Nếu đang có ý định du lịch miền Tây và ghé về đất sen hồng Đồng Tháp thì nhất định phải ghé qua Sa Đéc bởi nơi đây mang trong mình vẻ đẹp bình yên, dung dị của những ngày xưa cũ. Về đây ta như sống lại miền Tây thời kì hoài cổ cất giữ nét đẹp cổ kính của từng thế kỷ. Dọc theo hai bên bờ sông là những ngôi nhà cổ Sa Đéc cùng nhiều công trình mang lối kiến trúc cổ xưa đang chờ chúng ta tới check in.
Tại thành phố Sa Đéc có một ngôi nhà cổcòn nguyên vẹn và lớn bậc nhất miền Tây đã tồn tại hơn 100 năm. Không chỉ có lối kiến trúc cổkết hợp giữa hai lối kiến trúc Đông – Tây, câu chuyện "ngôn tình" không biên giới đầy lãng mạn phía sau nó là thứ nhiều người tò mò hơn cả. Và đó là:
Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tọa lạc tại số 255A, đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam.
Phía ngoài mang phong cách châu Âu của ngôi nhà cổ
Ngôi nhà cổ do ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của ông Huỳnh Thủy Lê), một thương gia người Hoa (Phúc Kiến, Trung Quốc) nổi tiếng giàu có một thời ở Sa Đéc, xây dựng vào năm 1895 giữa khu thị tứ mua bán náo nhiệt nằm ven sông Sa Đéc.
Ban đầu, đây là một ngôi nhà ba gian kiểu truyền thống của miền Tây Nam Bộ, với nguyên vật liệu chính là gỗ quý, và mái nhà hình thuyền lợp ngói âm dương. Đến năm 1917, chủ nhân lại cho trùng tu lại ngôi nhà bằng gạch đặc bao lấy khung gỗ bên trong. Do đó, trông bề ngoài là một ngôi biệt thự kiểu Pháp, nhưng vào bên trong, lại thấy một lối kiến trúc mang đậm màu sắc Trung Hoa.
Khu vực mặt tiền với kiến trúc độc đáo theo phong cách phương Tây
Là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Toàn bộ ngôi nhà được xây dựng trên diện tích 258 mét vuông có hình dáng theo kiểu nhà truyền thống người Việt, mái lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền theo kiểu đình chùa Bắc bộ nhằm tạo nét mềm mại cho mái. Tuy nhiên, kiến trúc bên trong nhà cao ráo thoáng mát, tường được xây bằng gạch đặc rất dày từ 30-40cm bao lấy kết cấu khung gỗ làm tăng khả năng chịu lực theo lối kiến trúc truyền thống của Pháp.
Bước vào phía bên trong căn nhà với lối kiến trúc mang đậm màu sắc Trung Hoa
Nhà có ba gian, trang trí bên trong theo kiểu người Hoa. Các bao lơn, thành vọng sơn son thếp vàng, chạm khắc rất giống như chùa người Hoa, khung bao lơn chính giữa có chạm đôi Loan Phụng thể hiện “Loan Phụng hòa minh sắc cầm thỏa hiệp” có ý nghĩa là hạnh phúc trường tồn. Các khung bao hai bên chạm trổ chim muông hoa lá thể hiện sự sung túc của gia đình.
Nội thất bên trong còn vẹn nguyên như ngày nào
Một nét độc đáo trong các mô – típ trang trí của tòa nhà là theo yếu tố phong thủy, hình tượng tứ linh được thể hiện “long, lân, bức (con dơi), phụng”, mà không phải là “long, lân, quy, phụng”.
Kiến trúc phương Tây thể hiện rõ ở phần mặt tiền nhà, trần nhà, khung cửa sổ…, tất cả được trang trí bằng các phù điêu kiểu thời Phục hưng. Vòm cửa cong theo kiến trúc La Mã. Phần kiến trúc phương Đông được thấy qua những đường nét chạm khắc rất sắc sảo và được sơn son thếp vàng như hình chim muông, cây trái và các loại hoa như: trúc, mai, cúc, đào… Mặt ngoài ngôi nhà cổ có kiến trúc phương Tây pha trộn kiểu Hoa.
