Trải nghiệm Snowshoeing tại ngọn núi thiêng Daisen

28

Nằm trong khu vực công viên quốc gia Daisen Oki tráng lệ, hùng vĩ là ngọn núi thiêng Daisen, thường được người dân bản địa tự hào với danh xưng “núi Phú Sĩ thứ hai” của Nhật Bản. Daisen là ngọn núi thiêng bởi đây được coi là nơi cư ngụ của những vị thần, vậy nên nơi đây đã không mở cửa du lịch cho đến tận thời Meiji (Minh Trị). Do tiếp xúc muộn với văn minh loài người nên ngọn núi này vẫn giữ được khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp hoang sơ vốn có. Nơi đây còn là một địa điểm hấp dẫn với khách du lịch ưa thích hoạt động thể thao mùa đông như: trượt tuyết, leo núi, lái xe tuyết snow mobile,… Bài viết này muốn giới thiệu đến độc giả bộ môn thể thao snowshoeing (đi bộ trời tuyết với đôi giày chuyên dụng) và chuyến hành hương ngắn tại ngọn núi thiêng Daisen.

Cách di chuyển đến núi Daisen

Để di chuyển đến thị trấn Daisen, mình bắt tàu tại ga Yonago ở thành phố Yonago cũng thuộc tỉnh Tottori, sau đó bắt tiếp xe buýt đến khu tập trung như thông tin trên tour đã hẹn. Mình đặt tour lúc 9 giờ sáng, tuy nhiên không có nhiều tuyến xe và thời gian giữa những chuyến xe cách nhau khá xa nên mình bắt chuyến sớm nhất và có kha khá thời gian đi lang thang ngắm nghía quanh khu vực chờ. Chắc hẳn là mùa đông và cũng cận Tết nên các hàng quán hầu như đóng cửa. Cả khu phố tĩnh lặng, có phần quạnh quẽ và đìu hiu.

snowshoeing tại núi Daisen

Bác tài đang cố gắng xúc lớp tuyết đã đóng thành băng bám vào lốp xe khiến xe “tiến thoái lưỡng nan”

snowshoeing tại núi Daisen

Khung cảnh thị trấn dọc theo triền dốc và lối đi lên khu đền chìm trong lớp tuyết trắng

Đôi điều về tour snowshoeing

Snowshoeing có lẽ vẫn còn là một khái niệm xa lạ tại Việt Nam, tuy nhiên tại những quốc gia thuộc khu vực ôn đới, hàn đới thì đây là một môn thể thao thu hút đông đảo người tham gia bởi sự dễ dàng và giá thành rẻ. Trong chuyến đi lần này, mình đặt tour Daisen snowshoeing có thời gian 3 tiếng với bên Daisen Tourism. Giá tour là 4000 yên (~670.000 VND) cộng thêm chi phí thuê giày snowshoe, gậy trekking là 2200 yên (~370.000 VND). Snowshoeing là bộ môn dễ dàng bởi bạn chỉ cần xỏ giày bạn đang đi vào đôi giày chuyên dụng như hình dưới dây, sau đó làm theo như hướng dẫn của tour guide là bạn hoàn toàn có thể thành thục điều khiển của đôi giày này.

snowshoeing tại núi Daisen

Đôi giày snowshoes và gậy trekking (không bắt buộc) là những trang bị cơ bản của bộ môn thể thao đi bộ trời tuyết snowshoeing

Ngoài ra, trên website cũng đã liệt kê những chú ý đối với trang phục hoạt động ngoài trời khi có tuyết như: lớp áo trong cùng nên mặc áo polyester thoáng khí, nhanh khô khi đổ mồ hôi, tránh mặc áo chất liệu cotton; lớp giữa nên mặc đồ nỉ lông cừu giúp giữ ấm tốt hơn; lớp ngoài cùng nên mặc áo được làm từ chất liệu chống thấm nước, chống gió,…Bên cạnh đó thì ba lô, giày, quần cũng nên là loại chống thấm nước.

