Sông Mã mùa đông – dòng sông lau ngút ngát

39

Lữ Phong từ lâu đã ấp ủ ý định du ngoạn sông Mã bằng phương tiện thủy. Lữ công tử, trên bộ thực sự gần như không ngần ngại bất cứ cung đường nào, cũng từng một mình một ngựa (sắt) vượt đèo khuya, rừng vắng, nhưng y hiểu rằng chuyện sông nước lại hoàn toàn khác.

Sau một thời gian dài bế tắc trong việc tìm kiếm (thuê mướn) phương tiện và người đồng hành, thì bỗng dưng một người bạn y ở Thanh Hóa liên hệ rủ đi cùng, bởi hắn có thuyền, mà đi một mình thì buồn. Thật đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh.

Sông Mã

Quá trình chế tạo “khinh hạm” Sông Mã.

“Đồng bọn” này của Lữ Phong thuộc dạng quái kiệt, hoa tay hoa chân kín hết. Con thuyền tự tay hắn làm – để dùng đi câu – bằng cách lên mạng học công nghệ composite, rồi tự tìm nguyên liệu và lụi cụi làm. Sau đó hắn lại đặt mua từ Trung Quốc combo máy thủy mini tháo lắp cơ động.

Xuôi dòng sông Mã mùa đông

Cuối tháng 11/2020, Lữ Phong bay ra Thanh Hóa vào một tối cuối tuần. Hôm sau, sắm sửa áo phao cho đảm bảo an toàn đường thủy xong xuôi, chất chiếc thuyền lên xe bán tải, nhóm bạn ở Thanh Hóa di chuyển lên vùng Cẩm Thủy – Bá Thước dã ngoại một đêm, để hôm sau hai kẻ phiêu lưu xuôi thuyền về Sầm Sơn.

Chiếc “khinh hạm” được hạ thủy nơi bến phà cũ bỏ hoang ở thị trấn Phong Sơn, gần chân cầu Cẩm Thủy.

Sông Mã

Đường dẫn xuống bến phà cũ bên kia sông, sát chân núi.

Loạt nhà máy thủy điện ở đầu nguồn khiến sông Mã cuối năm khá cạn. Dòng nước trong xanh lững lờ chảy. Thuyền nổ máy, lũ đồng bọn đã lên xe đi trước, Lữ Phong cùng bạn đồng hành cho thuyền rời bến phà cũ xuôi dòng.

Sông Mã

Trời đầu Đông trong xanh, dòng sông cũng xanh hiền hòa.

Con thuyền bằng composite nhỏ xíu, phải gắn thêm hai chiếc phao ở nửa thân sau mới đủ nổi khi hai người ngồi bên trên – trông hơi lôm côm nhưng được cái là nó giúp bề ngang con thuyền khá rộng – tăng độ ổn định trên mặt nước. Thuyền chạy xuôi dòng, tiếng chiếc động cơ 2 thì nổ giòn tan trên mặt sông một sáng mùa Đông đầy nắng gió. Hai bên bờ sông xanh ngắt một màu của cỏ cây, xa xa là núi biếc.

Sông Mã

Nước sông trong xanh, hai bên bờ cũng xanh ngắt màu cỏ cây, núi biếc.

Những vạt bông lau nhảy múa trong gió Đông

Chợt một bờ lau hiện ra trước mắt Lữ Phong. Vạt bông lau vàng nhạt dưới nắng Đông, nổi bật trên nền xanh của cỏ, nhảy múa theo từng cơn gió.

Sông Mã

Vạt bông lau chợt hiên ra phía trước.

Sông Mã

Phía trước, phía sau đều bạt ngàn bông lau bên bờ sông.

Từ khúc sông ấy, trước mắt hai người hiện ra bạt ngàn bông lau bên bờ sông. Núi non phía trước ít dần. Đằng trước, phía sau con thuyền đều là bờ lau. Sông Mã trong mắt Lữ Phong lúc này như một dòng sông lau tuyệt đẹp.

Sông Mã

Sông Mã tháng 11 – dòng sông lau tuyệt đẹp.

Con thuyền vẫn cần mẫn chạy, tiếng máy rền rĩ trong gió – nó rền rĩ cũng phải, vì công suất nhỏ quá mà phải cõng những hai người. May là chạy xuôi dòng, còn được lợi chút sức nước. Đã sắp hết đất Cẩm Thủy, hai bờ bông lau thưa dần vì xuất hiện nhiều khu dân cư và ruộng nương ven sông hơn. Hai bên bờ sông vẫn xanh ngắt những bãi mía, nương ngô.

Sông Mã

Những ruộng mía, nương ngô xuất hiện nhiều hơn cùng các cụm dân cư.

Mặt trời đã đứng bóng, cầu phao Cẩm Vân hiện ra phía trước mũi thuyền. Cẩm Vân là xã cuối huyện Cẩm Thủy. May quá, chỉ cần dỡ mái bạt che nắng và cúi rạp xuống thuyền là đi lọt cầu phao.

Sông Mã

Giữa trưa, thuyền tới cầu phao Cẩm Vân, cuối đất Cẩm Thủy.

