Về Huế ghé thăm Bao Vinh – Gia Hội, nét cổ kính giữa lòng thành phố cố đô

79

Khách du lịch đến Huế thường nói Huế “buồn”, nhưng nét “buồn” của Huế không phải là nỗi buồn lo, muộn phiền với bao lo toan cuộc sống, mà là nét buồn của sự an yên và thanh bình, của nếp sống bình đạm, ít xô bồ của những mái nhà xưa mang cái hồn trầm lặng vẫn được giữ gìn qua năm tháng.

Nếu như những đền đài, cung điện, lăng tẩm nguy nga ở Huế tượng trưng cho một thời vàng son của vương triều phong kiến, thì những kiến trúc dân gian, những ngôi chùa, từng hàng phố cổ chính là dấu ấn đại diện cho đời sống của người dân Huế theo dòng chảy thời đại.

Tiêu biểu nhất phải kể đến khu vực phố cổ Chi Lăng – Gia Hội và phố cổ Bao Vinh, nằm phía Đông ngoài kinh thành Huế là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế xưa, là nơi còn lưu giữ nhiều “hồn xưa nét Huế” đậm chất riêng của Huế.

Hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi với nhiều nét độc đáo theo lối Hoa – Ấn – Việt, những đình chùa, hội quán, phủ đệ cổ kính đáng được bảo tồn và giới thiệu cho những con người yêu du lịch văn hóa.

Phố cổ Chi Lăng – Gia Hội

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Chi Lăng – Gia Hội ngày nay

Gia Hội là vùng dân cư cổ của Kinh thành Huế với hàng trăm di tích và công trình kiến trúc tuyệt đẹp, khu phố cổ này bao gồm những con phố Chi Lăng, Bạch Đằng, Nguyễn Du, Tô Hiến Thành, … Mình thích không khí bình yên khi đạp xe dạo quanh những con đường nhỏ, ngắm nhìn những mái ngói rêu phong, những mảng tường cũ sẫm màu hay những căn nhà gỗ nhỏ nép mình bên đường.

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Những góc phố bình yên và hoài cổ

Khu phố cổ này được hình thành từ những ngày chúa Nguyễn di dời thủ phủ xứ Đàng Trong và phát triển nhanh chóng, trở thành một phố thị đông đúc khi nhà Nguyễn thành lập, cũng là nơi biểu hiện một cách sống động và chân thực nhất về đời sống của người Huế xưa.

Đầu tiên phải kể đến chùa Diệu Đế ở đường Bạch Đằng, mảnh đất mà ngôi chùa được xây dựng lên chính là nơi ra đời của Vua Thiệu Trị và cũng là nơi ở của vua trước khi lên ngôi.

Diệu Đế là ngôi quốc tự thứ ba ở Huế, ngày nay người dân Huế thường đến chùa để cầu mong sức khỏe và vận mệnh mỗi dịp lễ tết.

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Chùa Diệu Đế nhìn từ bên kia sông

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Nơi tiếp theo mà mình muốn giới thiệu đến chính là “khu phố tàu” trên con đường này, là nơi tập trung sinh sống của cộng đồng người Hoa tại Huế. Các công trình kiến trúc người Hoa trên con đường này vẫn còn nguyên vẹn như lần đầu xây mới, từ đền Chiêu Ứng, Chùa Bà, Chùa Quảng Đông đến Hội quán Triều Châu, Hội quán Phúc Kiến.

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Hội quán Quảng Đông, ra đời từ cuối thế kỷ XIX, thờ Quan Công

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Hội quán Phúc Kiến với kiến trúc nguy nga, nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế
Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Lối kiến trúc tráng lệ, cầu kỳ và hoa mỹ đặc trưng của người Hoa do các nghệ nhân xưa kì công xây dựng nên – Hội quán Phúc Kiến

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Kiến trúc dân gian Huế xưa – Phủ Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện

Dưới khu phố Tàu là khu chợ Dinh, so với chợ Đông Ba thì chợ Dinh ngày nay nhỏ bé hơn rất nhiều, một lí do khác mà nơi đây mang tên phố chợ Dinh là do có rất nhiều phủ đệ của các ông hoàng bà chúa và các quan đại thần được xây dựng. Hiện nay vẫn còn một số phủ đệ còn được lưu giữ như Phủ Thọ Xuân, Phủ Thoại Thoái Vương, Phủ Hòa Thạnh Vương, Phủ Quảng Biên Quận Công.

