Hành trình qua 9 cửa sông miền Tây

61

Sông Mê Kông khép lại hành trình dài hơn 4300km ở đồng bằng sông Cửu Long, đổ ra biển qua 9 cửa sông. Tại Phnom Penh (Campuchia), một nhánh nhỏ có tên Bassac đã tách khỏi Mê Kông, chạy song song với nó và cùng tiến vào Việt Nam ở địa phận thị xã Tân Châu (An Giang).

Trên đất Việt, nhánh chính của Mê Kông là sông Tiền, đổ ra biển qua 6 cửa: Cửa Tiểu, Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu. Nhánh Bassac (hay Ba Thắc) là sông Hậu, đổ ra biển qua 3 cửa: Định An, Ba Thắc, Trần Đề. Do quá trình bồi lắng phù sa và thay đổi dòng chảy, 9 cửa sông hiện nay chỉ còn 8.

Vẻ đẹp sông nước ở miền Tây một lần nữa thúc giục mình lên đường để tận mắt chiêm ngưỡng những cửa sông này. Tiêu chí của chuyến đi là nhìn được cận cảnh nhất có thể những cửa sông (cả bằng đường bộ lẫn đường sông).

1. Cửa Tiểu

Mình khởi hành từ TP HCM, nhắm hướng thị xã Gò Công (Tiền Giang), đi qua thị trấn Cần Giuộc và Cần Đước, băng qua cầu Mỹ Lợi trên sông Vàm Cỏ, ranh giới giữa hai tỉnh Long An và Tiền Giang.

Trước tiên, mình ghé qua bến đò Đèn Đỏ ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang. Theo Google Maps, đây là bến đò có vị trí gần nhất với cửa sông đầu tiên – Cửa Tiểu. Mình có tìm hiểu trước thì biết bến đò này đã ngừng hoạt động, khi đến đây thì một lần nữa được xác nhận.

cửa sông miền Tây

Bến đò Đèn Đỏ đã dừng hoạt động

Để ra vị trí gần Cửa Tiểu nhất, từ bến đò Đèn Đỏ bạn đi tiến về phía cửa sông chừng 300m, rồi rẽ vào một cái hẻm. Đầu hẻm là một shop quần áo, cuối hẻm có một cảng cá nhìn ra Cửa Tiểu.

Ngay ở cảng cá có một con đường đê nhỏ dài chừng 100m. Cuối con đường này là vị trí có thể coi là gần nhất bằng đường bộ để nhìn thấy Cửa Tiểu. Nên dựng xe bên ngoài và đi bộ vào.

Cửa Tiểu

Đi hết con đường đê này là nhìn thấy Cửa Tiểu

Sau đó, từ bến đò Đèn Đỏ, mình đi ngược lại 6km đến phà Bến Chùa để qua sông.

Cửa Tiểu

Phà Bến Chùa

Cửa Tiểu

Cửa Tiểu

2. Cửa Đại

Sau khi qua sông, mình đi thêm 8km đến phà Bình Tân để qua cửa sông thứ hai – Cửa Đại. Trời bắt đầu mưa nặng hạt. Cửa Đại hiện ra với một con thuyền ở ngay chính giữa.

cửa sông miền Tây

Bến phà Bình Tân

Cửa Đại

Cửa Đại

3. Cửa Ba Lai

Sau khi qua đất Bến Tre, mình di chuyển thêm 15km đến bến đò Thủ Thạnh Phước để qua cửa sông thứ ba – Cửa Ba Lai.

cửa sông miền Tây

Bến đò Thủ Thạnh Phước

Ba Lai là cửa sông nhỏ nhất trong số các cửa sông hiện tại ở đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là cửa sông có nguy cơ biến mất trong tương lai vì quá trình bồi lắng phù sa diễn ra nhanh.

Vị trí của bến đò này nằm cách rất xa so với cửa Ba Lai, chỉ nhìn được một khúc quanh của con sông. Vì vậy, mình quyết định sau khi sang bờ bên kia sẽ đi tìm một điểm chụp gần hơn.

cửa Ba Lai

Sông Ba Lai

Tuy nhiên, một cơn mưa lớn đổ ập xuống ngay khi đò vừa sang bờ bên kia, khiến mình mắc kẹt gần 1 tiếng rưỡi ở một tiệm tạp hóa gần đó.

