Lễ khất thực Luang Prabang và những nét nổi bật lịch sử văn hóa

33

Nằm ở phía bắc của Lào và khoảng 300 km từ thủ đô Viêng Chăn, Luang Prabang khoác lên mình vẻ bình yên xinh đẹp của vùng đất cố đô. Thành phố được Unesco công nhận là di sản thế giới năm 1995 với những công trình kiến trúc cùng tu viện và nhiều ngôi chùa độc đáo. Đến Luang Prabang vào những ngày đầu hè, hãy cùng mình khám phá những nét văn hóa đậm màu sắc bản địa, không hề bị phai nhòa theo dấu thời gian tại vùng đất được coi là viên ngọc sáng của quốc gia Vạn Tượng này nha.

lễ khất thực Luang Prabang

Một buổi sáng yên bình tại Luang Prabang.

Lễ khất thực

Lễ khất thực hay còn biết đến với tên gọi Tak Bat là nghi lễ truyền thống tôn kính, tôn nghiêm lâu đời trong văn hóa Phật giáo của người Lào. Bắt đầu xuất hiện từ khoảng thế kỷ 14, người dân tham gia nghi lễ cần thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị một phần suất ăn khất thực dành tặng cho các vị sư. Nghi lễ được diễn ra buổi sáng tinh mơ từ khoảng 5h – 6h30 nên chúng mình cũng đã thức dậy từ tờ mờ sáng để không bỏ qua nghi lễ độc đáo này. Thật sự rất háo hức chờ giây phút được mục sở thị nghi thức Tak Bat. Trong sự tĩnh lặng, yên ả của vùng đất cố đô cùng không khí trong lành của buổi sớm mai, chúng mình di chuyển ra phía đường Sakkaline – một trong những địa điểm chính diễn ra lễ khất thực.

lễ khất thực Luang Prabang

Nhiều người nước ngoài háo hức tham gia vào lễ Tak Bat.

Khi vừa ra tới đường chính này, mọi người từ người dân bản địa trong trang phục truyền thống đến khách du lịch đã tập trung rất đông để ngắm nhìn hoạt động đặc biệt này. Mỗi người khi tham gia nghi thức đều cần cởi bỏ giày, dép. Mình nhận ra rằng nếu là người nước ngoài sẽ được hướng dẫn khoác lên một chiếc khăn phía chéo trước ngực nữa. Họ sẽ quỳ gối trên những chiếc thảm được trải dọc mép đường hoặc ngồi trên những chiếc ghế nhựa thấp, trên tay sẵn sàng với lễ vật dâng tặng.

lễ khất thực Luang Prabang

Những lễ vật trong nghi lễ khất thực.

Lễ vật thường là xôi nếp được đặt gọn gàng trong những giỏ tre, giỏ mây, ngoài ra còn có cả bánh, kẹo. Những đoàn nhà sư trong sắc áo cam đậm nổi bật sẽ toả ra khắp các nẻo đường của Luang Prabang. Họ lặng lẽ bước đi trên đôi chân trần theo một hàng dài trong sự tĩnh lặng.

lễ khất thực Luang Prabang

Sắc cà sa bước chậm rãi trên đường phố Luang Prabang.

Nhà sư đi đến đâu thì từng người tham gia sẽ từ tốn và lặng lẽ bỏ một phần vật cúng vào bát của nhà sư. Mọi người thường sẽ cầu nguyện ngắn trước khi dâng phần lễ vật này, đồng thời để hồi đáp, nhà sư cũng sẽ cầu nguyện lại để ban phước lành cho người dân. Khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng tất cả mọi người từ trẻ em đến người lớn đều một lòng thành kính và thể hiện sự kính cẩn khi thực hiện nghi lễ này.

lễ khất thực Luang Prabang

Nghi lễ được thực hiện rất tôn nghiêm.

Khoảng 6h30, khi ánh nắng ban mai dần ló rạng nơi dãy núi phía xa, mọi người dần giải tán, những bóng áo vàng cam cũng khuất dần khỏi con phố chính cũng là lúc lễ khất thực kết thúc.

lễ khất thực Luang Prabang

Mọi người thu dọn đồ đạc sau lễ khất thực.

