Miếu Hòn Bà Vũng Tàu nằm trên hòn đảo nhỏ cùng tên ở khu vực cực Nam thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đảo đá nhỏ bé nằm cách bờ khoảng 300 mét, một số ngày trong tháng, khi con nước xuống cạn sẽ làm “nổi” lên một bãi đá – con đường tự nhiên kỳ thú – có thể đi bộ từ đất liền ra đảo một cách dễ dàng.
Đặc điểm thú vị về đảo Hòn Bà
Đảo Hòn Bà nhỏ bé chỉ có diện tích khoảng 5.000m2 với địa hình gần như toàn đá, là hòn đảo duy nhất ở phía Nam thành phố Vũng Tàu. Đảo nằm cách đất liền – phía công viên Nghinh Phong ở chỗ tiếp giáp đường Thùy Vân – Hạ Long – khoảng 300 mét.
Đảo Hòn Bà ở cực Nam thành phố Vũng Tàu, cách đất liền chỉ khoảng 300 mét …
Điểm đặc biệt ở đây là, bình thường đây là một hòn đảo giữa mênh mông sóng nước, nhưng ở một số thời điểm trong một số ngày trong tháng, khi nước biển rút xuống sẽ làm lộ ra một “con đường” – thực chất là một bãi đá ngầm – khiến mọi người có thể dễ dàng đi bộ ra đảo.
Lịch nước rút hàng tháng tại Hòn Bà có thể dễ dàng tra cứu ở một số trang web du lịch Vũng Tàu. Thường thì giờ nước rút mỗi ngày không giống nhau, thay đổi dần từ sáng sớm đến trưa, chiều, và cũng có những chuỗi ngày con nước cao, không thể đi bộ ra đảo được.
… nhưng có những thời điểm nước rút, lộ ra bãi đá ngầm từ bờ biển ra đảo.
Với đặc điểm này, Hòn Bà cùng với Nhất Tự Sơn ở vịnh Xuân Đài (Phú Yên) là 2 hòn đảo gần bờ mà có thể lội qua biển để ra đảo ở một số thời điểm nhất định một cách dễ dàng. Chỉ khác là con đường trên biển ra Nhất Tự Sơn là một doi cát phẳng, thâm chí có những thời điểm có thể chạy cả xe hơi sang đảo được, còn ở Hòn Bà, “con đường” trên biển là một bãi đá ngầm lởm chởm vỏ hàu, chỉ có thể đi bộ ra đảo.
Đảo nhỏ, gần như chỉ toàn đá là đá, khi nước lớn, đảo chỉ cao hơn mặt biển khoảng 10 mét, bốn bề sóng gió. Tuy nhiên, trên đảo có một ngôi miếu rất linh thiêng với ngư dân trong vùng: Miếu Hòn Bà. Ngôi miếu nhỏ được những ngư dân trong vùng dựng lên từ xa xưa – theo một số bậc cao niên thì từ năm 1781 – để thờ Thủy Long thần nữ. Những ngư dân thường đến miếu Hòn Bà để cầu bà Thủy Long thần nữ ban phúc cho mỗi chuyến đi biển của họ, bởi vậy trong ngôi miếu trên đảo luôn được ngư dân chăm nom, nhang khói thường xuyên, liên tục. Gian chính điện của ngôi miếu hiện tại được người dân quyên góp và xây dựng lại trên đảo từ năm 1971.
Tết Nguyên Tiêu Quý Mão, lội biển ra miếu Hòn Bà
Tình cờ, Lữ Phong lò dò vào mấy trang web về du lịch Vũng Tàu tìm một số thông tin, thì phát hiện ra ngày rằm tháng Giêng (tết Nguyên Tiêu) năm Quý Mão 2023, ở Hòn Bà nước sẽ rút cạn trong khoảng thời gian từ 5g20 – 10g20. Thế là Lữ Phong thu xếp chạy xuống Vũng Tàu. Cũng may tuy gấp (vì rằm tháng Giêng là ngày 5/2, mà lịch nước rút tháng 2 thì ngày 4/2 mới được đưa lên) nhưng Vũng Tàu gần Sài Gòn, lại trúng ngày chủ nhật, nên chỉ việc xách xe lên và đi.
