Mùa vàng Y Tý – Sắc vàng nơi cuối biên ải. Một trong những nơi có lúa chín sớm nhất ở Tây Bắc và cũng thuộc những nơi cảnh sắc đẹp nhất Tây Bắc. Mùa vàng Y Tý là một điểm đáng để đi trong dịp nghỉ lễ 02/09.
Giải mã tên của Y Tý
Đầu tiên, chúng ta hãy bắt đầu từ câu chuyện về con Hà Gừ của người Hà Nhì. Con Hà Gừ là con Hổ đá, là linh vật của vùng Y Tý. Báo chí đã viết nhiều về con Hà Gừ này. Y Tý có hai con hổ đá, không biết từ đời nào rồi, chỉ biết là rất xa xưa…
Tại sao lại có con Hà Gừ này? Theo truyền thuyết, con Hà Gừ được sinh ra là để ngăn cản con ngựa thần trên núi Ga Ma Do xuống ăn lúa của dân, làm mùa màng thất bát.
Con ngựa thần sau khi bị con Hà Gừ ngăn cản không cho ăn lúa, thì nó đã bay lên núi. Khi bay qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc thì nó đã làm rơi cái yên cương. Rồi bay qua bên Việt Nam thì nó hóa thành đá trên đỉnh núi. Con ngựa đá ấy vẫn nằm trên núi đến bây giờ. Nếu đứng ở Thèn Pả (Thiên Sinh) mà quay ngược lại nhìn lên vách núi sau lưng thì sẽ thấy con ngựa đá này rất rõ.
Y Tý – Dưới đáy yên cương. Đây có lẽ là lời giải phù hợp nhất với truyền thuyết của người dân bản địa đến sinh sống lâu đời ở nơi đây.
Cách di chuyển đến Y Tý vào mùa lúa chín (2 ngày 1 đêm)
-Xe khách giường nằm: xe của các hãng như Hà Sơn Hải Vân với giá 260.000 VNĐ/vé, Sao Việt với giá 280.000 VNĐ/giá, …đến thành phố Lào Cai sẽ có xe trung chuyển vào trung tâm thành phố.
Sau đó thuê xe máytại Rent – Motorbike in Lao Cai với giá 150.000 VNĐ/ngày (Số điện thoại: 0888360999) có chỗ ngủ nếu khách thuê muốn ngủ thêm. Hoặc đi xe 16 chỗ Hiệp Linh đến trung tâm xã Y Tý hoặc homestay đặt trước.
Tham quan Y Tý
Ngày 1: TP Lào Cai – Cột cờ Lũng Pô- Trung tâm xã Y Tý
Ăn sáng tại chợ Cốc Lếu. Mọi người có thể thử ăn món bánh cuốn nóng kèm thịt nướng.
Sau đó di chuyển khoảng 50km đến ngã ba Lũng Pô, rẽ phải đến Lũng Pô. Làm thủ tục tục tại Đồn biên phòng Lũng Pô (không mất phí) rồi lên cột cờ ngắm biên giới giữa hai nước Việt-Trung. Đi bộ 5 phút để tới cột mốc số 92.
Cột cờ Lũng Pô được xây dựng từ năm 2016 đến 2018 đưa vào hoạt động. Lá cờ Tổ quốc rộng 25 mét vuông tượng trưng cho 25 dân tộc anh anh bay phấp phới giữa bầu trời bao la rộng lớn mà lòng ngập tràn tự hào, cảm ơn những ngày tháng ấy, những con người ấy đã giữ cho mảnh đất nơi này được bình yên.
Hình ảnh từ trên cột cờ Lũng Pô nhìn xuống
Quay lại ngã ba Lũng Pô, rẽ phải đi theo lối A Mú Sung về trung tâm xã Y Tý. Đường xấu nên lái xe với tốc độ chậm.
Khoảng 12h00 trưa sẽ đến trung tâm xã Y Tý, mọi người có thể ăn trưa tại trung tâm xã hoặc đặt đồ ăn trưa tại homestay.
Nghỉ ngơi chiều xuất phát đi Ngải Thầu. Ngắm hoàng hôn trên Ngải Thầu Thượng và chờ mây về. Đứng trên Ngải Thầu Thượng có thể ngắm được toàn bộ phía Ngải Trồ.
