Chùa Trắng – Wat Rong Khun – Chiang Rai
Xe bus từ Chiang Mai đi Chiang Rai chạy liên tục hàng giờ, hãng xe nổi tiếng nhất trên tuyến này là GreenBus, có đủ hạng (xe thường hoặc xe VIP), Lữ Phong cùng bạn đồng hành chọn xe thường, ghế ngồi, vé tương đương khoảng 170.000 VND. Xe xuất phát lúc 9:30 và tới Chiang Rai lúc 13:30 ở Bến xe bus số 1 ngay trung tâm thành phố. Sau đó đi bộ về khách sạn đã đặt từ trước, cách bến xe bus khoảng 20 phút đi bộ, đến nơi vừa vặn được nhận phòng để tắm gội cho thoải mái sau cữ đường dài. Khách sạn khá thoáng mát, giá cũng chỉ khoảng 300.000 – 350.000 VND, xe máy thuê tại đây luôn, giá thuê xe Wave quy đổi sang tiền Việt chỉ khoảng 120.000 VND bởi sự “khéo mỏ” của tên đồng bọn của Lữ Phong.
Một thoáng thành phố Chiang Rai
Điểm đầu tiên bọn chúng đến là – Wat Rong Khun – ngôi chùa nổi tiếng ở ngoại ô phía Nam thành phố Chiang Rai, cách trung tâm khoảng gần 20km, ngay bên Highway 1 – đại lộ Phaholyothin. Ngôi chùa mới được xây dựng đầu thế kỷ XXI, nhưng rất nổi tiếng đối với du khách đến Chiang Rai bởi lối trang trí phức tạp, tinh xảo, và đặc biệt là toàn bộ ngôi chùa được sơn một màu trắng tinh khiết.
Chùa Trắng ở ngoại ô Chiang Rai
Rời chùa Trắng khi khi chiều đã muộn nhưng còn nắng, hai người tranh thủ ghé gần đó. Tuy nhiên vì trời đã sắp tối và công viên thì quá rộng, không thể kịp tham quan, nên bọn chúng chỉ “cưỡi … xe máy xem hoa” một chút rồi quay trở về khách sạn trong thành phố, để chuẩn bị lang thang khám phá Chiang Rai về đêm.
Một góc nhỏ bên ngoài Singha Park trong hoàng hôn
Chợ đêm nằm ngay cạnh Bến xe bus số 1 Chiang Rai, cách khách sạn có vài ngã rẽ, kiếm thuê được khách sạn ở khu trung tâm thật là tiện lợi. Khu chợ đêm Chiang Rai không rộng bằng chợ đêm Chiang Mai, nhưng cũng đông đúc nhộn nhịp không kém.
Các quầy bán đồ ăn vô cùng hấp dẫn
Hai người nhanh chóng lựa đồ ăn để thỏa mãn cơn đói, do lựa chọn ăn bữa sáng thật muộn để vượt qua buổi trưa trên xe bus. Sau đó bắt đầu lang thang qua các khu vực của Night Bazaar Chiang Rai
Các hoạt động văn nghệ ở khu chợ đêm phục vụ du khách
Ở chợ đêm Chiang Rai cũng giống các khu chợ đêm ở các thành phố du lịch, có các khu bán quần áo, túi xách, đồng hồ, đồ trang sức,… và cả các quầy bán đồ chơi, đồ mỹ nghệ. Bọn Lữ Phong đứng rất lâu để xem một nghệ nhân lớn tuổi ngồi tỉ mỉ chạm khắc các hoa văn trên một tấm gỗ.
Khu vực bán đồ chơi, đồ thủ công mỹ nghệ
Lang thang trong Night Bazaar chán, hai người về nghỉ sớm để hôm sau còn chạy xe máy suốt cả ngày lên Tam giác vàng và khu vực biên giới, trên đường về chỉ ghé xem tháp đồng hồ nổi tiếng – – bởi nó ngay cạnh Night Bazaar, và trên đường về khách sạn.
