Hành trình 4 ngày phượt Hà Giang – Cao Bằng

27

Đây là lịch trình không dành cho những tay lái yếu hoặc những bạn yêu thích du lịch nhàn nhã, nghỉ dưỡng. Đây là lịch trình phù hợp cho những bạn yêu thích mạo hiểm, khám phá và có tay lái vững vàng vì mỗi ngày cần di chuyển trên xe máy hơn 100km. Nhưng khi hoàn thành chuyến đi, chắc chắn bạn sẽ có trải nghiệm đáng nhớ vì có thể ngắm trọn vẻ đẹp hùng vĩ của Hà Giang đến non nước Cao Bằng. Nếu muốn thử thách bản thân trên các con đường Đông Bắc, sao không thử xách balo, leo lên xe máy và đi thôi!!

Di chuyển

Từ TP.HCM đặt vé máy bay đến Hà Nội vào buổi tối, hạ cánh vào lúc 20:30, sau đó đón xe khách lên Hà Giang chuyến 21:30. Để tiết kiệm thời gian di chuyển, mình chọn xe khách có đón tại bến xe của sân bay.

Đến Hà Giang vào lúc 5:00 sáng, mình và bạn điện thoại cho anh thuê xe ra đón để được chở về nơi lấy xe. Tại đây, mình với bạn tranh thủ rửa mặt, vệ sinh cá nhân và sắp xếp hành lý cũng như thảo luận lịch trình với anh chủ xe.

Do cả hai tụi mình quyết định đi phượt từ Hà Giang – Cao Bằng bằng xe máy nên anh chủ cho thuê xe số với giá 180,000Đ/ngày. Ngoài ra do thuê xe ở Hà Giang và trả tại Cao Bằng nên mình tốn thêm 800,000Đ tiền vận chuyển xe, đây là chi phí khá lớn nên các bạn cân nhắc trước khi thuê xe nhé.

Chi phí

Thực tế, Hà Giang – Cao Bằng chi phí nhiều nhất sẽ là di chuyển, còn chỗ ở và ăn uống sẽ không tốn nhiều.

Chi phí tổng cộng: 7,3 triệu/người

Lịch trình Hà Giang – Cao Bằng

Ngày 1: TP. Hà Giang – Đồng Văn (120km)

6:00 – Bắt đầu khởi hành từ 6:00 để đến check-in tại cột mốc số 0 thành phố Hà Giang, khi đến nơi đã có rất nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh. Chịu khó để đến lượt chụp xong thì xuất phát đi ăn sáng, bọn mình chọn ăn phở gà. Trời đổ mưa lắt phắt, ngồi xì xụp húp nước phở ấm bụng để khởi hành, hướng vế Quản Bạ.

11:00 – Trời đổ mưa to cũng là lúc mình đến cổng trời Quản Bạ, phía dưới cổng trời là quán cà phê, ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng đợi mưa tạnh. Các bạn có thể leo lên cổng trời để ngắm núi đôi Quản Bạ và toàn cảnh thành phố Hà Giang từ trên cao.

13:00 – Dốc Thẩm Mã, bạn có thể ghé vào chụp ảnh cùng các em đồng bào hoặc ngồi nghỉ ngơi chụp ảnh và ăn nhẹ. Tiếp tục hành trình thẳng tiến Yên Minh, trên đường đi có thể ngắm nhìn khung cảnh núi non hùng vĩ.

phượt hà giang cao bằng

Dốc Thẩm Mã nổi tiếng thách thức các tay lái

15:00 – Đã đến Phố Cáo, có thể dừng chụp ảnh cùng với các ngôi nhà bức tường đá cổ. Phim trường Chuyện của Pao là điểm đến không thể bỏ qua, vào tham quan nhà và chụp cùng với cánh đồng hoa tam giác mạch. Từ đây bạn có thể chạy vào Phó Bảng để khám phá một thị trấn cổ kính, hoang sơ với những ngôi nhà tường vàng nằm san sát nhau với khói bếp lam chiều bình yên, tĩnh lặng.

phượt hà giang cao bằng

Cánh đồng hoa tam giác mạch trước Nhà Của Pao

18:00 – Phố cổ Đồng Văn, tụi mình chọn nghỉ đêm tại homestay Mèn Mén ngay trong phố cổ. Tối se lạnh, đi bộ ra phố chọn nhà hàng để ăn tối lẩu gà đen cùng với mẹt rau khổng lồ, bổ sung chất xơ và vitamin cho hành trình dài sắp tới. Ăn xong đừng quên dạo quanh phố cổ mua thêm trái cây theo mùa để mang theo như lê, táo, cam,…

