Một buổi khám phá thành phố Kon Tum

37

Thành phố Kon Tum nằm trong khu vực thung lũng sông Dak Bla ở phía Nam tỉnh Kon Tum. Nơi đây vốn là nơi sinh sống của người Bana từ xa xưa, cái tên Kon Tum, trong tiếng Bhana nghĩa là “Làng hồ”. Bạn bè cứ bảo, chẳng biết lấy đâu ra tiền mà Lữ Phong toàn thấy “đi chơi” miết? Thực ra làm gì có chuyện “đi chơi miết”, y cũng phải làm chứ, thậm chí có những giai đoạn còn phải “cày bừa” ác liệt nữa. Chẳng qua y cũng hay tranh thủ chơi trong lúc đi làm – khi có thể – mà thôi. Và Lữ Phong có dịp lang thang thành phố Kon Tum trong một buổi chiều tháng 8 theo cách tranh thủ “chơi trong lúc đi làm” như vậy.

Chỉ dừng lại ở Kon Tum 1 ngày, tranh thủ xử lý công việc rốp rẻng trong buổi sáng, buổi chiều y mượn được một chiếc xe máy của bạn lễ tân khách sạn (dĩ nhiên bạn này yên tâm vì giấy tờ và hành lý y còn để lại) và tranh thủ “cưỡi ngựa xem hoa” một vòng thành phố này.

Nhà thờ gỗ Kon Tum

Điểm đến nổi tiếng nhất ở thành phố nhỏ phía Bắc Tây Nguyên này, chắc chắn là nhà thờ gỗ Kon Tum – tên đúng của nó là Nhà thờ chính tòa Kon Tum, tại số 13 đường Nguyễn Huệ, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum – công trình kiến trúc cổ đặc sắc, với sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc Roman của châu Âu với kiến trúc nhà sàn của người Bana Tây Nguyên. Điểm đặc biệt nhất là nhà thờ làm gần như toàn bằng gỗ, nên cái tên “Nhà thờ Gỗ” đã thành cái tên phổ biến với đa số mọi người.

Nhà thờ gỗ Kon Tum

Tháp chuông nhà thờ gỗ Kon Tum nổi bật trên nền trời Tây Nguyên xanh ngắt

Nhà thờ gỗ Kon Tum được linh mục Giuse Decrouille khởi công xây dựng từ tháng 4 năm 1913, và hoàn thành vào những ngày đầu năm 1918. Vật liệu xây dựng chủ yếu nhất là gỗ cà chít (hay còn gọi là gỗ sến đỏ, một loại gỗ quý rất bền vững với thời gian, khá nhiều ở Kon Tum vào thời điểm ấy). Hệ thống cột, kèo chính của nhà thờ dùng gỗ cà chít, tường và trần nhà thờ sử dụng vật liệu đất nhà trộn kỹ với rơm – đặc trưng kiểu nhà truyền thống của người miền Trung, bởi lực lượng xây dựng nhà thờ có khá đông những người thợ mộc ở Bình Định, Quảng Ngãi.

du lịch Kon Tum

Nhà thờ được xây dựng theo kiểu nhà sàn trên hệ thống các trụ gỗ

du lịch Kon Tum

Không gian nội thất bên trong nhà thờ gỗ Kon Tum

Khuôn viên nhà thờ, ngoài giáo đường, còn có nhiều công trình phụ trợ khác như: nhà tiếp khách, nhà lưu niệm, cô nhi viện, cơ sở may dệt, … Ngày nay, vào các dịp lễ, tại khuôn viên nhà thờ gỗ Kon Tum còn kết hợp tổ chức các hội chợ, thu hút đông đảo du khách cùng người dân địa phương tham gia.

Nhà thờ gỗ Kon Tum

Một công trình khác trong khuôn viên nhà thờ

Cầu treo Kon Klor

Cầu treo Kon Klor được mệnh danh là cầu treo đẹp nhất Tây Nguyên, nằm trên đường Bắc Cạn, bắc qua sông Dak Bla. Cây cầu được khởi công xây dựng ngày 3/2/1993 và hoàn thành ngày 1/5/1994.

du lịch Kon Tum

Cầu treo Kon Klor trên đường Bắc Cạn, thành phố Kon Tum

Cầu treo Kon Klor khá gần với nhà thờ gỗ Kon Tum, Lữ Phong đến cầu treo khi đã cuối chiều. Tháng 8 trời Tây Nguyên xanh ngắt, nắng mùa thu vàng như mật, dù cuối chiều, không gian vẫn rực rỡ.

