Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa nước đổ

31

Hàng năm, từ tháng 6 đến đầu tháng 7, bước vào mùa nước đổ, những thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì hóa thành những mặt gương khổng lồ soi bóng mây trời đẹp lộng lẫy. Nếu vùng đồng bằng đặc trưng bởi những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh, thì ở vùng núi cao phía Bắc Việt Nam, ruộng bậc thang là khung cảnh quen thuộc. Những thửa ruộng trồng lúa ở đây cấu trúc như những bậc thang nối tiếp nha từ thấp lên cao, uốn lượn quanh sườn núi trập trùng.

Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Ruộng bậc thang ở Tây Bắc được cho là có cảnh quan đẹp nhất vào mùa nước đổ (tháng 5 đến đầu tháng 7) và mùa lúa chín (tháng 9, tháng 10). Vào những thời điểm này, ruộng bậc thang nên thơ, thu hút rất nhiều người đến tham quan.

Ruộng bậc thang ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở vùng núi cao phía Bắc. Trong đó, nổi tiếng nhất là ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa, Y Tý (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang).

Đôi nét về Hoàng Su Phì

Hoàng Su Phì là huyện phía Tây của Hà Giang, cách thành phố Hà Giang khoảng 80 km. Được thành lập từ năm 1906, đến nay, Hoàng Su Phì có 24 xã và 1 thị trấn trong đó có 4 xã biên giới với tổng chiều dài đường biên hơn 40km.

Địa hình Hoàng Su phì đồi núi trập trùng, độ dốc lớn, chia cắt mạnh.

Địa hình Hoàng Su phì đồi núi trập trùng, độ dốc lớn, chia cắt mạnh.

Nằm ở thượng nguồn Sông Chảy, Hoàng Su Phì đặc trưng bởi địa hình đồi núi, dốc lớn, hiểm trở và bị chia cắt mạnh. Địa bàn huyện cũng là nơi tụ hội nhiều con suối lớn nhỏ cắt qua thung lũng. Hoàng Su Phì là nơi sinh sống của cộng đồng 12 dân tộc với bản sắc văn hóa riêng. Tại đây, đồng bào các dân tộc Dao, Nùng, La Chí… vẫn còn giữ phương thức canh tác trên ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Cảnh quan hùng vĩ cùng sự kiến tạo của thiên nhiên và bàn tay con người trên tuyệt tác ruộng bậc thang trở thành tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

Hàng trăm nghìn thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì xếp tầng tầng lớp lớp như những nấc thang lên trời. Những con đường trong bản uốn lượn theo những thửa ruộng tựa sợi chỉ mỏng. Những cánh rừng xanh dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ và nững cây sa mộc vươn thẳng trên những thửa ruộng, xen những cây chè cổ thụ tạo nên khung cảnh đẹp say lòng người.

Ruộng bậc thang- tập quán lâu đời

Ruộng bậc thang là tập quán canh tác lâu đời của người dân khu vực núi cao Đông Nam Á và Tây Bắc Việt Nam. Tại Hoàng Su Phì, ruộng bậc thang được hình thành từ 200 đến 300 năm trước. Trải qua thời gian dài, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vẫn được các thế hệ người dân giữ gìn, đến nay không hề bị mai một.

Từ xưa đến nay, do địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, có nơi dốc lên đến 45 độ, gây khó khăn cho việc trồng lúa, người dân tại đây đã nghĩ ra phương thức làm ruộng theo từng bậc ôm lấy những sườn đồi. Phương pháp này giúp giúp hạn chế xói mòn đất ở những khu vực hiểm trở này.

Mùa nước đổ cũng là mùa bắt đầu vụ lúa mới. Người dân lên nương cày, cấy.

Mùa nước đổ cũng là mùa bắt đầu vụ lúa mới. Người dân lên nương cày, cấy.

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng chỉ cho phép người dân Hoàng Su Phì trông một vụ lúa mỗi năm. Khi xuân về, từ tháng 1 đến tháng 2, người dân bắt đầu khai khẩn. Bụi rậm được phát quang ở thời gian này để kịp bắt đầu vụ lúa mới khi hè sang. Bờ ruộng được đắp cao để giữ nước. Mỗi ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cách nhau chừng 0,5m – 1m. Từ tháng 5 đến đầu tháng 7, nước được đổ nước vào ruộng. Nguồn nước suối chảy qua hệ thống dẫn nước thủ công do người dân tự sáng tạo nên. Mỗi bờ sẽ có một khe để chảy từ bậc ruộng cao xuống bậc thấp. Cứ thế, trong khoảng 1 tháng, nước lấp đầy hết các thửa ruộng. Dù được chế tạo thủ công, hệ thống dẫn nước này cực kỳ khoa học. Sau khi ruộng được trâu cày xong, bà con bắt đầu cấy mạ non. Tháng 7, tháng 8 mạ xanh lớn lên phủ đầy các thửa ruộng. Tháng 9, tháng 10 những cánh ruộng phủ màu vàng tươi khi lúa chín.

Buổi sáng, bản Luốc chờn vờn trong mây. Bản Luốc cùng với Bản Phùng là những nơi có ruộng bậc thang cao nhất Việt Nam.

Vẻ đẹp mùa nước đổ Hoàng Su Phì

Không chỉ là vốn tri thức bản địa quý giá được gìn giữ qua nhiều thế hệ hàng trăm năm nay, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì còn tạo nên vẻ đẹp mê mẩn nơi rẻo cao, thu hút khách du lịch, nhiếp ảnh gia đến tìm hiểu. Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, vào mùa nước đổ, những triền đồi ruộng bậc thang lộng lẫy như những mặt gương khổng lồ lấp lánh. Cả bầu trời và những cánh rừng phản chiếu như vẽ trên mặt nước tựa một bức tranh thủy mặc.

