Nếu bạn đã biết đến Phú Yên – xứ xở hoa vàng trên cỏ xanh với Tháp Nghinh Phong – biểu tượng bên bờ biển Tuy Hòa, Hải đăng Đại Lãnh – một trong những nơi đón bình minh đầu tiên ở Việt Nam hay vịnh Vĩnh Rô, Bãi Môn, Bãi Xép,… thì trong bài viết này mình muốn chia sẻ với các bạn một Phú Yên thật khác, hoang sơ và gần gũi với núi rừng hơn. Điểm đến lần này là huyện Đồng Xuân nằm ở phía Tây và huyện Tuy An nằm ở phía Bắc của Phú Yên.
Thiên nhiên hoang sơ ở Phú Yên
Các địa điểm du lịch tại Phú Yên
Đôi nét về huyện Đồng Xuân – Phú Yên
Đồng Xuân là một huyện miền núi phía Tây vẫn còn nhiều cảnh đẹp hoang sơ, núi rừng bạt ngàn. Nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa 45km, với địa hình núi cao và thung lũng, uốn lượn quanh sông Kỳ Lộ và sông Trà Bương, Đồng Xuân chính là bức tranh phong cảnh thơ mộng của miền an yên.
Những cánh đồng lúa ở Đồng Xuân sau mùa gặt
Tụi mình đến Đồng Xuân vào mùa hè, thời tiết sáng sớm se lạnh, những dãy núi cao được bao phủ bởi mây mù trắng xóa, tuy nhiên nắng trưa lại khá oi bức đúng tính chất của vùng đất duyên hải miền Trung và mát mẻ trở lại vào buổi chiều tối. Đặc biệt, nơi đây có tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy ngang qua với điểm dừng là ga La Hai – cũng là tên của thị trấn phố núi xinh đẹp của Đồng Xuân.
Cầu sắt La Hai
Suối Mơ Đa Lộc
Suối Mơ Đa Lộc
Mình có cơ hội khám phá nơi đây nhân dịp về quê của người anh và được “thổ địa” Phú Yên dẫn đường nên chuyến đi lần này rất nhiều trải nghiệm thú vị. Tụi mình khởi hành đi Suối Mơ từ trung tâm thị trấn La Hai – Đồng Xuân, mất khoảng 40-45 phút cho đoạn đường hơn 20km.
Hoa vàng cỏ xanh hai bên đường đến Suối Mơ
Phần lớn đường đi đến suối Mơ Đa Lộc là đường song hành với tuyến đường sắt Bắc – Nam, đường đi khá bằng phẳng, không quá rộng những vẫn đủ cho xe máy và xe ô tô chạy song song. Hai bên đường là nhà dân thưa thớt, núi rừng và những cánh đồng hoa vàng trên cỏ xanh mát mắt. Dù có thể di chuyển bằng ô tô nhưng mình khuyến khích các bạn nên phượt bằng xe máy, để tận mắt ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên quá đỗi yên bình nơi đây.
Khung cảnh trên đường đến Suối Mơ
Do địa điểm khá xa thành phố nên suối Mơ gần gũi với dân địa phương hơn, mọi người thường hay lựa chọn tắm suối và cắm trại vào cuối tuần. Nếu đi vào ngày trong tuần như tụi mình thì khá ít khách, chỉ gặp vài cậu nhóc tắm suối sau giờ học và người dân tộc địa phương đi rẫy.
Đường đi bộ vào suối Mơ
Suối Mơ không quá lớn nhưng có vài khu vực để cắm trại, nướng đồ ăn và tắm suối khác nhau. Đường dẫn vào suối Mơ đầy những tảng đá to len lỏi qua dòng suối, nên buộc bạn phải để xe máy ở ngoài và đi bộ vào trong. Vì suối nằm ẩn mình dưới tán rừng nên không khí vô cùng mát mẻ dù giữa trưa trời oi bức. Nước suối trong lành mát lạnh chảy róc rách. Hãy thử tắt điện thoại để đắm chìm hoàn toàn vào bầu khí thiên nhiên quá đỗi “chill” của núi rừng Phú Yên nhé.
Suối Mơ nằm ẩn mình bên bìa rừng mát mẻ
Tụi mình chuẩn bị một số thức ăn mang theo: nước giải khát, trái cây, thịt ba chỉ và một con gà ướp sẵn để nướng.Vì là con suối hoang sơ nên không có các cơ sở vật chất hay dịch vụ du lịch, bạn có thể để tạm đồ ăn bên bờ suối, cũng như mặc sẵn đồ tắm ở trong và thay phiên canh chừng cho nhau để thay quần áo sau khi tắm xong nhé.