Ngày 2: Đồng Văn – Xuân Trường, Bảo Lạc (129km)

6:00 – Bắt đầu thức dậy để chuẩn bị, nếu là Chủ Nhật thì thật may mắn vì có thể đi bộ ra phố tham gia chợ phiên cuối tuần. Dạo một vòng quanh chợ để trải nghiệm nhịp sống của người dân địa phương, các mặt hàng bán trong chợ cũng vô cùng đa dạng từ thực phẩm đến khu chợ gia súc khi ngựa, trâu, lợn, bò được rao bán tìm chủ mới vô cùng náo nhiệt.

phượt hà giang cao bằng

Chợ phiên Đồng Văn nhộn nhịp chỉ mở cuối tuần

8:00 – Ăn sáng tại bánh cuốn Bà Hà tại phố cổ, đây là tiệm cực kỳ đông đúc nên rất dễ tìm, nhưng theo khẩu vị cá nhân của mình thì dễ ăn chứ không đặc sắc.

9:00 – Trả phòng và tiếp tục “khăn gói" hành lý lên xe để chạy về hướng Mã Pí Lèng. Vừa rời khỏi thành phố ngay lập tức hai đứa mình gặp ngay thử thách. Do tối qua trời mưa nên có một khúc đường bị sạt đất, phía dưới đường là bùn nhão vô cùng trơn trượt, nhiều xe đi trước đã ngã rất thảm, chưa kể giày còn bị dính bùn đất. Các anh em phượt thủ đi ngang có hướng dẫn cho tụi mình lấy đỡ bọc nilon quấn giày để không bị dơ, và chạy thật chậm qua khu đất bùn, đoạn cuối khi qua đến nền nhựa, bánh xe dính đất trơn trượt suýt ngã nhưng rất may bạn mình trụ chân kịp nên không ngã quá nặng. Vì thế lưu ý mọi người nên trang bị bọc nilon chuyên dụng cho giày đi mưa cho những trường hợp này nhé. Sau đó, mình với bạn tiếp tục hành trình nhưng do xe dính bùn rất nhiều nên tụi mình đã ghé ngay tiệm sửa xe để nhờ rửa xe, bánh xe sạch bùn cũng an tâm hơn hẳn, tụi mình bon bon tiếp hành trình thẳng tiến Mã Pí Lèng.

11:00 – Dừng chân tại Mã Pí Lèng ngắm nhìn sông Nho Quế, nếu đi vào mùa nước đổ (tháng 9-11) thì không may sông đục màu phù sa, còn các tháng còn lại nước sông ngọc bích đẹp tuyệt vời. Men theo Cung đường hạnh phúc tiến về Mèo Vạc.

phượt hà giang cao bằng

Dừng chân tại Mã Pí Lèng ngắm nhìn sông Nho Quế

13:00 – Mèo Vạc thẳng tiến Xuân Trường, Bảo Lạc. Quãng đường có rất nhiều khúc cua tay áo nguy hiểm và nhiều mạch nước ngầm chảy từ vách núi xuống, cảnh quan thiên nhiên cũng thay đổi dần dần từ núi non hiểm trở xuống ruộng lúa mênh mông rồi các rừng tre hai bên đường.

16:00 – Đến đèo Mẻ Pia hay còn gọi là đèo Khau Cốc Chà 15 tầng, một cung đường đèo nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng trên một sườn núi cao dựng đứng. Đường mòn Mẻ Pia sau khi được mở rộng, trải thảm nhựa có 14 khúc “cua tay áo” tạo thành 15 tầng đèo, đỉnh đèo là bản Cốc Chà, kể từ đó đường mòn Mẻ Pia mang một tên mới, Khau Cốc Chà.

Nếu bạn tự tin vào tay lái của mình, nhất định phải trải nghiệm 2,5km đường đèo đi hết 15 tầng quanh co trên dốc núi, Thực ra, đường đèo không quá khó chạy, bạn chỉ lưu ý đừng đánh vòng rộng quá vì ngoặt khúc có nhiều điểm mù khó thấy xe lớn chạy chiều ngược lại.

