Chinh phục Thác Nặm Me – Kiệt tác núi rừng Đông Bắc

48

Thác Nặm Me thuộc địa phận xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình là con thác lớn trong vùng, có chiều dài khoảng 4.000m với 15 tầng thác; một danh thắng không thể bỏ qua khi đến với Tuyên Quang.

Để đến với nơi đây mọi người thường lựa chọn đi nhà xe Bảo Yến đến thị trấn Na Hang sau đó thuê xe đi thêm khoảng 30 km. Tuy nhiên, cảm thấy như vậy hơi nhạt chúng tôi quyết định đi xe giường nằm lên thành phố Hà Giang, sau đó thuê xe máy đi thêm 80 km đường đèo núi để đến vị trí thôn Nà Tông. Cung đường này đi qua những bản làng phía dưới thung lũng được bao phủ bởi một màu xanh ngắt của cây cọ.

Bản làng từ Vị Xuyên (Hà Giang) sang Lâm Bình (Tuyên Quang).

Bản làng từ Vị Xuyên (Hà Giang) sang Lâm Bình (Tuyên Quang).

Và danh lam thắng cảnh hang Thủng, Bạch Ngọc, Vị Xuyên, nếu có thời gian bạn có thể lên khám phá hoặc đứng từ xa thưởng thức em nó, hít hà ít không khí trong lành rồi tiếp tục lên được.

Hang Thủng, Bạch Ngọc, Vị Xuyên, Hà Giang.

Hang Thủng, Bạch Ngọc, Vị Xuyên, Hà Giang.

Những đoạn lên dốc khúc khuỷu hiện ra trước mắt và chỉ được kết thúc tại điểm phân cách giữa 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.

Ranh giới Hà Giang-Tuyên Quang.

Ranh giới Hà Giang-Tuyên Quang.

Tiếp đến là những đoạn dốc xuống kinh hoàng lên đến 170, việc ngồi chắc trên xe đã là một thành công lấy đâu tâm chí mà chụp ảnh nữa ☹. Thôn Nà Tông chỉ xuất hiện trước mắt chúng tôi đi đồng hồ đã điểm 13 giờ chiều. Vậy đó, 80 km mà tiêu tốn của chúng tớ 5 giờ.

Cổng chào thôn Nà Tông.

Cổng chào thôn Nà Tông.

Thôn Nà Tông tựa mình bên dãy 99 ngọn núi với hình dáng chim Phượng Hoàng, nhìn ra cánh đồng Thượng Lâm trù phú, nghiêng soi bên hồ sinh thái Na Hang – Lâm Bình. Không những vậy, Nà Tông chính là nơi hội tụ khí thiêng của đất Thượng Lâm với chùa Phúc Lâm tọa lạc. Đây là một trong những nơi ẩn chứa các dấu tích của một nền văn hóa xưa đầy tự hào dưới chân núi Chùa. Là thôn thuần Tày cổ, Nà Tông còn giữ nguyên những nét văn hóa đặc trưng của người Tày từ ngôn ngữ, tín ngưỡng, trang phục, âm nhạc, ẩm thực… Ở đây có những nếp nhà sàn vương làn khói trắng, thanh bình thấp thoáng bên những triền núi. Chúng tôi quyết định chọn homestay Tài Ngào để nghỉ ngơi trong vô số homestay xinh đẹp ở đây.

Cổng vào Homestay Tài Ngào.

Cổng vào Homestay Tài Ngào.

Đây là một homestay rất đẹp, với thế lưng tựa núi mặt hướng ra cánh đồng Thượng Lâm rộng lớn. Bãi đỗ xe rộng cũng là địa điểm tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ vào buổi tối.

View đẹp của homestay Tài Ngào.

View đẹp của homestay Tài Ngào.

Do đến hơi muộn, chúng tôi quyết định buổi chiều đi chơi xung quanh lòng hồ để dành sức hôm sau khám phá thác Nặm Me. Thuyền chính là phương tiện duy nhất đưa chúng tôi đến điểm bắt đầu leo lên thác. Bến thủy Thượng Lâm là nơi có thể “mượn tạm” bác lái thuyền cho các hành trình.

Bến thủy Thượng Lâm.

Bến thủy Thượng Lâm.

Người lái thuyền chủ yếu ở đây là dân tộc Tày, họ đều là những người dễ gần và chân chất, nhưng may mắn chúng tôi được đi thuyền của người nhiều kinh nghiệm nhất.

Người lái thuyền tên Ngôn.

Người lái thuyền tên Ngôn.

Thuyền dời bến lướt nhẹ nhàng trên mặt nước vào buổi sáng sớm khi mà những người dân chài cũng bắt đầu đi làm và bình minh cũng dần hé lộ.