Sau khi mưa ngớt, mình lên đường đi vào khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao An Hóa. Con đường chạy qua những đầm nước, đìa tôm, khu nuôi nghêu, hàu của người dân. Từ đường chính nhìn vào khu bảo tồn thấy rất nhiều cò. Chúng bay toán loạn mỗi khi nghe thấy tiếng người.

cửa Ba Lai

Trên đường vào khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao An Hóa

Loay hoay tìm vị trí cửa sông, mình được một anh trai dẫn đường nhiệt tình. Hóa ra anh trai này làm ở khu nuôi nghêu gần đó. Để xe bên ngoài, mình đi bộ qua một cây cầu làm bằng những ván gỗ ghép với nhau, băng qua khu nuôi nghêu và tiến thẳng ra bờ biển, nơi có thể nhìn thấy cửa sông Ba Lai.

Bờ biển đầy những mảnh vỏ sò, ốc. Cát màu nâu sậm hòa cùng phù sa nên mềm nhũn, khiến mình không dám bước mạnh vì sợ lún. Không gian hoang dã và choáng ngợp.

Cửa Ba Lai

Cửa Ba Lai

Sau đó, mình chạy về thị trấn Ba Tri cách đó chừng 12km để nghỉ đêm.

4. Cửa Hàm Luông

Hôm sau, mới sáng ra mà mây đen đã kéo đến nặng trĩu. Cửa sông tiếp theo là Hàm Luông. Khảo sát nhanh, mình thấy khu vực cửa sông bờ bên Ba Tri có đường đi ra sát biển, vậy là lại mò mẫm.

Trời lúc mưa lúc tạnh, lối đi toàn đường đất trơn trượt, song mình cũng đã mò ra đến điểm cuối con đường mà Google Maps có thể chỉ, nơi bao quanh bởi những ruộng dưa hấu. Hỏi han một hồi, mình được các cô chú nông dân quanh đó hướng dẫn tận tình đường đi lên triền đê, men theo những ruộng dưa.

cửa sông miền Tây

Những ruộng dưa hấu

Gió giật và mưa lất phất khi mình đặt được chân lên triền đê. Con sông Hàm Luông dưới bầu trời xám xịt trông càng thêm phần đáng sợ với những đợt sóng vồ vập khi hòa vào biển. Phóng tầm mắt ra xa là những dự án điện gió và lác đác những con thuyền.

Cửa Hàm Luông

Cửa Hàm Luông nhìn từ triền đê

Rời triền đê, mình quay lại tìm bến đò qua sông. Một cơn mưa lớn khác trói chân mình 2 tiếng đồng hồ ở một quán cà phê trong chợ Tiệm Tôm. Sau đó, để qua sông Hàm Luông, mình tìm đến bến đò An Hòa Tây. Mọi người lưu ý 2 bến đò Ấp An Thuận và Tiệm Tôm (có vị trí gần cửa sông Hàm Luông hơn) đều không còn hoạt động.

cửa sông miền Tây

Bến đò An Hòa Tây

Cửa Hàm Luông

Cửa Hàm Luông nhìn từ phà

5. Cửa Cổ Chiên

Mình tiếp tục di chuyển 17km đến bến đò Bến Chổi, qua cửa sông thứ năm – Cửa Cổ Chiên. Vừa đến gặp ngay một nhóm đi ăn cưới, thấy nói chuyện với nhau là mưa gió như này đi đò phê lắm. Mà hóa ra phê thật, nó lắc như tàu lượn, có mấy thanh niên ói luôn. Trải nghiệm thú vị và đáng nhớ.

cửa sông miền Tây

Bến đò Bến Chổi

Cửa Cổ Chiên

Cửa Cổ Chiên

6. Cửa Cung Hầu

Qua đất Trà Vinh, mưa ngớt và nắng lên. Mình đi 4km đến bến phà Long Hòa – Mỹ Long để qua cửa Cung Hầu. Đây là cửa sông cuối cùng thuộc hệ thống sông Tiền.

cửa sông miền Tây

Bến phà Long Hòa – Mỹ Long

Cửa Cung Hầu

Cửa Cung Hầu

Từ bến phà Mỹ Long về chỗ mình nghỉ đêm ở thị trấn Trà Cú là một chặng đường xuyên dọc đất Trà Vinh. Băng qua những cánh đồng mênh mông và thơm mùi lúa mới, có tiếng ếch nhái ộp oạp, đâu đó là những ngôi chùa Khmer trạm trổ cầu kỳ nằm lặng lẽ dưới tán cây.

