Sau một ngày dài thăm thú hàng trăm ngôi đền ở quần thể kiến trúc Angkor Wat, mình quyết định tự thưởng cho bạn thân một đêm vui chơi ở chợ đêm Siem Reap. Do đặc thù là thành phố du lịch, nền kinh tế đêm của Siem Reap rất phát triển.
Pub Street, trụ cột kinh tế đêm của Siem Reap
Pub Street – “Bùi Viện” của Siem Reap
Cũng như Phnom Penh, Siem Reap là nơi tập trung nhiều khách du lịch tứ xứ. Nắm được tâm lý tiêu dùng của khách hàng, các hãng bia cũng khai thác quảng trường trung tâm thành phố để phát bóng đá trên màn hình lớn. Có vẻ như việc đội chủ nhà bị loại sớm khỏi môn bóng đá nam, không khí Sea Games có phần trầm lại đôi chút. Hôm nay diễn ra trận đấu giữa đội tuyển U22 Việt Nam vs Thái Lan, do vậy khá đông người Việt đang du lịch ở Siem Reap đến theo dõi trận cầu qua màn hình lớn. Trong lúc mua bia mình tình cờ gặp 2 anh người Việt của hội Phân khối lớn Cần Thơ cũng đang qua thưởng thức trận đấu. Các anh kể rằng mùa này đang là mùa Sea Games, nên đi bằng cửa khẩu nào qua đây cũng hết sức dễ dàng. Tuy nhiên tham gia giao thông ở Campuchia phải có mũ bảo hiểm 3/4 lần xe lắp đủ 2 gương, nếu không mấy anh cảnh sát giao thông sẽ chặn lại để hỏi thăm giấy tờ vì thấy xe lạ. Mấy anh em đang ngồi nhậu thì vài anh người Khmer đến xin cụng ly, nói chuyện dăm ba câu tiếng Anh mà vừa xem bóng đá vừa hiểu thêm được văn hóa nước bạn.
Hết trận đấu, mình di chuyển qua con phố Pub Street nổi tiếng ở Siem Reap. Đúng như tên gọi của nó, Pub Street là một nơi xô bồ, khi những quán bar liên tục cạnh tranh nhau bằng âm lượng để kéo du khách vào quán mình. Nếu không muốn một nơi quá ồn ào bởi tiếng nhạc điện tử, bạn có thể ghé một quán nhạc sống bất kỳ trên đường, có đủ từ acoustic, rock, band địa phương, band quốc tế cho bạn lựa chọn. Giá thành cũng không quá đắt đỏ, chỉ với 0.75 USD là bạn đã có ngay cho mình một ly bia thủ công cực kỳ chất lượng. Nhân viên ở các quán đều có trình độ tiếng Anh rất tốt, mình có thể giao tiếp mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Nếu không muốn uống bia, bạn có thể di chuyển sang con phố bên cạnh để mua sắm chút đồ lưu niệm. Cũng giống như trong Angkor Wat, các mặt hàng ở đây đa dạng nhưng giá khá cao. Mặc dù mọi thứ đều được niêm yết bằng USD sẵn nhưng nếu khéo léo bạn vẫn có thể thương lượng giá cả. Các cô bán hàng ở đây hết sức dễ tính, nếu đến vào lúc mở hàng hay sắp đóng cửa thì bạn có thể có cho mình những món quà với mức giá rẻ hơn cả ở Việt Nam.
Đầu phía Nam của Pub Street, góc này bình yên với những quán nhạc sống
Có một điều mình chưa thực sự ưng ý là đây là khu phố đèn đỏ. Nằm cách Pub Street một ngã tư là vô vàn quán… massage. Nếu vô tình đi bộ qua đây, nhân viên quán sẽ bám theo khách cực kỳ dai dẳng. Họ sẽ hỏi bạn người nước nào, rồi dùng chính thứ tiếng mẹ đẻ của bạn để chào giá dịch vụ. Mọi thứ diễn ra khá công khai, thậm chí có phần thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng sở tại. Mong sao điều này sớm được chấn chỉnh, trả lại cho Siem Reap vẻ đẹp vốn có của một thành phố đáng sống.
Vậy là cũng qua 2 ngày ở Siem Reap. Theo kế hoạch ban đầu, mình sẽ đi ngược lại quốc lộ 6 để quay về Phnom Penh cho ngày mai. Nhưng cảm thấy được chào đón bất chấp những thông tin “người Campuchia có thiện cảm với người Việt”, mình quyết định sẽ đi theo quốc lộ 5, thực hiện một vòng quanh Biển Hồ Tonle Sap, qua Poipet và Battambang rồi mới trở lại Phnom Penh.
