Hội An nổi tiếng bởi những ngôi nhà vàng mái ngói rêu phong, những con đường đá quanh co, những làng nghề cổ truyền lâu đời. Nhưng ít ai biết rằng giữa nhộn nhịp phố cổ lại có một không gian ẩn mình, nơi chứa đựng tinh hoa văn hóa của 54 dân tộc anh em mình. Hãy cùng So Sánh Tour Go & Share khám phá thế giới này nhé.
Bảo tàng Di sản Vô giá – Precious Heritage Art Gallery Museum
Nếu hai điều đặc trưng của mỗi nền văn hóa chính là ngôn ngữ và trang phục truyền thống. Nếu ngôn ngữ là linh hồn, là thứ gắn kết nền văn hóa thì thứ hữu hình nhất lại chính là trang phục truyền thống của họ.
Mình tình cờ phát hiện ra bảo tàng của chú Réhahn tại Hội An, sau khi đi loanh quanh tìm mua bưu thiếp gửi con dấu bưu điện Hội An về Hà Nội, Huế, Sài Gòn (và đã thất lạc hơn năm chưa ai nhận được). Bảo tàng là không gian nghệ thuật trưng bày trang phục của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Lần gần nhất mình ghé thăm là hồi đầu tháng 10/2019, bạn nhân viên có nói rằng chú Réhahn đã gần như hoàn thiện, chụp ảnh dân tộc cuối cùng cho bộ sưu tập. Từ đó về sau, Bảo tàng vô giá của Rehahn đã trở thành điểm đến phải ghé thăm mỗi lần ghé ngang Hội An của mình.
Bảo tàng nằm trong một ngôi nhà cổ ở Hội An đặc trưng bức tường vàng và mái ngói nâu. Nếu nhìn từ phía ngoài, bảo tàng giống hệt những gallery ảnh khác ở phố Hội với những bức tranh lớn được treo bên ngoài, nhưng khi bước sâu vào bên trong bảo tàng mang lại một cảm giác hoàn toàn mới mẻ.
Bảo tàng là nơi trưng bày trang phục truyền thống của 54 dân tộc anh em
Du khách tham quan bảo tàng
Không gian bảo tàng dễ khiến cho người ta lạc vào cảm giác mê hoặc, từ những thông tin được truyền tải bằng cả tiếng Việt-Anh-Pháp, những bộ trang phục được gom góp từ khắp đất nước Việt Nam, tới những bức-ảnh-không-thể-rời-mắt-nổi. Mình mê mẩn bộ phim tài liệu The Artisan, dù đã coi đi coi lại nhiều lần sau vài lần ghé thăm. Mình cũng chết mê chết mệt những bài hát trong bảo tàng, thỉnh thoảng nhận ra những giai điệu quen thuộc đã từng nghe mấy cô người M’Nông hát ở Lăk, hay đơn giản là đôi ba câu hát tiếng Kinh còn nhỏ hay ngân nga, thấy đỗi thân quen vô cùng.
Những bộ trang phục được trưng bày chỉn chu
Mô hình cảnh sinh hoạt người Tây Nguyên
Mình rảo bước dọc hành lang, qua từng bộ đồ, từng lời của Rehahn được kể lại qua phần mô tả rồi đắm chìm vào không gian bảo tàng lúc nào không hay. Càng đọc mình càng nể anh chàng nhiếp ảnh gia người Pháp nhưng lại có tình yêu đặc biệt với đất nước mình, lặn lội từng ngõ ngách, buôn làng để mang về trưng bày những giá trị vô giá ở phố Hội.
Hình ảnh quá trình lấy sợi đay nhuộm chàm
Không gian bảo tàng
Không khó để nhận ra những bức ảnh nổi tiếng của Rehahn trong không gian triển lãm của bảo tàng. Réhahn là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng với nhiều bức ảnh nổi tiếng, anh cũng hợp tác với National Geographic, Travellive để truyền bá vẻ đẹp con người Việt Nam. Dễ thấy nhất là bức ảnh bà cụ ở Hội An với hai bàn tay che nửa gương mặt nổi tiếng khắp thế giới, hay bức ảnh An Phước, cô bé Chăm với đôi mắt màu xanh nổi tiếng, và gần đây nhất là bộ ảnh về em bé 6 tuổi người M’Nông ở Lăk – Đăk Lăk, Kim Luân cùng với chú voi già.
