Là một “con nghiện” Ninh Bình chính hiệu, số lần ghé thăm Ninh Bình mình cũng không nhớ hết được nữa, đầu năm là dịp nơi đây ngập tràn trong sắc xuân, nhìn đâu cũng thấy sức sống cựa mình, khi ấy mình cùng những người bạn thân đi trẩy hội. Tận hưởng tiết trời dịu ngọt, chẳng nắng gắt chút nào và mình dần quen với một Ninh Bình ngày nắng ấm. Cũng như bao lần, mình xem dự báo thời tiết hôm ấy trời nắng trong veo, háo hức sửa soạn váy áo thật xinh. Trên đường đi trời âm u cũng thấy có “điềm” rồi, tự nhủ đến nơi chắc sẽ nắng đẹp. Đúng là người tính không bằng trời tính, những ngày mình ở đó mưa cứ dai dẳng mãi không thôi. Ồ, cơ mà mà tin mình đi, Ninh Bình ngày mưa thật lạ, thật quá đỗi tuyệt vời khiến mình WOW lên không ngớt, nơi ấy như một tòa lâu đài cổ chỉ chờ đợi mưa đến để vươn mình bỏ đi lớp bụi thời gian và phô ra hết những đường nét trầm mặc rung động lòng người.
Những hạt mưa trong veo như thủy tinh qua khung cửa
Đừng thấy trời mưa mà buồn lòng nhé, hãy cùng theo chân mình lặng ngắm “chất riêng” của cố đô thông qua một vài địa điểm mình gợi ý dưới đây, bạn sẽ tìm thấy vẻ đẹp tiềm tàng mà chỉ ngày mưa mới có.
1. Thong dong lặng ngắm rừng già Cúc Phương
Vào rừng quốc gia Cúc Phương bạn sẽ thấy cả một hệ sinh thái choáng ngợp. Nằm lọt sâu trong lòng dãy Tam Điệp, đây là vườn quốc gia đầu tiên của nước ta và khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn, lưu trữ nhiều loài động vật, thực vật đa dạng và phong phú. Rừng rộng hơn 22.000 ha, trải khắp ba tỉnh thành Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Mình dạo bước trong rừng, thật thong thả và ung dung, ngắm nhìn những loài cây cổ thụ, những bông hoa rừng đỏ au nổi bật giữa một màu xanh đầy nhựa sống.
Tấm áo mưa đủ màu sắc nổi bật giữa khu rừng xanh tươi
Chúng mình đắm chìm, háo hức tận hưởng sự trong lành và thuần khiết của núi rừng, trên gương mặt rạng rỡ niềm yêu đời.
Mưa rơi ướt áo ướt quần, làm sao ướt được tinh thần dân chơi
2. Mê mẩn với hệ sinh thái động – thực vật ở Bảo tàng Cúc Phương
Đã vào rừng rồi thì nhất định đừng bỏ qua Bảo tàng Cúc Phương nhé bởi vì bảo tàng này nằm ngay trong khuôn viên của vườn quốc gia Cúc Phương. Bước vào trong, mình thực sự được mở rộng tầm mắt bởi tháp bướm được đặt ngay tầng 1 rất hoành tráng, tháp bướm có khoảng 350 mẫu bướm đủ màu sắc. Chẳng thế mà loài bướm được coi là biểu tượng của bảo tàng Cúc Phương.
Tháp bướm rập rờn lung linh
Bộ sưu tập khổng lồ với hàng trăm loài bướm khác nhau
Mình được nghe cán bộ hướng dẫn ở đây nói rằng Bảo tàng Cúc Phương là ngôi nhà chung của 337 loài chim, 129 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, 23 loài nhuyễn thể, 12 loài giáp xác và khoảng 2000 dạng côn trùng và vô số các loài động vật thủy sinh khác chưa được nghiên cứu. Quả là những con số thật quá đỗi ấn tượng phải không nào?
Không gian trưng bày mẫu tiêu bản các loại ốc
Đặc biệt, nơi đây còn là nơi lưu giữ bộ hài cốt và các di vật của người tiền sử cùng không gian sinh hoạt văn hóa của người Mường.
Bộ xương của người tiền sử cách ngày nay khoảng 7.500 năm
Trang phục truyền thống của cô gái Mường
Mình vô cùng xúc động khi lắng nghe chia sẻ từ hướng dẫn viên về những tiêu bản động vật được trưng bày. Chúng đều là các loài thú, chim, bò sát không may mắn khi rơi vào tay những kẻ buôn bán động vật hoang dã và bị giết hại. Những cán bộ ở rừng quốc gia đã trao cho những loài này cơ hội “sống” một lần nữa bằng việc xử lý qua hóa chất, sử dụng chính bộ da ấy, nhồi lớp bông bên trong và đặt tại nơi đây cho du khách tham quan.
Tiêu bản động vật hoang dã
3. Tham quan trung tâm cứu hộ , bảo tồn và phát triển sinh vật
Mình tới hai trung tâm cứu hộ về rùa và linh trưởng. Ở đây mình đã có thêm kiến thức về cách phân biệt các loài rùa, cũng như đặc điểm nhận dạng giới tính của chúng. Đây là một trải nghiệm cực kì thú vị và bổ ích đối với những ai ưa thích khám phá tự nhiên.
