Kinh nghiệm du lịch Khâu Từ

77

Khâu Từ (tên gọi khác là Kuqa, Kuche) đã từng là vương quốc Phật giáo nằm trên nhánh con đường tơ lụa dọc theo sa mạc Taklamakan tại lòng chảo Tarim. Khâu Từ cổ đại nằm ở một vị trí rất đắc địa, đây là nơi bốn nền văn minh lớn gặp nhau, gồm Trung Hoa, văn minh Kushan (Quý Sương) của Nam Á, Sogdiana (Túc Đặc) của Ba Tư và Hãn quốc Đột Quyết của người du mục.

Con đường tơ lụa - Khâu Từ

Những ngôi nhà sắc màu ở Khâu Từ

Khâu Từ dựa lưng vào núi Thiên Sơn ở phía bắc, được xem là quốc gia có nguồn nước dồi dào nhất Tây Vực, vì vậy trồng trọt và chăn nuôi rất phát triển, cây trái xum xuê cả bốn mùa. Trong “Đại Đường Tây vực ký”, Huyền Trang miêu tả về Khâu Từ như sau: “Nước Khâu Từ, từ đông sang tây hơn một ngàn dặm, từ nam chí bắc hơn sáu trăm dặm, thành quách đại đô có chu vi hơn bảy, tám trăm dặm". Thêm vào đó, Khâu Từ nằm trên giao lộ của con đường tơ lụa, thương nghiệp nở rộ đi cùng với sự phát triển rực rỡ của thủ công nghiệp. Vì vậy, Khâu Từ là quốc gia có nền văn hóa phát triển mạnh mẽ và giàu có nhất Tây Vực. Tín ngưỡng Phật giáo được đón nhận nồng nhiệt ở nơi đây. Cả thành phố hệt như buổi triển lãm của các sắc tộc: người Nguyệt Chi, Hung Nô, Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ, Ba Tư, Iran, Ấn Độ, thậm chí cả những người thuộc chủng tộc người châu Âu hiện đại như: Hy Lạp và Roma và rất nhiều người Hán. Thời nhà Hán, Khâu Từ có tới hơn 80.000 dân gồm sáu huyện là Luân Đài, Khố Xa, Sa Nhã, Bái Thành, A Khắc Tô và Tân Hòa, trong đó Khâu Từ là trung tâm. Sách Hán thưmiêu tả khá chi tiết về số nhân khẩu và số hộ ở Khâu Từ, điều này cho thấy mối quan hệ giữa nhà Hán với nước Quy Tư khá mật thiết so với các tiểu quốc khác trong khu vực. Nhà Hán muốn giao thương với nước Ô Tôn để trao đổi hàng hóa đặc biệt là mua giống ngựa Hãn huyết đều phải đi qua nước Khâu Từ.

Khâu Từ còn nổi tiếng vì đây là nơi sinh của đại sư Cưu Ma La Thập – người đã có công rất lớn trong việc truyền bá đạo Phật vào Trung Nguyên và dịch một số lượng khổng lồ kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Hán. Độ nổi tiếng của ngài chỉ đứng sau Đường Tam Tạng.

Khâu Từ ngày nay là một thành phố hiện đại của Tân Cương, phố xá tấp nập, hệ thống giao thông phát triển. Tuy nhiên nơi này vẫn lưu giữ được những di tích chứng minh một thời vàng son của một vương quốc Phật giáo.

Con đường tơ lụa - Khâu Từ

Kizil là chùa hang đá được xây dựng vào thế kỷ thứ 3

Con đường tơ lụa - Khâu Từ

Bích họa ở Kizil chịu ảnh hưởng sâu sắc của nghệ thuật Gandhara và Hy Lạp

Kizil là quần thể chùa hang đá được xây dựng sớm nhất ở Trung Quốc, vào thế kỷ thứ 3. Ngôi chùa được xây theo kiểu kiến trúc hang đá trên vách núi, bên trong có rất nhiều bức bích họa và những hang đá này chạy dọc theo vách núi Karadag. Giá trị to lớn của di tích này nằm ở các bức bích họa, vẻ đẹp của nó có thể sánh ngang với các bức bích họa ở Đôn Hoàng. Kizil có tất cả 236 hang đá được đánh dấu theo thứ tự trong đó có khoảng 80 hang đá còn lưu giữ được các bức vẽ trên tường. Những bức bích họa được bảo tồn khá tốt ở hang số 47, 48, 77, 92, 117, 118, có thể thấy các bức bích họa trong ngôi chùa hang đá Kizil chịu ảnh hưởng sâu sắc của nghệ thuật Gandhara, thậm chí cả nghệ thuật Hy Lạp.

