Khám phá mũi Nghinh Phong – Cực Nam thành phố Vũng Tàu

36

Đôi khi y cứ lo dành dụm thời gian để “đi khám phá” chỗ nọ chỗ kia ở đâu đó xa xôi, trong khi ở ngay cái thành phố xinh đẹp sát cạnh Sài Gòn – nơi mà có thể đi gần như bất cứ lúc nào, chẳng tốn bao nhiêu thời gian – thì lại có những điểm đến rất đẹp.

Thế là không lâu sau đó, Lữ Phong trở lại Vũng Tàu – cũng chủ động tự chạy xe máy từ sáng sớm từ Sài Gòn – và có một buổi sáng mùa Xuân đầy thú vị ở khu vực mỏm cực Nam thành phố biển, khi khám phá vẻ đẹp của mũi Nghinh Phong và quang cảnh toàn thành phố nhìn từ vai tượng Chúa trên núi Tao Phùng.

Mũi Nghinh Phong – mũi tàu rẽ sóng biển Đông

mũi Nghinh Phong

Từ mũi Nghinh Phong nhìn về núi Nhỏ với tượng Chúa và hải đăng Vũng Tàu xa xa.

Mũi Nghinh Phong là một mỏm đá từ Núi Nhỏ đâm xa nhất ra biển về phía Nam, giống như mũi con tàu hướng ra biển Đông, xưa kia người Pháp gọi mũi đất này là , có lẽ do thổ âm địa phương mà “au Vent” bị đọc trại thành Ô Quắn. Nghinh Phong có nghĩa là đón gió – cái tên thật hợp với hình dáng và vị trí mũi đất ngày đêm đón sóng gió từ biển Đông này.

Mũi Nghinh Phong nằm tại số 1 đường Hạ Long, Phường 2, thành phố Vũng Tàu. Hiện tại ở đây không có đơn vị nào khai thác du lịch, nên khi tới nơi, Lữ Phong chỉ cần gửi xe ở bãi giữ xe ngay lối ra mũi, rồi thẳng bước ra biển.

Mũi đất chĩa dài ra biển, hai bên là hai bãi tắm. Bãi Vọng Nguyệt ngay dưới chân mũi, phía Đông (bên trái, khi nhìn từ đất liền ra), và bãi Hương Phong (bãi Dứa) hơi chếch về phía Tây. Trong đó bãi Dứa nhỏ hẹp và nhiều đá ngầm, còn bãi Vọng Nguyệt tuy cũng nhỏ nhưng bờ cát trải dài bằng phẳng mỗi khi con nước rút xuống.

mũi Nghinh Phong

Tòa nhà xa nhất ở mũi Nghinh Phong: Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu

Trên mũi Nghinh Phong có một ngọn đồi nhỏ, là nơi rất được các bạn trẻ ưa thích chụp hình. Có nhiều lối mòn để lên ngọn đồi nhỏ trên mũi Nghinh Phong, trong đó có lối lên ngay gần phía cổng của tòa nhà Biên phòng.

mũi Nghinh Phong

Lối mòn lên đỉnh đồi, trời còn sớm nhưng nắng đã lên tương đối cao

Ngọn đồi không cao lắm, chỉ vài chục mét so với mực nước biển, trên đỉnh đồi khá bằng phẳng và trống trải, còn chút dấu tích gạch và bê tông của một vài công trình cũ, là điểm checkin ưa thích của các bạn trẻ, cũng là điểm mà khá nhiều các cặp cô dâu chú rể chọn làm địa điểm chụp ảnh cưới ngoài trời.