Nội thất ngôi nhà được bảo quản tốt đến tận ngày nay
Diện tích nhà không lớn, chia làm ba gian, phần ngoài thờ tự và tiếp khách, phần sau có hai phòng ngủ hai bên tạo một hành lang rộng dẫn xuống nhà dưới. Bên trong nhà, một vài vật liệu nội thất như gạch bông, kính màu được nhập từ Pháp, trần laphông gian giữa trang trí rồng, dơi… rất tinh xảo.
Từng vật dụng ngày nào mang cảm giác địa chủ phong kiến
Các cửa gỗ, các loại tủ, giường, bàn thờ đều được chạm khắc rất công phu. Những đồ dùng trong gia đình như tủ rượu, giá sách hay những bộ ấm, bình, đèn, máy hát vẫn được lưu giữ đến ngày nay.
Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, ngôi nhà vẫn còn được gìn giữ khá nguyên vẹn và trở thành biểu tượng cho một nền kiến trúc độc đáo hàng trăm năm trước.
Nội thất bên trong ngôi nhà chạm khắc công phu
Ngôi nhà cổ được nhiều người biết đến từ khi tiểu thuyết L’Amant của nữ văn sĩ người Pháp Margueritte Duras được đạo diễn Jean – Jacques Annaud dựng thành bộ phim nổi tiếng là. Những tình tiết trong phim đã từng lấy không ít nước mắt của nhiều người khi xem. Huỳnh Thủy Lê là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này và nữ văn sĩ người Pháp này cũng chính là người tình của ông Huỳnh Thủy Lê.
Nữ văn sĩ Marguerite Duras và Cuốn tiểu thuyết Người Tình
Hai người tình cờ gặp gỡ trên chuyến phà Mỹ Thuận năm 1929, khi nàng vừa mới chưa đầy 16 tuổi và chàng đã 32 tuổi. Họ đã có một mối tình thật đẹp với nhau. Tuy vậy, họ lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của ông Huỳnh Cẩm Thuận.
Gia tộc họ Huỳnh là dòng dõi gốc Hoa có tiếng lúc bấy giờ. Việc lấy vợ là một cô gái Tây và gia cảnh không quá tốt là điều bị cấm kỵ. Lúc ấy, ông Huỳnh Thủy Lê đã van xin cha mình hết mực nhưng vẫn bị khước từ. Mối tình kéo dài 18 tháng với những ngọt ngào đan xen đau khổ; dằn vặt cuối cùng cũng kết thúc. Chàng trai Huỳnh Thủy Lê phải theo ý cha mẹ lấy một cô vợ người Hoa. Còn cô gái nhận một số tiền lớn của nhà họ Huỳnh và quay về nước, họ chia ly trong nước mắt.
Áp phích phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên
Với những cảm xúc chân thật của cuộc tình đã qua, năm 1984 nữ văn sĩ Marguerite Duras đã xuất bản tiểu thuyết Người tình kể lại chính cuộc tình buồn của mình và Huỳnh Thủy Lê. Tiểu thuyết đã gây được tiếng vang lớn lúc bấy giờ và được dịch ra 43 thứ tiếng, dựng thành phim cùng tên và nhận được về nhiều giải thưởng danh giá.
Cảm giác như đang được chứng kiến câu chuyện tình yêu bất diệt năm nào
Ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vốn không phải là nơi diễn ra mối tình giữa nàng và chàng với những giây phút nồng ấm. Song người ta vẫn muốn tìm đến nơi người tình của Margueritte từng sống để hình dung một không gian cổ xưa với nền văn hóa đậm nét Trung Hoa hòa lẫn văn hóa vùng sông nước miền Tây. Tới đây, để cảm nhận được hơi thở mãnh liệt từ câu chuyện tình yêu ngắn ngủi nhưng bất diệt.
