Chiều biên giới trên cột mốc 1297

109

Lạng Sơn là 1 trong 7 tỉnh của nước ta tiếp giáp với Trung Quốc, với đường biên giới kéo dài đến 232 km. Địa phương này cũng sở hữu đến gần 500 cột mốc biên giới, trong đó cột mốc 1297/4 thu hút đông du khách nhất bởi khung cảnh hùng vĩ và lãng mạn hòa làm một.

Hành trình đến cột mốc 1297/4

Cột mốc 1297/4 thuộc xã Bắc Xa (huyện Đình Lập, Lạng Sơn), giáp với xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh). Nằm gần ranh giới giữa 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh nên bạn có thể đến đây từ hai hướng.

Từ thành phố Lạng Sơn đi theo quốc lộ 4B đến thị trấn Đình Lập, rẽ trái vào quốc lộ 31 đến xã Bắc Xa rồi cứ theo con đường trục chính của xã ven sườn núi là đến cột mốc 1297. Quãng đường này hơn 100km nên nhiều du khách thường lựa chọn xuất phát từ huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh – chỉ cách cột mốc khoảng hơn 20km và dễ di chuyển hơn. Cũng vì điều này nên một số người nhầm vị trí, cho rằng cột mốc 1297 thuộc địa phận Quảng Ninh.

Từ Bình Liêu có thể đi lên mốc 1297 theo nhiều con đường. Trên quốc lộ 18C đến đoạn xã Vô Ngại thì rẽ trái qua cầu, đi thêm khoảng hơn 20km là đến cột mốc. Nếu không thì thẳng tiến đến địa phận xã Lục Hồn, có một ngã ba với bảng chỉ dẫn đi mốc 61-68, rẽ trái rồi cứ đi theo con đường đó là đến mốc 1297, cách khoảng 24km. Hoặc gần đến cửa khẩu Hoành Mô, có bảng chỉ dẫn đi mốc 61-68; rẽ trái và đi theo đường đèo khoảng 30km là đến.

Cả 2 hướng đều phải đi qua những đoạn đường đèo dốc quanh co, khá nguy hiểm nên sẽ mất thời gian hơn bình thường rất nhiều.

Nàng thơ của núi rừng Đông Bắc

Cho dù đi từ hướng Lạng Sơn hay Quảng Ninh, bạn cũng sẽ trải qua những cung đường đèo uốn lượn, những khúc cua rất gấp, hoàn toàn đủ sức thử thách bất kỳ tay lái lụa nào. Vậy nên đường lên cột mốc chỉ phù hợp với xe máy, xe 12 chỗ trở xuống hoặc cùng lắm là xe 29 chỗ. Nhưng đi xe máy sẽ là thú vị nhất vì bạn có thể dừng ở bất kỳ điểm nào để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên nơi đây. Càng lên cao, con người càng nhỏ bé thì khung cảnh càng hùng vĩ. Những ngọn núi trùng trùng điệp điệp xếp chồng lên nhau, có vài nơi mây trắng còn vấn vít bay sà xuống. Con đường mà chúng tôi mới đi qua thu lại còn bé xíu như một sợi chỉ vắt ngang lưng chừng núi.

cột mốc 1297

Những ngọn núi trùng điệp trải dài.

Trên đường chúng tôi bắt gặp rất nhiều cây bướm bạc mọc dại, có cây cheo leo bên vệ đường, có cây chông chênh giữa sườn núi. Thật ra hoa bướm bạc có màu vàng cam, còn lớp cánh trắng thuôn dài hình trứng bao quanh là do lá cây phát triển thành. Từ trên cao nhìn xuống là từng vạt hoa trải dài, nhìn xa như những cánh bướm trắng rập rờn giữa triền núi xanh. Khung cảnh thật sự hùng vĩ và nên thơ.

cột mốc 1297

Những cánh bướm bạc rung rinh trong gió.

cột mốc 1297

Người ta thường đến đây vào mùa hoa cỏ lau. Nhưng tôi lại thích mùa hè với thung lũng bướm bạc tung cánh trắng nên thơ.