Con đường tơ lụa - Khâu Từ

Tượng đại sư Cưu Ma La Thập ở Kizil

Kizil gắn liền với tên tuổi của đại sư Cưu Ma La Thập, ngài là người đã xây dựng nên Kizil. Ngay trước cổng vào Kizil là bức tượng của ngài với nét ưu tư và thâm trầm sinh động. Đối với Phật giáo thì Cưu Ma La Thập là người có công rất lớn. Tài sản mà Cưu Ma La Thập để lại cho hậu thế là 70 bộ, 348 quyển kich phật được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán như kinh Kim cương bát nhã, KinhDuy Ma Cật… Toàn bộ Kinh, Luật, Luận mà ngài đã dịch rất mượt mà, dễ hiểu và trôi chảy, vừa giữ nguyên được ý chính vừa giữ được ngữ điệu của nguyên bản. Vì vậy, những tác phẩm của ngài đã dịch vẫn được sử dụng rộng rãi cho tới ngày nay.

Con đường tơ lụa - Khâu Từ

Subash từng là quần thể chùa Phật giáo lớn nhất Khâu Từ

Subash được xây dựng vào thế kỷ thứ 3, nằm cách Khâu Từ 20km và nằm trên vùng đồng bằng phù sa của sông Kuqa. Subash từng là quần thể chùa Phật giáo lớn nhất Khâu Từ nhưng hiện tại chỉ còn lại dấu tích của ngôi chùa gồm hai khu đền thờ và một vài bảo tháp, hang động. Thời hoàng kim của đền Subash vào triều đại nhà Đường khi ngôi chùa là nhà của 10.000 tu sĩ và người hành hương. Nhà sư huyền thoại Huyền Trang trên đường thỉnh kinh từ Trường An tới Ấn Độ cũng đã viếng thăm Subash. Tuy nhiên, vào thế kỷ 13, 14 khi con đường tơ lụa bắt đầu lụi tàn thì ngôi đền đã bị bỏ hoang.

Năm 1903, một nhóm thám hiểm Nhật Bản đã khai quật một hộp gỗ ở Subash và lưu giữ nó tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo. Nắp hộp được trang trí hình vẽ của bốn đứa trẻ đang chơi nhạc cụ, dưới thân hộp là hình ảnh vũ công đang nhảy múa. Ngoài ra còn rất nhiều các vật dụng khác được khai quật như tiền xu cổ có niên địa từ thời nhà Hán, Đường, đế chế Ba Tư hay tranh tường, phiến gỗ được chạm khắc ký tự và hoa văn tinh xảo.

Con đường tơ lụa - Khâu Từ

Phong hỏa đài Beacon Tower

Thời cổ đại người ta báo tin chiến sự bằng cách xây dựng các phong hỏa đài bằng đất thật cao, dùng lửa để truyền báo thông tin quân địch, được dùng để đề phòng sự xâm lược của kẻ thù. Beacon Tower là một phong hỏa đài được xây dựng từ thời nhà Hán, vào khoảng thế kỷ thứ 2, hình chữ nhật, cao 6m và rộng 4m. Hiện tại nó đã bị xói mòn khá nhiều tuy nhiên vẫn là một điểm tham quan thú vị.

Con đường tơ lụa - Khâu Từ

Hẻm núi Thiên Sơn được mệnh danh là Xích Bích của Tân Cương

Con đường tơ lụa - Khâu Từ

Hẻm núi Thiên Sơn có những đường vân đá tuyệt đẹp

Hẻm núi Thiên Sơn (Tianshan GrandCanyon), nằm cách Khâu Từ khoảng 70km, được hình thành từ kỉ Đại trung sinh. Do sức mạnh của nước và gió, hẻm núi này có những đường vân tuyệt đẹp. Hẻm núi cao 1600m so với mực nước biển, đỉnh cao nhất cao 2048m. Do các dãy núi có màu đỏ nên nơi này còn được mệnh danh là Xích Bích của Tân Cương.

