Những điểm du lịch độc đáo ở Cao Bằng – Viên ngọc xanh núi rừng Đông Bắc

29

Mỗi năm mình sẽ lựa chọn một địa điểm để ghé thăm, để khám phá vào mỗi dịp sắp hết mùa thu và chuẩn bị sang động. Lần này mình chọn khám phá vùng đất Cao Bằng.

Cao Bằng là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc, là nơi chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử cũng như những di sản tuyệt sắc của tự nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà người khác gọi Cao Bằng là viên ngọc xanh của vùng Đông Bắc. Ở Cao Bằng bạn sẽ thấy màu xanh phủ khắp nơi, từ rừng núi bao quanh, từ các dòng suối, dòng thác, chúng hòa quyện vào nhau để hình thành nên một viên ngọc xanh tuyệt đẹp.

Trải qua hơn 6 giờ xe khách từ Hà Nội đến Cao Bằng, mình cảm nhận được chút không khí lạnh sáng sớm vào lúc hơn 4 giờ sáng ở mảnh đất trên núi cao này. Dịch vụ du lịch ở Cao Bằng khá phát triển, có nhiều nhà xe và giờ chạy từ Hà Nội đến Cao Bằng cho du khách dễ dàng trong việc lên lịch trình với mức giá dao động từ 300.000 VNĐ đến 380.000 VNĐ.

Liên hệ với dịch vụ cho thuê xe máy để nhận xe, nhóm mình được cho thuê một phòng nhỏ để nghỉ ngơi trước khi bắt đầu hành trình khám phá Cao Bằng với giá khá rẻ.

Sau một thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị đồ đạc xong thì nhóm mình nhận xe, kiểm tra xe và bắt đầu hành trình 3 ngày 2 đêm ở Cao Bằng.

Khu di tích Lịch sử Pác Bó & Khu di tích Lịch sử Kim Đồng

Từ trung tâm Thành phố Cao Bằng, nhóm mình chạy xe máy đi về hướng Tây Bắc để tới Khu di tích Lịch sử Pác Bó, một khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia – đặc biệt của Việt Nam ở bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng.

Dọc đường đi, mọi người có thể dừng chân ở Khu di tích Lịch sử Kim Đồng hay thường gọi là Mộ Kim Đồng.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Phía trước Khu du tích Lịch sử Kim Đồng.

Chạy thêm khoảng hơn 6 km về phía Bắc, mọi người sẽ tới được Khu di tích Lịch sử Pác Bó. Tại đây, mọi người gửi xe ở nhà xe của Khu di tích và mua vé gần đó, vé tham quan, vé xe điện, vé gửi xe và bảo hiểm du lịch là 45.000 VNĐ/ người.

Xe điện sẽ đưa bạn đến điểm dừng đầu tiên là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà trưng bày Pác Bó và cột mốc Km0 đường Hồ Chí Minh – điểm đầu Cao Bằng. Cột mốc Km0 tại Cao Bằng được xây dựng vào năm 2014 để đặt dấu mốc của cách mạng Việt Nam khi Nguyễn Ái Quốc trở về nước năm 1941.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Phía trước Cột mốc Km0 đường Hồ Chí Minh – điểm đầu Cao Bằng.

Tiếp đến xe điện sẽ đưa bạn vào sâu bên trong Khu di tích để đến với suối Lê Nin, núi Các Mác, hang Cốc Bó (hang Pác Bó),…

Suối Lê Nin có màu nước rất trong và xanh, bạn càng đi vào sâu bên trong màu nước sẽ càng xanh. Suối Lê Nin chảy ngầm từ trong núi ra, nguồn của suối ở phía Bắc của núi Các Mác và thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Suối Lê Nin có màu nước trong xanh.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Suối Lê Nin có màu nước trong xanh.

Từ cầu suối Lê Nin đi vào theo đường mòn chừng 500 mét, mọi người sẽ gặp đường vào hang Cốc Bó – nơi Bác Hồ từng sống và làm việc sau khi trở về nước năm 1941. Tới đây mọi người sẽ hiểu rõ hơn về câu thơ: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”. Không gian thực sự nên thơ và không khí trong lành vô cùng.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Đường dẫn lên hang Cốc Bó.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Cửa hang Cốc Bó.

