Lịch sử chùa Diệu Đế – ngôi quốc tự có tuổi đời trẻ nhất
Khuôn viên chùa Diệu Đế, xưa vốn là đất phủ Phúc Quốc công Hồ Văn Bôi – cha của bà Hồ Thị Hoa, là Tá Thiên Nhân Hoàng hậu của vua Minh Mạng. Tại mảnh đất này, năm 1807 bà Hồ Thị Hoa đã sinh ra hoàng tử Nguyễn Phúc Dung (sau đổi thành Nguyễn Phúc Miên Tông) cho vua Minh Mạng. Hoàng tử Miên Tông đã lớn lên tại ấp Xuân Lộc ở phía Đông của Kinh thành này, và sau đó trở thành vua Thiệu Trị (1840 – 1847) – vị vua thứ 3 của triều Nguyễn.
Tam quan chùa Diệu Đế, nhìn từ đường Huỳnh Thúc Kháng, bờ Tây sông Đông Ba
Sau khi lên ngôi năm 1840, đến giữa năm 1844 vua Thiệu Trị cho xây dựng một ngôi chùa trong vương phủ thời thơ ấu mình, theo lời tâu của quần thần “xin lập ngôi chùa ở đất quý phát phúc để cầu phúc cho dân”. Chùa được đặt tên là Diệu Đế, với ý nghĩa – theo ý văn bia – “… là nơi hun đúc và thể hiện nét văn hoá vô cùng tuyệt diệu, tận nguồn cội thâm uyên đều được hiển bày qua chân như mật đế …”. Bởi vậy, dù được xây dựng muộn nhất trong số 3 ngôi quốc tự còn lại ở Huế (cùng Thiên Mụ tự và Thánh Duyên tự) nhưng chùa Diệu Đế lại có một vị trí đặc biệt, bởi nó được gắn liền với cuộc đời và tên tuổi vua Thiệu Trị.
Năm 1885, Kinh thành Huế thất thủ và bị quân Pháp chiếm đóng, chùa Diệu Đế bị trưng dụng làm trụ sở một số cơ quan của triều đình vua Đồng Khánh. Đến năm 1887, nhiều công trình tại chùa Diệu Đế bị dỡ bỏ, chỉ còn lại chánh điện Đại Giác, cổng tam quan, gác Đạo Nguyên cùng hai tòa lầu chuông – trống phía trước. Năm 1910, gác Đạo Nguyên cùng hai lầu chuông – trống tiếp tục bị dỡ bỏ. Mãi đến năm 1953, chùa Diệu Đế mới được trùng tu lại, với sự hỗ trợ của bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) cùng các Phật tử, điện Đại Giác được đổi thành điện Đại Hùng.
Ngôi chùa hiện nay trong khuôn viên xanh ngát giữa cố đô
Từ trong chùa nhìn ra tam quan, đường bên phải dẫn tới Bi đình, bên trái dẫn tới Chung đình
Từ ngoài đường Bạch Đằng qua khỏi tam quan chùa, bên trái là Bi đình (lầu bia), còn bên phải là Chung đình (lầu chuông). Có hai quả chuông lớn (đại hồng chung) được đúc để tôn trí ở chùa Diệu Đế, một quả đặt ở Chung đình phía gần tam quan, một quả treo ở lầu chuông, bên trái điện Đại Hùng. Hai quả chuông đồng được đúc vào năm 1846 thời vua Thiệu Trị, là hai trong số các pháp khí nổi bật của nhà chùa.
Bi đình và Chung đình ở ngay sau cổng tam quan
Tấm bia đá đặt trong Bi đình, cao 1.9 mét, rộng 1.07 mét, nội dung nói về việc dựng chùa, làm tượng… cùng 7 bài thơ của vua Thiệu Trị. Bia cũng được dựng vào giữa năm 1846 – năm Thiệu Trị thứ 6 – cùng thời gian đúc 2 quả đại hồng chung của nhà chùa.
