Đền Mẹ Pura Besakih – Địa điểm không thể bỏ qua ở Bali

83

Tôi từng nghe một câu nói về Bali rằng các ngôi nhà ở Bali đều là một đền thờ và bản thân Bali là một ngôi đền Hindu khổng lồ. Ở Bali, có lẽ có đến hàng vạn ngôi đền lớn nhỏ, trong đó nổi tiếng và linh thiêng nhất là nằm ở núi thiêng Gunung Agung ở phía Đông của hòn đảo.

Đền đài là văn hoá tâm linh quan trọng nhất ở Bali và đền Mẹ Pura Besakih là ngôi đền quan trọng nhất của các tín đồ Hindu ở vùng đất này.

đền Mẹ Pura Besakih

Đền mẹ Pura Besakih là ngôi đền quan trọng nhất của các tín đồ Hindu

Lịch sử đền Mẹ Pura Besakih

Markandeya – một nhà hiền triết, một vị thánh ở Ấn Độ khi truyền giáo vào khu vực Bali đã đưa 8.000 người đến để sẻ núi san rừng xây dựng thành phố mới nhưng ông đã thất bại, khi đó có rất nhiều người đã bị ốm bệnh bắt buộc Markandeya phải dừng bước. Sau đó, Markandeya phải chuyển tới Java sinh sống, ông đã thiền định và cầu nguyện để có thể hoàn thành tâm nguyện của mình. Sau khi cầu nguyện, ông đã được thần linh khai sáng về việc quay trở lại vùng đất Bali, xây dựng nơi ở tuy nhiên ông không được phép san bằng khu rừng nhiệt đới, Markandeya và người của mình phải tôn trọng thiên nhiên và mẹ trái đất. Markandeya nghe theo và đã thực hiện thành công kế hoạch của mình. Để tỏ lòng tôn kính thần linh, ông đã cho xây dựng một ngôi đền nhỏ tại địa điểm đền Besakih ngày nay. Đền Mẹ Pura Besakih là ngôi đền rất quan trọng đối với người Bali vào thời điểm người Majapahit chinh phục Bali. Năm 1343, ngôi đền đã được người theo đạo Hindu sử dụng để thờ cúng. Vào thế kỷ 15, Besakih trở thành quần thể chùa quan trọng nhất của triều đại Gelgel và Klungkung.

Năm 1963, núi lửa Gunung Agung phun trào mạnh mẽ, dung nham đã phá huỷ rất nhiều ngôi làng và hàng ngàn người thiệt mạng. Tuy nhiên, dòng dung nham đã dừng lại trước đền Besakih chỉ vài mét. Đền Mẹ Pura Besakih đã sống sót kỳ diệu vì vậy người dân Bali tin rằng ngôi đền đã được các vị thần che chở và cứu thoát. Từ đó sự linh thiêng của ngôi đền ngày càng nổi tiếng.

Đền Mẹ Pura Besakih được đề cử là Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1995.

Đền Besakih rất linh thiêng trong văn hoá của người dân Bali

Đền Besakih rất linh thiêng trong văn hoá của người dân Bali

Kiến trúc hoàn hảo của đền Mẹ Pura Besakih

Nằm ở phía đông của đảo, từ các trung tâm du lịch chính như Ubub, Canggu, Seminyak và Kuta sẽ mất khoảng 2 – 2,5 giờ lái xe. Có rất nhiều cách để tới Besakih như thuê xe máy tự lái, mua tour trong ngày, tự lái xe ô tô nhưng tôi chọn cách thuận tiện và phổ biến nhất là thuê xe có tài xế. Bởi bạn vừa không phải lo lắng cảnh tắc đường kẹt xe khủng khiếp ở Bali, không phải tự chạy xe dưới cái nắng chói chang, lại có thể dừng lại ở bất cứ địa điểm nào trên đường mà tôi muốn.