Từ trung tâm xã Y Tý di chuyển tới Ngải Thầu mất khoảng 30 phút. Đường đi không quá khó. Nơi đây hầu như chưa có du lịch và dịch vụ hiện đại nên nếp sống, văn hóa, phong tục của các dân tộc vẫn được giữ nguyên vẹn. Bạn sẽ trầm trồ trước vẻ đẹp của những ngôi nhà trình tường trong bản của người Hà Nhì, hòa mình trong cuộc sống mộc mạc, nhiều sắc màu của người H’Mông, nghe tiếng sáo réo rắt lưng chừng núi khi đến Ngải Thầu Thượng. Vẻ đẹp làm xao lòng bất cứ một du khách nào khi đến với vùng biên cương của Việt Nam này chính là nét trong sáng, vô tư, hồn nhiên của những đứa trẻ. Đặc biệt những người dân tộc Hà Nhì hay H’Mông ở đây khá thân thiện, nhiệt tình, sẵn sàng chỉ dẫn, giúp đỡ bạn đến những điểm ngắm mây đẹp nhất. Mọi người nên chuẩn bị nước uống từ trung tâm xã Y Tý.
Ngải Thầu có nghĩa là đầu vách đá, phía dưới là Ngải Trồ có nghĩa là phía chân vách đá.
Hình ảnh mỏm đá sống ảo trên Ngải Thầu Thượng
Hình ảnh nhìn từ Ngải Thầu Thượng xuống phía thung lũng
Về lại homestay ăn tối.
Mọi người muốn ăn cá hồi, cá tầm sẽ phải báo trước cho homestay để họ đi lấy về chế biến cho đoàn.
Ngày 2: Công viên Choản Thèn – cầu Thiên Sinh
Mọi người có thể ăn sáng tại chợ Y Tý. Chợ chỉ họp vào ngày thứ 7 hàng tuần.
Hình ảnh trên đường vào công viên Choản Thèn
Công viên Choản Thèn là nơi diễn ra các nghi thức lễ hội của người Hà Nhì tại đây. Khuôn viên đã kè đá, nền bê tông, cảnh quan đẹp, có 2 cây Đuy Già biểu tượng của nơi này, đứng ở đây ngắm ruộng bậc thang trải dài rất thoáng mắt. Tuy nhiên, nơi đây còn sơ sài, chưa có dịch vụ, ít khi được dọn dẹp sạch đẹp. Trên đường đi mọi người nên vào các tạp hóa tại trung tâm xã để mua nước uống vì công viên Choản Thèn và đường xuống cầu Thiên Sinh không có hàng quán để mua.
Hình ảnh hai cây Đuy Già
Trên đường tới khuôn viên mọi người sẽ đi tham quan bản làng của người Hà Nhì, với nhà vách đất đặc sắc. Đó là nhà trình tường, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát.
Hình ảnh trên đường đi
Tham quan xong mọi người sẽ di chuyển tới cầu Thiên Sinh. Những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp bao bọc lấy con đường. Phía dưới chân núi là con suối chảy dọc cung cấp nước cho bà con xung quanh. Con suối là ranh giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Hình ảnh suối vắt ngang thửa ruộng bậc thang
Hình ảnh thửa ruộng thẳng đều do bàn tay con người tạo nên
Khoảng 15h00 sẽ xuất phát về lại thành phố Lào Cai theo lối Trịnh Tường.
Khoảng 19h00 ăn tối tại thành phố Lào Cai. Địa chỉ tắm lá thuốc người Dao tại thành phố Lào Cai: Sapa Green Phạm Văn Xảo, Phố Mới, TP.Lào Cai.
Đi chơi và đợi giờ lên xe khách về Hà Nội. Các hãng xe lớn đều có xe trung chuyển mọi người báo trước nhà xe sẽ đón.
Nơi lưu trú
Homestay view đẹp nhất Y Tý là Homestay Y Tý Clouds. Ngoài ra còn rất nhiều homestay ở trung tâm xã Y Tý. Nếu bạn không muốn ở homestay thì dưới chợ Y Tý có duy nhất một Dũng Vàng Hotel.
Đây là toàn bộ quá trình chuyến đi ngắm lúa chín ở Y Tý của mình. Mọi người nhớ mang theo áo khoác mỏng do buổi tối trên đó hơi lạnh nhé. Chúc mọi người có một chuyến đi thành công tốt đẹp.