Trekking Ngũ Chỉ Sơn – Bàn tay kỳ diệu và đầy thử thách của tạo hóa

61

Nếu đã là trekker thì bạn không thể bỏ qua Núi Ngũ Chỉ Sơn. Đây được coi là một trong những điểm trekking khó nhưng có vẻ đẹp mê đắm lòng người. Vì thế, nhóm mê trekking chúng tôi đã lên kế hoạch chinh phục đỉnh núi này, ngay trong thời gian được coi là cao điểm của leo núi.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Ngũ Chỉ Sơn – sở hữu vẻ đẹp đầy thách thức nhưng cuốn hút để chinh phục.

Ngũ Chỉ Sơn ở đâu?

Núi Ngũ Chỉ Sơn nằm ở giáp ranh xã Tả Giàng Phình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai và xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Trong bảng xếp hạng 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam thì Ngũ Chỉ Sơn đứng thứ 15/15 với độ cao 2.858m, nhưng xét về độ khó thì Ngũ Chỉ Sơn thuộc nhóm 7/10. Với hình dáng khi nhìn từ xa, 5 ngọn núi nằm ngay cạnh nhau như năm ngón tay cùng chĩa thẳng lên trời trông rất hùng vĩ, cùng thảm thực vật phong phú, đa dạng, nguyên sơ, vì thế mà được mệnh danh là Đệ nhất hùng sơn của Tây Bắc.

Cách di chuyển đến Ngũ Chỉ Sơn

Có hai cách để leo núi Ngũ Chỉ Sơn, một là leo từ bản Tả Giàng Phình, Bát Xát, Lào Cai, hai là leo từ bản Chu Va, Tam Đường, Lai Châu. Đoàn chúng tôi đi theo cách một, leo từ bản Tả Giàng Phình.

Một ngày tháng 12, đoàn chúng tôi bắt xe giường nằm đêm từ Hà Nội lên Sapa. Sau chuyến nghỉ đêm trên xe, sáng sớm tầm 7h00, chúng tôi tiếp tục hành trình 25km với xe ô tô 16 chỗ để đến bản Tả Giàng Phình. Dù hành trình chỉ 25km nhưng xe không thể đi được nhanh vì đặc thù đường núi, nhiều khúc cua gắt và sương mù dày đặc. Đến điểm dừng chân để bắt đầu cung đường trekking, chúng tôi khởi động cơ thể với vài động tác cơ bản để làm ấm toàn thân và giúp cho các bước chân được dẻo dai, tránh chuột rút. Hành trình chinh phục Ngũ Chỉ Sơn bắt đầu…

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Quang cảnh bình yên dưới chân núi. Đàn lợn bé xíu xiu dễ thương vô cùng.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Núi Ngũ Chỉ Sơn còn hoang sơ và rất hùng vĩ, thảm thực vật vô cùng phong phú và đa dạng với các loài thảo mộc, dược liệu quý hiếm và những loài cây lâu năm, bao quanh là các dải núi đá trùng điệp nối tiếp nhau, vì thế mà được mệnh danh là Đệ nhất hùng sơn Tây Bắc.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Hệ thực vật rừng nguyên sinh có tận mắt chứng kiến mới trầm trồ vẻ đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Những loài cây rêu phong, xù xì mang màu xanh rêu, vàng muội, phong lan, nấm, linh chi,… bám đầy quanh những cây cổ thụ.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Càng lên cao, các tầng mây bảng lảng bao quanh các ngọn núi. Nhiều khi, ngay tại lán trại nghỉ, bạn cũng dễ bị nhầm khói bếp hay là mây bay.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Phút thư thái khi lên đến lán nghỉ và ngắm cảnh mây trời non nước nơi đây.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Một góc nhìn từ trên khe núi hắt xuống vực. Với địa hình đặc trưng là các ngọn núi sát cạnh nhau, dốc đá thẳng đứng nên bạn gặp rất nhiều các khe núi trong quá trình chinh phục đỉnh núi Ngũ Chỉ Sơn.

Ngũ Chỉ Sơn – Thử thách của tạo hoá

Đặc sản của Ngũ Chỉ Sơn chỉ là dốc và dốc. Có những chỗ chỉ vừa nhỉnh hơn bàn chân bước, bên tay phải là vực, tay trái là vách núi trơn, đi cứ phải nghiêng người về bên trái.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Một bên là vực, một bên là vách núi dựng đứng, đường đi chỉ bé vừa bàn chân bước.

Đoạn đi lên nhiều khi dễ hơn lúc xuống, bởi độ cao dốc hơn cả một sải chân, lại không có thân cây to để bám, một tay phải bám vào thân mấy cây trúc mảnh mai bé bằng ngón tay (phải gom ba cành lại và nhớ là cành tươi mới chắc), tay còn lại bám vào sợi dây thừng còn nhỏ hơn ngón tay út mà ai đó chằng tạm vào gốc cây cụt mỏng manh, hiếm hoi, rồi đu người xuống. Nhiều chỗ không có đường đi, người ta phải dựng thang thân cây làm lối, có những đoạn thang dốc thẳng đứng dài mấy chục mét.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Những thân cây được chặt ra, dựng thô sơ thành cầu đi nối từ khe núi này sang khe núi khác.