Sau khi tham quan hai địa điểm chính, trong tour còn có thiết kế thêm hoạt động “nghỉ ngơi dừng chân” vô cùng đặc biệt. Mọi người sẽ cùng nhau vun đắp tuyết thành một ụ tuyết cao để làm bàn, sau đó ngồi quây quần vừa trò chuyện và vừa thưởng trà ăn bánh.

Núi Daisen – một trong những ngọn núi linh thiêng bậc nhất tại Nhật Bản

Để tìm hiểu nguồn cội về ngọn núi tâm linh này, chúng ta phải lần theo những tư liệu xa xưa nhất được ghi chép lại về vùng Izumo. Theo truyền thuyết, vị thần đầu tiên cai quản đất nước Izumo bấy giờ cho rằng đây là một đất nước non trẻ, chưa hoàn thiện, chính vì vậy, thần đã nảy ra ý tưởng mở rộng bờ cõi bằng cách kéo một phần Silla (đất nước cổ thuộc bán đảo Triều Tiên) và Koshino (nay là tỉnh Niigata nằm ở phía Bắc Tottori) bằng sợi dây thừng. “Sợi dây” được sử dụng vào thời điểm đó nay là bãi biển Yumigahana, còn “chiếc cọc” dùng để cố định nay là núi Daisen. Núi Daisen xưa kia có tên gọi 大神岳 (Okamitake, dịch theo chữ Hán là Đại – Thần – Nhạc, nghĩa là ngọn núi của những vị thần vĩ đại), sau mới đổi tên thành Daisen. Núi Daisen sau này tại thời kỳ hưng thịnh nhất từng là trung tâm Phật giáo lớn nhất phía tây Nhật Bản với nơi thờ phượng chính thu hút đông đảo các tăng lữ đến tu tập là chùa Daisenji.

Trong văn hóa Nhật, những địa điểm linh thiêng như đền chùa thường được xây dựng sâu trong rừng và ở những nơi có vị trí cao như trên sườn núi, sườn đồi. Sở dĩ có văn hóa này là bởi người Nhật quan niệm sau khi tạ thế, những linh hồn của người đã khuất sẽ đi đến ngọn núi gần đó, và tại đây họ sẽ sang thế giới bên kia. Không chỉ vậy, núi còn là nơi cư ngụ của những vị thần; là ranh giới ngăn cách con người với thần linh; vì lẽ đó, hình tượng ngọn núi mang ý nghĩa linh thiêng, đóng vai trò quan trọng trong những hoạt động tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo của người Nhật.

Một ngày hành hương vãn cảnh

Mình chọn trải nghiệm snowshoeing tại núi Daisen là bởi tour được thiết kế giống như một chuyến hành hương nho nhỏ đến khu phức hợp tâm linh tại đây bao gồm ngôi chùa Phật giáo Daisenji và đền thờ Thần đạo Ogamiyama.

Ngôi chùa Phật Giáo Daisenji

Đúng 9 giờ sáng, bác tour guide có mặt tại địa điểm tập trung và yêu cầu mình điền một số thông tin cơ bản cũng như thanh toán chi phí thuê tour, chi phí thuê dụng cụ. Sau đó, bác giới thiệu qua về giày snowshoe, bác bảo khi đi vào rừng sẽ thuyết minh kỹ hơn phần điều khiển cũng như hướng dẫn thực hành bởi giày chỉ có thể đi trên bề mặt tuyết. Nếu đi giày snowshoe trên nền đất cứng thì giày sẽ dễ bị gãy và cũng không thuận tiện cho người sử dụng. Chiều dài của đôi giày phải chừng đến gần 1m, được thiết kế chủ yếu bằng nhựa nên rất nhẹ và tiện mang vác. Bác đưa cho mình giày cùng với gậy trekking, sau đó hai bác cháu vác giày và gậy trên lưng rồi đi bộ dọc theo thị trấn lên khu đền và chùa. Cả đền và chùa đều nằm dọc theo sườn núi.