Khi chạy hết 15 tầng lên tới nơi bạn sẽ thấy tiệm tạp hóa của gia đình ông Nông Văn Ngoan, bạn có thể gửi xe tại đây, mua nước và leo lên đỉnh núi Pác Thốc ở chếch bên đối diện, sẽ tới một điểm vọng cảnh check-in do người dân dựng lên.

phượt hà giang cao bằng

Từ đỉnh núi Pác Thốc ngắm đèo Khau Cốc Chà

Đường lên điểm vọng cảnh trên núi Pác Thốc cũng chính là con đường hàng ngày vợ chồng ông đi chăn dê mà tìm ra. Đi theo đường mòn 2km có các mũi tên sơn đỏ đánh dấu từ 40 phút đến 1 tiếng bạn sẽ thấy chuồng dê, tiếp tục leo lên 100m để thấy cảnh quan mở mang tầm mắt. Đứng trên đỉnh Pác Thốc nhìn xuống, đèo Khau Cốc Chà uốn khúc như một dải lụa nhỏ mềm mại vắt qua sườn núi, tạo “nét vẽ” phá cách tô điểm cho bát ngát màu xanh núi rừng. Đây cũng chính là điểm dừng chân dành cho du khách, những “phượt thủ” trẻ thỏa mãn ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, hiểm trở và kỳ vĩ của đèo Khau Cốc Chà.

phượt hà giang cao bằng

Cung đường đèo có 14 khúc “cua tay áo” tạo thành 15 tầng đèo

18:00 – Leo xuống núi để trở về tiệm tạp hóa trời cũng đã sập tối, cô chú chủ tiệm khuyên đường chạy từ Xuân Trường tiếp về hướng Pác Bó rất khó đi buổi tối do không có đèn đường, sương mù nhiều và cua đèo rất nguy hiểm. Tụi mình nên chạy xuống khoảng 15 phút đến thị trấn để tìm nhà nghỉ ở một đêm, sáng hãy tiếp tục hành trình. Vì thế, tụi mình đã chọn Homestay Xuân Trường theo chỉ dẫn Google Maps, một homestay được bao quanh bởi ruộng lúa.

19:00 – Tụi mình đến nơi vào lúc 19:00 tối trong sự bất ngờ của anh chị chủ homestay vì không hề đặt trước nhưng rất may mắn vì được tiếp đón nồng hậu. Mình và bạn là hai khách duy nhất của homestay và được sắp xếp ở trong căn phòng gỗ rất ấm cúng và tiện nghi. Rất may là trước đó ở tiệm tạp hóa tụi mình đã đánh chén bằng mì gói nên đêm hôm đó tụi mình mệt lả người và ngủ rất sớm.

Ngày 3: Bảo Lạc – Pác Bó – Thác Bản Giốc (139km)

6:00 – Như thường lệ mình dậy sớm để đi dạo quanh homestay do tối qua đến trễ nên thực ra đến bây giờ mình mới thấy rõ quan cảnh toàn bộ căn nhà được bao quanh bởi ruộng lúa bát ngát với dãy núi ẩn hiện xa xa trong sương sớm. Trước nhà còn trồng một cây hồng say trĩu quả nhìn rất mê nhưng chưa ăn được do chưa chín.

phượt hà giang cao bằng

Homestay Xuân Trường với cây hồng say trĩu quả cùng với giá rẻ bất ngờ khiến mình yêu ngay người Cao Bằng

8:00 – Tụi mình trả phòng và bất ngờ vì chị chủ chỉ lấy 50,000Đ/người cho một đêm nghỉ lại, tụi mình đã đưa 200,000Đ cho hai người nhưng chị nhất quyết trả lại tiền thừa còn tặng thêm một trái thanh long mới hái ngoài vườn cho tụi mình làm hành trang lên đường. Đến đây tụi mình thực sự cảm mến sự nồng hậu của người dân Cao Bằng. Sau đó tụi mình xuất phát hướng từ Xuân Trường đi Pác Bó, Suối Lênin.

phượt hà giang cao bằng

11:00 – Đến Pác Bó, Suối Lênin, vé vào cổng 45,000Đ/người bao gồm xe điện đi thẳng vào suối Lênin trong vắt, càng đi sâu vào nước càng xanh trong. Xung quanh khu suối có những hàng cây, bãi cỏ rất thơ mộng. Đi bộ qua con suối mà Bác Hồ từng câu cá tiến đến hang Pác Pó đúng như câu thơ trong của Bác trong bài Tức cảnh Pác Bó “Sáng ra bờ suối, tối vào hang". Hang Pác Bó hay còn được gọi là hang Cốc Pó chỉ rộng khoảng 15m2, là nơi bác sống và làm việc thuở mới về nước, đây là nơi chứa đựng nhiều dấu ấn của Người. Trong Hang có tấm phản gỗ Bác Hồ nằm nghỉ, bếp lửa sưởi ấm, bàn đá chông chênh nơi người làm việc, hay tảng đá bằng Bác hay ngồi câu cá cạnh suối Lê Nin, vườn trúc cạnh hang Bác tự tay trồng… tất cả vẫn còn đó, và đã trở thành những dấu ấn lịch sử quan trọng của khu di tích lịch sử Pác Bó.

