Malaysia là một đất nước với phần đông dân số theo đạo Hồi, vì vậy các thánh đường Hồi giáo (tên tiếng Anh là Mosque) thường được đầu tư thiết kế rất lộng lẫy. Nếu có dịp du lịch đến quốc gia trăm đảo, bạn đừng bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng các công trình này. Một trong số các nhà thờ nổi bật nơi đây là thánh đường Hồi giáo Putra, là điểm đến ấn tượng của thành phố Putrajaya.
Thánh đường Putra vừa là nhà thờ cho người theo đạo Hồi, vừa là địa điểm du lịch rất nổi tiếng ở thành phố Putrajaya
Đường đến thánh đường Hồi giáo Putra
Địa chỉ: Thánh đường Putra, Persiaran Persekutuan, Presint 1, 62000 Putrajaya, Wilayah Persekutuan Putrajaya
Thánh đường Putra nằm ở thành phố Putrajaya, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 35km.
Cách di chuyển từ Kuala Lumpur đến thành phố Putrajaya
Từ sân bay Kuala Lumpur, bạn có thể đi tàu nhanh để đến Putrajaya, chỉ mất khoảng 20 phút. Chuyến tàu đi qua nhà ga quốc tế của sân bay Kuala Lumpur, bạn sẽ xuống ở ga KLIA Putrajaya & Cyberjaya. Đây là một trạm trên hành trình chứ không phải điểm cuối nên bạn nhớ chuẩn bị xuống liền khi tàu dừng nhé. Các chuyến tàu chạy từ 5h sáng đến 12h30 đêm, cứ 15-30 phút sẽ có một chuyến nên thời gian khá thoải mái cho bạn di chuyển.
Nếu đi xe buýt thì bạn có thể chọn các tuyến số 100, 101, 300 để đến Putrajaya. Bạn cũng có thể thuê xe đạp, xe máy để di chuyển. Tuy nhiên giao thông ở Malaysia theo tay lái nghịch nên bạn cần chú ý khi đi đường.
Nhìn từ xa, thánh đường Hồi giáo Putra phủ một sắc hồng ngọt ngào
Cách di chuyển đến thánh đường Putra
Ngoài các phương tiện khác, bạn có thể đến thánh đường Putra bằng xe buýt Nadi Putra, xe số 501 và 502. Ga gần nhất là Quảng trường Putra cách thánh đường khoảng 110m (quảng trường nằm đối diện cổng vào thánh đường); xa hơn một chút là ga Dataran Putra cách 270m.
Putra – thánh đường màu hồng đẹp lộng lẫy
Thánh đường Putra được đặt theo tên của vị Thủ tướng đầu tiên của Malaysia là Ngài Almarhum Tunku Abdul Rahman Putra Al Haj. Công trình là sự kết hợp phong cách kiến trúc của các đền thờ Hồi giáo khu vực Trung Đông và những nét truyền thống của văn hóa Mã Lai. Đây còn được gọi là thánh đường màu hồng bởi sắc ngọt ngào đó là tông màu chủ đạo, bao trùm toàn bộ kiến trúc tòa nhà. Sắc màu đó chủ yếu là từ loại đá hoa cương có màu hồng đặc biệt dùng để ốp toàn bộ các công trình của thánh đường. Để tạo sự thống nhất, các họa tiết trang trí cả trong lẫn ngoài cũng đều sử dụng tông hồng.
Vừa bước xuống xe, cả đoàn chúng tôi đều trầm trồ trước cổng vào thánh đường. Nó cao lớn sừng sững với kiến trúc vòm nhọn phổ biến ở các công trình Hồi giáo.
Cổng vào thánh đường Hồi giáo Putra. Phần cao cao phía trên cổng vào chính là tháp thánh đường.
