Sự im lặng của một thành phố nằm ở đó – Huế

46

Đến với Huế vào đầu tháng 11, không khí mát mẻ dễ chịu, trời ít mưa và mưa đêm nên cả ngày có thời tiết khá thuận lợi để tham quan Huế. 4 địa điểm cho mình nhiều cảm xúc và được đề cập đến trong bài viết là Lăng vua Minh Mạng, Bạch Trà Viên (thuộc Cung An Định), nhà vườn An Hiên, nhà thờ Phủ Cam. Tuy là những địa điểm không mới lạ, nhưng mình mong mọi người chìm đắm vào các cảm xúc, giá trị lịch sử và chất lượng hình ảnh cũng như nghệ thuật chữ (typography) mà mình đem lại.

1. Tự sự giữa hai thành phố – Sài Gòn và Huế

Tháng 11 của tôi với những cảm xúc lẫn lộn, chưa bao giờ tôi thấy lòng mình lại đầy tự sự như thế, tim mình đau thắt lại theo nhiều nhịp đập nhanh chậm, tâm trí tôi thì nặng trĩu âu lo bởi những nỗi đau của quá khứ, của sự mất mát. Tôi cảm thấy như mình là một ngôi sao mà xoay quanh là vô vàn tinh tú nỗi đau, như một cây thân leo đang cố bám vào những cây cao của khu rừng ngột ngạt, như một hòn đá nhỏ dưới đáy biển đơn côi, cơ bản tôi như một người cô độc giữa thành phố Sài Gòn này và tôi quen, sống, muốn được ngập trong sự cô độc đó. Nhưng, đến một lúc, cảm giác muốn được giải thoát khỏi nỗi đau cũng thôi thúc tôi làm gì đó khác đi.

Tôi tìm đến sự chữa lành. Chữa lành qua cây cối, qua những viên đá màu sắc, qua con người, qua tôn giáo, qua thiên nhiên; ấy vậy mà tôi vẫn thấy chưa đủ để rút cạn sự buồn bã trong tôi. Rồi có được cơ hội đến với Huế, tôi đánh cược cảm xúc mình vào chuyến đi lần này, ở một thành phố khác. Trong đầu tôi nghĩ đến việc dàn trải cảm xúc của mình ở một nơi khác, mong cầu những sự im lặng, để nếu trở về Sài Gòn, mình sẽ nhẹ lòng hơn.

2. Sự im lặng rộng 180.000 m2 – Lăng Minh Mạng

Lăng vua Minh Mạng nằm trên núi Cẩm Khê, cách trung tâm thành phố Huế 12 km, rộng 18ha, gồm 40 công trình lớn nhỏ khác nhau, là nơi yên nghỉ của vị vua thứ hai của triều Nguyễn. Trong 13 đời vua triều Nguyễn, Có thể nói thời vua Minh Mạng trị vì đất nước được đánh giá là giai đoạn thịnh vượng, hùng mạnh nhất trong 13 đời vua triều Nguyễn với nhiều thay đổi từ đối nội, đối ngoại cho đến những cải cách kinh tế chính trị xã hội. Theo sử sách, đích thân vua Minh Mạng xem xét, phê chuẩn họa đồ thiết kế.

Khám phá cố đô Huế

Lối vào mua vé (Tả Hồng Môn)

Từ ngoài vào trong, các tổ hợp công trình được phân bố trên 3 trục song song với nhau mà Thần đạo là trục trung tâm. Xen giữa những công trình kiến trúc là hồ nước ngát hương sen và những quả đồi phủ mượt bóng thông, tạo nên một phong cảnh không những hữu tình mà còn ngoạn mục.

