Lâm cũng không quá khó khăn vì nay chúng ta đã có Google Map và hàng tá các dịch vụ di chuyển, nên bạn có thể tự do lựa chọn theo sở thích nhé.

Dừng chân trên đất Vua

Hồi lúc cấp 1, mình được anh họ cho vài quyển truyện tranh lịch sử Việt Nam bằng tranh. Lúc đó rất mê đọc, mình vẫn còn nhớ như in quyển truyện về Vua Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Kiến thức ấy đã giúp mình rất nhiều trong học tập lẫn thi cử. Vì vậy, lần này được viếng thăm lăng Vua Ngô Quyền, mình vô cùng háo hức.

Theo lời người hướng dẫn kể, thì lăng Vua tọa lạc trên một đồi đất cao, hướng về phía đông. Đền thờ của Vua được xây ở phía trên, cách lăng khoảng 100m. Trong khuôn viên trồng rất nhiều cây xanh, có rất nhiều «cụ» cây, tương truyền là nơi buộc ngựa, voi của Vua. Khi vào thắp nhang cho Vua, mình đã cảm nhận được sự linh thiêng khó tả với làn khói thơm từ nhang hòa quyện cùng mùi ‘cổ’ tỏa ra từ lăng.

du lịch làng cổ Đường Lâm

Đền thờ Vua Ngô Quyền nằm uy nghiêm trên một gò đất cao, bao quanh là rất nhiều cây cối như đang che mát cho giấc ngủ của Vua

Nằm cách đó không xa là đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng vang danh một thời sử Việt, ông là người có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường, bảo vệ bờ cõi nước ta ở thế kỷ VIII. Khu đền có kiến trúc độc đáo, mình nhớ chị hướng dẫn kể là có rất nhiều đền thờ Vua mọc ra ở khắp nơi nhưng ở Đường Lâm là ngôi đền có quy mô lớn nhất với kiến trúc bao gồm Tả, Hữu Mạc, Đại Bái và Hậu Cung.

du lịch làng cổ Đường Lâm

Nét bình dị tại nơi yên nghỉ của Bố Cái Đại Dương Phùng Hưng

An yên tại Chùa Mía

Chùa Mía hay còn gọi là Sùng Nghiêm tự với tuổi đời hơn bốn thế kỷ. Trước khi hiểu về cái tên đặc biệt này, mình đã từng nghĩ chắc xung quanh chùa trồng rất nhiều mía nên chùa mới có cái tên đó. Nhưng không, các bạn ơi. Sở dĩ chùa có tên là chùa Mía là vì ngày xưa, vùng này tên là Cam Giá, tên Nôm là Mía mà thôi. Nếu bạn muốn tìm một nơi yên tĩnh, thanh tịnh để an lòng thì đây là một địa điểm hoàn hảo cho bạn đấy.

du lịch làng cổ Đường Lâm

Những hàng dây leo đã ôm trọn mái ngói cổ của chùa Mía

Chùa có lối kiến trúc truyền thống đặc trưng của làng quê Bắc Bộ với những mái ngói đã nhuốm màu thời gian. Trong khuôn viên chùa có một tòa bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa khá cao và một quả chuông đồng được đúc từ đời Lê. Điểm đặc biệt nhất phải kể đến, đó chính là 287 pho tượng Phật quý được làm từ nhiều chất liệu khác nhau mà chùa Mía sở hữu. Bởi thế, nơi đây đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

du lịch làng cổ Đường Lâm

Bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa đứng sừng sững trước thời gian

Thẩn thơ trước nét "xưa" của làng cổ Đường Lâm

Mình đến làng cổ Đường Lâm trong một buổi chiều nắng nhẹ mùa đông, đây thật sự là điểm đến dành cho những ai thích chụp những kiểu ảnh hoài cổ. Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ với cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình. Với giá vé vào làng là 20.000 VND/ người, bạn có thể dạo bước khắp mọi ngóc ngách của cổ trấn xinh đẹp này.

