Đến Hoàng Thành Thăng Long – xuyên không về lịch sử nghìn năm từ lòng đất

69

Chuyện kể rằng, vào ngày nắng trong veo hôm ấy, khi mà cả kinh thành Hà Nội đang chìm đắm trong vẻ đẹp ngất ngây của nàng Thu, dưới tán xà cừ cổ thướt tha những tà áo dài và đôi tay mềm người thiếu nữ nâng niu đóa cúc họa mi thì bỗng có một cô nàng đã bước vào cánh cổng thời gian, xuyên qua dòng chảy lịch sử và chạm tới từng thời kỳ vàng son của nước non Đại Việt. Ở đó cô gái ấy không khỏi trầm trồ trước bề dày văn hiến của các triều đại Đinh – Lý – Trần – Lê – Nguyễn và trong đôi mắt ngập tràn niềm tự hào khi được sống lại những giây phút hào hùng các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Giờ đây, cô nàng ấy là mình đang ngồi lại và tâm tình với bạn những khoảnh khắc quý giá mà mình đã trải qua. Hãy lấy một cốc nước ấm, thắp ngọn nến thơm và lắng nghe mình kể chuyện nhé.

Hoàng Thành Thăng Long

Bức tường gạch mở ra lịch sử ngàn năm Thăng Long từ lòng đất

Lộ trình ngược dòng sử thi

Theo trục chính tâm, hành trình xuyên không bắt đầu từ thời phong kiến với di tích Đoan Môn và khép lại ở thành Cửa Bắc.

Hoàng Thành Thăng Long

Con đường kỳ diệu dẫn tới cánh cửa thời gian

1. Di tích Đoan Môn

Bước qua con đường này bạn sẽ thấy một cánh cửa cao lớn sừng sững như bức tường thành, nơi đây được gọi là Đoan Môn (cửa chính). Đoan Môn được khởi công xây dựng từ thời kỳ nhà Lý. Cánh cổng Đoan Môn nằm ở hướng Nam Cấm Thành Thăng Long xưa và đây là công trình được xây dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ 15) còn nguyên vẹn đến nay. Dưới triều Nguyễn vào thế kỷ 19, Đoan Môn được trùng tu, xây dựng thêm vọng lâu (lầu quan sát). Xưa kia, kinh thành Thăng Long có kết cấu “tam trùng thành quách” nghĩa là gồm có ba vòng thành: Vòng thành trong cùng nơi ở của nhà vua, gọi là Cấm thành. Vòng thành giữa nơi nhà vua và triều đình làm việc, là Hoàng thành hay Long thành. Vòng ngoài cùng nơi dân thường ở gọi là Đại La thành.

Hoàng Thành Thăng Long

Đoan Môn hay Ngũ Môn Lâu với năm cửa bề thế

2. Kỳ đài

Đứng từ Đoan Môn, ngoảnh mặt nhìn phía đối diện bạn sẽ thấy hình ảnh Kỳ đài hay còn có tên gọi khác là cột cờ Hà Nội. Kỳ đài có niên đại gần hai trăm năm tuổi. Bạn biết không, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hình ảnh này đã được in trang trọng trên tờ 1 đồng cổ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ở hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc là kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược thì nơi đây được có tác dụng làm đài quan sát, từ đỉnh cột cờ có thể nhìn thấy cả Hà Nội và vùng ngoại ô.

Giữa biển khơi lịch sử mênh mông của các triều đại, thật may mắn khi đã có chiếc la bàn là các biển chỉ dẫn giúp bạn xác định được phương hướng.

Hoàng Thành Thăng Long

Biển chỉ dẫn giữa các khu vực

3. Nền điện Kính Thiên

Theo mình tìm hiểu thì điện Kính Thiên được coi là cung điện quan trọng bậc nhất, là nơi cử hành các nghi lễ long trọng, đón tiếp các sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Trong tác phẩm “Đại Việt Sử ký toàn thư” có viết điện Kính Thiên được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên – Thiên An thời Lý, Trần vào năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông.

Hoàng Thành Thăng Long

Phục dựng điện Kính Thiên trên nền bậc thềm cũ

Hiện nay, qua những thăng trầm biến động từ cuộc phá hủy của người Pháp, dấu tích điện Kính Thiên chỉ còn là khu nền cũ và thành bậc rồng giống như một chứng nhân lịch sử trong suốt hơn 500 năm.