Cán bộ trung tâm say sưa với việc truyền tải kiến thức về loài rùa
Trong trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương rất nhiều cá thể các loài thú Linh Trưởng quý hiếm (voọc mông trắng, voọc Hà Tĩnh, voọc đen tuyền, voọc Cát Bà, voọc Chà vá chân xám…), các cán bộ ở đây nghiên cứu về việc tìm kiếm thức ăn, tập tính sinh hoạt, môi trường, không gian sống của thú Linh Trưởng.
Gia đình nhà voọc tinh nghịch
Một em voọc với bộ cánh màu cam thật rực rỡ
4. Lênh đênh trên thuyền ngắm vẻ đẹp hùng vĩ, bát ngát của Tam Cốc – Bích Động
Quần thể Tam Cốc Bích Động nằm ở Ngũ Nhạc Sơn, thuộc quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc Bích Động được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới đồng thời cũng được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Tam Cốc có gì?
Tam Cốc nghĩa là "Ba hang" gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba, bao quanh là dòng sông Ngô Đồng. Hang Cả dài 127m với cửa hang rộng trên 20m, xuyên qua một ngọn núi lớn. Khi chèo thuyền qua đây, bạn sẽ cảm nhận được không khí trong hang rất mát mẻ và có nhiều nhũ đá rủ xuống tích tụ lớp trầm tích qua hàng nghìn năm. Tiếp tục xuôi dòng, bạn sẽ tới hang Hai có độ dài 60m với đá vôi độc đáo. Cuối cùng là hang Ba dài 50m, gần hang Hai, với độ cao thấp hơn so với 2 hang còn lại tựa như một vòm đá khổng lồ.
Chèo thuyền khám phá ba hang
Hoa súng điểm xuyết cho bức tranh sơn thủy hữu tình
Mây trắng vờn núi huyền ảo tựa làn sương
Chùa Bích Động có gì?
“Bích Động” (có nghĩa là động xanh) do chúa Trịnh Sâm đã đến thăm chùa và đặt tên. Bích Động được xếp hạng đẹp thứ hai sau động Hương Tích và được coi là “Nam thiên đệ nhị động” nghĩa là động đẹp thứ nhì trời Nam.
Cổng vào Bích Động nổi bật giữa núi non trùng điệp
Chùa Bích Động được xây dựng trên núi từ đầu thời Lê, cây cối xanh um, thấp thoáng ẩn hiện những vạn mái ngói rêu phong của ngôi chùa cổ. Nơi đây được mệnh danh là “Bích Sơn bát cảnh” nghĩa là tám cảnh đẹp của Bích Động.
Chùa Bích Động bay bổng tĩnh tại tựa lưng vào núi
5. Xuyên không về các triều đại cũ ở cố đô Hoa Lư
Cố đô Hoa Lư gắn liền với ba triều đại phong kiến Đinh – Tiền Lê – đầu nhà Lý. Với bề dày lịch sử hơn 1000 năm, nơi đây đã trải qua biết bao thăng trầm biến thiên của dân tộc nhưng vẫn là nơi lưu giữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại và trở thành chứng nhân lịch sử cho đất nước ta từ ngàn đời. Ở đó vẫn còn những bức tường thành vững chãi và hai ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành uy nghiêm cùng nhiều di tích khác mà chỉ khi bạn đặt chân đến tham quan, khám phá mới trọn vẹn.
Cổng đông cố đô Hoa Lư sừng sững theo năm tháng
Đi tiếp vào trong cổng đông, bạn sẽ bắt gặp Ngọ Môn Quan, đây là cổng ngoài dẫn vào đền, có kiến trúc gạch trát vữa, trên có vòm cuốn theo lối cổ, có niên đại từ thời Nguyễn. Trên vòm cửa cong là hai con lân vờn mây, phía trên cổng là hai tầng mái che với tám mái đao cong vút.
Cổng Ngọ Môn nhuốm màu thời gian
Cây cối trút bỏ lớp bụi khoác lên mình tấm áo xanh mơn mởn
Con đường thần đạo xưa kia là lối dành cho nhà vua đi
Từng chùm hoa đỏ hình dáng hệt như chiếc đèn lồng
Nếp chùa cổ kính rêu phong
Ninh Bình ngày nắng trong đã đủ sức níu giữ chân du khách, còn ngày mưa mình càng đi càng thấy nơi này có một sức hút rất riêng, như viên pha lê xanh được mưa tới gạt đi tấm áo cũ dần hiện ra vẻ đẹp tiềm tàng, cả một bầu trời đầy hoài niệm và cổ kính xưa cũ đang mở ra trước mắt những người ưa khám phá. Quả thực là một trải nghiệm quý giá, mình sẽ quay lại nơi này nhiều lần nữa bởi mỗi lần đến mảnh đất này lại cho mình những suy nghĩ, góc nhìn khác về cố đô.
Bạn có cảm nhận gì về một Ninh Bình dưới làn mưa lất phất, hãy đến đây để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời như thế nhé!