Đừng đi, nếu không muốn mê thiên nhiên Cao Bằng!

30

thiên nhiên cao bằng

“Sáng ra bờ suối”

Về cách di chuyển và chỗ nghỉ, mình có đề cập trong bài viết “Đến Cao Bằng Vào Ngày Mưa Bay Lất Phất”, bạn có thể tìm kiếm lại trên So Sánh Tour nhé.

Tìm về nơi lưu dấu chân của Bác Hồ ở Pác Bó

Pác Bó là vùng đất cách mạng nổi tiếng trong bài thơ “Tức Cảnh Pác Bó” mà bất kỳ học sinh Việt Nam nào cũng phải học một lần trong đời. Về thăm Pác Bó lần thứ hai rồi, nhưng mình vẫn mê đắm địa danh này bởi phong cảnh ở đây vô cùng thơ. Đó là những triền núi nhấp nhô giữa rừng hoa mơ, hoa mận bung nở, cạnh bên là một dòng suối xanh màu ngọc lục bảo trong vắt. Chính nét đẹp lay động ấy khiến mình thêm yêu mảnh đất này.

thiên nhiên cao bằng

Nước trong xanh soi thấy đáy

Sau khi mua vé ở cổng, bạn sẽ được trung chuyển vào thăm nhà tưởng niệm Bác Hồ và các địa điểm khác như hang Pác Bó, suối Lê Nin. Hôm mình đến, sương sớm bao trùm tạo nên nét hư ảo trên núi Các Mác, phong cảnh này khiến mình nao lòng vì mình cảm giác như đang chìm vào cái tĩnh vắng, nguyên sơ như mộng của núi rừng Pác Bó.

thiên nhiên cao bằng

Một góc ở núi Các Mác

Dạo bước trên con đường mòn bằng đá dẫn vô hang Pác Bó, mình đã bị thu hút bởi khung cảnh sống động, huyền ảo hoặc đến mơ hồ của cảnh vật. Cành lá xanh mướt thắm đợm những giọt sương óng ánh xen cùng bầu không khí yên tĩnh. Hôm đấy, khu di tích rất vắng khách nên mình có cơ hội nhiều hơn để tham quan và chụp ảnh.

thiên nhiên cao bằng

Những luống rau cải xoang xanh tốt ở suổi Lê Nin

Đi bộ tầm 5 phút, mình cũng đến hang để hiểu hơn về nơi Bác Hồ đã từng sinh hoạt và làm việc sau hành trình 30 năm bôn ba tìm con đường cứu nước, cứu dân. Đến mới thấy, mới hiểu về cuộc sống giản dị của Bác đáng kính đến nhường nào. Một chiếc bếp đơn sơ, một chiếc giường tạm bợ trong một cái hang sâu rộng lại là nơi ở của một vị lãnh tụ. Tuy thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng tinh thần của Bác luôn lạc quan vào tương lai tươi sáng của cách mạng Việt Nam. Điều này khiến mình nhớ đến những câu thơ của Bác “Sớm ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

thiên nhiên cao bằng

Bếp củi của người cách mạng vĩ đại

thiên nhiên cao bằng

Chiếc giường chông chênh của Bác ở hang Pác Bó

Trải nghiệm lối sinh hoạt giản dị của người Tày ở làng đá cổ Khuổi Ky

Khuổi Ky có lẽ là cái tên mới trong bản đồ du lịch Cao Bằng. Đây là một làng đá cổ có tuổi đời khoảng 400 năm tuổi, nằm ở huyện Trùng Khánh. Nơi đây nổi tiếng với những ngôi nhà sàn làm bằng đá hàng trăm tuổi, mang vẻ đẹp cổ kính rất riêng của núi rừng Đông Bắc. Mình đã có một đêm nghỉ lại ngôi nhà đá cổ mang tên Quang Thuận homestay.

thiên nhiên cao bằng

Toàn cảnh ngôi làng đá cổ Khuổi Ky

Các ngôi nhà trong làng có kiến trúc bằng đá rất kiên cố, với gian dưới dùng để sinh hoạt gia đình, gian trên phục vụ du lịch. Phía trước nhà, người Tày có treo rất nhiều ngô đã phơi khô trông như trên phim. Theo lời chị chủ homestay, đối với người Tày, đá là một như vị thần linh che chắn, bảo vệ cho người dân làng. Vì thế, họ sử dụng đá cho rất nhiều hoạt động dựng xây.

thiên nhiên cao bằng

Homestay như bước ra từ chuyện cổ tích

Dù chỉ ngủ lại một đêm ở ngôi làng cổ kính này, nhưng mình rất ấn tượng với những con người chân chất, thật thà nơi đây. Hẹn lại Khuổi Ky một ngày nắng đẹp.

Đi Thác Bản Giốc vào lúc không có nước sẽ ra sao?

Có lẽ đây là chuyến đi bất ổn nhất của mình từ trước đến giờ vì thời tiết không suôn sẻ. Mưa từ ngày này đến ngày khác. Không có mưa cũng có sương và đó là tất cả trạng thái thời tiết trong các ngày ở Cao Bằng của mình. Là một người lạc quan, mình nghĩ biết đâu mưa thì Cao Bằng có nét đẹp ẩn giấu mà các hội nhóm review du lịch chưa biết đến.

Và ngay khi ngừng mưa, mình tạm biệt Khuổi Ky để thăm thú kỳ quan Thác Bản Giốc. Lúc này, sương bay nhè nhẹ trên những ngọn núi bên kia biên giới, từ xa xa mình đã thấy những thác nước trắng xóa đổ như một dải lụa trắng lấp lánh giữa rừng.

thiên nhiên cao bằng

Vẻ đẹp bất chấp camera thường

Hôm đấy vì là người khách đầu tiên nên mình khá tự do chụp ảnh nhưng ngược lại mình đi ngay thời điểm thác không có nhiều nước. Đây là lần thứ hai, mình đi không đúng mùa đổ nước. Mình luôn nói vui rằng: chắc có lẽ, mảnh đất này còn muốn mình quay lại một lần nữa. Dù chẳng có nhiều nước nhưng thác vẫn đẹp như tranh vẽ.

thiên nhiên cao bằng

Lần thứ hai đến thác Bản Giốc, cảnh vẫn đẹp như lần thứ nhất

thiên nhiên cao bằng

Dù ít nước nhưng thác phụ cũng rất đẹp

Sau khi mình check in xong ở thác, trời lại mưa tiếp tục và mình phải dầm mưa để về lại thành phố Cao Bằng. Vì vậy, mình đành lỡ hẹn một số nơi cũng đẹp kém cạnh. Nếu có đi Cao Bằng, bạn có thể tham khảo một số điểm du lịch nổi tiếng khác của tỉnh này như:

Gợi ý các món ngon nổi bật của Cao Bằng

Kết

Dù đã về Sài Gòn được một tháng rồi, nhưng mình vẫn luôn nhớ về Cao Bằng. Mảnh đất mù sương, con người nhiệt thành, những khóm hoa rực rỡ trong sương ấy cứ chập chờn trong mỗi giấc mộng. Cái cảm xúc đẹp đẽ, trong trẻo, bình yên mà mảnh đất này mang lại khiến mình lưu luyến mãi. Để rồi nhắc bản thân sẽ đến đây thêm lần nữa để “săn” mùa đẹp nhất ở Cao Bằng.