mũi Nghinh Phong

Địa điểm chụp hình đẹp trên đỉnh đồi, phía xa, tượng Chúa nổi bật trên nền trời xanh

mũi Nghinh Phong

Ngày Xuân, khá đông các bạn trẻ ra mũi Nghi Phong chụp hình

mũi Nghinh Phong

Bãi Vọng Nguyệt bằng phẳng nằm ngay dưới chân mũi Nghinh Phong

Mới 8g30, trời trong xanh và nắng đã lên cao, trên đỉnh đồi gió biển lồng lộng nên cái nóng cũng chưa tác oai được là bao. Lữ Phong nhìn xuống bãi Vọng Nguyệt dưới chân đồi. Hôm nay cũng là ngày nước rút thấp vào buổi sáng, bãi Vọng Nguyệt trải rộng ra phía biển, bằng phẳng và lấp lánh dưới ánh nắng. Phía xa xa, con đường đá từ đất liền ra đảo Hòn Bà cũng đang nổi lên khỏi mặt nước, y thấy thấp thoáng bóng nhiều du khách cũng đang đi bộ ra đảo để lên viếng miếu Hòn Bà.

Lữ Phong hóng gió một lát rồi theo lối mòn xuống chân đồi để đi xuống bãi Vọng Nguyệt, ngắm xem mũi Nghinh Phong từ dưới mép nước. Bãi cát mịn phẳng lỳ chạy sát vào chân đồi. Phía dưới chân đồi toàn là đá – có lẽ chỉ có chút bề mặt phía trên, đá núi bị phong hóa, cỏ mới mọc phủ lên mà thôi – gọi là “đồi” có vẻ cũng không đúng lắm. Dấu vết nơi thân mũi đá chỉ rõ rằng thời điểm nước lên cao nhất, bãi Vọng Nguyệt này chìm khá sâu dưới nước biển.

mũi Nghinh Phong

Vết nước biển khi cao nhất trên mũi đá phải cao hơn bãi cát vài mét.

mũi Nghinh Phong

Trời và biển xanh ngắt, cô gái cùng bầy chó tung tăng chạy trên bãi Vọng Nguyệt

Lữ Phong sải bước ra phía bãi đá ngầm nho nhỏ nhô ra phía xa, để lại thật gần phía Hòn Bà. Y nhận thấy hoàn toàn có thể vượt qua bãi đá nhỏ này để sang con đường đá ra Hòn Bà, nhưng trước đó chưa lâu, Lữ Phong đã trải nghiệm con đường ấy, nên lần này y chỉ tiến đến bãi đá cuối bãi Vọng Nguyệt để chụp hình những du khách đang đi bộ ra đảo Hòn Bà, dưới một góc nhìn khác với lần trước.

mũi Nghinh Phong

Nước đang cạn, các du khách đang lội bộ ra đảo Hòn Bà khá đông.

Hơn 9g sáng, Lữ Phong cứ nấn ná dưới bãi Vọng Nguyệt vì phong cảnh nơi này quá đẹp đẽ. Nắng vàng, trời xanh, gió lồng lộng mát mẻ và sóng rì rào tung bọt vỗ bờ. Nhìn lên đỉnh núi Tao Phùng, nơi bức tượng Chúa cao vợi đang giang tay như che chở thành phố phía sau lưng, Lữ Phong chợt muốn leo lên đỉnh núi – dù trước đây y đã từng đôi lần leo lên nơi đó để ngắm nhìn thành phố – bởi lần này muốn tranh thủ khi nước cạn, con đường đá ra Hòn Bà đang nổi lên trên biển.

mũi Nghinh Phong

Tượng Chúa trên núi Tao Phùng, nhìn từ bãi Vọng Nguyệt

mũi Nghinh Phong

Từ dưới bãi Vọng Nguyệt đi lên qua dãy bậc thang và chiếc “Cổng Trời” huyền thoại

Quang cảnh Vũng Tàu nhìn từ trên vai tượng Chúa trên đỉnh núi Tao Phùng.

Từ bãi giữ xe máy ra mũi Nghinh Phong trên lề đường Hạ Long, chỉ cần sang đường chếch vài chục mét là vào cổng của khu tượng đài Chúa Jesus. Điều đặc biệt ở nơi đây là miễn phí với mọi du khách lên tham quan, ngay cả bãi trông xe trong khuôn viên khu tượng đài cũng không thu tiền, tùy tâm của khách bỏ vào chiếc thùng bên lối ra.

