Khám phá cánh đồng Chum huyền bí tại Xiêng Khoảng – Lào

37

Cánh đồng chum (nằm ở thị xã Phonsavan, huyện Xiêng Khoảng, phía Bắc nước Lào) với 1969 chiếc chum đá bí ẩn nằm rải rác ở 52 điểm trên cao nguyên Xiêng Khoảng. Chiếc lớn nhất được tìm thấy cao 3m, chiếc nặng nhất tới 14 tấn, còn phần lớn cao chừng 1 đến 2m. Hiện nay mới chỉ có ba điểm được đưa vào khai thác du lịch gồm Bản Ang, Lắt Sén và Bản Sua. Kỳ lạ, cả cánh đồng Chum với khoảng 2000 chiếc này chỉ duy nhất có 1 chiếc chum có nắp. Các bạn hãy cùng mình đồng hành cũng những đơn vị làm du lịch tại Việt Nam trong hành trình khám phá vùng đất huyền bí này nhé.

Cơ duyên với Lào và vùng đất Xiêng Khoảng

Năm 2023, sau đại dịch Covid thì tình hình du lịch vẫn chưa được phát triển trở lại, nên các chương trình kích cầu, liên kết và hợp tác giữa các tuyến điểm nói riêng và các nước nói chung đang được đẩy mạnh. Tôi may mắn được là 1 trong 40 đơn vị ở Việt Nam được mời tham dự chuyến Famtrip về với vùng đất Lào. Cũng là cơ duyên với cá nhân tôi vì tôi đã dự định đi Lào nhiều lần nhưng chưa có dịp. Và thế là hành trình về với vùng đất triệu Voi cứ thế đến và bắt đầu. Hãy cùng tôi khám phá cung đường về miền đất Lào trong hành trình “Lào – Nụ cười Chăm Pa" nhé.

Famtrip Lào - được tổ chức bởi công ty du lịch quốc tế Việt Lào Thái

Famtrip Lào – được tổ chức bởi công ty du lịch quốc tế Việt Lào Thái

Hành trình qua đường 7A thẳng tiến qua Lào

Sau khi tập kết tại thành phố Vinh, chúng tôi nghỉ đêm ở Vinh và sáng hôm sau khởi hành sớm men theo đường quốc lộ 7A để đi qua cửa khẩu Nậm Cắn qua nước bạn Lào. Phải nói là hành trình vượt 240km chúng tôi không hề mệt mỏi vì được hướng dẫn viên giới thiệu và chiêm ngưỡng quang cảnh tuyệt đẹp của miền Tây xứ Nghệ.

Khu du lịch sinh thái rừng Săng Lẻ

Khu du lịch sinh thái rừng Săng Lẻ

Trên đường đi qua khu rừng săng lẻ ở Tương Dương được xem là khu rừng săng lẻ đẹp nhất Đông Dương. Khu rừng rộng hơn 70 ha với muôn vàn cây săng lẻ khổ lớn cao hàng chục mét.

Đường lên cửa khẩu Nậm Cắn

Đường lên cửa khẩu Nậm Cắn

Sau khi ăn trưa xong chúng tôi tiếp tục di chuyển những dốc đèo quanh co lên tới cửa khẩu Nậm Cắn, tuyến cửa khẩu ở miền tây xứ Nghệ đi qua Lào.

Khung cảnh ở cửa khẩu Nậm Cắn

Khung cảnh ở cửa khẩu Nậm Cắn

Sau khi làm thủ tục xuất cảnh và nhập cảnh nước bạn Lào, tiếp tục di chuyển 128km đường ở Lào để đến với thị xã Phôn Xa Vẳn và nghỉ đêm tại khách sạn Xiêng Khoảng sau một hành trình dài trên xe, bật mí cho các bạn biết là đây là khách sạn do Công ty Coecco trực thuộc quân khu 4 khai thác và vận hành quản lý. Khách sạn có vị trí thuận lợi cho quý du khách đi tham quan "cánh đồng Chum". Ban đêm ở đây cũng không có nhiều địa điểm để tham quan và vui chơi, chỉ có một vài quán pub,và siêu thị tiện lợi mở cửa.

Cả đoàn chụp hình lưu niệm tại khách sạn Xiêng Khoảng

Cả đoàn chụp hình lưu niệm tại khách sạn Xiêng Khoảng

Cánh đồng chum huyền bí

Trên đường đến cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng

Trên đường đến cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng

Di chuyển tiếp từ Xiêng Khoảng hotel tới cánh đồng Chum khoảng 10km, chúng tôi là đoàn đầu tiên đến tham quan cánh đồng Chum trong ngày hôm đó, thời tiết cực kỳ ủng hộ vì chúng tôi đi vào tháng 11, tháng đẹp nhất trong năm để có thể tham quan được thuận lợi cánh đồng Chum.