7. Cửa Định An

Quãng đường từ trung tâm thị trấn Trà Cú đi bến phà Long Vĩnh – An Thạnh 3 dài 17km. Bến này có chỗ soát vé và chỗ bán vé riêng, không như đa phần các nơi khác đều thu tiền trực tiếp và không có vé.

cửa sông miền Tây

Bến phà Long Vĩnh – An Thạnh 3

Cửa Định An

Cửa Định An

8. Cửa Ba Thắc

Ba Thắc trên lý thuyết là cửa sông thứ tám, nhưng hiện giờ nó chỉ là nơi sông Cồn Tròn đổ vào sông Kinh Ba (tên gọi khác cho sông Hậu ở khu vực này) và đi ra biển ở cửa Trần Đề. Sự biến mất của cửa Ba Thắc là do biến đổi dòng chảy, phù sa bồi lắng khiến lòng sông và cửa sông bị thu hẹp.

Tìm điểm chụp cận cảnh cửa sông này là điều không hề dễ. Trước tiên, mình bắt một chuyến đò ngang qua bên kia bờ sông Cồn Tròn ở bến Rạch Tráng – Kênh Ba.

cửa sông miền Tây

Bến đò Rạch Tráng – Kênh Ba

Con đường xuống khu vực gần cửa sông đi qua những rặng dừa và bãi mía. Hỏi han xung quanh, nhiều người dân còn không biết đến cửa Ba Thắc và không hiểu mình định tìm cái gì! Trong lúc gần như không còn hy vọng thì mình gặp được một chú tên Hùng, làm nghề nuôi tôm ở đây.

cửa sông miền Tây

Chú Hùng là “vị cứu tinh” của mình

Chú lắng nghe mình rất kỹ và khẳng định chỉ có cách dùng ghe đi ra giữa lòng sông để trông thấy cửa sông. Không thể đi bộ vì không có đường. Rừng cây ở gần cửa sông toàn những cây ngập mặn, mọc trên nước, do đó không có đường đất để mà đi.

Chú Hùng gọi cho một chủ ghe gần đó nhưng người này từ chối chạy. Vậy là chú rủ mình về, vác một chiếc xuồng từ đìa tôm sang một con rạch ngay sát nhà, rồi đề nghị chèo tay đưa mình ra sông.

cửa sông miền Tây

Chú Hùng và chiếc xuồng nhỏ

Mình thích quá gật đầu lia lịa, nhưng chưa kịp sướng thì phải vật lộn với nền đất trơn trượt toàn phù sa để xuống được xuồng. Nói chung là dùng hết sức bình sinh bấm cả năm đầu ngón chân vào đất mà nó vẫn cứ trôi tuột đi. Đành phải dùng cả tứ chi để di chuyển. Vậy mà chú Hùng cứ thoăn thoắt.

Chiếc xuồng luồn lách từ con rạch nhỏ rồi rẽ vào sông Cồn Tròn. Mình thấy cảm xúc dâng trào khi trước mắt là cửa Ba Thắc. Xa xa bên kia là cảng Trần Đề.

Cửa Ba Thắc

Cửa Ba Thắc hiện tại

Sau khi trở về nhà rửa mặt mũi chân tay, mình gửi chú Hùng chút tiền cảm ơn, trò chuyện thêm chút xíu rồi tiếp tục hành trình.

9. Cửa Trần Đề

Chia tay chú Hùng và rời sông Cồn Tròn, mình tìm đến bến đò Nông Trường. Từ bên này sông Kinh Ba nhìn sang bên kia đã thấy cái mái cong ấn tượng của bến tàu cao tốc Sóc Trăng – Côn Đảo.

cửa sông miền Tây

Bến đò Nông Trường

Nhìn từ phà, cửa Trần Đề hiện ra rõ mồn một và mình đã có được bức ảnh chụp cửa sông hoàn hảo nhất từ đầu chuyến đi. Đây cửa sông cuối cùng trong hệ thống sông Cửu Long và mình đã hoàn thành một hành trình rất đáng nhớ.

Cửa Trần Đề

Cửa Trần Đề

Nếu không dính mưa, mình đáng ra đã có thể hoàn thành hành trình này nhanh hơn. Các bạn lưu ý tháng 10 ở miền Tây là giai đoạn cuối mùa mưa. Tháng 12 gió chướng hanh khô sẽ về và mưa dứt hẳn. Mùa khô ở đây sẽ kéo dài đến khoảng tháng 6 năm sau.

Những cửa sông là một phần hình hài của đất nước. Chứng kiến những con sông đi ra biển lớn là một cảm giác rất đặc biệt, bồi hồi lẫn tự hào. Hãy xỏ giày vào, khoác balô và lên đường về với miền Tây nhé!