Khi mình và bác tour guide đang đi lên phía ngôi chùa thì bị chắn lối bởi chiếc xe dọn tuyết to đùng đang hớt tuyết dọn đường, nên bác đã dẫn mình đi lối tắt trong rừng. Trước đó, bác hướng dẫn cách xỏ giày snowshoes cũng như một số kĩ thuật cơ bản cho người mới bắt đầu. Giày đi không hề khó, lại có cấu trúc bè ngang nên khi đi trên bề mặt tuyết xốp và dày thì rất dễ di chuyển, mình không bị lún sâu như khi đi giày thường. Dọc đường đi, mình còn bắt gặp rất nhiều dấu chân của các loài động vật hoang dã. Bác tour guide chỉ cần nhìn thoáng qua là đã có thể phân biệt được đó là thỏ hay cáo, thậm chí bác còn mô phỏng lại cách bước chân của từng loài để mình hình dung rõ hơn.

snowshoeing tại núi Daisen

Lối tắt qua đường rừng trắng xóa, vạn vật im lìm và cực kì tịch mịch, chỉ còn văng vẳng tiếng bước chân lạo xạo trên tuyết của hai bác cháu

Chùa Daisenji được xây dựng bởi một vị sư tên là Kinren. Tương truyền rằng, xưa kia có một vị thợ săn tên Yorimichi trong một lần đi săn, chàng bắt gặp một con sói vàng trồi lên từ dưới biển và đuổi theo nó đến tận núi Daisen. Khi chàng vừa rút mũi tên để bắn con sói thì Bồ Tát Jizo hiện lên và khuyên chàng không nên sát hại sinh linh tội nghiệp. Những lời giảng giải của vị bồ tát đã cảm hóa được trái tim chàng thợ săn. Khi chàng hạ mũi tên xuống, vị Bồ Tát biến mất, con sói vàng bỗng biến thành một nữ tu sĩ, khuyên chàng hãy cùng nhau tu tập và thờ phụng bồ tát Jizo. Người thợ săn nghe theo và lập nơi thờ cúng Bồ Tát Jizo, mà sau này đó chính là vị sư Kinren và ngôi chùa Daisenji tiếng tăm lừng lẫy.

snowshoeing tại núi Daisen

Bức tượng Bồ Tát Jizo đang “đắp chăn tuyết”

Ngay gần bức tượng Bồ Tát Jizo là bức tượng bò Takara được đúc bằng đồng cũng “chăn ấm nệm êm” trong tuyết trắng. Một vị nhà sư nọ cho rằng ngoài vai trò bảo hộ cho trẻ em và gia đình thì vị Bồ Tát này còn vị thần hộ mệnh của gia súc, chính vì vậy đã có rất nhiều người nông dân khi đến viếng thăm chùa Daisenji đã mang theo cả những người bạn làm nông của mình đến đây để cầu nguyện sức khỏe và sự bình an. Chính tín ngưỡng thờ cúng này đã biến vùng chân núi Daisen khi xưa thành một trong ba thị trường chăn nuôi và buôn bán gia súc lớn nhất Nhật Bản.

snowshoeing tại núi Daisen

Bức tượng con bò với chiếc mũi xỏ khuyên đại diện cho cơ nghiệp của người nông dân

snowshoeing tại núi Daisen

Chùa Daisenji có phần khiêm tốn và nép mình so với một thời huy hoàng trong quá khứ

Đền thờ Thần đạo Ogamiyama

Sau một cuộc viếng thăm ngắn ngủi ngôi chùa Daisenji, bác tour guide lại dẫn mình băng qua rừng để đến đền thờ Thần đạo Ogamiyama. Ngôi đền thờ này được chia làm 2 ngôi đền: đền thờ Okumiya, hay được biết đến cái tên là ngôi đền mùa hè – là nơi tổ chức những sự kiện tôn giáo trong mùa hè; đền Ogamiyama (honsha- đền chính), hay được biết đến với cái tên ngôi đền mùa đông, hệt như một nơi “bất khả xâm phạm” của các vị thần ở chốn rừng thiêng.

