Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm trên độ cao trung bình 700 – 800m so với mực nước biển, thuộc phía bắc của Tây Nguyên. Nơi đây mang khí hậu đặc trưng là nhiệt đới gió mùa cao nguyên. Gia Lai có hai mùa trong năm: mùa khô bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.Vì vậy, chúng mình lên kế hoạch khám phá Gia Lai vào những ngày đầu tháng 12, khi những cơn mưa đã nhường chỗ cho tiết trời trong xanh, nắng vàng hanh hao và chút không khí se lạnh mỗi sáng sớm.
Đi đâu tại Gia Lai?
Biển Hồ Pleiku
Hạ cánh tới trung tâm Gia Lai – thành phố Pleiku vào buổi chiều, chúng mình chọn biển hồ Pleiku là địa điểm đầu tiên để khám phá. Biển Hồ Pleiku là một hồ nước ngọt ở xã Biển Hồ, nằm ở phía Tây Bắc thành phố Pleiku, cách trung tâm thành phố khoảng 7km theo Quốc lộ 14. Nơi đây còn có tên gọi khác là hồ T’Nưng – nghĩa là biển trên núi. Hồ được hình thành từ miệng núi lửa đã ngừng hoạt động.
Hai hàng thông xanh ngát lối vào Biển Hồ như đang vẫy chào.
Vì mải mê ngắm nhìn hai hàng thông xanh ngắt lối dẫn tới biển hồ mà chúng mình quên luôn cả việc đưa vé vào cổng (10,000vnđ/người) cho chú kiểm vé. Càng đi vào phía trong, không khí càng trong lành và dịu mát.
Rừng thông cao vút ven hồ.
Đi bộ khoảng 5’ là sẽ tới Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Từ đây, mình có thể nhìn bao quát ra toàn cảnh mặt hồ bao la phía trước.
Hoàng hôn bao la Biển Hồ.
Mặt hồ long lanh ánh chiều.
Ánh nắng hoàng hôn long lanh phản chiếu xuống mặt hồ, tạo thành từng đợt sóng ánh bạc lăn tăn chạy dài đến vô tận. Cảnh tượng thật sự thanh bình và yên tĩnh lúc ánh chiều buông xuống.
Biển Hồ chè nằm cạnh hàng thông trăm tuổi
Sáng hôm sau, chúng mình tiếp tục hành trình với những điểm đến phía Bắc của Gia Lai. Và đầu tiên là Biển Hồ chè. Sở dĩ nơi đây được gọi là Biển Hồ chè bởi đó là sự kết hợp hài hòa giữa những nương chè bạt ngàn và hồ nước thủy lợi bên cạnh.
Biển Hồ chè một sáng đầy nắng.
Đồi chè ở đây chỉ cách thành phố Pleiku khoảng 13km, cách Biển Hồ nước khoảng 4km về phía Đông Bắc nên mọi người có thể kết hợp khám phá hai điểm này nếu có đủ thời gian trong ngày nhé. Nằm trên địa phận huyện Chư Pah, đây là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp ở Gia Lai. Cây chè ở đây được trồng thành từng hàng, ngay ngắn và thẳng lối. Đồi chè trải dài, xanh ngắt trong ánh nắng sớm mai. Người dân ở đây cũng rất thân thiện, sẵn sàng mời bạn vào tham quan vườn và hướng dẫn cách thu hoạch búp chè non.
Hãy xin vào vườn hái chè phụ các bác nông dân nhé.
Và không thể không nhắc tới hàng cây nổi tiếng dẫn đến biển hồ chè – hàng thông trăm tuổi.
Hàng thông trăm tuổi chạy dài như đến vô tận
Mình thật sự chưa từng nghĩ là sẽ được đặt chân đến đây vào một ngày nắng đẹp như thế. Hai hàng thông cao vút, rung rinh trong nắng, đung đưa trong gió. Có những cây to phải hai người ôm mới hết, mạnh mẽ và vững chãi trước bao thăng trầm của thời gian.
Núi lửa Chư Đăng Ya
Rời hàng thông, rời Biển Hồ chè, chúng mình tiếp tục trên những con đường đất đỏ bazan, với những rẫy cà phê để đến với địa điểm tiếp theo – núi lửa Chư Đăng Ya.
Núi lửa Chư Đăng Ya khoác lên mình tấm áo mới đầu mùa khô.