cầu treo Kon Klor Kon Tum

Cầu treo Kon Klor soi bóng dòng Dak Bla trong chiều vàng nắng

Cầu treo Kon Klor cũng là một điểm đến nổi tiếng ở thành phố Kon Tum mà hầu hết mọi du khách khi đến đây đều cố gắng ghé thăm.

cầu treo Kon Klor Kon Tum

Chiều vàng nắng trên cầu treo Kon Klor

du lịch Kon Tum

Hai cậu bé Bhana đang biểu diễn động tác thả diều trên cầu treo

Chủng viện Thừa sai Kon Tum

Rời cầu treo Kon Klor, Lữ Phong tiếp tục đến thăm Chủng viện Thừa sai Kon Tum, tại 56 Trần Hưng Đạo, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum. Chủng viện được linh mục Martial Jannin tiến hành xây dựng từ năm 1933 tới năm 1937 thì hoàn thành toàn bộ.

Chủng viện Thừa sai Kon Tum

Chánh điện Chủng viện Thừa sai Kon Tum

Chủng viện Thừa sai Kon Tum cũng giống nhà thờ gỗ, được xây dựng chủ yếu bằng gỗ cà chít, mang sự pha trộn kiến trúc Roman và nhà rông Tây Nguyên. Khuôn viên Chủng viện xanh ngắt màu của cỏ cây. Lối vào Chủng viện đi giữa hai hàng cây sứ tuyệt đẹp.

du lịch Kon Tum

Hàng sứ hai bên lối vào Chủng viện

du lịch Kon Tum

Tượng linh mục Martial Jannin – người sáng lập chủng viện – phía trước chủng viện

Chủng viện Thừa sai Kon Tum

Khuôn viên chủng viện xanh mướt màu của cỏ cây.

Di tích lịch sử Ngục Kon Tum

Ngục Kon Tum được thực dân Pháp xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1905 đến cuối năm 1917 tại bờ Bắc của sông Dak Bla, nằm tại cuối đường Trương Quang Trọng, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, sát ngay bờ sông Dak Bla. Tại nhà ngục này, thực dân Pháp giam giữ những người tù chính trị người Việt bị đưa về từ vùng Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế. Dây cũng là nơi người Pháp lấy nguồn nhân lực – những người tù – để xây dựng đường 14 (nay là QL14) và khai phá cao nguyên.

Ngục Kon Tum

Di tích lịch sử Ngục Kon Tum

Nơi đây ghi dấu những cuộc đấu tranh của những người cộng sản phản đối chính sách bóc lột lao động dã man của chính quyền thuộc địa trong việc khai phá cao nguyên – điển hình là cuộc biểu tình ngày 12/12/1931.

du lịch Kon Tum

Hai ngôi mộ gió tập thể của các liệt sĩ trong “cuộc đấu tranh lưu huyết” 12/12/1931

du lịch Kon Tum

Phản nằm và cùm chân cá nhân của các chiến sĩ cộng sản tại ngục Kon Tum

Cũng tại đây, trong suốt mùa mưa năm 1931 – từ tháng 5 đến cuối tháng 10 – những người tù khổ sai đã phải đắp một gò đất trong khuôn viên nhà ngục, để thực dân Pháp bắc cầu qua sông Dak Bla.

du lịch Kon Tum

Di tích gò đất bên bờ sông Dak Bla mà những người tù khổ sai phải đắp năm 1931

Ngày nay, thành phố Kon Tum ngày càng phát triển, và là một trong các điểm đến hấp dẫn của du khách khi tới Tây Nguyên.

Cầu Dak Bla  Kon Tum

Cầu Dak Bla và một góc Kon Tum, nhìn từ nhà ngục Kon Tum

Chiều muộn, đứng bên bờ sông Dak Bla trong khuôn viên ngục Kon Tum để ngắm về phí cầu Dak Bla và một góc thành phố Kon Tum với dãy núi biếc xa xa đang mờ dần trong chiều, trong lòng Lữ Phong chợt thấy bâng khuâng, biết ơn những liệt sĩ đã nằm xuống tại đây để đất nước nói chung và Kon Tum nói riêng có được sự phát triển như ngày hôm nay.