Đồ ăn tụi mình chuẩn bị sẵn bên bờ suối
Những đoạn nước chảy mạnh
Thả hồn theo làn nước mát
Sau khi tắm suối xong thì tụi mình thấm mệt, thay quần áo và làm một buổi picnic nhỏ đã chuẩn bị sẵn. Không gì tuyệt hơn được ăn đồ nướng bên bờ suối, tâm sự nhỏ to cùng nhau, nằm trên tản đá tròn nhìn những vạt nắng vàng xuyên qua tán lá. Đừng quên check-in lưu lại kỷ niệm cùng khung cảnh núi rừng ở đây nhé. Trải nghiệm này phải nói là quá mới mẻ và tuyệt vời với mình.
Check-in bên dòng suối mát lạnh
Suối nước nóng Triêm Đức
Suối nước nóng Triêm Đức
Suối nước nóng Triêm Đức nằm khá gần trung tâm thị trấn La Hai, chỉ khoảng 8-9km. Khi đến nơi sẽ có có một quán nước nhỏ, các bạn có thể mua nước và xin phép chủ quán gửi xe lại đây cũng như sử dụng nhà vệ sinh nếu cần. Nếu đi suối nước nóng nên đừng quên chuẩn bị ít trứng gà, trứng cút để luộc chín ăn liền bằng dòng nước nóng hoàn toàn tự nhiên nơi đây nhé.
Khe suối nhỏ với dòng nước nóng hoàn toàn tự nhiên
Dưới dòng suối nóng là hồ nước nhỏ, không quá sâu chỉ tầm ngang bụng người trưởng thành, Nước khá ấm, có vùng lạnh vùng nóng thay đổi linh hoạt theo dòng nước khá thú vị. Ngoài ra, dưới lòng hồ là lớp bùn khoáng tự nhiên rất tốt cho da mặt và cơ thể. Đừng ngần ngại thử đắp một ít bùn non nên da, mát-xa nhẹ nhàng và cảm nhận sự mềm mại của bùn khoáng.
Hồ tắm nước nóng giữa thiên nhiên
Hải đăng Gành Đèn
Hải đăng Gành Đèn nằm cách thành phố Tuy Hòa khoảng 35km và huyện Đồng Xuân khoảng 30km. Vì ngọn hải đăng nhìn thẳng ra biển Đông nên tụi mình chọn khởi hành sáng sớm để kịp ngắm bình minh. Suốt quãng đường, tụi mình cứ chạy theo ánh mặt trời, cuối cùng cũng mở ra biển cả với đường chân trời ửng hồng.
Bình minh ở Gành Đèn
Ngọn hải đăng có chiều cao khoảng 10 mét và tầm đèn chiếu hơn 17 hải lý. Với cấu trúc hải đăng điển hình mang hai màu trắng – đỏ đặc trưng, nằm giữa bãi đá hoang sơ tạo nên khung cảnh buổi sớm mai vô cùng bình yên. Với ai chơi ảnh film thì đây quả là địa điểm lí tưởng để cho ra những tấm ảnh ngập màu nắng vàng giữa biển xanh.
Hải đăng Gành Đèn
Bình minh buổi sớm mai hứa hẹn cho ra những thước ảnh film ngập màu nắng
Vượt qua những phiến đá to để đến gần với biển cả
Hai bên đường đi bộ dẫn xuống Hải đăng là thảm cỏ xanh bên những bụi xương rồng và những phiến đá hồng đặc trưng. Hải Đăng được bao quanh bởi những tảng đá rất lớn nhô lên từ dưới biển, đường đi lên hải đăng được bắt cầu nhưng đường đi ra những tản đá sát biển thì hoàn toàn không. Các bạn nên cực kì cẩn thận để vượt qua những tản đá nếu muốn ra gần với biển cả hơn nhé. Còn gì tuyệt hơn được ngồi đây nhìn biển cả Phú Yên thơ mộng, xa xa là vài chiếc thuyền đánh cá đang neo đậu trên Vịnh Xuân Đài êm ả.