Có vô vàn thông tin, nghiên cứu về Lăng vua Minh Mạng, tôi cũng đã từng đọc ít nhiều. Nhưng khi được đến đây, tôi muốn trải nghiệm, ở một tâm thế của một người sống ở hiện tại, đi qua những không gian mà người đời Nguyễn đã xây dựng và để lại đến tận bây giờ. Theo trình tự từ ngoài vào trong lăng tẩm trên trục Thần đạo thì Đại Hồng Môn là cổng chính dẫn đến nhà bia Bi Đinh nằm trên sân Bái Đình; tiếp đến là cửa Hiển Đức – cổng chính của khu vực tẩm điện, hai bên sân có hai tòa nhà là Tả Hữu Tùng Tự và chính giữa là điện Sùng Ân, đây là nơi thờ long vị của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa; công trình tiếp theo mang tính tiêu biểu trong hệ thống các công trình kiến trúc trên trục Thần đạo là Minh Lâu – nghĩa là lầu sáng, toạ lạc trên ngọn đồi Tam Tài; ở khu vực mộ phần của Hoàng đế Minh Mạng, phía trước là 2 Vũ môn và hồ nước với hình trăng non có tên Tân nguyệt trì ôm lấy Bửu thành. Ngày tôi đến Lăng là ngày có nắng và mát mẻ. Cảm giác rằng toàn bộ ánh nắng bọc lấy toàn bộ 18000 mét vuông lăng tẩm, nắng bọc đến đâu, sự im lặng đi theo đến đó. Nắng bọc lấy trục Thần đạo, trùm lên rừng thông trên các ngọn đồi xung quanh, tràn ngập lên mặt hồ Trừng Minh, bao quanh từng công trình trong lăng; nhưng dường như ánh nắng không thể len lỏi vào các không gian bên trong, nơi ít ánh sáng, sự im lặng càng rõ rệt hơn. Tôi đến đây, bỏ qua sự uy nghiêm, hoành tráng của các công trình kiến trúc, tôi chọn ngồi xuống mỗi nơi một ít, để chiêm ngưỡng cảnh quan của nơi đây, tận hưởng sự im lặng của không gian rộng lớn này mà tính ra kiến trúc chỉ chiếm phần diện tích nhỏ so với cảnh quan lăng mộ.

Tôi dừng lại ở sân Bái Đình để chiêm ngưỡng hàng tượng quan văn võ, voi ngựa đứng chầu hai bên. Không cần chạm vào tượng, tôi cũng cảm nhận được sự trường tồn của thời gian mà hai hàng tượng trải qua, và cả sự cứng cáp đến thực tại. Tôi bước lên nhà bia Bi Đinh để thấy được khoảng sân rộng, để thấy sự yên chí mà thong dong một hồi rất lâu. Khoảng sân giật cấp, rộng rãi để giải toả sự choáng ngợp của kiến trúc, ở vị trí này cũng được phóng tầm mắt đến hồ Trừng Minh xanh tĩnh lặng.

Khám phá cố đô Huế

Lối vào sân Bái Đính

Khám phá cố đô Huế

Đại Hồng Môn dẫn vào sân Bái Đính

Khám phá cố đô Huế

Đứng ở hành lang nhà bia Bi Đinh nhìn xuống

Tôi dừng lại khu vực tẩm điện, để cảm nhận sự im lặng của nơi thờ long vị của Thánh Tổ Nhân Hoàng Minh Mạng, hai bên là nơi thờ các văn võ có công dưới triều vua Minh Mạng – một sự im lặng uy nghi.

Khám phá cố đô Huế

Hiển Đức Môn dẫn vào khu vực tẩm điện

Tôi dừng lại Minh Lâu, với khoảng sân vườn đối xứng, cầu Trung Đạo dẫn lối qua hồ sen lớn. Các đàn cá chổm lên xuống giữa sự im lặng hồ nước vị sen.

Khám phá cố đô Huế

Cầu Trung Đạo nhìn về tẩm điện Sùng Ân

Khám phá cố đô Huế

Cầu Trung Đạo nhìn về tẩm điện Minh Lâu

Tôi đứng thật lâu trên cầu Thông Minh Chính Trực mà 2 đầu cầu có 2 Vũ môn, để ngắm hồ nước trước mộ phần của vua Minh Mạng. Hồ nước với hình trăng non có tên Tân nguyệt trì ôm lấy Bửu thành. Các học giả cho rằng hồ hình bán nguyệt ví như yếu tố âm bao bọc yếu tố dương là Bửu thành, tượng trưng hình ảnh của thế giới vô biên. Điểm kết thúc trục Thần đạo là Huyền Cung, nơi đặt thi thể của nhà vua. Huyền Cung nằm trên một ngọn đồi lớn, có thể nói càng vào sâu Lăng Minh Mạng, không gian cảnh quan càng thay đổi, sự im lặng càng rõ rệt. Tỉ lệ lớn của Huyền Cung, cộng thêm sự bảo vệ tuyệt mật, khiến tâm trạng tôi thật sự lắng đọng, hoà quyện vào sự im lặng uy nghiêm này.