Sau đó, các nhà sư sẽ chỉ giữ lại một phần suất ăn đủ dùng trong ngày vừa nhận được từ người dân, phần còn lại sẽ được tặng cho những người nghèo và không có điều kiện. Đây quả thực là một nét đẹp nhân văn trong nghi thức truyền thống của người dân nơi đây, cho đi cũng có nghĩa là nhận lại. Vì vậy mà trẻ em rất được khuyến khích tham gia nghi thức này, để hình thành sớm lòng khoan dung, tình thương yêu và gạt bỏ những sân si, đố kị đời thường. Đặt lại những xô bồ cuộc sống sang một bên, với mình, buổi sáng tại Luang Prabang thật bình dị, an yên nhưng thu hút lạ kỳ. Đây quả thật là một trải nghiệm đáng yêu và đáng nhớ.

lễ khất thực Luang Prabang

Khi những bóng cà sa dần khuất xa.

Chùa Wat Xieng Thong

Được mệnh danh là một trong những ngôi chùa cổ và đẹp nhất xứ Triệu Voi, Wat Xieng Thong nằm nơi ngã ba giữa hai dòng sông Nậm Khan và Mê Kông. Đây cũng là khúc giao nhau giữa đường Khem Khong và Sakkaline, cuối bán đảo Luang Prabang.

lễ khất thực Luang Prabang

Ngôi cổ tự luôn là điểm thu hút khách du lịch.

Tên gọi Wat Xieng Thong còn mang ý nghĩa là ngôi chùa của thành phố vàng. Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1559 – 1560 dưới thời vua Setthathirat. Đây cũng là một trong những ngôi chùa còn sót lại, không bị phá hủy sau cuộc xâm chiếm năm 1887 của Quân đội Cờ Đen. Từ năm 1975, nơi đây còn được các vị vua Lào chọn làm nơi để cử hành lễ đăng quang. Hiện nay, cứ vào mỗi dịp Tết Lào (Bunpimay), tất cả quan chức chính quyền Luang Prabang cùng các chức sắc trong giáo hội Phật giáo Lào đều tụ họp tại ngôi chùa này để cử hành nghi thức chào năm mới. Trong đó có hoạt động tiêu biểu là rước tượng Phật Prabang từ Bảo Tàng Viện về chùa, sau đó tượng Phật sẽ được mọi người tắm nước hoa đại trong một ngày nhằm thể hiện lòng tôn kính với đạo Phật.

Chùa mở cửa từ 8:00 – 18:00 tất cả các ngày trong tuần, vé vào cửa là 20,000KIP/người (khoảng 27,000VND). Lối vào chùa có rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm được sắp đặt vô cùng bắt mắt.

lễ khất thực Luang Prabang

Những cửa hàng bán đồ lưu niệm trên con đường phía trước cổng chùa.

Bước vào sân chùa, chúng mình đặc biệt ấn tượng với lối kiến trúc mái nhiều lớp, cong dần về phía mặt đất. Đây cũng là đặc trưng trong lối kiến trúc truyền thống của Lào từ thế kỷ XVI. Từ những bức tường phía ngoài, chúng mình mải mê ngắm nhìn những họa tiết tinh xảo, những trạm trổ công phu cũng những bức phù điêu được tạo dựng dựa trên những Phật tích xưa.

lễ khất thực Luang Prabang

Phần mái chùa mang đậm lối kiến trúc truyền thống của Lào.

Ngày nay, ngoài phần mái nhà được tu sửa, mạ vàng, phần lối đi được sơn mài thì tất cả phần còn lại của ngôi chùa đều mang nét nguyên sơ như ngày đầu xây dựng. Điểm nổi bật nhất của khuôn viên chùa là tòa chính điện. Tòa được trang trí tinh xảo từ ngoại thất đến nội thất.

lễ khất thực Luang Prabang

Những họa tiết tinh xảo trong kiến trúc của chùa Wat Xieng Thong.

Trên nền sơn mài đen là những đường viền mạ vàng công phu vô cùng ấn tượng. Đi về phía sau tòa nhà, chúng mình bắt gặp bức họa cây nhân sinh ánh bạc trên nền tường đỏ cam rất độc đáo. Bên trong tòa chính điện, chống đỡ mái là những cột trụ tròn to lớn cùng các bức tường được trạm trổ hoa văn, họa tiết tỉ mỉ như loài cây, con vật hay nhịp sống đời thường. Chính giữa gian nhà, phía trên bàn thờ có một tượng Phật lớn được dát vàng, xung quanh bày nhiều tượng Phật nhỏ hơn.

lễ khất thực Luang Prabang

Rảo bước tại ngôi chùa Wat Xieng Thong.