Tiếp nối những điều hoài cổ, sống lại thời kỳ thịnh vượng, sầm uất ở Sa Đéc lúc bấy giờ và nằm ngay cạnh nhà cổ Huỳnh Thủy Lê thì ghé tới:
Những ngôi nhà cổ dọc bờ sông Sa Đéc
Nếu Hội An có khu phố cổ nức tiếng cả trong nước lẫn quốc tế, thì tại thành phố Sa Đéc -Đồng Tháp cũng sở hữu khu phố đầy cổ kính, ma mị mà không phải ai cũng biết tới. Khung cảnh trầm buồn, nhuốm màu thời gian của những ngôi nhà trải dài trong khu phố lâu đời này. Thoạt nhìn qua hẳn sẽ chẳng ai nghĩ đây là miền Tây đâu!
Dọc đường Nguyễn Huệ với những khu nhà cổ kính
Tỉnh Sa Đéc được thành lập ngày 1/1/1990,tồn tại vào thời Pháp thuộc tên là Sadék và bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể cuối năm 1956, tuy nhiên sau đó tỉnh Sa Đéc lại được chính quyền Việt Nam Cộng hòa tái lập năm 1966. Từ tháng 2 năm 1976, địa danh Sa Đéc được sát nhập với tỉnh Kiến Phong để trở thành tỉnh Đồng Tháp như ngày nay.
Nhà cổ Sa Đéc vẫn giữ được nét kiến trúc ngày xưa
Để có được một Sa Đéc như ngày hôm nay, vùng đất Sa Đéc đã trải qua cả quá trình lịch sử lâu đời. Do địa thế khá đặc biệt, rất thuận lợi về nhiều mặt, nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, Sa Đéc từ lâu đã được chọn làm đầu mối giao thương kinh tế ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trải qua quá trình lịch sử lâu đời, Sa Đéc mới có được màu sắc cổ kính
Từng góc phố gợi lên 1 thời kì sầm uất của Sa Đéc
Là một đô thị cổ, từng là nơi giao thương sầm uất của người Kinh, Hoa, Pháp, Khmer nên những dấu tích của người xưa vẫn còn hiển hiện tại Sa Đéc cho đến ngày nay và được thể hiện rõ nhất qua các ngôi nhà cổ.
Những bức tường vàng đan xen giữa những căn nhà đã được trùng tu mới mẻ
Ngoài nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê, dọc theo hai bên bờ sông Sa Đéc trên con đường Nguyễn Huệ dễ dàng bắt gặp rất nhiều công trình mang lối kiến trúc cổ xưa khác. Đó là những ngôi nhà ba gian, lợp ngói âm dương, có nhiều chi tiết chạm khắc tinh tế đặc trưng của những địa chủ, phú hộ xưa. Hoặc đó có thể chỉ là những ngôi nhà ống, tường vàng giản dị nhưng vẫn quyến rũ một nét màu rêu phong của thời gian.
Kiến trúc thiết kế chịu ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác nhau
Điểm khác biệt so với nhà cổ ở Hội An đó là Nhà cổ ở Sa Đéc không tập trung thành 1 vùng lớn mà trải dài dọc bờ sông Sa Đéc, đan xen bởi những công trình hiện đại và nhiều ngôi nhà khác nhau đã bị trùng tu nên không còn được vẻ hoành tráng ấn tượng như ban đầu nữa. Tuy nhiên, với những kiến trúc cổ kính có tuổi đời trăm năm ẩn hiện hai bên bờ sông là nét vẽ tô điểm cho bức tranh thành phố Sa Đéc – một đô thị sầm uất, náo nhiệt ngày xưa.
Từng góc phố cổ xưa nhuốm màu thời gian
Giờ đây nếu có cơ hội đặt chân đến Sa Đéc – Đồng Tháp, đừng quên ghé thăm những góc check-in đầy vẻ cổ kính, hoài cổ, dung dị và bình yên nhé!