Ngắm nhìn Quây Sơn thác Bản Giốc

31

Sông Quây Sơn là dòng sông xanh biếc tuyệt đẹp trên đất Cao Bằng. Sông uốn lượn chảy qua nhiều địa hình tạo nên phong cảnh hữu tình, đồng thời mang trong dòng chảy của nó một thác nước hùng vĩ tuyệt đẹp – Thác Bản Giốc.

Sông Quây Sơn (theo nghĩa Hán Việt là dòng sông chảy bao quanh núi ) hay còn gọi là sông Quế Sơn hay theo tiếng Trung là sông Quy Xuân. Dòng sông bắt nguồn từ các khu suối tại huyện Tĩnh Tây và chảy qua địa bàn của khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Từ đó sông chảy vào địa phận Cao Bằng của Việt Nam tại khu vực cột mốc biên giới số 784 gần cửa khẩu Pò Peo, bản Nà Giào, xã Ngọc Côn (Cao Bằng).

quây sơn thác bản giốc

Nơi sông Quây Sơn chảy vào đất Việt Nam

quây sơn thác bản giốc

Khu vực cửa khẩu Pò Peo

Trên địa phận Việt Nam sông bắt đầu chảy theo hướng nam tới xã Đỉnh Phong sau đó theo hướng đông – đông bắc tới xã Đàm Thủy thì chuyển hướng đông nam tới thác Bản Giốc. Tại đây sông trở thành đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dòng chảy đi qua nhiều địa hình lúc nông nước chảy ào ào qua đập tràn đá, lúc sâu mặt nước lại tĩnh lặng như ngừng trôi. Đứng ở vách núi cao trên đường mòn đi vào khu bảo tồn vượn Cao Vít tại xã Ngọc Côn có thể bao quát một vùng rộng lớn nơi sông Quây Sơn bắt đầu vào đất Việt.

quây sơn thác bản giốc

Cảnh sắc sông Quây Sơn trong buổi bình mình khi đứng ở vách núi cao tại xã Ngọc Côn.

Dòng sông uốn lượn quanh co giữa một bên là núi một bên là ruộng lúa, mỗi lần hạ độ cao lại có một ghềnh nhỏ, để lưu thông qua sông. Ở một số đoạn người dân đi bộ qua sông bằng cách nhảy qua những tảng đá ở đoạn ghềnh nhỏ hoặc đi bằng bè mảng chống bằng sào để qua sông.

quây sơn thác bản giốc
quây sơn thác bản giốc

Người dân qua sông bằng bè mảng ghép từ các thân cây Vầu

Đôi chỗ đường giao thông chính băng qua sông bằng cầu treo hoặc những cây cầu nhỏ bắc ngang. Ở mỗi nơi dòng sông đi qua đều mang nét đẹp riêng. Nơi thì sông nép mình dưới những rặng vầu um tùm xanh mướt, nơi lại ôm ấp những ngọn núi đá vôi để bóng núi in xuống mặt nước sơn thủy hữu tình. Nơi khác sông lại uốn lượn vắt ngang những thửa ruộng như một dải lụa hay xuyên qua rừng cây sau sau vàng đỏ trong mùa thu làm ai đi ngang cũng phải ngẩn ngơ trong chốc lát.

quây sơn thác bản giốc

Dòng Quây Sơn khi nép mình dưới những rặng vầu um tùm xanh mướt…

quây sơn thác bản giốc

…Nơi khác sông lại ôm ấp những ngọn núi đá vôi để bóng núi in xuống mặt nước sơn thủy hữu tình.

Người dân sống dọc hai bên bờ rất gắn bó với dòng sông trong mọi hoạt động, sinh hoạt của đời sống. Trên những cánh đồng bên dòng Quây Sơn có một loại đặc sản gọi là gạo nếp ong hạt to tròn, khi nấu dẻo ngon và ráo không ướt. Người dân thu hoạch từng bông lúa rồi bó thành từng bó gánh về nhà treo trên xà nhà vừa dùng dần vừa bảo quản giống cho vụ sau. Bên cạnh những hoạt động thường nhật gắn với đời sống, lúc có người khuất núi việc đưa tiễn người thân qua thế giới bên kia cũng gắn với dòng sông. Ở đám tang của người đã khuất, nơi an táng có thể là một cồn nổi đâu đó giữa lòng sông. Người thân đóng bè bằng những thân cây Vầu kết lại. Bè được kéo dọc nhánh sông dưới những rặng vầu tỏa bóng. Khung cảnh này vừa đẹp mà bi tráng mang lại cho người đưa tiễn không phải là cảm giác về sự kết thúc mà là sự khởi đầu của một cuộc sống mới ở cõi khác.

quây sơn thác bản giốc

Bè được kéo dọc nhánh sông dưới những rặng vầu tỏa bóng, đưa tiễn người đã khuất.