Khám phá cố đô Huế

Cầu Thông Minh Chính Trực hướng về Huyền Cung nơi để thi hài vua Minh Mạng

Toàn bộ Lăng Minh Mạng tuy trục Thần đạo chỉ chiếm tỉ lệ vừa phải trong đó nhưng nhờ được bao bọc bởi hồ Trừng Minh, rồi hồ Trừng Minh được bao bọc bởi những đồi thông lớn nhỏ, nên cả không gian tách biệt với bên ngoài, bù lại bằng sự im lặng dễ chịu, sự im lặng đủ đầy trong 180.000 m2.

3. Sự im lặng của khu vườn căn biệt phủ của giới vương giả – Bạch Trà Viên của Cung An Định

Nằm trong khuôn viên Cung An Định, Bạch Trà Viên là khu vườn phục vụ cho điện ảnh có kịch bản nói về gia đình vương giả họ Lý- bộ phim Gái già lắm chiêu V. Câu chuyện nói về khu vườn đầy hoa trà màu trắng, la nơi “thưởng trà ngắm nguyệt xem hoa” của người nhà họ Lý. Theo truyền thống, chừng nào Bạch Trà Viên nở hoa màu đỏ thì con gái nhà họ Lý mới được cưới chồng.

Khám phá cố đô Huế

Bạch Trà Viên và phía sau cung An Định

“Đêm mưa xuân đầu tiên, đoá bạch trà đã nở…” Lời nhạc phim như muốn miêu tả sự xinh đẹp của Bạch Trà Viên và gợi tả ẩn dụ nét đẹp của người phụ nữ sống trong biệt phủ. Tuy nhiên nét đẹp vĩnh hằng ấy chỉ là bức tranh trưng bày mà sự cô độc, sự khắc nghiệt đã giam cầm hạnh phúc của họ. Sự im lặng giữa Bạch Trà Viên thơ mộng cũng là một trong những hình ảnh kết thúc phim.

Khám phá cố đô Huế

Hồ cảnh quan trong Bạch Trà Viên

Khám phá cố đô Huế

Phía sau Bạch Trà Viên cũng có khoảng cỏ trống để có thể sống ảo

Với tôi, những bông hoa trắng thật tinh khôi của Bạch Trà Viên đem đến sự im lặng thật tinh khiết, khiến tôi tự hỏi rằng tại sao một nơi đẹp đẽ như thế này không là nơi kết thúc đẹp cho phim, tại sao họ không thuộc về nhau, tình yêu không thuộc về tôi. Chỉ có sự im lặng là ở đó, còn đó.

4. Sự im lặng của nhà vườn đặc sắc cố đô Huế – Nhà vườn An Hiên

Nhà vườn An Hiên nằm trong số hàng trăm nhà vườn của Huế – một hình thức kiến trúc đặc trưng của Huế, vừa mang tính truyền thống, vừa có nét quý tộc.

Trên đường từ trung tâm đến với nhà vườn, tôi đi trên đường dài cặp theo sông Hương. Buổi chiều hôm ấy sông Hương thơ mộng, yên ả và ngập tràn nắng vàng.

Khám phá cố đô Huế

Chiều đầy nắng trên sông Hương

Nhà vườn An Hiên nằm ở phía bắc sông Hương và hướng thẳng ra phía sông.

Khám phá cố đô Huế

Góc đẹp của ngôi nhà và hồ sen trước mặt

Đến đây, do nhà vườn đã được mua lại bởi Công ty khách sạn Silk Path ở Hà Nội nên dịch vụ du lịch, giới thiệu về nơi đây rất kĩ càng và mọi thứ đều được bảo tồn. Sau khi nghe giới thiệu tổng quát về nhà vườn, tôi được tự do tham quan ở đây. Còn gì tuyệt vời hơn là chiêm ngưỡng một khu vườn đang hưởng thụ những tia nắng chiều cuối ngày. Hồ sen giữa sân vườn, trước nhà vẫn được giữ nguyên. Trước hồ à bức bình phong mang nhiều ý nghĩa phong thuỷ. Khoảng sân vườn phía trước bức hình bình phong dẫn ra cổng chính và khoảng sân vườn bao bọc lấy nhà chính được chăm sóc kĩ càng, tôi không thấy chiếc lá vàng nào nằm trên sân.