Núi Tao Phùng (một tên gọi khác của Núi Nhỏ) cao 176 mét so với mực nước biển, trên đỉnh núi được xây dựng bức tượng Chúa Jesus – thường được gọi là tượng Chúa Kito Vua – với chiều cao bức tượng 32 mét, hai cánh tay tượng dài 18,4 mét, có chỗ ngắm cảnh mở ra trên hai vai tượng.

mũi Nghinh Phong

Phải vượt 1.000 bậc thang từ chân núi để lên được chân tượng Chúa

Ban đầu, pho tượng bắt đầu ược xây dựng từ cuối năm 1972 tại vị trí trên đỉnh ngọn đồi nhỏ ở mũi Nghinh Phong – hồi đó thường được gọi là mũi Ô Quắn – nhưng mới xây được phần chân đài tượng thì có những trục trặc với chính quyền đương thời về đất đai, nên giáo dân sau đó phải dỡ bỏ những phần đã xây dựng, và sau đó được duyệt xây tượng trên đỉnh núi Tao Phùng.

Xây dựng một bức tượng khổng lồ trên đỉnh núi cao gặp nhiều khó khăn trong việc thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, nên quá trình xây dựng diễn ra trong những khoảng thời gian dài. Đến đầu tháng 12/1994, tượng đài và dãy bậc đá từ chân núi lên đỉnh núi mới được hoàn tất, với 1.000 bậc thang nhân tạo.

mũi Nghinh Phong

Từ trên vai tượng Chúa nhìn xuống mũi Nghinh Phong

Sau khi vượt 1.000 bậc thang từ chân núi, phải tiếp tục vượt qua 133 bậc thang xoắn ốc trong lòng tượng để lên được vai tượng. Mỗi cánh tay tượng Chúa có thể chứa được khoảng 10 người đứng, nhưng để quan sát quang cảnh xung quanh thì mỗi bên cùng lúc chỉ có thể chứa được 5 – 6 người.

Từ trên vai tượng Chúa nhìn xuống, phía tay phải là mũi Nghinh Phong quả giống như mũi một con tàu rẽ sóng hướng ra biển, với những con sóng bạc trắng ở hai bên sườn mũi đất; phía tay trái là đảo Hòn Bà với ngôi miếu Hòn Bà linh thiêng, trong ngày nước cạn để lộ con đường đá nối thẳng vào đất liền.

mũi Nghinh Phong

Con đường đá ra đảo Hòn Bà lộ ra khi nước cạn, nhìn từ trên vai tượng Chúa

Đã gần trưa, nước biển đang lên dần, con đường đá ra Hòn Bà bắt đầu bị thu hẹp lại, những bãi đá ngầm dày đặc phía Bãi Dứa cũng chìm dần dưới nước biển, chỉ để lại một bờ cát hẹp sát ngay dưới đường Hạ Long.

mũi Nghinh Phong

Bãi Dứa và đường Hạ Long lượn theo chân núi Nhỏ, phía xa là hải đăng Vũng Tàu

mũi Nghinh Phong

Một góc thành phố cùng Bãi Sau cong cong tuyệt đẹp

Bên trái tượng Chúa là một góc thành phố Vũng Tàu trẻ trung, hiện đại cùng Bãi Sau và đường Thùy Vân cong cong tuyệt đẹp dưới nắng Xuân phương Nam.

Vũng Tàu chỉ cách Sài Gòn khoảng 100km, đi lại dễ dàng đơn giản, với rất nhiều loại phương tiện: xe khách, tàu cánh ngầm, và cả xe máy cá nhân. Thành phố du lịch biển xinh đẹp này còn có nhiều điểm khác để khám phá. Chỉ cần có ít thời gian, thậm chí 1 ngày, cũng có thể khám phá một vài địa điểm thú vị đấy, các bạn ạ.