Hoàng Thành Thăng Long

Mình trong tà áo dài truyền thống ngược dòng thời gian

Hoàng Thành Thăng Long

Một cánh hoa đại thoảng hương “đậu” trên nền điện cũ

4. Hậu Lâu

Hậu Lâu khi xưa có tên gọi là Tĩnh Bắc Lâu, được xây dựng từ sau đời Hậu Lê, đây là nơi ở và sinh hoạt của hoàng hậu và công chúa. Vào thời nhà Nguyễn, nơi này đã trở thành nơi ở của các cung tần, mỹ nữ đi theo nhà vua mỗi chuyến công du ra Bắc. Cả công trình này sử dụng gạch là vật liệu chủ yếu với kiến trúc ba tầng, phía dưới hình hộp. Phần mái mô phỏng kết cấu chồng diêm, đây là kiểu kiến trúc cổ truyền Việt Nam thường thấy ở các lầu gác, đình chùa miếu mạo, các đầu đao cong vút với toàn bộ mái xây bằng gạch và bê tông, trên đắp ngoài giả ngói. Người Pháp gọi Hậu Lâu là Lầu Công chúa hay Pagode des Dames (Chùa các bà).

5. Di tích cách mạng: Nhà và hầm D67

Trước mắt bạn đây chính là một trong những thời kỳ rực rỡ nhất nhưng cũng nhiều mất mát, hy sinh của lịch sử dân tộc, chúng ta đang ở Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Cụm di tích này có tên đầy đủ là Nhà hầm Quân ủy Trung ương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, để đảm bảo nơi làm việc của cơ quan Tổng hành dinh trong chiến tranh, Bộ Quốc phòng đã tìm một vị trí ở trong thành – nơi tuyệt mật nhất, trung tâm nhất để quyết định xây dựng công trình này.

Hoàng Thành Thăng Long

Cửa vào phòng họp của bộ chính trị và quân ủy trung ương

Hoàng Thành Thăng Long

Khu trưng bày kỷ niệm 111 năm ngày sinh đại tướng Võ Nguyên Giáp trước nhà hầm quân ủy trung ương

Hoàng Thành Thăng Long

Kỷ vật của đại tướng Văn Tiến Dũng được trưng bày

Có thể thấy, điểm đặc biệt trong nghệ thuật quân sự Việt Nam đó chính là lợi dụng di tích Hoàng Thành để ngụy trang với phương châm “Nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất” và đến người Mỹ cũng không thể nào tưởng tượng ra rằng một nước An Nam nhỏ bé lại dám đặt trung tâm đầu não ở chính giữa trung tâm thủ đô. Ngôi nhà thiết kế và xây dựng vào năm 1967, được gọi là nhà D67 và đi vào sử dụng vào năm 1968.

6. Cửa Bắc

Chúng ta đang đến với điểm cuối theo trục chính tâm đi qua Hoàng Thành là Bắc Môn nằm trên phố Phan Đình Phùng, được xây dựng năm 1805, đây là cổng thành duy nhất còn lại của Thành Hà Nội thời Nguyễn.

Theo những tư liệu khảo cổ nghiên cứu cho thấy dưới chân cổng thành sừng sững này là tầng tầng lớp lớp di chỉ thành quách xếp chồng lên nhau từ các triều đại trước đó. Và điều này đã khẳng định tính liên tục lịch sử ngàn năm của Hoàng thành.

Tham quan lầu phía trên Bắc Môn, bạn sẽ thấy nơi thờ hai vị quan Tổng đốc thành Hà Nội – Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã tuẫn tiết vì không giữ được thành trước sức công phá của quân đội Pháp.

7. Phòng trưng bày

Trong hành trình xuyên không, mình đã bị thu hút bởi những báu vật hoàng cung xưa, người nghệ nhân đã thổi hồn vào từng tác phẩm của họ để rồi hậu thế chúng ta không khỏi xuýt xoa thán phục trước đôi bàn tay tài hoa điêu luyện ấy.