Phía bên trái lối vào chùa, có một ngôi đền nhỏ còn lưu giữ cỗ xe gỗ của Hoàng Gia. Vua Sisavangvong đã sử dụng cỗ xe này vào năm 1960. Chiếc xe được dát vàng óng ánh với thiết kế độc đáo được trang trí bằng họa tiết năm rắn thần Naga ở phía trước. Bên trong xe là ba chiếc bình nhỏ cất giữ tro cốt của vua Sisavangvong và cha mẹ ông.

lễ khất thực Luang Prabang

Một gia đình người Lào với trang phục truyền thống đến thăm chùa.

lễ khất thực Luang Prabang

Một trong những góc check-in đắt khách nhất tại đây.

Trong khuôn viên chùa, cùng với phòng truyền giáo được xây từ năm 1560 thì vào năm 1880, thư viện Triptaka được khởi công, và đến năm 1961, một tòa tháp trống được xây dựng bổ sung. Bên cạnh đó, khuôn viên còn có các công trình khác như bảo tháp, nhà nguyện và khu nhà sinh hoạt của các vị sư.

lễ khất thực Luang Prabang

Một tòa tháp trong khuôn viên chùa.

Chùa Wat Senesoukharam

Còn được biết đến với tên chùa Đỏ, ngôi chùa này toạ lạc về phía đông bắc của Luang Prabang, ngay trên con đường Sakkaline trung tâm thành phố.

lễ khất thực Luang Prabang

Buổi sáng nhộn nhịp tại chùa Senesoukharam.

Chúng mình tình cờ ghé qua nơi này sau lễ khất thực diễn ra vào buổi sáng phía trước cổng chùa. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1714 dưới thời vị vua đầu tiên của vương quốc độc lập – vua Chao Kingkitsarath. Theo mình tìm hiểu thì ngôi chùa được thành lập bởi một cá nhân tên là Tia Tiao, nhưng không rõ người này là thành viên hoàng tộc, quý tộc hay thường dân, cũng có khả năng là thành viên cấp cao của tăng đoàn Phật Giáo. Sau đó, ngôi chùa có trải qua hai lần tu bổ vào những năm 1930 và 1957.

lễ khất thực Luang Prabang

Cổng vào chùa Senesoukharam phía đường Sakkaline.

Theo UNESCO thì ngôi chùa được xây dựng theo phong cách Luang Prabang kiểu II. Khác với kiến trúc truyền thống, ngôi chùa này có hiên phía sảnh trước cùng với các cột chống mái phía trong cao hơn phía ngoài. Phong cách này mang hơi hướng chùa Thái Lan hơn là chùa Lào, đặc biệt thể hiện ở kiến trúc mái ba tầng được lợp bằng ngói màu đỏ cam. Phía bên ngoài gian chính điện được trạm trổ những hoa văn màu vàng nổi bật trên nền tường màu đỏ.

lễ khất thực Luang Prabang

Kiến trúc mang màu đỏ nổi bật của chùa.

Trên tường còn được trang trí bằng hoa văn tinh xảo với hình ảnh các vị thần cưỡi trên linh vật như ngựa hoặc sư tử. Bên cạnh cửa đại ở chính giữa, chùa cũng có những cánh nhỏ ở bên cạnh gian chính điện để ra vào. Phong cách Khmer được thể hiện rõ nét qua lan can bằng gỗ phía trên những cánh cửa sổ.

lễ khất thực Luang Prabang

Phong cách Khmer rõ nét ở phần kiến trúc bên ngoài chùa.

Mình đặc biệt ấn tượng với chấn song màu vàng đỏ cùng các hoa văn vị thần đan xen giữa những vòng hoa lá tạo điểm nhấn cho những cánh cửa sổ của ngôi chùa này.

lễ khất thực Luang Prabang

Cây hoa giấy nở hồng rực một góc sân chùa.

Bảo tàng Cung điện Hoàng gia

Chạy xe đạp dọc đường Khem Khong, bên dòng Mê Kông êm đềm, rẽ vào một lối nhỏ từng là lối vào chợ đêm vào buổi tối để vòng ra đường Sisavangvong, chúng mình đã cập bến Bảo tàng. Vé vào cổng cho người nước ngoài là 30,000KIP/người (khoảng 40,000VND/người). Giờ mở cửa: các ngày trong tuần, sáng từ 8:00 – 11:30 và chiều từ 13:30-16:00. Thời điểm thích hợp nhất để các bạn đến tham quan nơi này là buổi sáng nha, lúc này trời dịu mát và cũng không quá đông khách du lịch.

lễ khất thực Luang Prabang

Tòa chính điện của Bảo tàng Quốc gia.