Nằm cách thành phố Pleiku hơn 25km, đường đến đây có những ngôi nhà nhỏ xinh xắn, với lũ trẻ chơi đùa trước sân, và rất nhiều cà phê được bà con phơi nắng sau một vụ thu hoạch tháng 11. Có một điều đặc biệt là những ngôi nhà ở đây, dù đơn sơ mái ngói thì cũng đều có những khóm hoa nhỏ xinh, được cắt tỉa, chăm sóc cẩn thận. Nhìn thật dễ thương và yên bình. Chư Đăng Ya theo tiếng đồng bào Gia rai nghĩa là củ gừng dại – một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm, có hai miệng núi lửa hình phễu. Gửi xe ở chân núi, chúng mình thuê hai chị người địa phương chở xe máy để đi lên đến miệng núi lửa nhỏ (giá 50,000vdn/người/2 chiều). Dù dã quỳ chỉ còn điểm tô lác đác vài bông giữa những triền núi nhưng cảnh vật vẫn thật ấn tượng.
Những bông dã quỳ cuối mùa.
Ở đây, người dân canh tác nông sản thành từng ô hình chữ nhật. Vì vậy mà núi lửa như được khoác lên mình tấm áo dệt bởi nhiều mảng màu khác nhau: xanh lam của khoai lang, xanh cốm của dong riềng non, vàng úa của cỏ lau, vàng tươi của dã quỳ, và thỉnh thoảng là nâu đỏ của những mảnh ruộng vừa được thu hoạch.
Những bụi lau đong đưa trong gió.
Từ miệng núi lửa nhỏ, chúng mình leo tiếp 10 phút nữa để tới được đỉnh núi lửa.
Những cung đường quanh co lên đỉnh.
Cùng ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ này nhé.
Gió thổi nhè nhẹ và nắng chiếu qua những bụi cây nên dù là gần trưa nhưng thời tiết vẫn rất mát mẻ. Những con đường quanh co uốn lượn. Từ đỉnh, chúng mình có thể nhìn bao quát cả miệng núi lửa lớn và bản làng nhỏ xinh phía dưới.
Khung cảnh bao la từ trên đỉnh núi nhìn xuống.
Trên đường xuống núi, chúng mình gặp những em bé dễ thương, kết vòng hoa để bán cho khách du lịch. Em chúc tụi mình có một chuyến đi vui vẻ với một nụ cười trên môi. Thật thân thiện và hiền lành.
Em bé dễ thương ngại ngùng trước ống kính.
Con đường dốc đứng độc đáo tại Gia Lai
Một góc từ trên cao trước khi chạm tới con đường dốc đứng
Con đường dốc đứng thuộc địa phận xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Con đường cách trung tâm thành phố khoảng 15km về phía Tây Nam. Hai bên đường là những đồi thông, rừng cao su và nương cà phê xanh mướt. Thấp thoáng phía xa là những cột điện gió quay đều trong ánh nắng chiều
Rảo bước trên con đường dốc đứng, giữa màu xanh của núi rừng.
Thật vui khi đến được nơi đây.
Tùy vào góc máy mà con đường lên ảnh nhìn như dốc đứng 90 độ vậy. Nhưng thực tế thì độ dốc vào khoảng 7-8% với độ dài 500m liên tiếp lên xuống. Đường đi được trải nhựa nên việc di chuyển vô cùng dễ dàng. Tuy nhiên, nếu có dừng lại chụp ảnh, mọi người nên chú ý phương tiện di chuyển trên đường nhé. Hoàng hôn ở đây cũng thật đẹp. Những ray nắng cuối ngày xuyên qua những đám mây chiếu xuống rừng cây và hàng điện gió phía dưới, phủ một màu vàng cam rực rỡ. Tất cả tạo nên một khung cảnh thật Tây Nguyên.
Những ray nắng hoàng hôn cuối ngày nơi chân trời xa.
Ăn gì tại Gia Lai?
Đến Gia Lai, chắc chắn không thể bỏ qua những đặc sản nơi đây. Chuyến đi này thực sự cho mình rất nhiều trải nghiệm về ẩm thực vô cùng ấn tượng
Gà nướng sa lửa
Món gà nướng sa lửa siêu hấp dẫn.
Chúng mình gọi một suất gà nướng (240,000 VND/con), ba ống cơm lam (10,000 VND/ống), một đĩa rau rừng (65,000 VND/đĩa) đủ no cho hai người. Gà được chạy quanh làng nên thịt có độ dai vừa phải, da gà nướng giòn, chấm với muối tiêu chanh thật sự rất hợp. Không gian quán được mô phỏng theo nhà rông của người dân địa phương, với dàn cồng chiêng để biểu diễn vào mỗi dịp cuối tuần.
Phở hai tô Ngọc Linh
Món phở gà hai tô đậm đà.
