Mình đã đọc được ở đâu đó rằng nếu không tới Hà Giang vào mùa xuân thì xem như bạn đã bỏ qua cả một nửa Hà Giang rồi đó. Vì vậy mà mùa xuân năm nay mình quyết định quay lại Hà Giang để khám phá tiếp vẻ đẹp của cao nguyên đá này. Và mình chọn Lao Xa là địa điểm lý tưởng để ngắm chiếc áo mới Hà Giang mang những ngày đầu tháng ba.
Bản Lao xa một ngày đầy sương.
Lao Xa ở đâu?
Cho bạn nào chưa biết thì Lao Xa là một bản làng người Mông truyền thống, cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 140km về phía đông bắc. Bản thuộc địa phận xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Để đến được đây, bạn tra đường đến trung tâm Sủng Là. Sau đó bạn đi tiếp thêm 2km nữa, tới một ngã ba sẽ có bảng chỉ dẫn khoảng 4km nữa để đến Lao Xa. Khoảng cách khá gần nhưng đường đi là đường xuyên bản nên nhỏ, tương đối hiểm trở quanh co và đặc biệt khá trơn nếu gặp trời mưa nên các bạn nên chú ý khi di chuyển nhé. Tuy có chút khó khăn, nhưng những trải nghiệm ở đây chắc chắn sẽ không khiến bạn phải thất vọng đâu.
Địa hình và thời tiết ở Lao Xa
Lao Xa được bao quanh bởi các dãy núi đá lớn như bàn tay ôm trọn bản làng vào lòng. Những ngôi nhà nhỏ xinh được xây dựng trên những sườn đồi thoai thoải. Với nhiều mỏm đá đặc trưng của vùng cao nguyên Đồng Văn, người dân vẫn cần mẫn canh tác nông sản: bắp cải, đậu xanh, cải mèo, ngô nương,.. vô cùng tươi tốt.
Lối nhỏ đầy bắp cải xanh mướt.
Một phần do địa hình nên nhiệt độ vào mùa xuân ở đây chênh lệch khá nhiều so với thành phố Hà Giang. Về đêm, nhiệt độ chỉ vào khoảng 9 – 10 độ C, đặc biệt khá rét và buốt hơn vào những hôm có mưa như những ngày mình ở Lao Xa. Các bạn nên chú ý mang theo áo ấm nhé.
Những điều đặc biệt ở Lao Xa
Nhà trình tường mộc mạc mang đậm màu sắc truyền thống của người Mông
Hãy cùng khám phá chiếc home siêu xinh tại Lao Xa cùng chúng mình nhé.
Homestay chúng mình ở là nhà cổ Lao Xa homestay. Cả Lao Xa chỉ có một chiếc home duy nhất này của anh Hồng làm du lịch. Tường nhà được xây dựng hoàn toàn bằng những vật liệu quen thuộc với người dân nơi đây như đất, gỗ và tre. Được ép vào khuôn và nện chặt tạo nên màu sắc vàng nâu đặc trưng và dù không có gạch, xi măng nhưng kết cấu vẫn vô cùng vững chắc. Mái nhà được lợp bằng những viên ngói âm dương màu xám lạnh, xếp từng lớp lên nhau nhìn rất độc đáo. Tường nhà có thể dày lên tới nửa mét nên những ngôi nhà ở đây sẵn sàng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt của vùng cao nguyên đá: vẫn ấm vào mùa đông và mát về mùa hè. Ngôi nhà gồm ba gian chính: Gian bên trái là phòng ngủ của khách, gian bên phải là phòng ngủ của gia chủ, bên cạnh có bếp lửa để sưởi ấm, phía trên trần được treo rất nhiều thịt lợn gác bếp dùng để dự trữ thực phẩm cho mùa đông, gian chính giữa là không gian sinh hoạt chung. Trên tường nhà treo rất nhiều nhạc cụ dân gian như khèn, sáo, đàn nhị, ….
Bên hiên nhà, lũ trẻ đang tíu tít chuyện trò.
Trước hiên nhà, chủ home còn chuẩn bị sẵn một bộ bàn ghế gỗ mộc mạc, có bình trà ấm mừng khách đến nhà, được trang trí thêm nhiều bức ảnh kỷ niệm của mọi người đã từng đến thăm home. Chủ nhà còn đặt sẵn hai giỏ hoa cải vàng để khách có thể thoải mái sử dụng làm đạo cụ để chụp ảnh.
Bức tường nhà cổ tạo nên chiếc background độc đáo.
Chiếc máy khâu của chị chủ dễ thương.
Khoảng sân đầy hoa phía trước nhà cổ.
Đầu bếp của home nấu ăn cũng siêu ngon nha. Bữa cơm tối nóng hổi được đem lên để nạp lại năng lượng cho mọi người sau chuyến đi dài gồm có món gà đen rang gừng thơm lừng, thịt gà đậm đà và chắc nhưng không bị dai; thịt ba chỉ lợn gác bếp béo ngậy được xào chung với cải mèo đắng tạo thành sự kết hợp hài hòa ăn mãi không ngán; ngồng cải mèo luộc tới độ vừa phải, xanh mướt và giòn giòn; thịt bắp đùi lợn được luộc mềm mềm, trứng rán xốp xốp và bắp cải luộc ngọt đậm. Rau củ nơi đây như hấp thụ tinh túy đất trời nên hương vị vô cùng đậm đà.