Tháp Đồng hồ nổi tiếng ở trung tâm Chiang Rai
Chiang Rai Clock Tower được hoàn thành vào năm 2008 để tôn vinh Quốc vương Bhumibol Adulyadej (vua Rama IX, 1927 – 2016), vị vua nổi tiếng trị vị Thái Lan hơn 70 năm. Tháp đồng hồ ban đêm được thiết kế hệ thống chiếu sáng rất lung linh rực rỡ. Những trang trí hình dây xoắn ở đây khá giống với những chi tiết trang trí ở chùa Trắng, bởi chúng đều do một người thiết kế – nghệ sĩ Chalermchai Kositpipat.
Một vòng biên giới phía Bắc: Golden Triangle – của khẩu Tachilei
Sáng hôm sau Lữ Phong cùng đồng bọn xuất phát sớm đi Tam giác vàng, ghé một khu chợ nhỏ ven đường để mua đồ ăn trưa đem theo. Bọn chúng đi theo Google Map, theo Highway 1 đến ngang đoạn sân bay Chiang Rai thì rẽ phải vào đường 1063 chạy cặp theo sông Kok một chặng dài, rồi tiếp tục rẽ trái vào đường 1290 chạy cặp sông Mekong lên Tam giác vàng. Quãng đường khoảng 90km, xa hơn so với chạy theo hướng Highway 1 nhưng được ngắm làng quê Thái Lan kỹ hơn. Cũng vì mục đích chính đến Tam giác vàng, mà dọc đường Lữ Phong bỏ qua không ghé khá nhiều ngôi chùa đẹp.
Đói bụng thì tấp vào con đường nhỏ dẫn vào một ngôi biệt thự để trải bạt bày đồ ăn
Vừa đi tà tà ngắm cảnh và ăn uống, hơn 11g hai người tới . Thực ra “Tam giác vàng” là một khu vực rất rộng lớn, biên giới giữa Thái Lan – Lào – Myanmar, từng là vùng đất khét tiếng về trồng và buôn bán thuốc phiện, nay đã được lập lại trật tự. Còn cái “Tam giác vàng” mà Lữ Phong đang tới là một địa điểm du lịch trên lãnh thổ Thái Lan, nơi có ngọn đồi Sop Ruak đủ để phóng tầm mắt bao quát khu ngã ba biên giới, cũng là điểm giao giữa sông Ruak với sông Mekong.
Golden Triangle – ngã ba biên giới Thái – Lào – Myanmar
Đã đến thì phải checkin một cái chứ nhỉ.
Sông Ruak và sông Mekong tạo ra biên giới tự nhiên giữa 3 nước, Myanmar và Thái Lan nằm giữa bờ của 2 con sông Ruak và hữu ngạn sông Mekong, còn Lào nằm hoàn toàn bên tả ngạn sông Mekong. Mỗi bên bờ của mỗi nước tại đây đều có các khu du lịch, thương mại. Hai người được cho biết là có thể xuống thuyền ghé sang đảo Donesao của Lào trên sông Mekong một cách đơn giản, nên cũng làm thủ tục mua vé sang đảo của Lào chơi cho biết, chủ yếu là để được ngồi thuyền chạy trên ngã ba biên giới nổi tiếng này.
Kỳ kèo trả giá với mấy anh Thái to lớn hiền lành, cuối cùng mất 700 bath, và phải để hộ chiếu lại bên đất Thái, khi trở lại sẽ được trả, bọn chúng xuống thuyền sang đảo Donesao chơi một chuyến.
Một “cầu tàu” đón du khách trên bến sông ở đất Thái Lan
Sông Ruak nhỏ bé (biên giới Thái – Myanmar) hòa nước vào sông Mekong
Bên trái là khu resort trên đất Myanmar, bên phải là đất Lào
Chợ Donesao trên hòn đảo cùng tên trên sông Mekong, thuộc Khu kinh tế Donesao của Lào, bọn chúng đi xem cho biết, chứ hàng hóa không phong phú, chủ yếu đồ gỗ mỹ nghệ và các loại rượu ngâm động vật (chủ yếu là bọ cạp lớn nhỏ đủ kiểu) và nhiều hàng Trung Quốc. Lúc trở về còn được anh tài công “khuyến mãi” thêm một khúc sông Mekong về phía ranh giới 2 nước Lào – Myanmar, rồi mới trở lại bến tàu trên đất Thái.