Vào mùa nước đổ, ruộng bậc thang tựa những mặt gương soi bóng mây trời.

Vào mùa nước đổ, ruộng bậc thang tựa những mặt gương soi bóng mây trời.

Những thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đẹp nhất vào thời điểm hoàng hôn. Lúc ấy, cả bầu trời đỏ rực đổ trên mặt nước. Những luồng sáng đỏ, tím vần quanh những đám mây cuồn cuộn. Những mặt ruộng cũng lung linh kỳ ảo. Không gian tĩnh mịch chỉ còn tiếng gió, tiếng nước chảy và xào xạc của cỏ cây.

Ruộng bậc thang ở Bản Luốc.

Ruộng bậc thang ở Bản Luốc.

Cũng vào mùa này, không khí trên những cánh đồng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì khẩn trương khi người dân bắt đầu vụ lúa mới. Trâu chăm chỉ đi những đường cày nặng nề, xới đất tơi ra. Những dòng suối len qua từng khe ruộng đổ róc rách ngày đêm, phủ đầy mặt ruộng. Những cây mạ non bắt đầm bám rễ vào lòng đất và phủ xanh những triền đồi. Trên những con đường trong bản, người lớn, trẻ con mang gùi ra ruộng. Trên ruộng, lom khom dáng người các cô chú nông dân đang cấy lúa.

Những địa điểm ngắm ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đẹp

Trong tổng số 3.700 ha ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, có 1.380 ha ruộng bậc thang tại 11 xã Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Nậm Khòa được công nhận di tích danh thắng cấp quốc gia. Những nơi này được thiên nhiên ban tặng phong cảnh thiên nhiên hữu tình với núi non trùng điệp và những mảnh ruộng bậc thang ở đây cũng mang vẻ đẹp kỳ vĩ, choáng ngợp.

Ruộng bậc thang đẹp nhất xã Nậm Khòa tập trung ở thôn Khòa Hạ.

Xã Nậm Khòa có diện tích ruộng bậc thang khoảng 300 ha, nằm ở 9 thôn bản. Trong đó, ruộng bậc thang đẹp nhất xã Nậm Khòa tập trung ở thôn Khòa Hạ.

Cách di chuyển đến Hoàng Su Phì

Hoàng Su Phì là một huyện phía Tây Hà Giang, cách trung tâm thành phố Hà Giang 80 km.

Hoàng Su Phì mùa nước đổ thu hút nhiều du khách, nhiếp ảnh gia đến tìm hiểu.

Hoàng Su Phì mùa nước đổ thu hút nhiều du khách, nhiếp ảnh gia đến tìm hiểu.

Có hai cách để đến Hoàng Su Phì. Từ Hà Nội, bạn có thể di chuyển bằng xe khách đến Bắc Quang rồi thuê xe máy di chuyển qua xã Thông Nguyên của Hoàng Su Phì. Ngoài ra, bạn có thể xuống xe khách ở thành phố Hà Giang và đi xe máy theo QL2 rồi rẽ vào đường dẫn lên Hoàng Su Phì. Trong cung đường này, bạn đi theo đường DT177 để ngang qua những địa điểm ruộng bậc thang được xếp hạng di tích.

Từ bến xe Mỹ Đình, nhiều tuyến xe khách đi Hà Giang. Bạn có thể chọn chuyến xe buổi tối khoảng 21h để đến Hà Giang vào rạng sáng. Đường đi ở Hoàng Su Phì nhiều đoạn đường xấu, đang sửa nên cực kỳ khó khăn. Người lái xe phải hết sức cẩn thận. Ngoài ra, vào mùa nước đổ, Hoàng Su Phì thường xảy ra mưa giông vào buổi chiều.

Lưu trú tại Hoàng Su Phì

Với cảnh quan hùng vĩ và văn hóa bản địa đa dạng, Hoàng Su Phì là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Tại nhiều địa phương như Bản Phùng, Bản Luốc, Thông Nguyên,… người dân đã mở các homestay để phục vụ khách đến dừng chân qua đêm với nhiều sự lựa chọn, từ bungalow cho đến phòng nghỉ cộng đồng khá tiện nghi. Ngoài ra, các cơ sở lưu trú cũng phụ vụ ăn uống với các món ăn độc đáo của dân tộc mình.

Một homestay tại làng văn hóa du lịch cộng đồng Nậm Hồng, xã Thông Nguyên.

Một homestay tại làng văn hóa du lịch cộng đồng Nậm Hồng, xã Thông Nguyên.

Không chỉ là kho tàng tri thức bản địa của người dân tại Hoàng Su Phì, ruộng bậc thang còn tạo nên bức tranh say đắm lòng người. Ngoài ruộng bậc thang, khi đến với Hoàng Su Phì, bạn còn có thể khám phá những nương chè Shan tuyết cổ thụ, trekking lên đỉnh Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi, khám phá không gian văn hóa chợ phiên Hoàng Su Phì… Đặc biệt, cộng đồng các dân tộc nơi đây vẫn giữ nhiều lễ tục độc đáo. Hoàng Su Phì cũng nằm trên cung đường từ Lào Cai sang Hà Giang – Cao Bằng, là chặng đường với cảnh quan núi non kỳ vĩ, đa dạng từ Tây sang Đông Bắc sẽ là phần thưởng xứng đáng cho những tâm hồn mê xê dịch, khám phá.