Okayama – Nơi khởi nguồn câu chuyện cổ dân gian “Cậu bé quả đào”

30

Khi nhắc đến Nhật Bản, nhiều du khách nước ngoài sẽ nghĩ ngay đến những cái tên quen thuộc như Tokyo, Osaka hay Kyoto. Thực tế đất nước mặt trời mọc này còn vô vàn những địa điểm du lịch hấp dẫn khác, một trong số đó phải kể đến vùng Chukoku, khu vực có dân cư thưa thớt nhất tại Nhật Bản.

Mình muốn qua bài viết này giới thiệu đến mọi người về thành phố Okayama vùng Chukoku, nơi khởi nguồn của câu truyện dân gian Momotaro (Cậu bé quả đào) mà bất kì ai có hứng thú với văn hóa Nhật Bản chắc chắn đã từng nghe qua 1 lần. Không chỉ nổi tiếng với câu chuyện cổ trên, Okayama còn là một vùng đất mang tính chiến lược lịch sử quan trọng thời Sengoku (thời Chiến Quốc) tại Nhật Bản.

Di chuyển đến địa điểm du lịch Okayama

Bên ngoài ga Okayama

Bên ngoài ga Okayama

Để đến đây, mình bắt chuyến tàu cao tốc Shinkansen từ thành phố Fukuoka, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể lựa chọn di chuyển bằng tàu hoặc máy bay từ các thành phố lớn khác như Tokyo, Osaka hay Kyoto. Bên cạnh thành phố Hiroshima thì Okayama cũng là thành phố lớn trong khu vực Chukoku, vì vậy có rất nhiều tuyến giao thông được khai thác.

Các trải nghiệm khi đi du lịch Okayama

Ga Okayama

Khi di chuyển tới nơi, nếu có đồ đạc lỉnh kỉnh thì mình khuyên các bạn sử dụng dịch vụ Coin Locker trong khu vực ga. Đây là những tủ khóa có giá dao động từ 100 yên – 700 yên (17.000-120.000 đồng) tùy kích thước hành lý.

Phương thức thanh toán cũng vô cùng đa dạng như trả bằng tiền mặt (thường là tiền xu, nếu bạn không có tiền xu thì cũng đừng lo lắng bởi sẽ có một chiếc máy đổi tiền xu ngay cạnh các tủ đồ), thẻ giao thông IC của Nhật (SUICA, PASMO, ICOCA,…), thẻ thanh toán quốc tế như VISA, Master Card;…

Bác lái tàu đĩnh đạc ung dung giữa lối xuống ga

Bác lái tàu đĩnh đạc ung dung giữa lối xuống ga

Khu vực nhà ga được nối liền với một khu trung tâm thương mại, nơi bạn có thể tìm thấy rất nhiều những cửa hàng quần áo, đồ lưu niệm và những nhà hàng bắt mắt phục vụ những món ăn đặc sản tại địa phương như Barasushi (món cơm ăn kèm cùng các loại hải sản tươi sống thái lát hoặc thái hạt lựu), cà ri Bizen (món cà ri được chế biến từ những loại rau, hải sản tươi ngon tại địa phương, được phục vụ trong những chiếc đĩa gốm to lòng vốn được chế tác bởi những người thợ lành nghề của làng gốm Bizen),…

Không giống như tàu điện, tàu cao tốc chạy trên làn đường riêng, đường ray tàu shiden chìm bên dưới nên các phương tiện khác cũng có thể lưu thông qua lại bình thường.

Không giống như tàu điện, tàu cao tốc chạy trên làn đường riêng, đường ray tàu shiden chìm bên dưới nên các phương tiện khác cũng có thể lưu thông qua lại bình thường.

Điểm đến đầu tiên mình dừng chân đó là lâu đài Okayama, từ ga tàu đến lâu đài bạn có thể lựa chọn đi bộ khoảng 1,7km hoặc chuyển sang line tàu địa phương để đến lâu đài. Tàu địa phương hay còn gọi là Shiden (市電) trong tiếng Nhật và tram trong tiếng Anh, tàu thường có kích thước nhỏ, ngắn hơn rất nhiều so với tàu thông thường. Mỗi toa tàu cũng được trang trí cả bên ngoài và bên trong siêu đáng yêu và ngộ nghĩnh. Mình cực kì đề xuất các bạn đi tàu này vì loại tàu này chỉ có ở một số tỉnh thành Nhật Bản.

