Tìm về Việt Phủ Thành Chương – Nơi lưu giữ “Hồn xưa đất Việt”

61

Nếu ai đó muốn vứt lại những lo toan, bộn bề của cuộc sống, hay những áp lực công việc 8 tiếng chốn công sở, và ai đó muốn “refresh” lại bản thân thì hãy theo chân chúng tôi. Mình cùng tìm về Việt Phủ Thành Chương – chốn thanh tịnh giữa thủ đô Hà Nội, nơi cho ta thấy vẻ đẹp truyền thống xa xưa, nét đẹp của cội nguồn. Tin mình đi, bạn sẽ thấy bình yên hơn bao giờ hết, và nguồn cảm hứng sống, bạn sẽ nhanh chóng tìm lại được ngay thôi! Chúng mình cùng lên đường nhé!

Việt Phủ Thành Chương

Hồ Sen trong Việt Phủ Thành Chương.

Việt Phủ Thành Chương

Một góc cổ kính của nơi đây.

Việt Phủ Thành Chương ở đâu nhỉ?

Việt Phủ Thành Chương được bắt nguồn từ ý tưởng và cũng được lấy tên của chính họa sĩ Thành Chương – người đã tái hiện lại những nét đẹp tinh hoa của nền văn hóa Việt từ xa xưa. Việt phủ được xây dựng từ năm 2001, tọa lạc ở hồ Kèo Cả, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 40km theo hướng đi Thăng Long, Nội Bài, lối rẽ phải vào quốc lộ 2 theo hướng Vĩnh Yên. Đi khoảng 2km, bạn sẽ thấy biển lớn chỉ dẫn “Việt Phủ Thành Chương 7km”, theo hướng mũi tên là đến nơi bạn nhé.

Việt Phủ Thành Chương

Một trong những công trình kiến trúc đặc sắc.

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí đi lại thì bạn có thể lựa chọn phương tiện di chuyển bằng xe buýt, chỉ cần 2 tuyến xe 07 – xuất phát từ Cầu Giấy – đến Khu công nghiệp Bắc Thăng Long – tuyến 64 đến Xóm Núi- xuống xe đi bộ một đoạn là tới nơi.

(Với bạn thì sao, dù bất kỳ điểm nào trên bản đồ, chỉ cần nghĩ ra một cái tên – ý mình là Việt Phủ Thành Chương đó- còn đường đi, lối lại thì cứ để Google map lo nhé)

Giá vé vào Việt Phủ Thành Chương

Sau khi du lịch mở cửa trở lại thì giá vé vào Việt Phủ vẫn giữ nguyên:

Giá vé khá hợp lý cho một buổi dã ngoại; đặc biệt miễn phí vé cho trẻ em cao dưới 1m1 nên các bạn hoàn toàn có thể dắt các bé nhà mình đi cùng nhé.Thời gian mở cửa: 9 giờ sáng – 5 giờ chiều (kể cả Lễ, Tết)

Nơi lưu giữ “Hồn xưa đất Việt”

Với khuôn viên rộng trên 8000ha, Việt Phủ Thành Chương như một bức tranh mang đậm nét đẹp hoài cổ, tái hiện lại rất nhiều công trình kiến trúc nổi bật, kể lại dòng lịch sử Việt Nam. Không chỉ thu hút du khách trong nước mà tiếng vang Việt Phủ Thành chương còn vươn tầm quốc tế. Năm 2004, Hoàng hậu và phái đoàn hoàng gia Thụy Điển đã có chuyến du ngoạn nơi đây. Năm 2012, Việt Phủ Thành Chương được ca ngợi bởi vẻ đẹp tuyệt vời của các công trình hoài cổ trên tờ New York Time của Mỹ. Vô cùng tự hào, Việt Phủ Thành Chương như một khu bảo tàng – nơi bảo tồn những hình ảnh đi cùng năm tháng lịch sử, hãnh diện với bạn bè năm châu bốn biển.

Việt Phủ Thành Chương

Nhà tranh, vách đất – dấu ấn cổ xưa.

Việt Phủ Thành Chương

Những nét hoa văn, chạm trổ tinh tế, mộc mạc.

Việt Phủ Thành Chương

Không gian ấm cúng, tone nâu trầm ấm.

Bước qua cánh cổng khu Việt Phủ Thành Chương, ta như lạc vào một không gian cổ kính, biệt lập bao gồm cả thảy 30 công trình lớn nhỏ, tái hiện lại một cách gói gọn những gì tinh túy nhất trong văn hóa Việt Nam về kiến trúc, văn hóa và cả tâm linh. Ta có cảm giác như được sống trong những thước phim quay chậm của quá khứ, bởi những hình ảnh thấm đẫm văn hóa cổ xưa của người Việt.

Việt Phủ Thành Chương

Những góc chụp hình siêu đỉnh của Việt Phủ Thành Chương.

Việt Phủ Thành Chương

Gạch đỏ ngả màu, rêu phong phủ kín.

Việt Phủ Thành Chương

Một góc nhỏ khác ở Việt Phủ Thành Chương.