Hoàng Thành Thăng Long

Đầu rồng trong trang trí kiến trúc ở Hoàng thành Thăng Long thời Lý

Hoàng Thành Thăng Long

Bình rượu gốm hoa nâu, thân tạo hình bông sen thời Lý thế kỷ XI, XII

Hoàng Thành Thăng Long

Công nghệ mapping 3D tái hiện lịch sử ngàn năm

Hoàng Thành Thăng Long

Điện thoại liên lạc phát sáng khi có cuộc gọi để bộ đội nhanh chóng nhìn thấy và nhận nhiệm vụ kịp thời

Hoàng Thành Thăng Long

Khu trưng bày tết Đoan Ngọ Xưa và Nay

Hoàng Thành Thăng Long

Họa tiết hoa văn đậm đà bản sắc Việt

Hoàng Thành Thăng Long

Bộ sưu tập hiện vật tiến sĩ “Vinh quy bái tổ” (phục chế)

Hoàng Thành Thăng Long

Phục dựng mô hình cử nhân thời xưa

Hoàng Thành Thăng Long

Hà Nội đi qua dấu ấn từng thời kỳ

8. Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu

Ở đây khai quật được vô số các loại hình di tích kiến trúc và di vật có niên đại xen lẫn nhau, chồng xếp lên nhau qua suốt 1300 năm, bắt đầu từ thời Đại La và chấm dứt vào thời nhà Nguyễn. Thật đáng tự hào biết bao khi trên thế giới rất hiếm có thủ đô một nước mà trong lòng đất còn bảo tồn được một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử – văn hóa dài lâu và có các tầng văn hóa chồng xếp, nối tiếp nhau một cách khá liên tục như thế.

Hoàng Thành Thăng Long

Toàn cảnh khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu

Cuộc khai quật các di tích tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu được xem là một cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất tại Việt Nam ta từ trước cho đến nay.

Hoàng Thành Thăng Long

Dấu tích nền móng kiến trúc cung điện và lầu lục giác thời Lý thế kỷ XI – XII

Hoàng Thành Thăng Long

Gáo nước dùng để lấy nguồn nước tinh khiết, trong lành

Hoàng Thành Thăng Long

Giếng nước thời Trần thế kỉ XIII – XIV

Hoàng Thành Thăng Long

Lưu lại dấu ấn xuyên không

Kim bài qua cửa

Để có thể xuyên không bạn cần chuẩn bị cho mình một tấm lệnh bài hay chính là tấm vé vào cửa, giá vé đối với người lớn là 30.000 đồng/lượt; học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên (nếu có thẻ học sinh, sinh viên), người cao tuổi (60 tuổi trở lên) là công dân Việt Nam (xuất trình chứng minh thư hoặc bất kỳ giấy tờ khác chứng minh là người cao tuổi) thì giá vé là 15.000 đồng/lượt. Hoàng Thành áp dụng miễn phí tham quan cho trẻ em dưới 15 tuổi và người có công với cách mạng.

Thời điểm xuyên không

Bạn hãy chọn các ngày trong tuần trừ thứ hai từ 8h00 đến 17h00 hàng ngày nhé. Thời gian tham quan có thể kéo dài từ một đến ba canh giờ, nếu bạn muốn có hướng dẫn viên thuyết minh thì giá vé sẽ rơi vào 150.000 đồng/1 hướng dẫn viên với tour cơ bản. Nếu đi cùng nhóm bạn thì chia ra cực kỳ tiết kiệm.

Phương thức di chuyển

Hoàng thành Thăng Long nằm ở trung tâm thủ đô nên việc di chuyển tới đó vô cùng thuận tiện. Bạn có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện công cộng.

Hoàng Thành Thăng Long

Cỏ lau rợp trời như đang mời gọi bước chân du khách

Chuyến du hành thời gian ở Hoàng Thành Thăng Long trôi qua như một giấc mộng thật đẹp. Mình tựa như một cánh chim nhỏ băng qua đại ngàn trùng trùng điệp điệp các triều đại cũ, trong tâm tưởng vẫn còn ngân vang tiếng nói vọng về của thăng trầm lịch sử, của các bậc tiền nhân. Mỗi phút giây mình đắm chìm trong từng thời kỳ đã qua là mỗi khoảnh khắc quý giá để niềm tự hào về tổ tiên ông cha trong con người mình lại càng trỗi dậy. Nếu cuối tuần rảnh rỗi, hy vọng bạn hãy đến và nhẩn nha khám phá nơi đây nhé! Hoàng Thành chào đón bạn!