Đường đi xuống hải đăng nhìn thẳng ra Vịnh Xuân Đài
Một góc Vịnh Xuân Đài
Bãi xương rồng cạnh hải đăng Gành Đèn
Gành Đá Đĩa – Di sản địa chất nổi tiếng nhất Phú Yên
Cột mốc Gành Đá Đĩa
Nếu đã đến Tuy An thì không thể ghé thăm di sản địa chất Gành Đá Dĩa nằm ngay cạnh hải đăng Gành Đèn. Nơi đây đã quá nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước, tuy nhiên với những người lần đầu đến đây như mình thì không khỏi vỡ òa và thán phục trước tạo hóa kỳ diệu của tự nhiên.
Một nhánh Gành Đá Đĩa nhô ra biển
Theo thông tin nghiên cứu, bazan tại khu vực này hình thành do hoạt động phun trào của núi lửa tại cao nguyên Vân Hòa – Phú Yên cách đây hàng triệu năm. Các dòng dung nham khi nguội dần thì đông cứng lại và nứt vỡ thành các cột đá hình lăng trụ tương đối đồng đều. Những cột đá nằm sát biển sau đó lại chịu tác động của sóng đánh vào nên tiếp tục nứt theo chiều ngang, tạo thành các "đĩa" đá.
Bước đi trên những phiến đá hình tổ ong
Gành đá nhìn từ xa như “tổ ong” khổng lồ
Tụi mình đến Gành Đá Đĩa vào buổi sáng, nắng vàng chiếu rọi đến khắp nơi, len lỏi qua những phiến đá tổ ong, xuyên qua mặt nước biển trong xanh. Trước mặt mình là bức tranh đại đương đầy thơ mộng, lấp lánh. Hãy thử đi chân trần lên những chiếc “tổ ong” khổng lồ này, cảm nhận sự mát lạnh và bọt biển xô vào bờ từng cơn trắng xóa. Với khung cảnh này thì tha hồ cho các bạn chụp hình check-in sống ảo. Đảm bảo màu nắng vàng Phú Yên sẽ cho ra những bức ảnh ươm màu mùa hè thật trong trẻo.
Khung cảnh nên thơ bình dị
Nước biển mang màu xanh ngọc bích trong vắt
Nhà cổ Quảng Đức Xưa
Khuôn viên xanh mát bên trong nhà cổ
Bước qua cánh cổng Nhà cổ Quảng Đức, mình cảm giác như lạc trôi về khoảng thời gian xưa cũ. Cấu trúc nơi đây gồm 3 ngôi nhà cổ với lối kiến trúc cung đình: Nhà quan tổng trấn, nhà Quảng Đức, nhà Ô Loan. Toàn bộ kết cấu nhà cổ được làm bằng gỗ với nhiều chi tiết cầu kì, trạm khắc tinh xảo.
Nhà cổ Quảng Đức theo lối kiến trúc cung đình xưa
Đặc biệt nhà Quảng Đức là nơi trưng bày, quảng bá những cổ vật của làng gốm Quảng Đức, một số đồ cổ bằng đồng thau, những chậu kiểng, hồ cá,… cũng như cung cấp những thông tin về quá trình hình thành và phát triển dòng gốm Quảng Đức đã thất truyền.
Một số cổ vật được trưng bày và bàn trà đạo thanh mát
Sau khi tham quan các gian nhà, các bạn có thể ngồi thưởng thức trà đạo ở khuôn viên sân vườn phía sau. Hướng dẫn viên sẽ gợi ý một số món đặc sản địa phương cho du khách thưởng thức, tụi mình chọn một phần trà sen giải nhiệt kết hợp cùng bánh ít lá gai. Hương vị dân dã, dịu mát sẽ xua tan phần nào cái nắng oi bức của mùa hè Phú Yên.
Kết
Phú Yên – Nét đẹp trù phú miền an yên
Chuyến đi lần này không chỉ mang đến những trải nghiệm thú vị mà còn cho mình hiểu thêm về đất và người Phú Yên. Tạo hóa của tự nhiên đã ban tặng một Phú Yên quá đỗi nên thơ, hữu tình, vẽ nên bức tranh về miền an yên của xứ xở hoa vàng cỏ xanh. Vẻ đẹp hoang sơ, bình dị này đã và đang được quảng bá đến du khách tứ phương, góp phần phát triển tiềm năng du lịch nơi đây. Nếu có cơ hội, hãy một lần đến Phú Yên để cảm nhận “Phú” trong “phú quý”, “Yên” trong “bình yên” bạn nhé!