Dân chài bắt đầu đi làm.

Dân chài bắt đầu đi làm.

Còn giả sử không gặp được anh “Bình Minh” thì cũng là “do anh xui thôi”. Tuy nhiên những vạt mây trắng vắt qua những sườn núi cũng vớt vát được chút hi vọng về 1 ngày tươi đẹp.

Mây vờn núi buổi sáng.

Mây vờn núi buổi sáng.

Ngắm cảnh, thưởng trà, cuối cùng sau gần 1 giờ lênh đênh trên miền sơn nước Na Hang chúng tôi cũng có mặt tại vị trí bắt đầu hạ thủy để leo. Đây chính là vị trí dưới cùng của thác Nặm Me, nơi nó đổ nước ra hồ Na Hang rộng lớn.

Điểm bắt đầu leo.

Điểm bắt đầu leo.

Rời khỏi thuyền, chúng tôi không quên check in vị trí xuất phát cũng là vị trí dễ dàng nhất trên cung đường leo.

Checkin điểm bắt đầu xuất phát.

Checkin điểm bắt đầu xuất phát.

Sau đó, đập ngay vào mắt chúng tôi là đoạn núi đá trơn trượt mà chỉ có phong cách quần đùi áo cộc mới thích hợp cho sự leo.

Vách đá đầu tiên.

Vách đá đầu tiên.

Tiếp đến là 3 đoạn dốc thẳng đứng liên tiếp và nếu giả sử có ngửa cổ lên cũng chỉ nên….để thở thôi nhé các bạn.

Dốc hãi hùng.

Dốc hãi hùng.

Có những đoạn vừa dốc và nhiều đá dăm có thành viên trong đoàn phải nhờ sự trợ giúp của đoạn dây do người bản địa buộc sẵn mới có thể leo lên được. Và tất nhiên tôi là người đi sau cùng, các bạn biết tớ thấy gì rồi đó 😊.

Dốc bonus thêm ít đá dăm.

Dốc bonus thêm ít đá dăm.

Khi bạn nhìn thấy vườn chuối này tức là bạn đã vượt qua 3 con dốc kinh dị và bắt đầu đoạn đường mát rượt dọc suối phía trước.

Vườn chuối cứu vớt tâm hồn.

Vườn chuối cứu vớt tâm hồn.

Suối xuất hiện sau khi tạm thời mất hút khoảng 30 phút như mang đến dòng sữa mát lành tưới mát cho những kẻ đang chinh phục. Hai thành viên trong đoàn bắt đầu nghĩ “giá như mình có đôi cánh”.

Giá như có đôi cánh để bay thẳng lên đỉnh thác.

Giá như có đôi cánh để bay thẳng lên đỉnh thác.

Nhưng nếu bay thẳng thì làm sao chúng tôi có thể cảm nhận được vẻ đẹp của con đường dọc suối mình chuẩn bị đi qua. Dường như đoạn nào cũng ma mị, ngay cả chàng thanh niên chả bao giờ thích chụp ảnh cũng muốn được lên hình.

Lên hình cho chàng FA.

Lên hình cho chàng FA.

Khởi nguồn của những con đường dọc suối này luôn là một thác nước, nó có thể là thác tiểu hoặc một thác siêu to không lồ nhưng trong nó luôn ẩn chứa vẻ đẹp mỹ miều mà chúng tôi chỉ là những kẻ đi lạc.

Kẻ đi lạc bên thác nước.

Kẻ đi lạc bên thác nước.

Đắm chìm tại vị trí thác nước trên khá lâu chúng tôi chỉ tiếp tục lên đường khi porter bảo thác nước phía trên đẹp hơn nhiều và đó cũng là tầng cao thứ 2 của thác Nặm Me. Thỏa sức sáng tạo những kiểu ảnh độc đáo ở đây tuy nhiên mỗi người một dáng.

Tạo dáng độc và lạ trên tầng cao thứ 2 của thác Nặm Me.

Tạo dáng độc và lạ trên tầng cao thứ 2 của thác Nặm Me.

Từ đây mất khoảng 15 phút để chúng tôi có thể chạm đến tầng cuối cùng của thác. Woa, tất cả đều mắt chữ A mồm chữ O khi chứng kiến một trong những kiệt tác của mẹ thiên nhiên dành tặng cho chúng tôi – thác Nặm Me.

Tầng cuối thác Nặm Me.

Tầng cuối thác Nặm Me.

Nán lại tại vị trí này rất lâu chúng tôi mỗi người có một suy nghĩ riêng. Có người muốn ôm cả đất, ôm cả trời.