Bức ảnh em bé An Phước với màu mắt xanh nổi tiếng
Những góc ảnh trưng bày cùng trang phục của mỗi người
Không chỉ trang phục, những phụ kiện cũng được trưng bày tại đây
Mỗi bức ảnh, mỗi bộ trang phục là một câu chuyện dài được kể say sưa bởi Réhahn. Có những bộ trang phục Rehahn phải lặn lội vào những buôn làng xa xôi, nơi cả làng chỉ còn vài trăm người mà không còn ai làm nghề dệt vải. Thật buồn khi biết một khi đã không còn nghề dệt, trang phục cũng sẽ biến mất qua thế hệ.
Văn hóa là một phạm trù hữu hình, khó có thể nói được văn hóa người Tày khác người Ê đê thế nào ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, những thứ rõ ràng nhất mọi người có thể phân biệt được chính là trang phục truyền thống của họ. Với tớ, chính trang phục truyền thống là thứ dễ dàng bảo tồn nhất của mỗi nền văn hóa dân tộc. Dù đối với mấy đứa Âu-Mỹ, thằng nào châu Á da vàng mắt hí nào cũng đều là người Tàu, nhưng chúng lại có thể có thể gọi tên kimono, sườn xám, thậm chí cả áo dài.
Việt Nam có một nền đa dạng văn hóa đáng kinh ngạc với 54 dân tộc anh em. Quốc gia có nhiều dân tộc nhất trên thế giới là Nigeria với hơn 250 dân tộc lớn nhỏ. Ở châu Á, ngoài Việt Nam còn có Indonesia, Trung Quốc, Ấn độ, Philippines… có hơn 50 dân tộc anh em. Kể vậy để biết rằng sự đa dạng dân tộc ở Việt Nam là một điều thực sự đặc biệt, cần phải được gìn giữ và bảo tồn. Nhưng có ai biết rằng, có những nhóm dân tộc ở Việt Nam chỉ còn vài trăm người, và chẳng còn ai dệt vải, đồng nghĩa với việc duy trì trang phục truyền thống không còn nữa.
Vui vì có người nhận ra giá trị văn hóa cần bảo tồn và giữ gìn. Buồn vì người bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam qua trang phục lại là một người Pháp, thứ mà người Việt phải nhận ra và thực hiện từ rất lâu rồi.
Các sản phẩm thủ công được trưng bày tại bảo tàng
Bảo tàng của Rehahn không chỉ trưng bày ảnh, trang phục các dân tộc mà còn là một bằng chứng hùng hồn cho giá trị văn hóa của 54 anh em dân tộc Việt Nam. Bằng cách này, giá trị văn hóa của Việt Nam được lưu giữ. Và hi vọng, bằng một cách nào đó, tinh thần dân tộc trong giới trẻ mới được sục sôi trở lại. Để mọi công sức, khát khao của những người đang làm nhiệm vụ giữ gìn có ý nghĩa hơn.
Không gian trưng bày ảnh
Bảo tàng ngoài trưng bày ảnh và trang phục các dân tộc còn bán ảnh, bưu thiếp cũng như sách ảnh. Nếu viết review về bảo tàng trên mạng xã hội còn có thể nhận bưu thiếp miễn phí.
Bảo tàng Di sản Vô giá – Precious Heritage Art Gallery Museum
26 Phan Bội Châu, Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam
8:00 AM – 8 PM
Nếu đã quá quen với hàng quán, phố xá Hội An, tại sao không một lần cùng So Sánh Tour Go & Share khám phá không gian bảo tàng nơi lưu giữ giá trị bản sắc dân tộc ở Hội An nhỉ?