Bảo tàng cung điện Hoàng gia, hay Bảo tàng Cung điện, Bảo tàng Quốc gia được người dân địa phương gọi với tên Haw Kham (Ho Kham) hoặc Sảnh Vàng được xây dựng từ năm 1904 – 1909 như là nơi ở chính thức mới của Hoàng gia dành cho các vị vua của Luang Prabang. Nơi đây thay thế cho những ngôi nhà sàn kiểu Lào lợp tranh, tre, gỗ tếch và gỗ hồng mộc được xây dựng sau khi quân đội cờ đen phá hủy phần lớn thành phố vào năm 1887. Khác với tòa nhà cũ đối diện sông Mê Kông, tòa nhà mới của thế kỷ 20 này nằm đối diện với núi Phousi linh thiêng. Được xây dựng bằng gạch và vữa thay vì các vật liệu truyền thống, toà nhà chính là sự hòa trộn giữa phong cách truyền thống Lào và tươi mới Beaux Arts của Pháp như biểu thị cho mối quan hệ giữa Luang Prabang và chính quyền thực dân Pháp lúc bấy giờ. Tòa nhà có hai phần riêng biệt theo kiểu chữ thập và được nối với nhau bởi phòng ngai vàng lớn. Theo mình tìm hiểu thì ban đầu các kiến trúc sư người Pháp đã lên kế hoạch xây dựng một ngọn tháp châu Âu trên phòng ngai vàng nhưng vua Sisavangvong đã một mực giữ phong cách Lào. Dù phần mái và tường ngoài của tòa nhà thể hiện rõ nét kiến trúc Lào, nhưng vẫn có một số cột và trán tường bị ảnh hưởng bởi phong cách Âu châu. Từ năm 1975, sau khi chế độ quân chủ sụp đổ, tòa nhà được mở cửa trở lại và trở thành Bảo tàng Quốc gia. Khu vực bên trong trưng bày những vật dụng hoàng gia (như kiếm và bao kiếm tinh xảo, yên voi), tượng, tranh vẽ và vũ khí,… Đặc biệt có một phòng riêng để cất giữ bộ sưu tập xe hơi của các vị vua.

lễ khất thực Luang Prabang

Phần sân sau của bảo tàng.

Ở phần sau của tòa nhà là năm căn phòng đơn giản thuộc khu vực riêng của quốc vương, phần lớn được bảo tồn nguyên vẹn khi vị vua cuối cùng Sisavang Vatthana còn tại vị. Nơi đây có phòng ngủ của vua và hoàng hậu, phòng ăn và thư viện. Hiện tại có một phòng trở thành nơi trưng bày triển lãm cho hoạt động ca múa nhạc Lào.

lễ khất thực Luang Prabang

Khuôn viên nhiều cây xanh của Bảo tàng.

Phía bên ngoài tòa nhà là khuôn viên vườn và hồ nước được chăm sóc tỉ mỉ. Mình đặc biệt ấn tượng với hai hàng cọ phía trước tòa nhà chính cao vút, sừng sững qua bao năm tháng chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. Sau khi tham quan, bạn có thể thưởng thức những món đồ uống mát lạnh với giá cả vô cùng phải chăng tại những gian hàng phía ngoài Bảo tàng nhé. Còn gì tuyệt vời hơn một cốc sinh tố mát lạnh xua đi cái nắng đầu hè!

lễ khất thực Luang Prabang

Những gian hàng đồ uống phía ngoài Bảo tàng.

Những chú ý khi tham quan

Tất cả những địa điểm mình nêu trên đều là những nơi tôn nghiêm vì vậy bạn hãy chú ý trang phục lịch sự khi đến tham quan nha. Đặc biệt cần tránh mặc quần short, váy ngắn, hở vai, ngực,… Khi bước vào khu vực bên trong chùa, bạn nhớ cởi bỏ giày, dép nhé. Riêng với khu vực Bảo tàng Quốc gia, bạn phải để những vật dụng cá nhân (túi xách, máy ảnh) ở phòng gửi đồ của Bảo tàng (miễn phí) trước khi vào tham quan, đồng thời cũng không được mang đồ uống, đồ ăn, hút thuốc và chụp ảnh ở phía bên trong tòa nhà chính.

Mong rằng những thông tin này sẽ hữu ích nếu sắp tới bạn có dự định tới thăm nước bạn láng giềng nha. Lào thật đẹp và bình yên, đặc biệt là cố đô Luang Prabang. Nơi lưu giữ nhịp sống chậm rãi giữa bộn bề cuộc sống. Hãy đi và cảm nhận nha.