Bữa cơm thịnh soạn, ấm cúng và đầy tiếng cười tại homestay.
Chủ nhà còn niềm nở thiết đãi khách món rượu ngô tự ủ, hương vị dịu nhẹ, không hề bị gắt, nhấp một ngụm mà ấm hết cả người. Sau bữa cơm, dưới tiếng mưa rả rích bên ngoài, mọi người ngồi tụ họp bên bếp lửa ấm, thưởng thức tách trà shan tuyết vàng óng, vị đậm, hậu ngọt và nghe chủ nhà thổi khèn, hát những khúc ca nhạc cổ của người Mông. Không gian thật yên bình và nhẹ nhàng đến dịu dàng.
Tường đá dung dị cùng hoa mận, hoa đào, hoa lê đua nhau khoe sắc.
Hoa đào bên hiên đọng đầy sương sớm.
Sáng hôm sau, chào đón chúng mình thức giấc là tiết trời đầy sương trắng bên ngoài. Cái khung cảnh trước nhà vì thế càng thêm mờ ảo. Những nếp nhà, những mái ngói cùng tiếng gà gáy tạo nên một bức tranh bản làng thật mộc mạc.
Một màn sương mờ mờ sau những rặng hoa.
Dạo quanh làng sáng sớm, bạn sẽ dễ phát hiện ra những bức tường đá kiên cố, cao đến hơn nửa người bao quanh lấy những ngôi nhà trình tường. Những bức tường này được xây dựng một cách rất đặc biệt: từng viên đá được người dân lượm nhặt về, sau đó không cần bất cứ chất kết dính nào, chỉ bằng đôi bàn tay khéo léo, họ xếp chồng chúng lên nhau tạo thành bức tường vững chắc qua thời gian. Để rồi, sau năm tháng, rêu mọc quanh tường tạo nên nét đẹp thật dung dị.
Những bức tường đá kiên cố theo thời gian.
Trước sân nhà nào nhà nấy luôn trồng mấy cây hoa đào, hoa mận, hoa lê để đến thời điểm khi những cơn mưa xuân lất phất rơi, cũng là lúc những cánh hoa bung nở sau một mùa đông lạnh giá.
Hoa đào lấp ló trước hiên nhà.
Hoa đào rực rỡ trước mái ngói âm dương.
Hoa mận trắng tinh lặng lẽ khoe sắc.
Hoa đào hồng rực, hoa mận, hoa lê trắng tinh khôi, tất cả tạo nên một bức tranh thơ mộng của núi rừng Đông Bắc. Người dân ở đây rất thân thiện, họ sẵn sàng mời chúng mình vào nhà thăm quan vườn hoa và chụp ảnh kỷ niệm.
Hoa nở khắp sân vườn nhà dân xung quanh bản.
Chú bé dễ thương ngó khách đến thăm nhà.
Nghề chạm bạc ở Lao Xa
Ngoài cảnh sắc nên thơ khi xuân về, Lao Xa còn được mệnh danh là cái nôi của nghề chạm bạc tại cao nguyên đá Đồng Văn. Đây được xem là một trong những nghề truyền thống của người Mông, được truyền lại qua nhiều thế hệ.
Những dụng cụ để chế tác trang sức bạc.
Chúng mình đã rất may mắn khi có cơ hội được đến thăm quan quá trình chế tác trang sức bạc tại gia đình ông Mua Sè Sính – ông đã có thâm niên hơn 50 năm gắn bó với nghề chạm bạc nơi đây.
Người nghệ nhân cần mẫn, tỉ mỉ.
Ông nhiệt tình chia sẻ về các công đoạn từ nung chảy nguyên liệu thô, đến đúc khuôn, chạm khắc tỉ mỉ và đánh bóng để tạo nên một chiếc vòng cổ truyền thống. Những hoa văn chạm khắc vô cùng chau chuốt và mềm mại. Và mình nhận ra rằng mỗi chiếc vòng tay, vòng cổ, lắc tay,… sau khi hoàn thành không chỉ là mồ hôi, công sức của người nghệ nhân mà còn cả tâm tình họ đặt vào trong mỗi tác phẩm. Để rồi, khi kết hợp với những trang phục truyền thống của người Mông, những trang sức ấy như tô điểm thêm nhiều màu sắc màu độc đáo cho vẻ đẹp của đồng bào nơi đây.
Nhịp sống bình yên ở Lao Xa.
Dù đến Lao Xa vào một ngày đầy sương, với mưa xuân rả rích nhưng vẻ đẹp của bản làng vẫn khiến mình không khỏi xốn xang. Những làn khói mờ ảo sớm mai, tiếng bồ câu ríu rít gọi bầy, chú mèo lười ngái ngủ bên mái ngói, những nụ hoa xinh vương sương sớm rồi nụ cười của những em bé dễ thương và cả sự mến khách của người dân trong bản, tất cả tạo nên một Lao Xa mộc mạc và thuần khiết đến lạ thường.
Bồ cầu rảo bước.
Chú mèo bên mái ngói.
Hãy đến Lao Xa nhé, không chỉ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên trong trẻo, bạn sẽ còn được ngắm nhìn nhịp sống dung dị thường nhật của những người dân dễ mến nơi đây nữa. Mình chắc chắn đây sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ và đáng để thử của bạn đó.