Ngay khi bước vào bên trong, công trình đầu tiên gây ấn tượng là ngọn tháp cao đến 116m, nằm bên trái sân thánh đường. Ngọn tháp này lấy ý tưởng từ tháp của nhà thờ Hồi giáo Sheikh Omar Al-Sahrawardi, nằm ở thủ đô Baghdad, Iraq. Ngọn tháp được phủ màu hồng nhạt, chỉ có tầng trên cùng là màu hồng đậm hơn. Đối với những người theo đạo Hồi, thiết kế tháp này ẩn chứa nhiều nét đặc trưng của đức tin Hồi giáo. Tháp được chia thành 5 tầng, tượng trưng cho 5 bổn phận của mỗi tín đồ, đó là đức tin, việc cầu nguyện, sự bố thí, việc nhịn ăn và cuối cùng là hành hương đến thánh địa Mecca trong lễ hành hương Haji. Nếu nhìn mặt cắt ngang hoặc từ trên xuống, người ta lại nhận ra mỗi tầng đều mang dáng dấp của một ngôi sao 8 cánh – cũng là hình ảnh của một biểu tượng trực tiếp trong đức tin Hồi giáo. Tuy nhiên, vì sự trở ngại về ngôn ngữ và thời gian tham quan hạn chế, nhiều hướng dẫn viên bản địa thường bỏ qua phần giới thiệu này cho du khách. Vì vậy, nhiều du khách chỉ nghĩa rằng đây là một công trình phụ trợ chứ không rõ ý nghĩa đằng sau nó.
Tháp của thánh đường Hồi giáo Putra
Thánh đường Putra được chia làm 3 khu vực: sân, nhà cầu nguyện và các phòng chức năng. Ngoài phần sân rộng rãi với tháp cao ấn tượng, ngay phía sau tháp là khu vực nhà cầu nguyện, cao đến 75m. Đây cũng là điểm được đầu tư, chăm chút nhiều nhất, tạo nên một vẻ đẹp rất riêng nhưng vẫn trang nghiêm của một nhà thờ Hồi giáo. Điều thu hút hơn cả là các mái vòm cong cực kỳ ấn tượng. Ở đây có tổng cộng 9 mái vòm với 1 mái lớn ở chính giữa và 8 mái nhỏ ở 4 góc nhà. Mái vòm lớn này có đường kính đến 36m. Mái vòm nào cũng dày đặc các cửa sổ bao quanh để lấy được ánh sáng tự nhiên. Chính vì vậy, tạo cho không gian bên trong vừa sáng vừa thoáng. Khu vực này có 2 tầng, có thể chứa được đến 10 nghìn tín đồ cùng lúc.
Mái vòm cong tròn với nhiều hoạt tiết trang trí tỉ mỉ bên trên
Trong nhà cầu nguyện, du khách có một góc riêng để đứng tham quan, khám phá vẻ đẹp kiến trúc nội thất của nhà thờ nhưng chỉ ở đằng xa. Khu vực bên trong, gần cung thánh hơn được dành cho các tín đồ Hồi giáo vào cầu nguyện. Họ cũng có lối đi riêng để vào khu vực này.
Có hàng rào dây mềm để phân định khu vực dành cho du khách và khu vực cho các tín đồ Hồi giáo
Nhà cầu nguyện có 2 tầng với trụ đỡ chính là 12 cột đá to, cao đến 63m. Các bức tường ở tầng 1 chủ yếu được làm bằng kính để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Các họa tiết trang trí bên trong vẫn theo tông hồng với đủ màu đậm nhạt, hồng nâu, hồng cam.
Kiến trúc vòm nhọn cũng lặp lại trên các bức tường nối giữa các cột nhà
Khu vực trung tâm của nhà cầu nguyện với những dòng kinh thánh trên tường
Các trụ nhà được tận dụng làm kệ sách
Được xây dựng từ năm 1999, đến nay thánh đường Putra vẫn thu hút du khách bởi vẻ đẹp đặc biệt của mình. Đây cũng là một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn của đất nước Malaysia, với sức chứa lên đến 15 nghìn người, gồm 10 nghìn người trong nhà cầu nguyện và 5000 người trong sân. Khu vực sân được lát đá bóng loáng.