Sông Asahi – dòng chảy mang tính chiến lược

Dòng sông Asahi trôi lững lờ yên bình ngay mặt tiền khu lâu đài

Dòng sông Asahi trôi lững lờ yên bình ngay mặt tiền khu lâu đài

Tàu sẽ dừng ở bến cuối cùng cách lâu đài vài trăm mét, tại đây bạn sẽ tiếp tục đi bộ lên phía lâu đài theo những biển chỉ dẫn trên đường. Lâu đài nằm trên một ngọn đồi nhỏ và bên dưới là dòng sông Asahi uốn lượn vừa yên bình vừa nên thơ. Thời xưa, việc lựa chọn địa điểm xây dựng lâu đài phải được quyết định một cách cẩn trọng, đặc biệt những yếu tố ngoại vi phải được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm củng cố mục đích phòng thủ. Theo những tư liệu lịch sử từ thời Edo, khi xây dựng lâu đài, dòng chảy chính của sông Asahi đã bị rẽ nhánh nhằm tạo ra những con hào giúp bảo vệ phía Bắc và phía Đông của lâu đài.

Tòa tháp chính Tenshu – biểu tượng uy nghi bề thế đầy tự hào của thành phố

Tòa tháp Tenshu với gam màu đen đặc trưng

Tòa tháp Tenshu với gam màu đen đặc trưng

Trước mặt các bạn đây là phần Tenshu của lâu đài Okayama đã được phục dựng vào năm 1966 bởi trong Thế Chiến II, lâu đài đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Tenshu là một lối kiến trúc đặc trưng trong toàn bộ phạm vi lâu đài, thường là những tòa tháp to và cao nhất, bao quanh bởi những khu vườn, trang viên hay những kiểu kiến trúc nhỏ khác. Nhìn từ xa, tòa tháp Tenshu tuyền một màu đen, điểm xuyết vào giữa đó là những chấm vàng của những chi tiết mái ngói và trắng của cửa sổ.

Ngoài cái tên Okayama, lâu đài còn có tên gọi khác là Kinujo (金烏城), dịch nghĩa chữ Hán là Lâu đài quạ vàng. Chữ “Quạ” là bởi tường lâu đài được ghép từ những miếng ván sơn đen giống như màu lông quạ nhằm bảo quản tốt hơn. Khi nhắc đến thành Ujo, người Nhật cũng hay liên tưởng đến lâu đài Himeji ở tỉnh Hyogo vốn nổi tiếng với màu trắng toát, nên còn được gọi với cái tên là thành Shirasagijo (白鷺城), dịch nghĩa chữ Hán là Thành Hạc.

Các lãnh chúa phô trương quyền uy của mình thông qua những chi tiết trang trí mái ngói dùng trong xây dựng lâu đài.

Các lãnh chúa phô trương quyền uy của mình thông qua những chi tiết trang trí mái ngói dùng trong xây dựng lâu đài.

Chữ “Vàng” trong cái tên Kinujo mang ý nghĩa vàng kim, giàu sang sở dĩ bởi trong quá trình khai quật lâu đài, người ta đã phát hiện ra những mảnh ngói hình cá chép được mạ vàng. Trong thời gian trị vì của mình, lãnh chúa Ukita Hideie đã sai người đúc những mảnh ngói trang trí này nhằm phô trương quyền lực và uy thế của mình.

Rặng trúc bên cạnh khu tháp Tenshu

Rặng trúc bên cạnh khu tháp Tenshu

Một trong những nét đặc biệt nhất không thể không nhắc đến đó là tòa tháp Tenshu có dạng hình ngũ giác, tuy nhiên không phải bởi sự cố tình của người xây dựng mà bởi địa thế tự nhiên của mảnh đồi nơi lâu đài được kiến thiết. Khi tiến đến gần lâu đài hơn, chúng ta thấy có một tòa nhà nhỏ màu trắng tách biệt hẳn với phần tường đen của lâu đài. Hiện nay, địa điểm này không cho phép khách du lịch tham quan, tuy nhiên vào thời xưa, nơi đây được sử dụng như một nhà kho muối, có công dụng tích trữ lương thực đề phòng tình trạng thiếu lương thảo là khi bị quân địch vây khốn.

Tháp canh Tsukimi – biểu tượng của khát vọng hòa bình trước thế cục loạn lạc của thời đại

Tòa tháp canh Tsukimi

Tòa tháp canh Tsukimi

Tòa kiến trúc mà mình ấn tượng nhất bên cạnh Tenshu đó chính là tòa tháp canh Tsukimi (月見櫓). Nơi đây còn giữ nguyên lối kiến trúc kể từ khi được xây dựng vào năm 1620, những năm tháng cuối của thời đại Sengoku (Chiến Quốc), hay còn được nhiều người biết đến hơn với cái cái tên thời đại Samurai, thời kỳ của loạn lạc, chiến tranh liên miên.

Cái tên Tsukimi dịch nghĩa chữ Hán là Nguyệt Kiến, hay được hiểu theo nghĩa vọng nguyệt – ngắm trăng, một cái tên đầy chất thơ và mềm mại, đối nghịch với bối cảnh hỗn loạn, tàn khốc của thời đại. Sự đối lập đó của tòa tháp Tsukimi đã phản ánh rõ thời gian nó được xây dựng, thời đại Edo hòa bình, yên ổn phía trước và thời đại Sengoku đẫm máu, bất ổn phía sau.