Ngay đường lên hang Cốc Bó, mọi người có thể thấy rõ được nguồn nước ngầm dưới núi chảy thành dòng. Các mỏm đá nhấp nhô tạo thành một “vịnh mini” ở đầu nguồn suối Lê Nin. Ngồi ở đầu nguồn suối Lê Nin, mọi người sẽ cảm nhận được sự bình yên, thư thái.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Đầu nguồn suối Lê Nin.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Khi mặt trời xuyên qua vườn trúc sẽ tạo một ánh sáng ảo diệu.

Đường đi núi Mắt Thần

Rời Pác Bó, nhóm mình chạy đến núi Mắt Thần theo DT210, tuy nhiên lưu ý với mọi người là đoạn đầu đến giữa đường đi từ Pác Bó đến núi Mắt Thần đường này không thực sự đẹp vì dốc khá cao mà đường còn hơi xấu, nên nếu mọi người tay lái không vững thì nên cân nhắc chọn cung đường này nhé, mọi người có thể về lại thành phố và đi núi Mắt Thần, thời gian cũng tương đương nhau. Tuy nhiên từ thôn Thượng Thôn trở đi thì đường mới được sửa lại nên khá đẹp và dễ dàng cho việc di chuyển.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Một điểm trên cung đường DT210 tại Xuân Hòa, Hà Quảng, Cao Bằng.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Một điểm trên cung đường DT210 tại Thượng Thôn, Hà Quảng, Cao Bằng.

Núi Mắt Thần (Núi Thủng)

Nhóm mình lựa chọn cắm trại một đêm tại chân núi Mắt Thần, dịch vụ nhóm mình chọn là của Cao Bằng Eco Camping, tuy nhiên ở Cao Bằng cũng có nhiều sự lựa chọn khác. Một điểm lưu ý là ở núi Mắt Thần có rất nhiều lối vào, ban đầu nhóm mình cũng bị nhầm lối vào, cách dễ nhất mọi người đi theo đường tới hồ Thang Hen, trước khi tới hồ sẽ có một lối rẽ để vào núi Mắt Thần.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Sáng sớm ở núi Mắt Thần.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Nhớ dậy sớm và sống ảo siêu xinh ở núi Mắt Thần.

Lựa chọn dịch vụ camping ở Cao Bằng, các bạn sẽ được lo đầy đủ đồ ăn, loa nghe nhạc, điện, nhà vệ sinh, nước uống, lửa trại, … có một điều mọi người cần chuẩn bị đó là sạc dự phòng phù hợp với loại điện thoại sử dụng, vì có những thiết bị không phổ biến nên khá khó khăn trong việc sạc pin. Mọi người nhớ chuẩn bị áo lạnh để mặc nếu camping ở đây nhé, vì khá lạnh nha mọi người.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Bữa tối của nhóm mình được các bạn Cao Bằng Eco Homestay chuẩn bị.

Từ trên con dốc phía xa là điểm có thể thấy trọn núi Mắt Thần. Theo mình đây là điểm đẹp nhất để ngắm núi Mắt Thần.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Núi Mắt Thần nhìn từ trên dốc lối vào.

Thác Bản Giốc

Thác Bản Giốc là một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới. Một nửa thác chính thuộc về Việt Nam và một nửa còn lại thuộc về Trung Quốc, còn thác phụ thì thuộc hoàn toàn về Việt Nam.

Từ bé đã được thấy thác Bản Giốc qua phim, ảnh. Hôm đó vừa thấy thác từ xa đã thấy bồi hồi, được đến một địa điểm đẹp, một địa điểm liên quan đến biên giới Việt Nam là một điều mình thấy tuyệt vời. Ngoài ra thác Bản Giốc cũng nằm trong danh sách các điểm di sản thuộc Công viên Địa chất Toàn cầu non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận năm 2018.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Thác Bản Giốc nhìn từ DT206.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Thác phụ trong cụm thác Bản Giốc.