Hướng về cực tây Poipet
Sáng hôm sau mình thức dậy trả phòng khá sớm, để đi qua thành phố Poipet nằm trên biên giới với Thái Lan. Đường từ Siem Reap đến Sisophon khá đẹp, với những cánh đồng lúa bạt ngàn hai bên, nhưng từ Sisophon đến Poipet khoảng 50km đường khá nhỏ và nhiều xe tải qua lại, tốc độ bị giảm đi đáng kể. Cũng giống như Bavet, Poipet được người Trung Quốc đầu tư khá rầm rộ với muôn vàn casino để thu hút con bạc đến từ Thái Lan. Tuy nhiên có vẻ như máu đỏ đen người Thái có phần “nhẹ nhàng” hơn người Việt, dù không ít sòng bài to đẹp nhưng số lượng người qua biên giới thử vận may có lẽ chỉ bằng phân nửa Bavet.
Biên giới Campuchia – Thái Lan
Ban đâu đến đây mình chỉ có ý định đến thăm quan chụp hình chứ không băng qua biên giới, tuy nhiên sau khi tình cờ gặp một chú hải quan Campuchia nói được tiếng Việt, mình nảy sinh ý định thử một lần băng qua cửa khẩu được mệnh danh là “tồi tệ nhất thế giới”. Chú nói rằng xe máy Việt Nam hay Campuchia cũng đều không đem qua được biên giới Thái Lan, nhưng người thì qua chơi bình thường. Nghe vậy mình tự tin gửi xe ở một khách sạn, cầm hộ chiếu đến chỗ mấy anh hải quan Thái Lan ghi phiếu thông tin nhập cảnh. Mình đã trình bày là sang chơi trong ngày thôi, nhưng anh hải quan vẫn ghi thời lượng là 2 ngày, do chính phủ Thái Lan mới đây có yêu cầu là khách du lịch qua biên giới nước này phải nghỉ lại ít nhất 1 đêm, sau đó mới chấp nhận cho xuất cảnh trở lại. Ừ thì 2 ngày, coi như bỏ thêm tí tiền nghỉ lại 1 đêm bên Thái chơi cũng đáng, đến tận đây rồi mà.
Thế nhưng mọi chuyện chỉ mới bắt đầu. Xong xuôi tờ khai, mình xuất cảnh Campuchia sau khoảng 30 phút xếp hàng. Vì là xuất cảnh nên họ không hỏi kỹ lý do, chỉ cần kiên nhẫn xếp hàng là có ngay dấu mộc. Đi qua cây cầu là sang đất Thái Lan, một cảnh tượng hoàn toàn khác đập vào mắt mình. Một hàng dài phải gấp 3 lần đang đợi để nhập cảnh. Hơn một tiếng đồng hồ nhích từng tí một, với chiếc balo gần chục ký trên vai, người mình trĩu nặng vì phải chờ đợi trong thời tiết nắng gắt. Cuối cùng thì cũng đến lượt, mình đang tự tin đợi con dấu thì chị cán bộ hải quan Thái Lan kéo qua một bên để hỏi đủ thứ về lý do sang Thái Lan. Mặc cho mình trình bày hết nước hết cái, nhưng chị vẫn không đồng ý đóng mộc cho mình, với lý do mấy năm gần đây Thái Lan đã thay đổi chính sách nhập cảnh theo dạng du lịch. Công dân ASEAN vẫn được miễn visa trong 30 ngày, nhưng bạn phải có sẵn trước đặt phòng trực tuyến, kế hoạch chi tiết chuyến đi và tối thiểu 10000 baht tiền mặt. Dù từ chối nhưng chị vẫn rất lịch sự diễn giải lý do, và hy vọng mình sẽ trở lại du lịch Thái Lan trong những lần tiếp theo, còn thân thiện dặn là nhớ chuẩn bị kỹ hơn nhé. Thôi thì lần này coi như không có duyên, cũng do mình hăm hở quá mà quên đi việc nghiên cứu. Thật là một bài học nhớ đời.
Thôi không được sang Thái Lan thì đứng trên tòa nhà cuối cùng trên đất Campuchia ngắm Casino cũng thú vị
Trở lại Poipet để hủy dấu xuất cảnh, dù đói nhưng mình chẳng có tâm trạng ăn uống gì, chỉ biết lấy xe phi một mạch về Battambang để kịp cho trận bán kết giữa U22 Việt Nam vs Indonesia lúc 4h chiều. Quốc lộ 5 là một con đường huyết mạch, dùng để vận chuyển hàng hóa của Campuchia sang Thái Lan nên Chính phủ đầu tư rất hiện đại, với 6 làn xe quy mô cao tốc. Mọi phương tiện có thể di chuyển với vận tốc 90km/h. Tuy nhiên do Campuchia đang bước vào mùa mưa nên thời tiết khá thất thường, cứ mặc áo mưa độ 10 phút là lại phải cởi ra vì… nắng to.
