Thánh địa Takachiho và thần thoại về vùng đất thiêng đảo Kyushu

36

Khi nhắc đến những vùng đất thánh địa tại Nhật, du khách thường nghĩ ngay đến những nơi như Nara, Kyoto trên đảo Honshu bởi sự dễ dàng và tiện lợi khi muốn di chuyển đến những địa điểm du lịch nổi tiếng khác. Nếu như đã các bạn đã khám phá trọn vẹn những địa điểm đó và muốn đặt chân đến những vùng đất mới trong chuyến du lịch đến Nhật Bản thì mình xin phép đề xuất thuộc tỉnh Miyazaki vùng Kyushu. Takachiho, xét về mặt tâm linh, nơi đây là một trong những thánh địa linh thiêng bậc nhất tại Nhật; xét về mặt du lịch, nơi đây xứng đáng được xem là thiên đường nơi hạ giới bởi cảnh quan hùng vĩ đầy mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần nên thơ, mềm mại.

Khung cảnh thần tiên của hẻm núi Takachiho

Khung cảnh thần tiên của hẻm núi Takachiho

Hẻm núi Takachiho (Takachiho Gorge)

Thị trấn Takachiho có thể nói là vùng đất ‘có duyên’ nhất với mình khi du học tại Nhật. Mình đã có cơ may được đến nơi đây vào 2 mùa khác nhau và được trải nghiệm sự đa dạng cảnh quan ở cả 2 mùa là mùa mưa và mùa nắng (mùa chớm thu). Lần đầu tiên đến đây là vào tháng 7, thời tiết mưa nhiều nên nên mình ấn tượng nhất là vẻ đẹp đầy khỏe khoắn, mạnh mẽ của những dòng nước suối xối chảy, tung bọt trắng xóa. Nhưng cũng vì mưa lớn, nước chảy xiết và mực nước dâng cao nên nhóm mình đã không được trải nghiệm ngồi thuyền ngắm thác dưới hẻm núi.

Hẻm núi Takachiho được tạo ra đây cách đây hơn 100.000 năm sau trận phun trào của núi lửa. Dòng dung nham phun trào từ núi Aso thuộc tỉnh Kumamoto (giáp với tỉnh Miyazaki) đã bị làm lạnh đột ngột bởi dòng sông Gokase và tạo nên hẻm núi có địa hình độc đáo này.

Hẻm núi Takachiho trong quá trình tu sửa sau cơn bão

Hẻm núi Takachiho trong quá trình tu sửa sau cơn bão

Lần thứ hai đến đây là vào tháng 10 cùng năm, mặc dù được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thần tiên chốn thiên đường mà nơi đây vốn có, nhưng cũng vì ảnh hưởng của cơn bão nên một số nơi bị chặn đường do cây đổ. Theo thông tìm mới nhất mình tìm hiểu thì hẻm núi Takachiho đã mở cửa hoạt động trở lại bình thường, tuy nhiên để cho chắc chắn thì mọi người nên kiểm tra website du lịch tỉnh để cập nhật thông tin mới nhất nha.

Hẻm núi có các vách đá có độ cao trung bình 80m và kéo dài lên đến 7km. Hẻm núi có thác Manai nằm trong danh sách 100 ngọn thác tiêu biểu của Nhật.

Hẻm núi có các vách đá có độ cao trung bình 80m và kéo dài lên đến 7km. Hẻm núi có thác Manai nằm trong danh sách 100 ngọn thác tiêu biểu của Nhật.

Dịch vụ thuê thuyền ngắm thác là một trong những trải nghiệm “must-try” khi đến du lịch nơi đây. Được ngồi thuyền trên dòng nước xanh ngát, và khi phóng tầm mắt lên trên cao là thác nước Manai cùng với những dãy đá nối nhau trùng điệp chắc chắn là một bữa tiệc thị giác đối với những ai đam mê vẻ đẹp kì vĩ của thiên nhiên. Mọi người nên lưu ý đặt trước dịch vụ trên website càng sớm càng tốt vì nơi đây luôn bị tình trạng hết thuyền.