Tôi muốn ôm hết.

Tôi muốn ôm hết.

Có người đơn giản chỉ muốn hòa mình vào dòng nước mát lành để lưu giữ một chút gì đó của thượng nguồn sông Gâm.

Tắm mát dưới chân thác.

Tắm mát dưới chân thác.

Mọi luồng suy nghĩ cuối cùng đều thua cái dạ dày, khi tất cả đều đói và mặt trời đã đứng bóng. Chúng tôi quyết định chụp những bức ảnh cuối cùng và nói lời chia tay thác Nặm Me để về với bản. Tuy còn nhiều tiếc nuối nhưng những thứ chúng tôi thu được đã đủ để tưới mát chút tâm hồn của những chàng trai phố thị.

Chụp ảnh tập thể kỷ niệm bên thác Nặm Me.

Chụp ảnh tập thể kỷ niệm bên thác Nặm Me.

Vậy đó, chúng tôi đã chinh phục thác Nặm Me trong một ngày nhân phẩm cũng không đến nỗi tệ. Có mặt tại homestay khi đồng hồ đã điểm 14 giờ chiều, đánh chén cho cái dạ dày nhưng tâm hồn chúng tôi đã no từ trước đấy rồi.

Về homestay khi đồng hồ điểm 14 giờ.

Về homestay khi đồng hồ điểm 14 giờ.

Tạm biệt thác Nặm Me cùng cảnh sắc tuyệt vời, tạm biệt những con người dễ mến của vùng đất nơi đây. Chúng tớ về với thủ đô nhưng tâm hồn chắc chắn sẽ còn ở đây một khoảng thời gian nữa. Còn các bạn thì sao? Hãy thử một lần đến đây để chinh phục con đường dọc suối tuyệt đẹp cũng như đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời của một trong những ngọn thác đẹp nhất của núi rừng Đông Bắc nhé.

Lịch trình tham khảo (2 ngày 1 đêm)

Lịch trình 1: Hà Nội – thị trấn Na Nang – Thôn Nà Tông

Từ Hà Nội các bạn bắt xe giường nằm Bảo Yến lên thị trấn Na Hang. Số điện thoại tổng đài: 0974095333. Từ thị trấn lên Thông Nà Tông khoảng 30 km, các bạn có thể thuê xe máy hoặc bắt xe khách Sầm Sửu: 0971504456.

Lịch trình 2: Hà Nội – Hà Giang – Thôn Nà Tông

Từ Hà Nội bắt xe giường nằm Bằng Phấn (0917898898, 0915223171), xe Cầu Mè (0974850777), xe Quang Nghị (0949.744.733) để lên thành phố Hà Giang. Từ Hà Giang bạn thuê xe máy để đi thông Nà Tông, có rất nhiều địa điểm thuê xe, bọn mình thuê ở Linh homestay: 0973973098. Đoạn đường này khoảng 80 km nhưng rất nhiều thứ lý thú. Bạn có thể thăm nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, hang Thủng, ranh giới Hà Giang – Tuyên Quang. Chú ý có những đoạn dốc rất cao nên thuê xe máy khỏe.

Homestay ở thôn Nà Tông

Ở đây họ tổ chức thành hợp tác xã du lịch nên có rất nhiều homestay nằm sát nhau, ví dụ như: Homestay Tài Ngào: 0972383797; Homestay Anna: 0911813333; Homestay A Phủ: 0399198981; Homestay Triệu Cường: 0382174771. Cá nhân mình thấy Homestay Tài Ngào khá tuyệt vời. Ở đây các bạn đặt ăn uống luôn và chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ nếu có nhu cầu. Đoàn mình đặt 150k/người/bữa toàn món ngon đậm đà bản sắc dân tộc bản địa.

Thuê thuyền tại bến thủy Thượng Lâm

Bạn có thể nhờ các homestay gọi điện thuê thuyền giúp hoặc trực tiếp ra bến thủy Thượng Lâm để thương lượng giá. Giá thường tính theo ngày: 1,5 triệu/ngày các bạn có thể đi thoải mái cả ngày hoặc 0,8 – 1,0 triệu/ nửa ngày. Đoàn mình rất thích thái độ và sự gần gũi của chú Ngôn (thuyền Ngôn Phương): 0374456432.

Chi phí tham khảo

Chi phí phụ thuộc rất nhiều vào lịch trình bạn chọn và bạn xuất phát ở đâu. Đoàn mình xuất phát ở Hà Nội và lên Hà Giang nên chi phí mỗi người là: 2 triệu/người. Các bạn đi thẳng lên Na Hang thì chi phí sẽ rẻ hơn.