Hẻm núi được tách đôi bởi con đường nhỏ, chỗ rộng nhất là khoảng 50 mét, hẹp nhất là 0.4 mét. Đường đi thì là đường đất, nếu trước đó có cơn mưa thì khá lầy lội, thỉnh thoảng có một vài cái thang, một vài chỗ trải bê tông. Càng đi sâu vào bên trong thì những vân đá và hình hài của vách núi càng có nhiều hình thù hấp dẫn. Hẻm núi dài 5km thì có tới hơn 40 điểm được đặt tên nghe rất mỹ miều nào là Jade Girl Spring, Sky Hole, Treasure-burying Hole…Năm 2005, hẻm núi Thiên Sơn được tạp chí National Geographic bình chọn là một trong mười hẻm núi đẹp nhất thế giới và được chính phủ Trung Quốc xếp hạng danh lam thắng cảnh loại AAAA.

Con đường tơ lụa - Khâu Từ

Thánh đường Khâu Từ là trung tâm tôn giáo lớn thứ hai ở khu vực Tân Cương

Thánh đường Khâu Từ được xây dựng từ thế kỷ 16, là trung tâm tôn giáo lớn thứ hai ở khu vực Tân Cương với diện tích chỉ nhỏ hơn thánh đường Id Kah ở Kashgar. Phòng cầu nguyện rộng 1.500m có thể chứa tới 3.000 tín đồ. Sau vụ cháy vào năm 1931, thánh đường đã được trùng tu lại vào năm 1932. Điều đặc biệt nhất của thánh đường Khâu Từ là nó vẫn giữ nguyên được kiến trúc Hồi giáo Tây Á với mái vòm màu xanh lục mang phong cách Ả Rập điển hình, không hề bị ảnh hưởng bởi phong cách Trung Quốc.

Con đường tơ lụa - Khâu Từ

Con đường cao tốc trải nhựa xuyên qua sa mạc tử thần Taklamakan

Con đường độc đạo từ thành phố tới Kizil là con đường cao tốc trải nhựa xuyên qua sa mạc tử thần Taklamakan. Con đường này được đánh giá là bước tiến vượt bậc trong lịch sử kiến trúc thế giới, với chiều dài tổng cộng 550km, trong đó 450km được xây dựng trên sa mạc cát di động. Taklamakan từng được mệnh danh là nơi “vào được nhưng không ra được”. Để chắn gió và giữ cát, các kĩ sư đã thiết kế trên con đường này cách mỗi 500m một buồng nước, nước được dẫn qua các đường ống nhỏ dọc đường để phun nuôi cỏ. Có nước là có cỏ, cách vài bước lại có những thanh chắn bằng lau sậy và hệ thống lồng lau sậy để ngăn cát sa mạc xâm lấn. Suốt dọc con đường hơn 500km, thứ nổi bật nhất là hệ thống các buồng nước nối tiếp nhau, những đường cỏ xanh dưới ống nước và những đụn cát chất ngất.

Khâu Từ có khí hậu sa mạc lục địa, mùa hè rất nóng và mùa đông thì lạnh giá và khô. Sự chênh lệch nhiệt độ tron năm khá lớn. Bạn có thể đến Khâu Từ du lịch vào bất cứ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên mùa thu, từ tháng 9 tới tháng 11 là thời điểm lý tưởng nhất với nhiệt độ dễ chịu, mát mẻ, cây lá chuyển màu rất đẹp.

Lưu ý nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh nhau khá lớn nên bạn nên mang theo áo ấm.

Khâu Từ nằm ở rìa phía bắc của lòng chảo Tarim, các hãng máy bay nội địa chỉ khai thác chuyến bay từ Urumqi tới Khâu Từ vì vậy nhiều người chọn đến Khâu Từ bằng đi tàu từ các thành phố lớn của Tân Cương hoặc đến Urumqi trước rồi bắt chuyến bay đến Khâu Từ.