Battambang và chút bình yên
Không chỉ riêng Siem Reap, Battambang cũng có một vài ngôi đền Hindu theo kiến trúc Angkor Wat
Đến Battambang vào lúc 3h chiều, lúc này nhiệt độ lên đến 38 độ nên rất ít người lái xe ra đường. Dù là thành phố lớn thứ 3 Campuchia về dân số (sau Phnom Penh & Siem Reap), cuộc sống ở Battambang bình lặng hơn rất nhiều. Hơn nữa do những địa điểm du lịch đều nằm khá xa trung tâm, nên Battambang thường không nằm trong danh sách của khách du lịch khi đến Campuchia. Do cung đang dư cầu, nên các các dịch vụ lưu trú của Battambang có giá khá rẻ so với chất lượng mang lại. Cùng với mức giá 8 USD, mình có được một căn phòng rộng rãi, thoáng đãng gấp đôi ở Phnom Penh. Hỏi một vòng các bạn nhân viên thì mới biết ở đây không lắp đặt màn hình LED chiếu Sea Games như 2 thành phố kể trên, do ở đây không có môn nào được tổ chức thi đấu. Hơn nữa giờ mới là 4h chiều, thời tiết cũng quá nóng để mọi người ra các nhà hàng để xem thể thao, nên mình đành ra siêu thị mua lon bia và ít đồ nhắm để cổ vũ cho đội tuyển.
Xem Sea Games qua truyền hình của nước chủ nhà cũng là một điều thú vị. Trước kỳ Sea Games, chính phủ Campuchia tuyên bố không thu phí bản quyền truyền hình Sea Games, do đó truyền hình cáp có 80 kênh thì… 60 kênh chiếu Sea Games, thậm chí có cả kênh Việt Nam. Nghe các bình luận viên Campuchia phát âm sai tên các cầu thủ Việt Nam mà mình không ít lần phải bật cười. Mặc dù biết họ đã rất cố gắng, nhưng việc nói sai tên cầu thủ khiến mình cảm giác như đang nghe… một câu chửi thề trong tiếng Việt. Vui thì vui là vậy, nhưng đây là trận đấu mà thầy trò huấn luyện viên Phillippe Trousier đã chơi dưới sức, nhận bàn thua ở phút bù giờ cuối cùng trong thế hơn người góp phần khiến một ngày không mấy vui vẻ của mình có thêm một nốt trầm.
Chợ Trung tâm Battambang
Hoàng hôn Battambang
Những căn nhà nhỏ, từng là nơi ở của khá nhiều người gốc Hoa
Hết trận đấu lúc 6h, mình đi dạo một vòng thành phố và kiếm chút gì ăn. Battambang có những tòa nhà mang kiến trúc Pháp đã hàng trăm tuổi, kết hợp những tòa nhà xây kiểu Hoa gần giống ở Phnom Penh. Chỉ khác là Battambang không phải là đầu tàu kinh tế của đất nước nên không được quá chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng. Đường xá trong thành phố xuống cấp khá nhiều, đi buổi tối còn khá ít đèn đường nên nếu không để ý thì phải tin tưởng vào cây phuộc giảm xóc rất nhiều. Con phố chính nằm ở bên bờ sông Sangker, với những cửa hiệu nho nhỏ nằm liền kề những xe đẩy bán đồ ăn như ở Siem Reap. Đến vựa lúa Battambang thì nhất định phải ăn thử cơm, nên mình ghé vào một tiệm cơm rang có niêm yết giá bên ngoài (vì ở đây chẳng có quán nào ghi tiếng Anh cả). Cơm ở đây có hạt dài hơn cơm mình một chút, ăn cũng khá giống cơm chiên Dương Châu nhưng thường không ăn với xì dầu, tương ớt mà có sẵn thêm chút nước sốt chua ngọt mà chỉ ở Campuchia mới có. Giá cũng ngang các thành phố khác thôi, 3500-6000 riel tùy lượng thịt.
Bên ngoài tòa địa chính Battambang
Một góc đường mang kiến trúc Pháp
Những cây nhỏ được trang trí ánh sáng kỹ càng
Battambang nhỏ quá, trong 2 tiếng mà mình đã đi hết 3 vòng. Đến 8h mà hàng quán đã đóng cửa hết, một mình một đường thấy hơi sợ nên mình quyết định về nhà nghỉ sớm để lấy sức mai về Phnom Penh xem Sea Games. Về đến nơi thì thấy hai anh người Pháp đang kể chuyện đạp xe vòng quanh Campuchia, không chỉ một mình mà còn với cả gia đình. Với chút tiếng Pháp bập bẹ tự học, ba người đàn ông vừa nói vừa cười, chẳng biết họ cười vì câu chuyện, hay cười vì tiếng Pháp phương ngữ Việt Nam của mình nữa. Cũng muốn nói cho các anh nghe nhiều về văn hóa Việt Nam nữa nhưng đạp xe cả ngày mệt rồi, mình để hai anh đi nghỉ sớm, mai em về Phnom Penh còn 2 anh túc tắc qua Sihanoukville. Thôi thì chúc các anh thượng lộ bình an, hẹn mấy anh tuần sau qua đến Sài Gòn thì alo nhé.