Đi sâu vào bên trong, các bạn có cơ hội tham quan nhà Thanh Tỉnh, nhà Thủy Đình, nhà Tường Vân, nhà Đại Khoa, nhà sàn lợp cói dân tộc Mường, nhà rường xứ Huế, tháp Sơn Tĩnh, hồ cá chép màu… hay bảo tàng với hàng nghìn món đồ cổ đắt giá, được chính họa sĩ Thành Chương dày công sưu tập và rất nhiều trong số đó có niên đại hàng ngàn năm.

Việt Phủ Thành Chương

Nơi phát vé, mình còn được cầm theo 1 bản đồ thu nhỏ nơi đây rất thuận tiện.

Việt Phủ Thành Chương

Việt Phủ Thành Chương là biết bao công sức và cả tâm huyết.

Tổng thể không gian mang một nét đẹp cổ kính, phảng phất màu rêu phong của thời gian. Từng bức tượng, từng hoa văn chạm trổ đều được chăm chút tỉ mỉ khiến chỗ nào nơi đây cũng là góc lý tưởng để chụp hình lưu niệm. Mình thấy đây là một trong những điểm chụp áo dài đẹp nhất mà mình biết. Dưới ánh nắng lung linh xuyên qua những tán cây cổ thụ, bên những chiếc bàn ghế gỗ trạm khắc công phu, bên những bức tường đá, tường gạch cổ, bên những mái hiên nhìn ra hồ cá,… các cô, các chị trở nên thướt tha, trong tà áo dài truyền thống, nổi bật những nét thêu tay tinh tế. Vậy nên bạn cũng đừng quên mang cho mình những bộ áo dài để có được những bức ảnh đẹp xuất sắc nhé. Tuy nhiên các bạn cần lưu tâm một chút là chúng mình chỉ nên chụp ảnh và quay phim ở một số khu vực nhất định, và những khu vực được sự cho phép của ban quản lý.

Khi đã thấm mệt, các bạn có thể ngồi nghỉ ở những chiếc bàn gỗ lim thưởng thức tách trà nóng hổi hoặc ngả lưng trên những chiếc chõng tre bên hồ cá. Ngắm nhìn không gian mộc mạc tĩnh lặng trước mắt khiến ta như chợt quên đi mọi bộn bề cuộc sống thường ngày.

Việt Phủ Thành Chương

“Thưởng trà” trong không gian đậm chất làng quê Bắc Bộ.

Việt Phủ Thành Chương

Mỗi bước chân là được nhìn thấy một bức tranh làng quê thu nhỏ.

Việt Phủ Thành Chương

Tà áo dài thướt tha tại nhà múa rối nước.

Cuối buổi tham quan, các bạn có thể ghé thăm nhà hàng 2 sao ngay trong khuôn viên Việt phủ, chuyên phục vụ các món ăn truyền thống mang hương vị đậm đà, đậm bản sắc dân tộc và hệ thống quán trà, cafe đầy đủ tiện nghi tạo cho du khách không gian nghỉ ngơi thư giãn, thoải mái nhất. Nhà hàng được thiết kế theo phong cách cổ điển, gam màu ấm áp, nền gạch vàng mang nét cổ kính, nhưng vẫn thể hiện được sự tinh tế, sang trọng trong lối thiết kế của tác giả. Đi đâu đó, ai chẳng muốn có một chút quà mang về kỉ niệm cho người thân, bạn bè hay kỉ niệm cho chính chuyến đi của bản thân phải không nhỉ! Vậy thì bạn đừng bỏ qua khu bán đồ lưu niệm, những món đồ thủ công mỹ nghệ nhé.

Ngoài ra, có một điều khá là thú vị, du khách còn được thưởng thức các màn múa rối nước ở khu vực nhà hát Long Đình do chính những nghệ nhân ở đây dàn dựng. Vừa xem múa rối nước, vừa có cảm giác như chính mình được hòa chung vào không gian- mang đậm âm hưởng bình dị, dân giã, thân thuộc của quê hương- mái đình, gốc đa, rơm vàng, hương lúa, những con người chân lấm tay bùn, nhưng hết sức dung dị, chất phác, …

Việt Phủ Thành Chương

Việt Phủ Thành Chương chính là nơi ghi dấu lịch sử.

Việt Phủ Thành Chương

Một góc bình yên xế chiều.

Xế chiều, cũng là lúc mọi người kết thúc một ngày thưởng ngoạn, ai nấy cũng rảo bước ra về, hoà vào dòng người tấp nập để trở về với cuộc sống thường ngày. Việt Phủ Thành Chương chìm vào trong sự tĩnh lặng, yên bình vốn có của nơi ấy, sẽ tạm vơi tiếng cười rộn ràng, tạm vơi những bước chân của du khách. Nhưng không lâu đâu, bởi khi mặt trời lên, Việt Phủ Thành Chương sẽ lại tiếp đãi và đón chào những vị khách mới, những người con muốn tìm về sự bình yên, muốn hòa mình trong không gian ấm cúng, muốn trở về với nguồn cội – “Nơi lưu giữ hồn xưa đất Việt".