9g sáng, khi Lữ Phong gửi xe máy xong tại bãi gửi xe dã chiến trên vỉa hè đường Thùy Vân gần công viên Nghinh Phong và nhìn xuống bãi biển, con đường đá ngầm đã nổi rõ từ khi nào, và dòng người đi bộ ra đảo đã đông đúc lắm.
Dòng người lội bộ ra đảo Hòn Bà ngày rằm tháng Giêng (5/2/2023)
Có nhiều lối mòn trên đường Thùy Vân – Hạ Long để xuống bãi biển, nhưng đường mòn dễ đi, ít dốc và an toàn với cả phụ nữ và trẻ em thì cách bãi đá ra đảo khá xa, tận phía đầu con dốc trên đường Thùy Vân, dưới chân đồi Con Heo. Từ đây phải đi bộ trên bãi biển vài trăm mét mới ra được tới đầu bãi đá ngầm để lội sang Hòn Bà.
Rất đông du khách không quản nắng gắt, vượt bãi biển khá xa để đi bộ sang Hòn Bà.
Khi đến gần bãi đá mới thấy đá ở đây khá to và lổn nhổn, lại bị hàu, ốc bám đầy chi chít, tuy không quá khó đi đối với người lớn, nhưng cũng tương đối vất vả đồi với những phụ nữ trung tuổi và trẻ em, bởi đặt bước không cẩn thận mà bị trượt chân hoặc ngã thì rất dễ bị trầy xước, chảy máu bởi những vỏ ốc, vỏ hàu sắc nhọn xung quanh.
Con đường” không hề dễ chịu bởi đá tảng lổn nhổn gập ghềnh
Thời gian bãi đá nổi lên khi nước cạn thường không nhiều, chủ yếu nó chìm dưới nước biển, bởi vậy bọn hàu, ốc sống bám trên đá rất nhiều. Mỗi khi nước xuống, bãi đá lộ ra, khá nhiều người dân ở đây tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi này để ra đục lấy thịt con hàu.
Dụng cụ của họ rất đơn giản, chỉ cần một mỏ sắt có mũi tương đối nhọn cứng và đủ nặng cỡ một chiếc búa loại nhỏ, dùng để phá lớp vỏ hàu, sau đó dùng mũi dao nhỏ để cạy thịt con hàu lên, bỏ vào hộp đem theo sẵn. Những ngày thời tiết thuận lợi (không nắng gắt hoặc mưa gió) trong vài giờ, một người có thể đục được khoảng gần 1kg thịt hàu.
Cũng giống như ở đảo Nhất Tự Sơn Phú Yên, khi nước cạn ở Hòn Bà lộ ra một thềm đá xung quanh chân đảo, khiến diện tích hòn đảo nở rộng ra nhiều. Từ chân thêm đá có dãy bậc thang nhân tạo để quả cổng lên miếu Hòn Bà, phía bên cạnh cũng có một lối bậc thang nữa để tiện lên xuống đảo.
hững người dân địa phương tranh thủ đục lấy thịt con hàu khi bãi đá lộ ra.
Bậc thang lên cổng miếu Hòn Bà trên đảo.
Chánh điện miếu Hòn Bà được xây dựng ở vị trí cao nhất trên đảo, bên ngoài chánh điện ở các vị trí thấp hơn có một số ban thờ khác được người dân chăm lo nhang khói.
Trang trí bên ngoài chánh điện và một số ban thờ trên đảo
Bên trong chánh điện tương đối rộng rãi, bố trí ban thờ chính và các hương án khác xung quanh. Bởi ngôi miếu thờ bà Thủy Long thần nữ – vị thần ban phúc lành cho những ngư dân đi biển, nên các hương án hai bên đều có bài trí các mô hình thuyền buồm đi biển.
Bên trong chánh điện với ban thờ chính và các hương án xung quanh.
