Kawah Ijen – Nơi miệng núi lửa màu xanh ngọc và ngọn lửa xanh “Blue Fire” huyền bí

31

Nằm trên ranh giới các huyện Banyuwangi và Bondowoso thuộc tỉnh Đông Java, Indonesia là một nhóm các núi lửa hỗn hợp gọi là tổ hợp núi lửa Ijen. Núi lửa Kawah Ijen nằm ở phía tây dãy Gunung Merapi, Ijen nổi tiếng bởi đặc trưng có hồ hình thành từ miệng núi lửa với nước hồ màu xanh ngọc, có chỗ rộng nhất khoảng 1km và có nồng độ axit sulfuric cao.

Đây là một trong những số ít những địa điểm trên thế giới nơi mà bạn có thể tận mắt chứng kiến những "ngọn lửa xanh" (Blue fire), một hiện tượng thiên nhiên kỳ ảo và hiếm có. Bạn sẽ đi bộ lên đến miệng núi lửa và ngắm nhìn những ngọn lửa màu xanh lam bùng cháy trong màn đêm, và sau đó chờ đón những ánh nắng bình minh khi mặt trời ló dạng.

go and share núi lửa Kawah Ijen

Hồ miệng núi lửa Kawah Ijen màu xanh ngọc, nơi có nồng độ axit cao nhất thế giới.

Cách di chuyển: Từ thành phố Malang đến Banyuwangi

Điểm bắt đầu hành trình khám phá núi lửa Kawah Ijen sẽ là Banyuwangi, phần lớn khách du lịch đến Đông Java, Indonesia sẽ book tour trọn gói của nhà tour đi cả 2 ngọn núi lửa là Bromo và Kawah Ijen. Nhưng tụi mình đã chọn việc đi tự túc và tham gia tour lẻ tại Bromo xong, sau đó tự di chuyển đến Banyuwangi (điểm tham gia tour Kawah Ijen). Mọi người có thể tham khảo bài viết về cách đi núi lửa Bromo của tụi mình trên So Sánh Tour nhé.

Bản đồ hành trình đến núi lửa Kawah Ijen

Bản đồ hành trình đến núi lửa Kawah Ijen

Sau khi kết thúc chuyến đi ở Bromo, tụi mình quay trở lại khách sạn thu dọn đồ đạc, trả phòng, đặt đồ ăn ở quán ăn Erdys Kitchen – Penanggungan trên Grab và book Gojek ra nhà ga xe lửa Malang Kotalama.

Chuyến xe lửa của hãng tàu KAI chạy lúc 16:10 đến Banyuwangi Kota 23:29. Vé xe lửa tụi mình cũng đã mua trước, khi đến nhà ga sẽ có máy check-in tự động nhưng chú soát vé tàu đã nhiệt tình làm giúp tụi mình, còn chụp hình cho tụi mình trước khi lên tàu nữa. Tranh thủ trên tàu tụi mình đã cố gắng ngủ để có sức đi Ijen ngay khi bước xuống tàu.

Đặt vé xe lửa trên: https://en.tiket.com/

Giá vé: 143.500 IDR/ 2 người (khoảng 225.000 VND)

Chuyến xe lửa của KAI khởi hành tại Malang.

Chuyến xe lửa của KAI khởi hành tại Malang.

Như chuyến trekking Bromo, tụi mình cũng tìm các nhà tour trên Instagram, trao đổi thông tin mọi thứ qua WhatsApp và đặt share tour với giá 350.000 IDR/người (khoảng 550.000 VND). Tour sẽ bắt đầu 00:00 đến 10:00 sáng, đón và trả tại khách sạn ở Banyuwangi.

Thông tin nhà tour đi núi lửa Kawah Ijen:

Tên nhà tour: Visit Bangyuwangi

Instagram/Website: visitbanyuwangi.id

23:29: Xe lửa đến nhà ga Banyuwangi Kota, chuyến tàu rất đúng giờ. Ngay lúc đó, tài xế tour núi lửa Kawah Ijen báo sẽ đón tụi mình lúc 23:45 tại khách sạn. Trong đêm khuya, tụi mình đã phải đặt liên tục 2 chiếc điện thoại từ Grab qua Gojek để có thể tìm được tài xế đón về khách sạn. Tụi mình nhanh chóng làm thủ tục check-in, mặc thêm 2 lớp quần áo để giữ ấm và nhờ bạn lễ tân giữ lại phần ăn sáng khi tụi mình trở lại vào trưa mai (tụi mình có chọn thêm ăn sáng tại khách sạn này vì chỉ ở đây ít thời gian nên có đồ ăn luôn cho tiện).

Thông tin khách sạn tại Banyuwangi:

Hotel Blambangan

Địa chỉ: Q9PG+JFW, Kepatihan, Banyuwangi Sub-District, Banyuwangi Regency, East Java 68411, Indonesia.