Sảnh bên hông thánh đường Hồi giáo Putra. Trừ mặt trước, còn 2 bên hông và đằng sau thánh đường được bao bọc bởi hồ nhân tạo Putrajaya, rộng đến 6.5 km2 nên không gian rất thoáng đãng và mát mẻ.
Sân trước nhà cầu nguyện. Hàng kệ sắt đằng xa là nơi để giày dép cho các tín đồ vào cầu nguyện
Thời gian mở cửa
Thánh đường không bán vé nên các bạn có thể tham quan thoải mái nhưng nhớ tuân thủ các quy định nơi đây. Đây là điểm đến tôn giáo nên phải tôn trọng quy định của thánh đường, không gây mất trật tự, không được hút thuốc. Một điều quan trọng nữa là về trang phục; nam giới cần mặc áo quần lịch sự, quần dài. Với nữ giới thì khắt khe hơn, bắt buộc phải mặc áo choàng dài kín tới chân, trùm đầu che kín tóc mới được vào khu vực sân của nhà thờ. Ở đây còn quy định phải cởi giày dép ở ngoài khi vào sảnh cầu nguyện chính.
Đi vào cổng, rẽ trái là đến khu vực phát áo choàng cho nữ. Các em bé thì không cần phải thay trang phục, chỉ có người lớn sẽ mặc một áo choàng có mũ trùm đầu, màu hồng đậm rộng thùng thình dài tới chân. Vì vậy đến đây bạn có thể thấy những du khách với bóng áo choàng hồng đi trong sân.
Xếp hàng chờ phát áo choàng miễn phí
Thưởng thức ẩm thực truyền thống Malaysia
Là một nước ở khu vực Đông Nam Á nên Malaysia cũng có nhiều món ăn từ lúa gạo như Việt Nam. Tuy nhiên ở mỗi nơi lại có cách chế biến khác nhau, tạo nên nét độc đáo cho văn hóa ẩm thực. Vì vậy bạn đừng bỏ qua những món ăn truyền thống như cơm Nasi Lemak, mì Assam Laksa, bánh Roti Canai, món nướng Satay… Ngoài ra, ẩm thực đường phố ở quốc gia này còn gọi tên nhiều món ăn vặt giá rẻ mà rất ngon nha.
Bánh Otak-Otak – chả cá bọc lá chuối nướng. Chả cá thường được ướp với gia vị và bột nghệ nên có màu vàng hấp dẫn, sau đó gói trong lá chuối rồi đem nướng nên mùi khá thơm và rất lạ. Bánh Otak-Otak có mặt ở nhiều nơi ở Malaysia nhưng ngon nhất là ở vùng Muar thuộc bang Johor nằm ở phía Nam Malaysia.
Bánh Otak-Otak – thánh đường Hồi giáo Putra
Món Lobak, còn gọi là Loh Bak. Đây là thịt cuộn ngũ vị, một món ăn gốc Hoa theo chân những người Triều Châu và Phúc Kiến khi di dân qua đây. Thịt xay được ướp ngũ vị hương và một số nguyên liệu khác, cuốn trong váng đậu, hấp sơ rồi chiên lên.
Dù hơi giống chả ram Việt Nam nhưng Lobak vẫn có nét khác biệt trong hương vị
Nhiều năm qua, ngôi thánh đường Hồi giáo màu hồng đẹp lộng lẫy nơi thành phố trẻ này luôn thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan. Sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ nếu bạn có dịp đến thăm và tìm hiểu về công trình linh thiêng của đất nước Hồi giáo này.
Ngoài ra, ở Việt Nam cũng có nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo màu hồng như nhà thờ Giáo xứ Tân Định (Tp. HCM), nhà thờ Con gà (Đà Lạt), nhà thờ Con gà (Đà Nẵng)… rất ấn tượng, bạn đã lên lịch check-in chưa?