Dòng Quây Sơn thường chảy hiền hòa, ngoài một số ít ghềnh đá tự nhiên. Ở một số nơi để giữ mực nước đủ cao để đưa vào ruộng lúa, bằng cách nào đó người dân ở đây đã đắp được một số đập ngăn nước tạo nên những bể nước khổng lồ xanh biếc.

quây sơn thác bản giốc

Người dân đã đắp đập ngăn nước tạo nên những bể nước khổng lồ xanh biếc.

Ở một số chỗ khác, khi không thể tạo ra những đập chặn nước, người dân lại tạo ra những cọn nước dọc sông vừa kết hợp đưa nước vào ruộng vừa kết hợp tạo ra những chày giã gạo hoặc các nông sản khác bằng sức mạnh vòng quay của nó. Ở những thời điểm trước đây khi đường điện chưa đến được các bản làng thì việc lợi dụng sức nước như vậy rất phổ biến.

quây sơn thác bản giốc

Những cọn nước dọc sông vừa kết hợp đưa nước vào ruộng vừa kết hợp tạo ra những chày giã gạo hoặc nông sản.

Dọc theo dòng Quây Sơn là rất nhiều làng bản với bề dày về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đậm đà bản sắc. Bên cạnh đó là những tuyệt tác thiên nhiên kỳ thú như động Ngườm Ngao nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến thác Bản Giốc. Thác Bản Giốc nằm ở Đàm Thủy, Cao Bằng là một trong những thác nước nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Đây cũng là điểm cuối của sông Quây Sơn, nơi sòng chảy không còn nằm hoàn toàn trên đất Việt và đường phân định biên giới hai nước Việt – Trung được xác định ở giữa sông. Bắt đầu từ đoạn này tới huyện Hạ Lang sông được coi là biên giới tự nhiên giữa hai nước. Thác Bản Giốc gồm hai phần, ở Việt Nam được gọi chung là thác Bản Giốc, ở Trung Quốc được chia làm hai phần và gọi là cặp thác Đức Thiên – Bản Ước có chiều rộng là 208m.

quây sơn thác bản giốc

Toàn cảnh thác chính (bên phải) và thác phụ (bên trái)

quây sơn thác bản giốc

Thác ở phía nam gọi là thác cao và được coi là thác phụ vì lưu lượng nước ít, tên tiếng Trung là Bản Ước.

quây sơn thác bản giốc

Thác chính có tên Hán Việt là Đức Thiên có chiều rộng khoảng 100m, cao 70m, sâu 60m.

Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ 4 trên thế giới nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia và là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Do vị trí địa lý nên thác có mùa khô và mùa mưa được chia rõ rệt. Mùa khô từ tháng 9 trở đi là lúc thác cạn nhất, ở thời điểm cuối tháng 9 đầu tháng 10 khi nước ở thác mới chớm ít dần đi cũng là lúc mùa lúa chín cùng với một số cây tự nhiên quanh thác đổi màu tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo.

Cách thác Bản Giốc không xa là ngôi chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, đứng từ nơi đây có thể bao quát toàn cảnh một đoạn nằm hoàn toàn trên đất Việt Nam của sông Quây Sơn và thác Bản Giốc.

quây sơn thác bản giốc

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc

Với màu xanh ngọc bích hay màu lam ngọc đặc trưng tuyệt đẹp, dòng Quây Sơn hiền hòa đã trở thành một đại diện cho vẻ đẹp bình dị miền sơn cước. Sông Quây Sơn và Thác Bản Giốc là những điểm đến đặc biệt hấp dẫn trong bản đồ du lịch của tỉnh Cao Bằng, thu hút ngày càng đông đảo du khách.