Sân bay Khâu Từ cách trung tâm thành phố khoảng 3km, đây là một sân bay nhỏ và hàng ngày có chuyến bay từ Khâu Từ tới Urumqi. Bạn có thể tham khảo các hãng máy bay như Tianjin Airlines, Hainan Airlines, China Southern Airlines, Sichuan Airlines, Xiamen Airlines với giá từ 390 tệ/1 chiều (tương đương 1.500.000VND).

Bạn cũng có thể đi tàu hoặc xe bus đường dài từ Kashgar, Turpan, Urumqi…tới Khâu Từ. Vé tàu có thể đặt trực tuyến tại trang web hoặc app Trip.com. Thanh toán bằng thẻ tín dụng. Tàu có dạng ngồi và khoang giường nằm với mức giá khác nhau. Bạn nên đặt vé trước 1 tháng để đảm bảo mình có chỗ nằm thoải mái.

Con đường tơ lụa - Khâu Từ

Người dân Khâu Từ không nói tiếng Anh

Bạn có thể đi xung quanh trung tâm thành phố Khâu Từ bằng xe bus hoặc taxi. Nếu bạn đi taxi thì hầu hết tài xế taxi ở Khâu Từ không nói tiếng Anh nên bạn cần phải viết trước điểm đến của mình bằng tiếng Trung. Nếu bạn đi nhóm đông người, hãy liên hệ với công ty du lịch để thỏa thuận về những địa điểm sẽ đi, xe có tài xế nói được tiếng Anh và đưa đón tại bến tàu/sân bay trước khi tới Khâu Từ. Nếu bạn đi một mình, thì từ sân bay hay ga tàu bạn bắt taxi tới khách sạn và có thể hỏi lễ tân khách sạn về cách đi bus tới các điểm tham quan. Nếu cả khách sạn cũng không ai nói được tiếng Anh thì cách dễ nhất là bạn hãy chuẩn bị hình ảnh của những nơi muốn đến, đưa cho tài xế taxi và lấy máy điện thoại ra mặc cả giá tiền đi lại.

Nói chung, điều kiện chỗ ở Khâu Từ không thể so sánh với các khách sạn có cùng hạng sao ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Urumqi. Bạn nên chọn khách sạn ở khu trung tâm thành phố với giao thông thuận tiện và có nhiều lựa chọn khách sạn hơn. Ở Khâu Từ cũng chỉ có một số khách sạn cho người nước ngoài lưu trú, vì vậy khi đặt phòng bạn phải chắc chắn về điều này.

Bạn có thể đặt phòng trực tiếp trên trang web hoặc ứng dụng Trip.com.

Kucha thu hút khách du lịch không chỉ bởi những danh lam thắng cảnh hấp dẫn mà còn bởi những món ăn hấp dẫn.

Bạn có thể tìm thấy nhiều món ăn của người Duy Ngô Nhĩ như thịt cừu nướng, cơm pilaf, mì lagman…ở chợ Wuqia nằm ở phía nam đường Thiên Sơn (Tianshan Road).

Con đường tơ lụa - Khâu Từ

Món Dapanji từ thịt gà, khoai tây, hành, gia vị

Chợ Dongdagou bán các món ăn theo phong cách người Hán như cá nướng, dapanji (thành phần chính là thịt gà, ớt chuông và khoai tây, nấu với hành, tỏi, gừng, ớt, thìa là, hoa hồi, ớt xay, dầu ăn), ruột gà, trứng nướng.…

Nhạc cụ truyền thống: Khâu Từ rất nổi tiếng với các loại nhạc cụ như đàn nguyệt, trống, hòa tấu và guitar.

– Lụa, thảm, mũ của người Duy Ngô Nhĩ

– Mơ: đặc sản nổi tiếng nhất ở Khâu Từ là mơ, mơ tươi rất ngon, ngọt và giòn. Nếu bạn không đến Khâu Từ đúng mùa mơ chín bạn có thể mua mơ sấy khô, sấy dẻo, mứt mơ ở hầu hết các khu chợ hoặc cửa hàng đặc sản.

– Các loại hạt khô như óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ.. và các loại gia vị như bột quế, hoa hồi, thảo quả, tiêu…

Con đường tơ lụa - Khâu Từ

Mơ là đặc sản ở Khâu Từ

Con đường tơ lụa - Khâu Từ

Mơ là đặc sản ở Khâu Từ