13:00 – Xuất phát đến thác Bản Giốc, trên đường đi có thể ghé qua các quán ăn địa phương đi thử phở vịt hoặc phở lạp xưởng.

15:30 – Đến Thác Bản Giốc nhận phòng, mình chọn ở homestay Yến Nhi nhà sàn đá cổ nghi ngơi. Bạn có thể đặt ăn cơm chiều tại homestay với các món ăn địa phương như rau bò khai xào, thịt ba chỉ cháy tỏi, lạp xưởng chiên,… Nếu còn thời gian bạn có thể đi khám phá động Ngườm Ngao gần đó.

Ngày 4: Thác Bản Giốc – Núi Thủng – TP. Cao Bằng (92km)

6:00 – Dậy sớm đi ăn sáng, trời lại đổ cơn mưa nhỏ, hai đứa mình chọn ăn bánh cuốn tại một quán ven đường trên đường đến Thác Bản Giốc.

8:00 – Trên đường đến Thác Bản Giốc bạn có thể ngắm từ trên cao để thấy trọn vẻ đẹp nhiều tầng của thác. Đường dẫn tới thác quanh co, uốn lượn lưng núi. Khi đến đây du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thác nước mà còn tận hưởng không khí trong lành, gần gũi thiên nhiên Thác nằm giữa biên giới Việt – Trung, nếu nhìn từ chân thác thì có 2 phần thác bên trái (gọi là thác phụ) và phần thác bên phải (gọi là thác chính). Thác phụ và một nửa thác chính bên tay trái thuộc về chủ quyền Việt Nam. Nửa còn lại bên phải của thác chính thuộc về Trung Quốc. Bạn có thể đi thuyền ra giữa thác để ngắm cảnh và chụp ảnh kỷ niệm với giá 50,000Đ/người.
11:00 – Về lại homestay trả phòng và xuất phát về thành phố Cao Bằng trên đường đi bạn có thể ghé núi Thủng hay còn gọi núi Mắt Thần.

phượt hà giang cao bằng

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thác Bản Giốc và tận hưởng không khí trong lành

13:00 – Đến núi Mắt Thần để ngắm cảnh và chụp ảnh, lưu ý bạn cần đem theo thức ăn để ăn trưa tại đây nhé. Được ưu ái bởi sự hòa quyện của sắc xanh lam của bầu trời và màu xanh ngát của những thảm cỏ trải dài quanh bản Danh, Núi Mắt Thần hay Núi Thủng Cao Bằng đã tạo nên một tuyệt tác thiên nhiên đầy tính nghệ thuật.

phượt hà giang cao bằng

Núi Thủng Cao Bằng là một tuyệt tác thiên nhiên đầy tính nghệ thuật

18:00 – Về lại thành phố Cao Bằng, ăn uống trong thành phố, trả xe máy và đợi xe khách đi về lại Hà Nội. Kết thúc hành trình 4 ngày phượt xe máy Hà Giang – Cao Bằng đầy mưa gió.

phượt hà giang cao bằng

Khung cảnh hai bên đường đẹp tuyệt vời khi chạy xe về thành phố Cao Bằng

Lưu ý cho chuyến hành trình:

Có thể nói hành trình phượt Hà Giang – Cao Bằng của tụi mình chính là chuyến đi thanh xuân đầy đặc sắc. Có gian khổ, có mạo hiểm nhưng cũng thú vị vì đã chinh phục được những cung đường đèo uốn lượn nổi tiếng và có cơ hội được gặp gỡ tiếp xúc với con người hiền hòa cũng như cảm nhận cuộc sống dung dị, mộc giữa đất trời Đông Bắc. Nếu trang bị kỹ càng về sức khỏe và hành trang thì đi phượt bằng xe máy Hà Giang – Cao Bằng chính là gợi ý không tồi để bạn thử sức.