Tôi xuất phát từ Kuta, con đường đến Besakih đi qua bao nhiêu làng mạc đồng quê, cánh đồng xanh mướt. Tôi nhận ra một điều khá thú vị, có lẽ Bali là nơi có nhiều đền đài nhất mà tôi đã từng tới. Từ những ngôi đền nhỏ xíu ven đường tới những ngôi đền lớn đồ sộ, kiến trúc từ đơn giản tới phức tạp, từ trên biển tới trên núi, trên các mỏm đá chênh vênh, thậm chí ngay cả ở ngã tư, bên đường, cạnh chợ…cũng là đền đài. Điều dễ nhận thấy là trước các ngôi đền ở Bali có rất nhiều các cây nêu màu vàng được được làm từ thân 1 cây tre/trúc, trang trí công phu bằng những hoa văn tết bằng lá dừa, lá cọ. Ở chân cây nêu, ngang tầm mắt là một cái am nhỏ như chuồng chim bồ câu, trong ấy đặt cơm gạo hoa quả bánh trái cúng vong hồn, người dân cúng dường bằng các vật liệu tự nhiên như hoa, lá chuối, cây cỏ địa phương. Hàng ngày, mỗi người phụ nữ Bali sẽ chuẩn bị lễ vật cúng tế tại nhà 2-3 lần, đội mâm vào đền cúng 2 lần. Đồ cúng thần linh đặt trong những am nhỏ treo trên thân cây nêu. Đồ cúng cả thần thiện lẫn ác trong chiếc đĩa là dừa, đặt ở lối ra vào nhà hoặc bên những bụi cây. Mâm cúng phải có bốn mâm, từ lớn đến nhỏ, dẫn từ cửa đến gian thờ tượng thần chính trong nhà. Người ta để mâm cúng dưới đất vì tin rằng thần linh khi hạ phàm sẽ đặt chân xuống mặt đất, vì vậy càng mâm cúng càng để thấp thì các thần càng ở lâu với người phàm.

Những cây nêu màu vàng đặc trưng của Bali

Những cây nêu màu vàng đặc trưng của Bali

Hai tiếng trôi qua nhanh vèo vèo, chẳng mấy chốc tôi đã nhìn thấy đền Mẹ Pura Besakih được bao bọc bởi ngọn núi Agung hiện ra trước mắt, khung cảnh thật nên thơ và hùng vĩ.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đứng trước đền Mẹ Pura Besakih là cổng vào với những bậc thang cao vút uy nghiêm và thâm trầm, vừa có chút gì đó bí ẩn. Dường như đằng sau cánh cổng đối xứng đặc trưng đó là cả một thế giới của những ngôi đền với những mái lá cọ màu đen chồng xếp nhiều tầng đang chờ đợi tôi khám phá.

Cổng vào đền Mẹ Pura Besakih

Cổng vào đền Mẹ Pura Besakih

Đền Mẹ Pura Besakih là quần thể gồm 21 ngôi đền lớn nhỏ trải dài trên 3km trong đó quan trọng nhất là 3 ngôi đền đại diện cho ba vị thần chính của đạo Hindu là thần Brahma, Shiva và Vishnu. Đền Pura Kiduling Kreteg với dải vải màu đỏ thờ thần sáng tạo Brahma, đền Pura Panataran Agung buộc những dải vải trắng thờ thần huỷ diệt Shiva và đền Pura Batu Medeg vởi dải vải đen thờ thần bảo hộ Vishnu.