Ban thờ chính trong chánh điện tương đối đơn giản nhưng trang nghiêm, trên trần trang trí bức tranh chim phượng múa trước mặt trời; tượng bà Thủy Long thần nữ đặt trang trọng ở vị trí cao nhất, giữa mờ ảo nhang khói linh thiêng ngày rằm.
Không chỉ các ngư dân, từ lâu nay vào những ngày rằm, ngày đầu tháng trúng dịp nước cạn, du khách gần xa khi đến Vũng Tàu đều cố gắng sang miếu Hòn Bà thắp nén nhang cầu an cho mình và gia đình.
Bàn thờ chính trong miếu
Nước lên, khách về, miếu và đảo lại tĩnh lặng giữa sóng gió biển Đông
Khoảng 10g, Lữ Phong ra khỏi chánh điện, chợt nhận ra nước đã lên tự bao giờ. Y chợt nhớ lịch nước rút ở Hòn Bà hôm nay chỉ trong khoảng từ 5g20 đến 10g20. Vậy tức là lúc 9g Lữ Phong đến đây, là lúc nước đã bắt đầu lên cao dần trở lại. Những người phụ trách miếu đã bắt đầu thông báo để du khách sớm trở về đất liền và nhắc những người từ đất liền đang định sang đảo nên quay trở lại.
Lữ Phong tranh thủ nán lại trên đảo ngắm phong cảnh xung quanh: ngoài khơi xa trời và biển hòa vào nhau ở đường chân trời; trong đất liền, ngay đối diện miếu Hòn Bà là tượng chúa Jesu cao vời vợi trên đỉnh núi Tao Phùng đang giang tay như che chở cho thành phố phía sau; bên trái là múi Nghinh Phong với bãi Vọng Nguyệt bằng phẳng trải rộng khi nước chưa dâng cao; bên phải là Bãi Sau cong cong ôm theo đường Thùy Vân lộng gió.
Mũi Nghinh Phong và bãi Vọng Nguyệt, nhìn từ đảo Hòn Bà
Tượng chúa Jesu trên núi Tao Phùng, đối diện miếu Hòn Bà ở phía đất liền.
Nước biển bắt đầu lên cao, Lữ Phong cũng hòa theo dòng người rời khỏi đảo trở về.
Sóng biển đã tràn lên đoạn giữa của bãi đá ngầm
Những người từ đảo trở về đã bị sóng đánh ướt ở đoạn giữa đường
Cả bãi đá rộng lớn trải từ bờ sang đảo, nay chỉ còn lại một lằn mỏng, những con sóng bạc ở hai bên bắt đầu hòa vào nhau ở khúc giữa “con đường”. 10g30, Lữ Phong lên đến bãi giữ xe máy trên đường Thùy Vân ở đầu dốc Hạ Long, nhìn xuống biển thì con đường đá đã bị sóng biển che khuất, những du khách cuối cùng đang bì bõm lội vào bờ.
Sóng biển đã “nhấn chìm” con đường, những du khách cuối cùng đang lội vào bờ.
Lữ Phong lấy xe máy khỏi bãi, chạy thêm một quãng lên khỏi con dốc và tấp vào khu vực ngắm cảnh bên lề đường Hạ Long, đối diện công viên Tao Phùng để tiếp tục theo dõi cảnh con đường ra đảo bị nước biển che khuất.
10g40, nước biển đã che khuất gần hết bãi đá ngầm
14g30, nước biển che khuất hoàn toàn bãi đá ngầm và cả bờ cát.
Sau đó, y bận chạy vào nội thành Vũng Tàu thăm thú người thân nhân dịp năm mới, và lúc 14g30 trước khi rời Vũng Tàu về Sài Gòn, Lữ Phong lại vòng ra xem lại quanh cảnh Hòn Bà: lúc này sóng nước đã mênh mông che khuất hoàn toàn bãi đá cũng như bờ cát. Miếu Hòn Bà và đảo Hòn Bà lại nhỏ bé chơ vơ giữa những con sóng bạc đầu.