du lịch làng cổ Đường Lâm

Chiếc cổng làng Mông Phụ ‘signature’ của làng cổ Đường Lâm

Đường Lâm nổi tiếng với rất nhiều nhà cổ, theo mình được biết thì có 956 ngôi nhà cổ. Mình đã thật sự rất choáng ngợp trước tuổi đời của nơi được mệnh danh là một trong những ngôi làng cổ nhất miền Bắc này. Dù vài thế kỷ trôi qua, với rất nhiều biến đổi trong lịch sử, nhưng nơi đây vẫn giữ cho mình một nét đẹp vĩnh cữu. Mình rất hạnh phúc khi được lang thang khắp các lối đi lát gạch nghiêng, vỡ òa khi chạm tay vào những bức tường đá ong màu vàng sụm đặc trưng và hào hứng khi được nghe âm thanh sinh hoạt của người dân địa phương.

du lịch làng cổ Đường Lâm

Khung cảnh bình dị của Đường Lâm vào một buổi chiều tà

Khi đến cổ trấn xinh đẹp này, bạn có thể khám phá rất nhiều địa điểm thú vị như đình làng Mông Phụ, hệ thống các ngôi nhà cổ (nhà ông Hùng, nhà ông Thể…), giếng nước cổ. Mình như lạc bước vào thế giới cổ tích bao quanh bởi vô số ngôi nhà truyền thống mộc mạc với những vườn cây, khóm hoa xinh xinh và đắm chìm vào những giai thoại về lịch sử ngôi nhà từ các chủ nhân nhà cổ.

du lịch làng cổ Đường Lâm

Một góc đình làng Mông Phụ dưới lăng kính của cô sinh viên miền Nam

du lịch làng cổ Đường Lâm

Chiếc cối xay gạo – vật dụng quen thuộc trong nếp sống xưa

du lịch làng cổ Đường Lâm

Những chiếc chum ủ tương làm mình liên tưởng đến các bộ phim cổ trang Hàn Quốc

Bên cạnh những ngôi nhà cổ đặc trưng, bạn không nên bỏ qua đền thờ Thám Hoa Giang Văn Minh để lắng nghe những mẩu chuyện hay về vị quan đã làm vua quan nhà Minh căm hận và nể phục. Nhà thờ Thám hoa được xây dựng vào thời Vua Tự Đức, có lối kiến trúc theo giống như những ngôi nhà cổ trong làng. Điểm nổi bật là ở đây có rất nhiều câu chữ Hán được viết lên tường để ghi lại những chiến công của vị quan tài năng này. Đây là một nơi rất đáng tham quan mỗi khi đến Đường Lâm vì bạn sẽ tích góp thêm một kiến thức lịch sử bổ ích của vùng đất linh thiêng này.

du lịch làng cổ Đường Lâm

Chiếc cổng cổ của nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh

du lịch làng cổ Đường Lâm

Cành đào rực nở như chiến công của Thám hoa Giang Văn Minh thuở xưa

Dù đã 3 năm trôi qua, nhưng những ký ức về một Đường Lâm cổ kính vẫn hiện ra như in trong tâm trí mình. Lúc ấy, mình đã đứng lặng để ngắm vẻ đẹp bình yên như đang tỏa sáng dưới nắng chiều nhẹ nhàng của cổ trấn, đã thơ thẩn dạo bước trên những con đường lát gạch thơ mộng, đã ghé làm vài chén nước ven đường với thưởng thức những miếng chè lam ngọt thanh. Tất cả trải nghiệm tuyệt vời tại mảnh đất Hai Vua này đã làm mình nhớ thương khi về Sài Gòn.Nếu bạn chưa có đủ tiền để đến Phượng Hoàng Cổ Trấn (ở Trung Quốc) thì Đường Lâm là một lựa chọn không tồi đấy. Chúc bạn cũng sẽ có chuyến du hành lịch sử thú vị như mình tại Đường Lâm nhé!

"Thế giới giống như một quyển sách, những người không đi du lịch là những người chỉ đọc một trang sách." – Saint Augustine