snowshoeing tại núi Daisen

Ẩn bên dưới lớp tuyết dày là con đường 参道 (Sando, con đường nối liền cổng Tori với khu đền thờ) được lát đá tự nhiên dài 700m, tự hào là con đường lát đá tự nhiên dài nhất Nhật Bản

snowshoeing tại núi Daisen

Sau khi bước qua cổng Tori, băng tiếp qua đường Sando là cổng Shinmon

Ngôi đền hiện nay thờ thần Okuninushi, tuy nhiên trước đó đối tượng được thờ phụng lại là Bồ Tát Jizo do sự ảnh hưởng Phật giáo sâu sắc của ngôi chùa Daisenji kế bên. Trong quá khứ, ngôi chùa Daisenji có tầm ảnh hưởng đến toàn bộ ngọn núi Daisen nói riêng và vùng Chugoku nói chung. Đến thời Meiji, do ảnh hưởng của phong trào 廃仏毀釈 (Haibutsu Kishaku, dịch theo chữ Hán là Phế – Phật – Hủy – Thích, là một phong trào bài trừ Phật giáo), Thần đạo và Phật giáo bị tách khỏi nhau, và sau đó Thần đạo được tôn làm quốc giáo tại Nhật. Xuyên suốt phong trào này đã có rất nhiều ngôi chùa Phật giáo bị dỡ bỏ, cùng với rất nhiều tượng Phật bị phá hủy. Khi đó ngôi đền Ogamiyama cũng chịu ảnh hưởng lớn, các bức tượng Phật bị thay thế và chuyển sang tín ngưỡng thờ Thần. Ngôi chùa Daisenji dù đã từng rất huy hoàng cũng không tránh khỏi những rung chấn của thời cuộc. Ngôi chùa Daisenji bị buộc dừng hoạt động và trở thành tài sản của đền Ogamiyama, và mãi sau này mới được hồi sinh lại nhờ những làn sóng văn hóa mới.

snowshoeing tại núi Daisen

Đền thờ với lối kiến trúc 権現づくり (Gongen zukuri) được làm hoàn toàn bằng gỗ. Đây là lối kiến trúc mà phần 本殿 – Honden (gian thờ chính) và 拝殿 – Haiden (nơi những tín đồ đến cầu nguyện, hành lễ), vốn được tách biệt thành 2 tòa kiến trúc riêng biệt lại được nối liền với nhau thành hình chữ H

Sau khi tham quan kiến trúc bên trong ngôi đền và mua số một loài bùa cầu bình an, chuyến tour hành hương kéo dài hơn 3 tiếng rưỡi đã kết thúc. Bác tour guide lại dẫn mình quay trở lại sảnh chờ xe buýt và dặn dò một số chú ý cơ thể khi về khách sạn tối nay: nên ngâm chân tay nước nóng khi tắm, ăn uống đồ nóng nhằm xua tan khí lạnh,… Đặc biệt bác dặn mình phải bôi thật nhiều kem tay và ủ ấm thật kỹ do hôm đó mình không đi găng tay, lại hay thò tay ra ngoài chụp ảnh nên lúc về bàn tay bị thâm đỏ, hơi sưng phù do quá lạnh. Sau khi tạm biệt bác, mình lại đi loay quanh tìm quán ăn nhưng hầu hết các hàng quán không mở, may mà vẫn mua được mấy lon súp nóng ở máy bán hàng tự động.

snowshoeing tại núi Daisen

Những nhà hàng trong hầu như đóng cửa do không phải mùa cao điểm du lịch

snowshoeing tại núi Daisen

Khu nhà chờ xe buýt có lò sưởi và máy bán hàng tự động phục vụ đồ uống nóng và hai loại súp nóng là súp gà gừng, súp ngô

Processed with VSCO with c1 preset

snowshoeing tại núi Daisen

Trời hửng nắng nhưng gió thổi mạnh hơn khiến trời ngày càng lạnh

Chuyến hành hương bằng giày Snowshoe đến chùa Daisenji và đền Ogamiyama tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cho mình rất nhiều những kỷ niệm khó phai. Chuyến đi cực kỳ phù hợp với những bạn trải nghiệm tuyết lần đầu, vừa muốn trải nghiệm tâm linh vừa muốn được vãn cảnh thiên nhiên. Một địa điểm trải nghiệm thiên nhiên cực kì thú vị nếu như các bạn đến du lịch Nhật Bản vào mùa tuyết.