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Chợ Dinh ngày nay

Bên cạnh đó, trên con đường Chi Lăng còn có nhiều công trình kiến trúc tâm linh như Thanh Bình Từ Đường – nhà thờ tổ ngành sân khấu lớn nhất cả nước, hay như chùa cổ Trường Xuân, nhà thờ Trần Hưng Đạo.

Nơi đây cũng còn bảo tồn khá nhiều ngôi nhà cổ, mang trong mình hàng trăm năm lịch sử biến động, đậm dấu ấn thời gian trên từng nếp nhà. Phát triển theo chiều dài lịch sử, vì thế những con phố nơi đây vừa có nét đẹp cổ kính của kiến trúc nhà vườn ba gian hai chái vừa có những kiến trúc đặc trưng thời kỳ Pháp thuộc. Một số ngôi nhà chỉ còn là tàn tích, một số vẫn còn giữ trọn vẹn từng chi tiết nhỏ.

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Ngôi nhà cổ đơn sơ nép mình bên những căn nhà mới

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Ngôi nhà mang nét kiến trúc Pháp này được xây dựng từ năm 1924, đến nay đã “thọ” 99 tuổi

Dù vậy, những ngôi nhà cổ đang dần biến mất theo quá trình đô thị hóa, nếu có dịp đến Huế, các bạn hãy tranh thủ ghé qua những con đường nơi đây trước khi sự hiện đại hoàn toàn bao phủ và xóa đi vẻ đẹp nơi này.

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế
Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Hai căn nhà cũ với hai lối kiến trúc khác biệt tương ứng với hai giai đoạn lịch sử khác nhau của xứ Cố Đô

Phố cổ Bao Vinh

Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng chừng 3km, có một khu phố đã từng là khu thương cảng sầm uất “trên bến dưới thuyền”.

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Những căn nhà kiểu tứ giác xây dựng từ thế kỉ XX

Phố cổ Bao Vinh đã tồn tại từ rất lâu, dấu tích còn lại của một thời vàng son ấy là những ngôi nhà cổ đã gần 200 năm tuổi, nằm trầm mặc bên cạnh những ngôi nhà hiện đại ngày nay.

Bao Vinh ngày nay đã mất đi hình hài của một khu phố cổ nhưng vẫn còn đó những cây đa, mái ngói, sân đình, bến đò ngang và ngôi chợ quê của một thời vang bóng.

Nơi đây có những ngôi nhà rường cổ bằng gỗ, mái ngói thấp kiểu phố chợ xưa, xen kẽ vào đó là những căn nhà hai tầng kiểu tứ giác được xây dựng từ thế kỉ 20.

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Một căn nhà rường bằng gỗ được gìn giữ rất tốt tại Bao Vinh

Đến thăm Bao Vinh, hãy ghé thăm ngôi đình làng cổ nằm ngay con dốc trước khi vào làng với hai cây đa sừng sững uy nghiêm. Hay ghé thăm bến đò ngang Bao Vinh với hình ảnh những chiếc đò tưởng như chỉ còn tồn tại trong thơ ca, văn học.

Mình thích đi dạo quanh khu phố cổ, đặc biệt là khi nắng chiều buông xuống, ngắm nhìn những căn nhà cổ với mái ngói rêu phong, nắng vàng phủ trên từng bức tường cũ, khiến cho khu phố này nhuốm một màu trầm buồn và không khí cổ kính khó tả.

Thăm phố cổ Bao Vinh Gia Hội Huế

Đi dạo dọc khu phố, lặng ngắm những ngôi nhà cũ rêu phong là niềm yêu thích của mình

Nếu cảm thấy mệt, bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi tại tiệm cà phê Mắt Biếc, nằm tại số 66 Bao Vinh, nơi lấy cảm hứng từ bộ phim Mắt Biếc nổi tiếng của đạo diễn Victor Vũ, check in với không gian vintage của tiệm, trò chuyện với bạn bè hay chạy trốn deadline ở góc cà phê bình yên và đầy hoài niệm.

Huế là quê hương của mình, mình luôn mong muốn quê hương của mình ngày càng phát triển và được mọi người biết đến nhiều hơn, phát triển không có nghĩa là quên đi cái cũ, xây dựng nhiều khu đô thị mới hiện đại và tấp nập, mà phát triển là biết đầu tư đúng cách, biết bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử. Hai khu phố cổ này đang dần bị lãng quên, những căn nhà cũ đang dần xuống cấp theo thời gian, hi vọng nơi đây sớm nhận được sự quan tâm xứng đáng với vẻ đẹp và giá trị vốn có của chúng.