Tầm tháng 10, 11 nơi đây sẽ phủ đầy hoa lau. Điều đặc biệt ở chỗ, mặc dù gần như có hoa quanh năm nhưng cứ khi gió lạnh đầu mùa bắt đầu tìm về thì cả rừng lau mới rộn ràng bung nở. Khắp ven đường, trên vách đá là một màu trắng óng ánh phản chiếu ánh nắng mặt trời. Cả vạt núi đầy ắp bướm bạc của mùa hè giờ được thay bằng biển cỏ lau. Cũng bởi vẻ đẹp mộc mạc dung dị đó mà đường lên cột mốc 1297 được dân phượt gọi bằng cái tên rất lãng mạn – “thiên đường cỏ lau”.

Chạm tay vào cột mốc thiêng liêng

Đường lên đỉnh cột mốc giờ đã dễ đi hơn trước đây. Từ cung đường đèo trải nhựa chạy bon bon, chỉ leo lên con dốc chừng 700m là đến. Có đoạn dốc quá đã được làm thành bậc tam cấp, có đoạn thoải hơn thì rải bê tông trộn sỏi. Tuy nhiên có vài đoạn khá dốc nên bạn vẫn cần nghỉ ngơi đôi chút để đảm bảo sức khỏe.

cột mốc 1297

Chặng leo đầu tiên để đến với cột mốc nơi thiên đường cỏ lau.

cột mốc 1297

Con đường mòn chen giữa bạt ngàn cỏ dại gai sắc.

Ven đường toàn những bụi cỏ, lá và gai sắc lẹm. Hết đoạn đường bằng rồi dốc, dốc rồi lại bằng, tôi đã thấy “nấc thang lên thiên đường” trong mô tả của rất nhiều người đi trước. Đó là những bậc cấp len lỏi giữa đám cỏ xanh và bông xuyến chi trắng, đi thẳng lên đỉnh núi, nơi đặt cột mốc 1297/4. Cầu thang dốc đứng, ngỡ như lên tới đỉnh là đã chạm đến mây trời. Người ta bảo rằng mùa đông khung cảnh còn huyền ảo hơn nữa khi những bông cỏ lau trắng muốt đan lòa xòa hòa cùng sắc trời xanh thăm thẳm. Đây cũng là lúc thu hút nhiều du khách đến tham quan nhất. Thậm chí, có những ngày nhiệt độ xuống thấp, băng giá phủ trắng đồi vẫn có người đến check-in.

cột mốc 1297

Bạn đã mệt chưa? Ráng lên, qua cầu thang dựng đứng phía xa này sẽ có điều bất ngờ dành cho bạn.

cột mốc 1297

Nắng chiều rót mật trên từng ngọn cây cọng cỏ.

cột mốc 1297

Ven theo bậc thang là loài cỏ dại, quả như quả dưa hấu mini.

Cột mốc 1297/4 là mốc nhỏ thuộc nhóm 4 mốc phụ của mốc đơn 1297. Nó cũng nằm ở vị trí cao nhất, đến 1020,71 mét, cao hơn 100m – 200m so với với 3 mốc giới phụ còn lại. Chúng tôi chỉ đi tay không mà đã thấy mệt, huống hồ những người đã vác từng tảng đá, bao cát lên đây làm đường, xây cột mốc. Từ điểm này, phóng tầm mắt ra xa có thể bao quát toàn cảnh núi rừng. Gió lồng lộng và nắng chói chang, hít thở không khí trong lành, ngắm từng dấu mốc và khung cảnh hùng vĩ của quê hương thật sự là một cảm giác khó tả.

cột mốc 1297

Chiều xuống khá nhanh trên biên giới, chẳng mấy mà trời đã sầm sập đổi màu. Từ cột mốc 1297/4 nhìn xuống, trạm canh gác biên phòng chỉ còn là một chấm nhỏ bé kiên cường nơi biên cương.

cột mốc 1297

Cột mốc 1297/4 nhìn từ phía Việt Nam.

cột mốc 1297

Mặt sau của cột mốc 1297/4.

Từ vành đai tuần tra biên giới này, bạn có thể đi tiếp đến các cột mốc khác trên địa bàn Lạng Sơn và Quảng Ninh. Dù là điểm đến nào thì tôi đều chắc rằng sự tự hào là điều bạn sẽ luôn cảm nhận được bên mỗi cột mốc chủ quyền quốc gia.