Pura Penataran Agung hay “Great Temple of State” nằm ở trung tâm của khu phức hợp và là nơi thờ cúng chính. Nó có rất nhiều khu vực, mỗi khu vực đại diện cho 7 tầng khác nhau của vũ trụ Hindu và mỗi khu vực này đều có đền thờ riêng. Gelap Pura nằm ở phía Bắc của khu phức hợp chính, tên của ngôi đền có nghĩa là sét, ám chỉ những tia sét của thần Iswara có thể xua đuổi bóng tối. Pura Batu Madeg nằm ở phía Tây Bắc, nơi tổ chức các nghi lễ liên quan đến việc mùa màng bội thu nhằm tiếp thêm sức mạnh và sức sống cho người dân Bali. Pura Batu Tirtha là nơi mà những người theo đạo Hindu có thể nghiên cứu những giáo lý cổ xưa của Ấn Độ giáo. Pura Kiduling Kreteg nằm ở phía Nam của khu phức hợp chính, người dân đến đây để cầu xin thần Brahma giảm bớt sức nóng của trái đất để không bị hán hán và không có thiên tai. Nếu bạn là người hâm mộ loài chim garuda thần thoại thì bạn sẽ thích ngôi đền Pura Hyang Haluh (Pura Jenggala) – nơi có rất nhiều bức tượng về loài chim này. Pura Merajan Selonding, ngôi đền nhỏ thú vị này lưu giữ Gamelan – một trong nhạc cụ gõ cổ xưa nhất của đất nước Indonesia. Pura Ulun Kulkul, nổi tiếng với ‘kulkul’ (cồng chiêng bằng gỗ của người Bali).

Đền Mẹ Pura Besakih

Đền Mẹ Pura Besakih

Đền Mẹ Pura Besakih

Đền Mẹ Pura Besakih

Các ngôi tháp được làm bằng nguyên liệu từ thiên nhiên

Các ngôi tháp được làm bằng nguyên liệu từ thiên nhiên

Mỗi ngôi đền riêng lẻ ở Pura Besakih đều có lễ hội đền thờ riêng nên xác xuất bạn tới đây và ngẫu nhiên gặp một lễ hội nào đó là rất cao. Theo thống kê, mỗi năm ở Besakih có khoảng 70 lễ hội. Tuy nhiên, lớn nhất và quan trọng nhất là lễ hội Batara Turun Kabeh và Purnama Kedasa. Batara Turun Kabeh có nghĩa là “các vị thần cùng nhau xuất hiện”, người dân Bali tin rằng các vị thần Hindu sẽ đồng loạt giáng thế trong cùng một thời gian và lúc này, rất nhiều người dân trên đảo đã tới cúng tế tại đây. Purnama Kedasa là lễ hội trăng tròn, có ý nghĩa quan trọng đối với những người theo đạo Hindu ở Bali. Nếu đến Besakih vào dịp này bạn sẽ thấy một Bali văn hoá đậm đà truyền thống, toàn bộ khu đền được trang trí rực rỡ bởi vải, cờ trắng, đỏ, đen, vàng…người dân Bali mặc trang phục truyền thống với lễ vật trên tay hoặc trên đầu đang hành hương về các ngôi đền. Thật là một cảnh tượng tuyệt đẹp khi thấy họ xếp hàng dài quanh ngôi đền để dâng lời cầu nguyện.

Người dân Bali mang lễ tới cầu nguyện ở đền

Người dân Bali mang lễ tới cầu nguyện ở đền

Đồ thờ cúng ở Besakih

Đồ thờ cúng ở Besakih

Đồ thờ cúng ở Besakih

Đồ thờ cúng ở Besakih

Kinh nghiệm du lịch tới đền Mẹ Pura Besakih

Góc nhỏ bình yên

Góc nhỏ bình yên

Cổng đặc trưng của văn hoá Bali

Cổng đặc trưng của văn hoá Bali

Tôi chia tay Besakih vào buổi chiều với cơn mưa lất phất. Bầu trời âm u, màn mưa ẩm ướt dường như càng khiến Besakih thâm trầm và bí ẩn, nhưng lại có gì đó rất cuốn hút. Tạm biệt Besakih, ngôi đền Mẹ đã khiến tôi có rất nhiều những trải nghiệm khó quên ở nơi này. Hi vọng tôi sẽ có nhiều cơ hội để quay lại ngôi đền đặc biệt này.