Nhìn tận mắt thác Bản Giốc mới thấy được sự kỳ diệu của tạo hóa, dòng thác đổ xuống tựa như một bức tranh thủy mặc giữa núi rừng Cao Bằng.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Thác chính trong cụm thác Bản Giốc.

Làng đá cổ Khuổi Ky

Nằm gần thác Bản Giốc là làng đá cổ Khuổi Ky, nơi có hơn 400 năm tuổi tồn tại của người dân tộc Tày. Nơi đây còn lưu giữ nhiều ngôi nhà xây bằng đá lâu đời.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Một góc Làng đá cổ Khuổi Ky.

Làng Khuổi Ky ẩn mình trong vách núi, tạo nên một khung cảnh thơ mộng, yên bình của một làng cổ vùng biên giới.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Một góc Làng đá cổ Khuổi Ky.

Sông Quây Sơn

Nhóm mình lựa chọn một homestay tại Đàm Thủy, Trùng Khánh giáp sông Quây Sơn. Buổi sáng thức dậy, nhóm mình đi dọc theo con sông để tận hưởng không khí trong lành và yên bình ở đây. Sáng sớm mặt nước sông Quây Sơn như bốc hơi lên, tạo ra một màn sương mù huyền ảo.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Giăng lưới trên sông Quây Sơn.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Sáng sớm trên sông Quây Sơn.

Làng hương Phia Thắp

Trên đường về lại thành phố Cao Bằng, nhóm mình có ghé ngang làng hương Phia Thắp của người dân tộc Nùng, một ngôi làng xinh xắn nép bên sườn núi với mùi thơm của hương nhè nhẹ, cảnh người dân phơi lá keo khô, loại lá chỉ có làng làm hương Phia Thắp trên Cao Bằng mới trồng được.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Làng hương Phia Thắp nhìn từ xa.

Từ đầu đường vào làng, mọi người sẽ thấy người dân phơi hương khắp nơi từ bậc cầu thang ra sân hoặc xuống cả ruộng lúa vừa gặt. Người dân ở Phia Thắp tận dụng mọi nơi có thể phơi hương được để hương khô nhanh.

địa điểm du lịch Cao Bằng

Phơi hương ở Phia Thắp.

Rời Phia Thắp, nhóm mình về thẳng Thành phố Cao Bằng để trả xe máy và lên xe về Hà Nội lúc 12 giờ 30 trưa vì có thay đổi trong lịch trình do đó nhóm mình không khám phá hết các địa danh đẹp ở Cao Bằng.

Đối với bản thân mình, Cao Bằng là một trong những địa điểm mà mọi người nên ghé đến, cảm giác đứng trước Thác Bản Giốc đẹp ngỡ ngàng hay sự tạo hoá kỳ diệu ở Núi Mắt Thần cũng như sự bình yên ở Pác Bó là những điều tuyệt vời.

Ngoài ra các địa điểm ở Cao Bằng nhóm mình đã có xây dựng sẵn, tuy nhiên trên đường đi sẽ có nhiều cảnh đẹp thu hút mọi người nên mọi người cũng chừa một chút thời gian cho các cảnh đẹp ven đường khi lên lịch trình nhé.

Người dân ở Cao Bằng rất dễ thương cũng là một điểm cộng cho chuyến đi này của nhóm mình. Mình còn nhớ khi mình chạy xe máy từ bãi cắm trại của Núi Mắt Thần lên thì được một bà cụ người dân tộc Tày hỏi: “Các cháu có mệt không?”. Đó, ngoài là một viên ngọc xanh của Đông Bắc, Cao Bằng còn dành cho du khách một chút ấm áp khi ghé qua.

Hy vọng với những chia sẻ của mình trong chuyến đi Cao Bằng này sẽ giúp mọi người có thêm một nguồn tham khảo cho chuyến đi Cao Bằng sắp tới. Cảm ơn mọi người.