Cánh đồng chum rộng lớn với nhiều những chiếc chum huyền bí

Cánh đồng chum rộng lớn với nhiều những chiếc chum huyền bí

Khi cánh cửa khu du lịch mở ra, xuống xe và đập vào mắt chúng tôi là một cao nguyên rộng lớn với nhiều những chiếc chum có các kích thước lớn nhỏ khác nhau nằm lộn xộn không theo một trật tự nào cả. Trong suốt những thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu cho rằng các chum đá này được dùng trong cách chôn cất của người tiền sử. Truyền thuyết của địa phương cho thấy một số trong các chum cao 3m được dùng để đựng đồ ăn, rượu, nước mưa và những thứ khác. Tuy nhiên thì đó chỉ là nghiên cứu và phỏng đoán của các nhà nghiên cứu, bơi vì cho đến nay các nhà khảo cổ học hầu như không thể nghiên cứu và tìm ra sự thật bí ẩn đằng sau những chiếc chum này.

Những chiếc chum với nhiều hình thù khác nhau

Những chiếc chum với nhiều hình thù khác nhau

Nằm rải rác trên cánh đồng là hàng vạn quả bom, mìn, đạn dược chưa phát nổ, chiếm 35% diện tích toàn tỉnh luôn đe dọa tính mạng của người dân cũng như du khách bất cẩn vượt ra ngoài những khu vực có biển cảnh báo nguy hiểm trên cánh đồng Chum, vì thế khi tham quan cánh đồng Chum các bạn nên tuyệt đối tuân thủ các khu vực đã được chỉ định để tham quan, và tránh các khu vực có biển cấm nhé.

Những chiếc chum nằm rải rác trên đồng

Những chiếc chum nằm rải rác trên đồng

Hàng năm, rất đông du khách trên khắp thế giới đến tham quan cánh đồng Chum có lẽ tò mò về sự bí ẩn và huyền bí của nó. Vẫn chưa có được lời giải thích cho những chiếc chum này dùng để làm gì, bởi vì chúng có quá nhiều, chúng nằm rải rác và nhiều hình thù cũng như kích thước khác nhau. Nhiều khả năng đây có lẽ cũng mãi là một bí ẩn như những kỳ quan khác của thế giới như Kim Tự Tháp ở Ai Cập. Bản thân những chiếc chum cũng không cung cấp nhiều gợi ý về xuất xứ hay mục đích sử dụng của chúng.

Tiềm năng du lịch cần được khai thác

Những chiếc chum nhiều hình thù tại Xiêng Khoảng

Những chiếc chum nhiều hình thù tại Xiêng Khoảng

Hiện nay tại Xiêng Khoảng có 3 địa điểm được khai thác đưa du khách vào tham quan, phần còn lại do bom mìn sót lại của chiến tranh chưa được rà phá nên chưa mở cửa chào đón du khách. Cộng với cả diện tích của toàn bộ cánh đồng Chum quá lớn vả rải rác. "Được hình thành từ khi nào, do ai tạo ra?" vẫn là những câu hỏi bí ẩn hấp dẫn du khách đến với cánh đồng Chum. Vì thế, nếu được khai thác và quảng bá rộng rãi, đây sẽ là điểm du lịch nổi bật cho những du khách ưa khám phá và trải nghiệm

Checkin tại cây cô đơn trên cao nguyên cánh đồng Chum

Checkin tại cây cô đơn trên cao nguyên cánh đồng Chum

Nơi đây phù hợp với nhiều đối tượng khách du lịch, từ những người trẻ đam mê khám phá trải nghiệm, tới những người tò mò về những địa điểm bí ẩn, cho đến những đối tượng khách trung và lớn tuổi muốn tìm về chiến trường xưa để ôn lại kỷ niệm hào hùng kháng chiến (nơi đây từng diễn ra chiến dịch Thượng Lào (13.4-18.5.1953) là chiến dịch tiến công của quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng Pathet Lào trên địa bàn hai tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (Thượng Lào) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân đội Pháp, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào).

Cá nhân là một người làm du lịch, đồng hành trong chuyến famtrip về miền đất Lào, chúng tôi tự cảm thấy nên quảng bá về những di tích, những cảnh điểm thế này để nhiều người trẻ biết đến hơn nữa.

Lấy hình tượng rời rạc của những chiếc chum trên cánh đồng Chum (mỗi người một tư thế)

Lấy hình tượng rời rạc của những chiếc chum trên cánh đồng Chum (mỗi người một tư thế)

Khép lại hành trình tại Xiêng Khoảng với di tích cánh đồng Chum, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình về với Luang Prabang. Các bạn hãy đón theo số tiếp theo trong hành trình “Lào – Nụ cười Chăm Pa” với mình nhé!