Chợ trên đảo Donesao hàng hóa không được phong phú
Ngồi thuyền trên sông Mekong ở Tam giác vàng, tượng Phật trên bờ Thái Lan
Rời Golden Triangle, Lữ Phong cùng bạn đồng hành tiếp tục theo đường 1290 chạy ôm theo biên giới với Myanmar để tới cửa khẩu Tachileik, khu vực cực Bắc của Thái Lan. Đoạn đường khoảng 30km, vòng vèo trên khu vực đồi núi. Đến một khúc cong, tự nhiên trông thấy một cái hồ nhỏ nước xanh ngắt, xung quanh bờ hồ trổ đầy bông lau trắng nhảy múa trong gió chiều. Chúng cầm lòng không đậu, lại dừng lại chụp choẹt một hồi.
Một cái hồ xanh ngắt đầy bông lau trắng ở khu vực biên giới Thái – Myanmar
Chợ cửa khẩu Tachileik trên đất Thái khá rộng, nhưng hàng hóa cũng không có gì đặc sắc so với nội địa, bởi bên kia là Myanmar còn có phần lạc hậu hơn, thấy cả hàng Trung Quốc ở đây nữa.
Hàng hóa ở chợ cửa khẩu Tachileik không có gì đặc sắc
Muốn qua đất Myanmar chơi và cho có thêm dấu trên Hộ chiếu cho oách, mà mỗi người bị đòi hơn 500 bath, trong khi nếu có qua cửa khẩu cũng chỉ có chút thời gian ngắn, vì còn lo chạy quãng đường dài trở về lại Chiang Rai trước khi quá muộn, nên Lữ Phong tặc lưỡi bỏ qua vụ sang Myanmar, để có thời gian túc tắc chạy về, ngắm cảnh trên đường.
Từ cửa khẩu cứ chạy thẳng Highway 1 xuôi về phía Nam hơn 120km là về tới Chiang Rai khi thành phố bắt đầu lên đèn. Về khách sạn tắm rửa và đi ăn một bữa tối thịnh soạn với các món đặc sản Thái để bù lại cho bữa trưa ăn ngay trên đường đi Tam giác vàng.
Ăn uống no nê, tuy hơi buồn ngủ vì cả ngày chạy xe máy gần 300km trên đường, nhưng cả hai còn một điểm nữa muốn đến: Đài tưởng niệm vua Mengrai. Đây là vị vua đầu tiên của vương quốc Lanna nổi tiếng trong lịch sử Thái Lan. Ông làm vua từ năm 1261 tới 1311 và chính thức lập ra vương quốc Lanna năm 1292 với kinh đô đầu tiên tại chính Chiang Rai. Vua Mengrai cũng chính là người cho xây dựng thành phố Chiang Mai làm kinh đô mới vào năm 1296.
Khu tượng đài vua Mengrai
Tượng đài vua Mengrai nằm ngay góc đại lộ Phaholyothin với các đường Uttarakit – Shinghaclai. Bức tượng vua Mengrai với kích thước bằng người thật, được đặt trên một bệ cao, phía sau lưng ngài là 3 lá cờ Lanna khổng lồ, rất dễ nhận thấy từ xa. Người dân địa phương rất tôn kính vị vua lập quốc vĩ đại của mình, khu đài tưởng niệm của ngài thường luôn có những người đến thắp hương, cầu nguyện, bất kể sớm hay tối.
Trở về khách sạn, hai vị khách Việt ngủ thẳng cẳng sau một ngày đánh một vòng biên giới phía Bắc Thái Lan. Sáng hôm sau chúng lại lên chuyến xe GreenBus sớm trở lại Chiang Mai, kết thúc chuyến khám phá chớp nhoáng Tam giác vàng và Chiang Rai.