Giá phòng tụi mình đặt: 442.000 IDR khoảng 750.000 VND/1 đêm (Bao gồm bữa sáng cho 2 người)

Hành trình leo đến đỉnh núi lửa Kawah Ijen:

00:00 – 2:00 sáng: Tụi mình lên xe và được chở đến điểm base camp là một quán nhỏ dưới chân núi, tụi mình uống trà nóng và cà phê, ngồi bên đống lửa sửa ấm những trái tim băng giá với nhiệt độ là 11 độ C.

Tụi mình ngồi quanh các đống lửa cho bớt lạnh

Tụi mình ngồi quanh các đống lửa cho bớt lạnh

Tại đây tụi mình cũng gặp gỡ ông chú người Đức và anh trai Jakarta đang đi công tác bỗng nổi hứng muốn đi trekking, cùng anh tour guide trong chuyến share trip này.

Anh tour guide và 2 người bạn chung hành trình leo núi lửa Kawah Ijen.

Anh tour guide và 2 người bạn chung hành trình leo núi lửa Kawah Ijen.

2:30 sáng: Tụi mình đeo đèn pin đội đầu, thuê mặt nạ phòng độc 50.000 IDR/người (khoảng 80.000 VND) và bắt đầu hành trình. Tụi mình phải đi thật nhanh và sớm để có thể nhìn thấy được “Blue fire” ngọn lửa xanh trong miệng núi lửa Kawah Ijen.

Quãng đường khoảng 4km với những khúc cua cùi chỏ dựng thẳng đứng khiến tụi mình cứng đơ hết bắp chân, từng chút một tụi mình đã vượt qua từng đoạn dốc. Không giống như núi lửa Bromo, để lên tới núi lửa Kawah Ijen đòi hỏi bạn phải có thể lực tốt hơn, sức bền vì phải leo lên miệng núi lửa, đến khi quay về đầu gối và chân phải khỏe để đi hướng dốc xuống, hãy cẩn thận để không bị chấn thương đầu gối nhé.

Ngoài ra, dọc đường còn có rất nhiều dịch vụ xe kéo người lên và xuống núi của các chú ở đây, 1 khách khi lên núi cần 1 người đẩy và 2 người kéo bằng cách quấn dây thừng trên vai, mọi người nếu đi không được có thể cân nhắc thuê dịch vụ này nhé. Công việc này cũng tạo ra thu nhập cho mấy chú ở đây nhưng mình cảm thấy rất thương luôn.

Taxi kéo dọc đường lên núi lửa Kawah Ijen.

Taxi kéo dọc đường lên núi lửa Kawah Ijen.

Đến khoảng 4:30: Tụi mình đã leo đến đỉnh của ngọn núi, nhưng để tận mắt nhìn được “Blue fire” tụi mình phải tiếp tục đi xuống miệng núi lửa, nơi các công nhân đang khai thác lưu huỳnh. Đoạn đường đi xuống lòng miệng núi lửa cũng không dễ dàng vì đường trơn trượt bởi rất nhiều đá to nhỏ và sắt nhọn, vách núi dựng đứng.

Tụi mình đã đứng tại đây, ngay trong miệng của ngọn núi lửa Kawah Ijen còn hoạt động.

Tụi mình đã đứng tại đây, ngay trong miệng của ngọn núi lửa Kawah Ijen còn hoạt động.

Xuống tới lòng hồ tụi mình phải đeo mặt nạ phòng độc, khi có các cơn gió đi ngang qua anh tour guide luôn nhắc tụi mình phải ngồi xuống, úp mặt, nhắm mắt để tránh khí và hít phải chúng quá nhiều. Mùi lưu huỳnh bốc lên đậm đặc khiến mình như ngợp thở và cay xè hết mắt nhưng khi tận mắt ngắm được blue fire thì đó là một điều xứng đáng cho chuyến đi này.

Khí lưu huỳnh bốc lên đậm đặc nên tụi mình phải đeo mặt nạ phòng độc.

Khí lưu huỳnh bốc lên đậm đặc nên tụi mình phải đeo mặt nạ phòng độc.

Sau khi chiêm ngưỡng sự kỳ thú của những ngọn lửa xanh, tụi mình lại tiếp tục di chuyển lên trên để ngắm bình minh từ từ xuất hiện giữa làn sương mờ đặc, và đắm chìm trong màu xanh ngọc bích huyền ảo của hồ axit nằm lọt thỏm trong miệng núi.

Trời bắt đầu sáng và tụi mình đã leo đến miệng hồ để ngắm nhìn - Núi lửa Kawah Ijen.

Trời bắt đầu sáng và tụi mình đã leo đến miệng hồ để ngắm nhìn – Núi lửa Kawah Ijen.