Một chút thác ghềnh bởi việc… khai thác cát

Qua khỏi cầu phao Cẩm Vân, tả ngạn sông Mã đã là đất Vĩnh Lộc, hữu ngạn còn một chút cuối đất Cẩm Thủy, rồi sang đất Yên Định. Không biết có phải tình cờ, ở vùng giáp ranh 3 huyện này, việc khai thác cát trên sông Mã diễn ra khá nhộn nhịp.

Sông Mã

Đất Vĩnh Lộc – xuất hiện máy móc cơ giới bên bờ sông.

Đến đoạn này, “khinh hạm” của bọn Lữ Phong không ngờ lại gặp phải thử thách – dù có chút nguy hiểm – khiến cho hai “thủy thủ” tập trung vào việc lèo lái con thuyền mà quên đi cái đói đang gây áp lực. Bởi cát dưới sông bị hút lên nhiều, lòng sông hình thành các bãi đá (do đãi cát) nổi lên, mặt khác cũng tạo ra các lạch nước rất sâu, chảy xiết.

Dòng sông không còn hiền hòa mà có nhiều xoáy nước lớn, đặc biệt có một cái ghềnh thấp kéo chéo gần hết bề ngang sông. Hai người buộc phải điều khiển con thuyền bé tí chạy chéo theo thế nước mà vượt qua cái ghềnh. Ghềnh thấp, chẳng làm khó được những con thuyền nan, thuyền gỗ bình thường, nhưng với con thuyền composite tự chế bé xíu thì lại không phải chuyện đùa được.

Sông Mã

Hoạt động khai thác cát diễn ra rất nhộn nhịp.

Vượt qua ghềnh nước xoáy đã quá trưa, tên đồng bọn duy nhất chờ ở Vĩnh Lộc đã ra tận bờ sông … réo hai ông hâm lên bờ ăn cơm. Ba người phải tìm chỗ đất khô ráo thoai thoải bên sông, hì hục … bưng thuyền lên xe bán tải để đi ăn trưa. Ban đầu tính mang thực phẩm theo để tấp vào một bãi bồi nào đó, nổi lửa nấu ăn, mà “khinh hạm” chạy chậm quá, nên đành hủy kế hoạch.

Với tốc độ của “khinh hạm”, sẽ không thể về kịp cửa Hới như dự kiến, để Lữ Phong bay về Sài Gòn chuyến 21g20, thậm chí về tới Thanh Hóa chưa chắc đã kịp cho lịch bay của y. Vì vậy, con thuyền được chiếc xe chở “ăn gian” một đoạn sông khoảng hơn chục km sau bữa trưa muộn của các hâm chủ, rồi mới tái hạ thủy tiếp tục hành trình.

Mênh mông hạ lưu chiều đông vàng nắng

Hạ thủy trở lại, chiếc xe bán tải “dứt khoát” chạy thẳng về Thanh Hóa, còn lo chuẩn bị bữa tối cho hai thủy thủ dở hơi. Lữ Phong cùng ông bạn lại tiếp tục nghe tiếng máy rền rĩ trên sông.

Sông Mã

Lái bằng chân, để còn rảnh tay quay, chụp.

Tới ngã ba Giằng coi như về tới ngoại ô thành phố Thanh Hóa. Sau khi nhận nước sông Chu, đoạn sông Mã mở rộng hẳn ra mênh mông, nước sâu hơn, dòng chảy chậm hẳn lại, thành ra tốc độ của chiếc “khinh hạm” cũng chậm đi trông thấy.

Sông Mã

Tàu du lịch Hoàng Long du ngoạn trên sông Mã, chiều ngoại ô Thanh Hóa.

Lòng sông mênh mông quá, chiếc “khinh hạm” cảm giác như một chú rùa cứ cần mẫn nhích tới. Hai thủy thủ ngự trên nó thì bất chấp, cứ hếch mặt lên ngắm trời mây sông nước. Bởi kết thúc hành trình tại Thanh Hóa – lại đã được “tăng bo” trên bộ hơn chục km – thì chắc chắn còn đủ thời gian tắm gội, đi ăn tối rồi lên sân bay. Vậy thì cớ gì phải gấp gáp?

Khi những tia nắng vàng cuối cùng của một buổi chiều Đông sắp tắt, cầu Hàm Rồng đã ngay trước mũi thuyền. Nhưng khu vực chân cầu toàn bãi sình lầy, chiếc “khinh hạm” phải tiếp tục chạy tới cầu Nguyệt Viên phía hạ lưu. Hai thủy thủ chạy tới chạy lui tìm bãi đổ bộ và lôi được con thuyền lên bờ thì thành phố đã lên đèn.

Sông Mã

Cầu Hàm Rồng lịch sử, sau một chút là cầu Nguyệt Viên – Tp. Thanh Hóa.

Đồng bọn đến hốt về cất thuyền, tắm rửa sạch sẽ, rồi đi … chế biến chỗ thực phẩm vốn dành cho buổi trưa, đã được ướp đá chờ tới tối. Lữ Phong gần như là khách hàng cuối cùng của chuyến bay đêm từ sân bay Thọ Xuân về Tân Sơn Nhất hôm ấy.

Thỉnh thoảng có những chuyến đi khùng khùng như vậy, thấy … chuyện chơi cũng lắm cái vui.