Từ tam quan theo đường trục chính vào điện Đại Hùng
Từ phía tam quan đi vào theo đường trục chính rợp bóng mát của hai hàng cổ thụ hai bên, trước khi tới điện Đại Hùng, lại có lối rẽ sang hai nhà Lôi gia ở hai bên đối mặt nhìn sang nhau, bên trong hai Lôi gia thờ Bát Bộ Kim Cang.
Bát Bộ Kim Cang được thờ trong 2 Lôi gia ở 2 bên, phía trước điện Đại Hùng
Điện Đại Giác được xây dựng lại trong đợt đại trùng tu chùa vào năm 1953 và đổi gọi là điện Đại Hùng, chánh điện có 4 cột trụ đúc bê tông, cùng trần điện được nghệ nhân Phan Văn Tánh (tác giả vẽ bức bích họa “Cửu long ẩn vân” ở lăng Khải Định) vẽ bức tranh “Long vân khế hội” gồm 5 đầu rồng ẩn trong mây ở trần điện, và 4 con rồng trên 4 cột trụ chính. Đây là tác phẩm vô cùng đặc sắc và quý giá, được công nhận là bức tranh vẽ trên trần lớn nhất Việt Nam vào năm 2008.
Trải qua thời gian hơn 60 năm, tòa chánh điện đã xuống cấp, nên năm 2018 nhà chùa quyết định xây dựng tiếp một tòa chánh điện mới ở sát ngay phía trước tòa chánh điện cũ. Vì hai tòa chánh điện cũ và mới sát liền với nhau cũng có điều bất tiện, và với ý muốn bảo tồn bức bích họa “Long vân khế hội”, nên cuối tháng 9/2022, nhà chùa lại thuê một công ty chuyên nghiệp di dời chánh điện cũ lui lại phía sau thêm 18 mét, cho tiện việc tu sửa, bảo quản, gìn giữ các dấu tích mang tính lịch sử của công trình cũ, và cũng để tạo cảnh quan thông thoáng, phù hợp với các hoạt động của nhà chùa.
Mặt trước của điện Đại Hùng mới được xây dựng năm 2018 phía trước ngôi điện
Ở cửa giữa của chánh điện mới có treo bức hoành phi “Diệu Đế Quốc Tự” – thầy Thích Hải Đức, trụ trì chùa Diệu Đế cho biết – được hoàn thành ngày 4 tháng 3 năm Giáp Thìn (1844 – năm Thiệu Trị thứ 4). Hai phía đầu hồi tiền sảnh bài trí tượng Thập Bát La Hán bằng đất, với đầy đủ các biểu hiện tâm trạng, vô cùng sống động.
Lầu chuông và gác trống ở hai bên trái – phải điện Đại Hùng
Chánh điện cũ nằm sát ngay sau chánh điện mới.
Theo phía lầu chuông bên trái điện Đại Hùng đi ra phía sau, là tòa chánh điện cũ, khu ở và tu học của các vị sư tăng trong chùa.
Một phòng học ở dãy nhà dọc phía sau bên trái chánh điện
Khu vực ban thờ và các căn phòng phía hậu điện cũ
Bức bích họa “Long vân khế hội” nằm trong gian chánh điện cũ, phía sau bức tường đặt ban thờ, nhưng thời điểm tháng 3/2021 du khách không được vào trong chánh điện. Và cuối tháng 9/2022 ngôi chánh điện cũ được di dời lui về phía sau 18 mét (về phía khoảnh vườn đặt các chậu cây ở bức ảnh góc trên bên trái).
Gần 180 năm đã qua, ngôi chùa trong một khuôn viên xanh ngút ngát, trầm lặng giữa lòng cố đô bên dòng Đông Ba đã thay đổi rất nhiều bởi thời gian và chiến tranh. Sự hoành tráng của một ngôi quốc tự triều Nguyễn cũng đã mai một nhiều, nhưng chùa Diệu Đế vẫn còn lưu giữ được nhiều pháp khí, pháp bảo vô cùng quý giá.
Hy vọng sau khi chánh điện cũ được di dời thành công và tu sửa xong xuôi, Phật tử và du khách khắp nơi lại được chiêm ngưỡng bức bích họa “Long vân khế hội” nổi tiếng tại danh lam, quốc tự này.