Khám phá cố đô Huế

Cổng vào chính của nhà vườn An Hiên

Khám phá cố đô Huế

Khoảng sân vườn xinh xắn và mặt sau của bức bình phong

Theo các đời chủ của nhà vườn mà toàn là những người có trí thức cao, tôi ganh tị với sự im lặng, yên bình mà khoảng sân vườn đem lại. Tôi tự hỏi, khoảng sân đầy lịch sử này chắc sẽ y hệt và đã được giữ nguyên một cách đẹp đẽ hàng trăm năm nay.

5. Sự im lặng của một nhà thờ trên đồi – Nhà thờ chính toà Phủ Cam

Nhà thờ Phủ Cam nằm trên ngọn đồi Phước Quả, phía bờ nam của sông Hương. Đây là nơi sinh hoạt tôn giáo của rất nhiều giáo dân ở Huế.

Khám phá cố đô Huế

Nhà thờ Phủ Cam (Tên tiếng Pháp: Cathédrale de Phu Cam)

Đến đây, tôi cũng muốn thưởng ngoạn không gian bên ngoài của nhà thờ và sự im lặng tĩnh tâm mà nơi đây đem lại. Các nơi chốn nếu nằm trên đồi thì dường như đem lại thêm sự thu hút từ bên ngoài. Đoạn đường tới nhà thờ, tôi đã thấy nhà thờ nằm trọn trên một con dốc cao, rất đẹp và hoành tráng.

Khám phá cố đô Huế

Nhà thờ Phủ Cam nằm trên một ngọn đồi nên từ xa đã thấy

Tôi đến đây vào một buổi sáng sớm và cũng không thấy giáo dân trong khuôn viên nên tôi chậm rãi tham quan khuôn viên nhà thờ, một cách thư thái. Sân vườn đối xứng là nét đặc trưng ở các công trình tôn giáo. Tôi cảm thấy ngưỡng mộ cách chăm sóc vườn của người Huế, hay Huế được đối đãi bởi thời tiết thuận lợi mà cây cối hầu như xanh tươi, tràn ngập sức sống.

Khám phá cố đô Huế

Công trình kiến trúc với vật liệu đá rất sắc sảo

Khám phá cố đô Huế

Tượng Chúa bên trong khuôn viên

Tôi một mình chìm vào không gian tĩnh lặng, vào sự im lặng dễ chịu của ban mai đem lại tại nhà thờ Phủ Cam.

6. Sự im lặng của màu tím hoàng hôn của Huế – Sân bay Phú Bài

Huế chào tạm biệt tôi bằng một buổi chiều hoàng hôn nhuộm tím. Các dải màu xanh, hồng, tím trộn lẫn vào nhau, ngập ngụa nuốt chửng cả bầu trời, cả một khung cảnh ở sân bay Phú Bài. Tôi cảm giác như rằng hoàng hôn tím ấy xâm chiếm vào các cửa sổ kính, đi vào cả vào tận các hàng ghế ngồi phía trong sân bay, như thể rằng ai ở sân bay lúc ấy cũng mang trong mình màu hoàng hôn tím của Huế.

Khám phá cố đô Huế

Hoàng hôn ở sân bay Phú Bài

7. Nơi tự sự kết thúc, khi tạm biệt Huế để trở về Sài Gòn

Với tôi, sự im lặng mà Huế đem lại là sự chữa lành dễ chịu cho tâm hồn tôi. Huế không chỉ nắm tay dẫn tôi từ bờ âu lo đến bờ bình yên, tôi và Huế cùng ngắm những ánh nắng tươi đẹp khi đi dạo trên cây cầu chữa lành ấy, mà Huế còn đưa vào tay tôi hạt giống hạnh phúc để tôi gieo trồng vào tâm hồn mình.

4 địa điểm mà tôi ghé qua ở Huế đánh dấu sự tĩnh lặng cho một kí ức đẹp của tôi về vùng đất cố đô này.