Đoạn từ lán lên đỉnh nhiều thách thức hơn những đoạn dốc đá phía dưới bởi đặc thù đỉnh Ngũ Chỉ Sơn như tên gọi của nó, hình năm đỉnh núi lởm chởm và chĩa thẳng lên trời, nên càng lên đỉnh càng dốc. Vì để kịp thời gian lên đỉnh lúc đón bình minh nên đoàn phải xuất phát từ 4h30 sáng. Cứ nghe tiếng nhau mà đi: "Chỗ này nguy hiểm lắm, cẩn thận nhé!". Đến khi đón bình minh trên đỉnh xong, trở lại lán, qua chỗ ban sáng mình đã đi mới nhủ thầm: đi lúc trời chưa tỏ cũng có cái hay, bởi nếu mình nhìn rõ thì chưa chắc đã dám leo lên, cái cua ngoặt từ hốc hang ấy lên lối dốc tiếp theo chỉ vừa bàn chân đứng, khe hẹp đúng bằng thân người, balo phải đeo ngược phía trước mới lách vừa. Nhìn xuống là vực, ngước lên là giếng trời nhỏ xíu kẹp nách hai bên vách núi. Dựng đứng! Chỉ cần chẹo tí thôi là ngã ngay xuống hẻm vực mấy chục mét lởm chởm đá ngay dưới. Đứng ở chỗ này, nhìn người xuống trước mình phía dưới chỉ to hơn con gián tí thôi.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Khe hẹp của cửa tử chỉ vừa bằng thân người lách, nếu đeo ba lô thì bạn phải đeo ba lô phía trước cùng combo người nhỏ, balo nhỏ may ra mới lách vừa. Khe núi dốc đứng khi bạn leo lên trời chưa tỏ đôi khi lại làm giảm độ sợ vì không nhìn rõ. Cứ nhìn bóng hồng bên dưới là bạn có thể mường tượng ra độ dốc của ngách núi này.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Còn đây là góc nhìn ngược từ phía dưới lên phía trên của khe cửa tử.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Nghỉ chân dọc đường mà ngắm cảnh vật quên hết mệt mỏi của những đoạn dốc vừa qua.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Mưa xuống, rừng nguyên sinh lạnh càng thêm lạnh.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Giờ trưa mà cứ ngỡ sáng sớm, mây mù giăng khắp lối.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Đã đến giờ ăn trưa, các anh em porter chuẩn bị nổi lửa. Do nhóm mình đi khá nhanh, anh em porter xuất phát chậm hơn nên đến chỗ nghỉ mà vẫn phải chờ đồ ăn mang lên sau. Chờ đến hơn 1 tiếng với cái lạnh xuống sâu nên mọi người khá thấm mệt và rất đói. Trời lại mưa nên công cuộc nhóm bếp khá gian nan và mất thời gian.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Tuy vậy, bữa trưa khá đầy đủ chất dinh dưỡng và rất ngon, nhất là món gà luộc chấm muối ớt.

Láng Ngũ chỉ Sơn rất "hịn", có hẳn hai tầng (nằm tầng dưới chỉ sợ căn penthouse ở trên nó sập bởi lán tầng chỉ là những thân gỗ bắc ngang đơn sơ). Cũng vì đặc sản Dốc mà có chuyện ban đêm rì rầm về nhà WC của Ngũ Chỉ Sơn: phải căn cho chuẩn nhé bởi mỗi chất thải sẽ được thả tự do mấy chục mét xuống dưới vực . Cái cảm giác "đi" ở đây nó cũng rất khác biệt, dập dòm, gió hút, dưới ấy mênh mông là vực nên ngồi mà lòng cũng thắc thỏm không yên. Tốt nhất là nhịn!

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Lán nghỉ đêm.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

View lán nghỉ khi trời sập tối.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Cổng Trời – Điểm check – in không thể thiếu của các trekker khi chinh phục Ngũ Chỉ Sơn.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Vừa qua Eo Đón Gió.

Một số kinh nghiệm khi đi leo núi

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Đón hoàng hôn tại lán nghỉ. Ngắm mây vờn núi – Hình ảnh từng đám mây như sương khói lũ lượt bay vờn quanh ngọn núi tạo quang cảnh hư hư thực thực. Chiều về, cầm cốc trà nhấm nháp và ngắm tiên cảnh này, không gì thư thái hơn. Từng đám mây như thế cuốn trôi mọi ưu phiền và chỉ để lại sự thanh thản bên bạn.

trekking Ngũ Chỉ Sơn

Đón bình minh trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn – hoàn thành chinh phục Đệ nhất hùng sơn Tây Bắc.

Ngũ Chỉ Sơn là một đỉnh núi không dễ "xơi" nếu bạn bắt đầu con đường trekking, bởi độ dốc lớn và liên tục sẽ vắt kiệt sức lực nếu bạn không chuẩn bị cho mình một nền tảng sức khỏe tốt trước khi bắt đầu hành trình. Bên cạnh thể chất thì tâm thế rất quan trọng bởi có những đoạn núi nguy hiểm thật sự, cần bạn tập trung cao, bởi giữa vực và con đường bé xíu dưới chân, giữa thương tích (hoặc nặng hơn) và sự an toàn chỉ trong gang tấc. Đoàn chúng tôi đi đã có 1/3 bỏ cuộc không lên đỉnh vì sự nguy hiểm của chặng cuối. Nhưng chỉ cần bạn thận trọng, bạn sẽ chinh phục được thôi. Chúc bạn thành công và có chuyến đi đáng nhớ với Ngũ Chỉ Sơn.