Đền Kibitsu – cái nôi của câu chuyện dân gian “Cậu bé quả đào”

Cổng đền với hai bên được trang trí đèn giấy, thấp thoáng phía sau là những rặng cây thông cao xum xuê khiến du khách có phần nhũn nhặn hơn khi đến viếng thăm nơi trú ngụ linh thiêng của các thần

Cổng đền với hai bên được trang trí đèn giấy, thấp thoáng phía sau là những rặng cây thông cao xum xuê khiến du khách có phần nhũn nhặn hơn khi đến viếng thăm nơi trú ngụ linh thiêng của các thần

Bắt chặng tàu rời xa khu trung tâm thành phố Okayama, mình đến với khu đền nổi tiếng tại Okayama là đền Kibitsu (吉備津神社). Hình tượng cậu bé quả đào trong câu chuyện dân gian “Cậu bé quả đào Momotaro” (桃太郎) được cho là xây dựng dựa trên câu truyện thần thoại liên quan đến ngôi đền.

Tương truyền rằng xưa kia, tại nơi đây có một con quỷ tên Ura hoành hành khắp nơi, nó sống trong một tòa lâu đài gần đó, thường xuyên giết hại gia súc khiến dân chúng khổ sở. Nghe tin đó, vị hoàng tử Kibitsuhiko đã lên kế hoạch tiêu diệt con quỷ và dựng doanh trại tại nơi mà nay là đền Kibitsu, tuy nhiên lần nào mũi tên bắn ra cũng đều hụt. Một lần nọ, hoàng tử đã thử bắn hai mũi tên cùng một lúc, mũi thứ nhất vẫn như trước không trúng, nhưng may sao mũi thứ hai đã bắn trúng mắt con quái vật. Ura biến thành một con chim trĩ đỏ và bay đi, sau đó hoàng tử Kibitsuhiko đã biến thành một con diều hâu và đuổi theo. Khi Kibitsuhiko đuổi kịp Ura, con quỷ rơi xuống sông và biến thành một con cá chép, nhưng Kibitsuhiko đã biến thành một con chim cốc. Và sau nhiều lần đánh đuổi, cuối cùng hoàng tử Kibitsuhiko đã đánh bại được quỷ Ura.

Hang lang trứ danh dài hơn 300m là địa điểm vãng lai yêu thích mỗi dịp mùa hoa anh đào nở

Hang lang trứ danh dài hơn 300m là địa điểm vãng lai yêu thích mỗi dịp mùa hoa anh đào nở

Cũng từ câu chuyện thần thoại đó, những nghi lễ quan trọng và linh thiêng được tổ chức hàng năm gắn liền với tích hoàng tử đánh bại quái vật. Trong những nghi lễ đó, nghi lễ bí ẩn nhất có tên Narukama (鳴釜神事), dịch theo chữ Hán nghĩa là nghi lễ Chõ reo. Sau khi tiêu diệt quỷ Ura, hoàng tử đã chặt đầu và treo nó lên cành cây. Tuy nhiên, cái đầu phát ra tiếng kêu gào không ngừng, và để dập tắt âm thanh ồn ào đó, hoàng tử đã nghĩ ra cách chôn nó xuống dưới cái bếp (bên trên là cái chõ dùng để nấu nước) nhưng vẫn không có tác dụng. Sau đó, quỷ Ura hiện về báo mộng cho chàng hãy để vợ mình đến nấu cơm tại đây và nó sẽ truyền những thông điệp mang tính tiên tri đến mọi người. Hoàng tử nghe theo và cái đầu hết la hét.

Sở dĩ nghi lễ này được coi là bí ẩn bởi ngay cả cho đến ngày nay, rất nhiều tín đồ Thần đạo đã đến đây để nghe bói toán nhờ âm thanh phát ra từ chiếc chõ này. Con quỷ có nhiệm vụ báo ra điềm lành và điềm xui, nếu âm thanh chõ to, kêu liên tục thì đó là điềm may, ngược lại nếu âm thanh nhỏ, đứt quãng thì đó là dấu hiệu điềm rủi.

Okayama là một địa điểm du lịch có lẽ không quá xa lạ đối với người Nhật, tuy nhiên đối với du khách quốc tế, đây chắc hẳn vẫn còn là một cái tên lạ lẫm. Không sôi động, náo nhiệt như Tokyo, không mang vẻ cổ kính, trầm mặc như cố đô Kyoto hay tuyệt mỹ như Hokkaido, thành phố Okayama vẫn thu hút khách vãng lai với những nét độc đáo riêng. Đó là lâu đài Okayama, một trong những cứ điểm chính trị quan trọng; hay đó là ngôi đền Kibitsu, cội nguồn của câu chuyện cổ dân gian Momotaro nổi tiếng bậc nhất trong dòng chảy văn minh Nhật Bản.