Như tên gọi, món này sẽ gồm hai tô: một tô nước dùng ngọt vị xương nha, một tô có sợi phở khô (sợi nhỏ, khá giống sợi bún khô) và thịt gà xé nhỏ cùng với rau thơm và giá đỗ. Khi ăn, bạn cho thêm chanh, xì dầu và nước dùng. Vị phở vô cùng đậm đà. Chúng mình ăn bát này mà leo núi lửa đến 1h chiều vẫn chưa đói. Món này rất chất lượng và đáng thử nha.
Bún cua thúi cô Chi
Món bún cua thúi độc đáo.
Đúng như cái tên, món bún này có mùi hương hơi nồng. Lúc đầu chúng mình cũng khá hoang mang, nhưng đã là đặc sản thì nhất định phải thử rồi. Nước dùng của bún có màu xám đục nấu cùng với măng, đậm mùi cua được lên men. Vị hơi chát và ăn kèm với da heo rán giòn béo ngậy và giò heo dai dai. Sau khi ăn quen, mình thấy thích mùi cua của món bún này, đúng như mùi của sự dân dã thôn quê ấy.
Bún bò bà Dinh
Món bún bò đầy đặn.
Tô bún bò nóng hổi được bưng lên. Trong cái tiết trời se lạnh của Gia Lai này thì còn gì tuyệt vời hơn nữa. Sợi bún khá nhỏ so với bình thường mình ăn ở Hà Nội. Nước dùng đậm đà và hơi cay. Nếu bạn nào không ăn được cay thì nên báo với cô chủ trước nhé. Ở đây có ba loại: bún bò, bún bò giò và bún bò riêu. Miếng riêu không phải riêu cua nha, mà giống thịt viên được tẩm ướp gia vị thơm nức. Miếng chân giò được ninh chín tới, thịt mềm và ngọt. Thêm miếng rau sống giúp cân bằng thêm mùi vị. Đây là món chúng mình ăn đến hai lần ở Gia Lai luôn vì quá ngon.
Bánh mì 36 Nguyễn Văn Trỗi
Món bánh mì bò kho béo ngậy.
Ở đây có bánh mì xíu mại, ốp la, bò kho. Chú chủ quán còn rất dễ thương và thân thiện nữa nha. Chúng mình gọi hai suất bánh mì bò kho. Bát bò kho khói tỏa nghi ngút, có thịt bò được tẩm gia vị vừa vặn, không quá nồng, nấu chín mềm, cùng cà rốt và rau thơm. Vỏ bánh mì giòn rụm chấm ăn kèm ngon tuyệt.
Đi cà phê ở đâu tại Gia Lai?
Hàn Thuyên Camping and Coffee Pleiku
Một sáng đầy gió tại Hàn Thuyên coffee.
Đây là khu phức hợp gồm quán cà phê, cắm trại và chèo thuyền ở cuối đường Hàn Thuyên, chỉ cách biển Hồ khoảng 2km về phía Bắc. Đường đoạn cuối vào là đường đất nên khá khó đi, nhưng bù lại khung cảnh vô cùng thoáng đãng, trước mặt là sông rộng, là núi cao. Ở đây còn có chú cún vô cùng dễ thương, sẵn sàng “hợp tác” trong khung hình của bạn.
“Bắt”được chú cún dễ thương tại đây rồi!
Giá cho đồ uống là 30,000 – 40,000 VND/món, chèo kayak là 200,000 VND/2h (nhưng gió ở đây khá mạnh nên mọi người cân nhắc nhé)
Yên Coffee
Một chiều đầy nắng tại Yên coffee.
Quán cà phê nhỏ xinh nằm trên một con dốc với nhiều hoa dã quỳ. Các bạn nhân viên ở đây cũng rất nhiệt tình chụp ảnh giúp tụi mình. View của quán vô cùng thoáng với đồi thông ở phía tay trái.
Không khí Noel đã ngập tràn nơi đây.
Không gian ấm cúng với những ngôi nhà gỗ, những chậu cây sen đá và những bông cẩm tú cầu.
Giá đồ uống là 30,000 – 45,000 VND/món.
Mua đồ uống được tặng kèm bánh cá nha.
Thật sự chuyến đi Gia Lai mình này đã được nhìn ngắm rất nhiều sự xinh xắn, dễ thương từ cảnh vật, con người đến ẩm thực. Trước khi đi, mọi người đã hỏi mình đi Gia Lai thì có gì? Và những trải nghiệm trên chính là câu trả lời tròn trịa nhất cho câu hỏi ấy. Những con dốc, những mái nhà, những triền núi, những bông hoa, những nụ cười, tất cả tạo nên một Gia Lai rất đặc biệt của núi rừng Tây Nguyên. Chắc chắn sẽ có một ngày, mình quay trở lại nơi đây, để đi chậm hơn, để cảm nhận nhiều hơn và để ghi tiếp vào hành trình tuổi trẻ đầy màu sắc ấy.