Màu xanh ngọc trong miệng núi lửa

Màu xanh ngọc trong miệng núi lửa

Ngay lúc này khi mình viết về chuyến đi vừa rồi, mình vẫn không thể quên được hình ảnh màu xanh ngọc ấy dần hiện rõ khi mặt trời ló dạng. Tụi mình đã tận hưởng một kiệt tác của thiên nhiên trao tặng cho nơi này.

Tụi mình tận hưởng niềm hạnh phúc khi đến được nơi đây.

Tụi mình tận hưởng niềm hạnh phúc khi đến được nơi đây.

8:00: Tụi mình bắt đầu xuống núi, lúc này mọi thứ bắt đầu rõ ràng về con đường qua các ngọn núi tụi mình đã leo trong đêm, cũng không thể tin rằng mình đã có thể đi qua chúng.

Con đường qua các ngọn núi.

Con đường qua các ngọn núi.

10:00: Tụi mình kết thúc chuyến đi và được chở về lại khách sạn.

12:00: Trả phòng và tiếp tục cuộc hành trình đến Ubud (Bali). Hẹn mọi người trong chuyến khám phá Bali trong những ngày tiếp theo nhé.

Về ngọn lửa xanh huyền bí “Blue fire”.

Thường bị nhầm lẫn bởi nham thạch nhưng thật ra nó chính là khí lưu huỳnh bị đốt cháy thoát ra từ các kẽ nứt trong miệng núi lửa có nhiệt độ lên tới 600 độ C, khi tiếp xúc với không khí, các khí gas sẽ bốc cháy và phát ra những đốm lửa màu xanh. Những ngọn lửa tựa như những dòng nước xanh biết nhảy múa đầy ngoạn mục và thú vị giữa đêm đen và chỉ xem được vào buổi tối khi không có ánh sáng mặt trời. Hiện tại, núi lửa Kawah Ijen được ghi nhận là một trong số ít những khu vực có nhiều lửa lưu huỳnh nhất trên thế giới.

Hình ảnh ngọn lửa xanh “Blue fire” - Núi lửa Kawah Ijen

Hình ảnh ngọn lửa xanh “Blue fire” – Núi lửa Kawah Ijen

Về những người thợ khai thác lưu huỳnh chăm chỉ

Một điều cần lưu ý là bạn hãy tránh đường khi gặp những người thợ mỏ gánh lưu huỳnh đi lên xuống để không làm ảnh hưởng đến công việc khó khăn của họ nhé. Mỗi thợ mỏ phải vác trung bình khoảng gần 80kg lưu huỳnh xuống chân núi, tùy vào sức khỏe và thời tiết mỗi ngày, họ sẽ đem bán chúng cho một nhà máy ngay dưới chân núi phục vụ cho các mục đích sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất ắc quy, chất tẩy rửa, diêm, thuốc súng và phân bón… với giá cho 1kg lưu huỳnh chỉ vào khoảng 330 IDR khoảng 500 đồng tiền Việt. Mỗi ngày họ sẽ lao động khoảng 12 tiếng và gánh được từ 2 đến 3 lượt.

Những người thợ mỏ thu hoạch lưu huỳnh một cách thủ công, họ dùng cây nhọn và búa đập những tảng lưu huỳnh đã nguội thành những miếng lớn cho vào hai chiếc giỏ, móc vào chiếc đòn gánh và gánh lên trên vành miệng núi, rồi mang chúng dần đến nhà máy ở chân núi.

Các tảng lưu huỳnh được người thợ đập lấy được.

Các tảng lưu huỳnh được người thợ đập lấy được.

Những người thợ mỏ đã phải làm việc trong một môi trường rất nguy hiểm, không đồ bảo hộ, chỉ quấn những chiếc khăn quanh đầu và mặt để tránh bớt khí lưu huỳnh bay vào mặt và mắt. Những bước chân trên đôi dép tông thật khiến tụi mình thấy xót xa.

Người thợ mỏ đang thu hoạch lưu huỳnh.

Người thợ mỏ đang thu hoạch lưu huỳnh.

Anh tour guide của tụi mình cũng chia sẻ trước đây anh cũng đã làm công việc này nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, tiền công bán lưu huỳnh ko đủ cho cuộc sống gia đình, nên anh đã học tiếng anh khi gánh lưu huỳnh thông qua những người bạn dọc đường đi suốt một thời gian dài để có thể dẫn tour cho khách như bây giờ.

Tụi mình tạm biệt nhau và chụp hình trước cổng Kawah Ijen.

Tụi mình tạm biệt nhau và chụp hình trước cổng Kawah Ijen.

Chuyến khám phá núi lửa Kawah Ijen không chỉ mang đến cho tụi mình những điều ngạc nhiên và thú vị của thiên nhiên, mà nơi đây đã cho tụi mình những góc nhìn đầy tích cực. Mình nghĩ là, trong cuộc sống mỗi công việc đều rất đáng trân trọng, hãy mạnh mẽ và nỗ lực vì có thể chúng ta đang được may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người.