Bánh Dango, mì trôi ống trúc Nagashi somen và cá nướng

Cách bến thuyền không xa là một loạt những quán bán đồ lưu niệm cùng với nhà hàng phục vụ món mì trôi ống trúc Nagashi somen. Đây là món ăn nổi tiếng và hết sức quen thuộc với người Nhật mỗi dịp mùa hè đến. Somen là một loại mì sợi tròn và nhỏ, được thả trôi trên ống tre đã được rọc một nửa. Khi ăn phải gắp thật nhanh không thì nhúm mì sẽ trôi theo dòng nước.

Takachiho

Phía đầu bên kia ống tre sẽ có những bác nhân viên đứng đó để phụ trách việc thả mì. Những sợi mì chưa được người ăn gắp kịp sẽ trôi xuống chiếc rổ xanh này. Khi hết phần mì trong suất ăn, các bác sẽ mang rổ mì này lên để mọi người ăn nốt.

Takachiho

Suất ăn 1700 yên (~289.000 VND) gồm có cơm nắm ăn cùng sốt miso nhà làm, cá nướng muối, salad và mì nagashi somen. Sốt miso có vị khác lạ so với những loại miso mình từng ăn, khá giống với tương bần của Việt Nam nhưng mùi và vị đều nhạt hơn. Cá nướng được nêm nếm vừa phải, cá không quá giòn nhưng phần thịt cá rất mềm và mọng nước nên việc tách xương cũng dễ dàng. Mì Somen được thả trong nước lạnh kết hợp cùng với nước dùng shoyu cũng lạnh nên khi ăn mình hơi bất ngờ, bấy giờ mới hiểu tại sao nó là món ăn được yêu thích vào mùa hè.

Bánh dango khổng lồ, nước sốt hơi mặn với mình nhưng phần bột bánh được giã rất mịn và dẻo.

Bánh dango khổng lồ, nước sốt hơi mặn với mình nhưng phần bột bánh được giã rất mịn và dẻo.

Địa chỉ: Nhà hàng: Nagashi Somen Chiho-no-ie (千穂の家 元祖流しそうめん) , số 62-1 Mitai, thị trấn Takachiho, xã Nishiusuki, tỉnh Miyazaki.

Đền thờ Takachiho và màn biểu diễn Yokagura

Đền thờ Takachiho là một trong những đền thờ mình thấy đẹp nhất ở Nhật theo quan điểm cá nhân riêng. Những ngôi đền lớn và linh thiêng ở Nhật thường có vị trí nằm trên ngọn đồi cao và khuất sâu ở trong rừng, tạo nên vẻ đẹp tâm linh huyền bí, bất khả xâm phạm bởi nơi đây là nơi cư ngụ của các vị thần. Điểm khiến mình ấn tượng ở đền thờ này đó chính là những hàng cây tuyết tùng cao thẳng tắp có tuổi đời ít nhất trên 100 năm tuổi. Đứng cạnh những thân cây tuyết tùng 2 vòng tay người lớn ôm không xuể khiến cho mình càng cảm thấy nhỏ bé và khép nép dưới vẻ đẹp u tịch của chốn linh thiêng.

Takachiho

Hai bạn nam trông lọt thỏm giữa cái rộng lớn của cánh rừng

Điểm thu hút nhất ở đền thờ Takachiho có lẽ chính là màn biểu diễn Kagura mỗi tối. Để xem được show biểu diễn, mọi người cũng nên đặt vé sớm và đến sớm để giành được chỗ ngồi gần sân khấu nhất. Vé chỉ có giá 1000 yên (~170.000 VND) và phải được chi trả bằng tiền mặt nên mọi người đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm văn hóa truyền thống Nhật nha.

Takachiho

Do bọn mình đến sát giờ nên cả hội trường đã chật kín người xem. Trên vé không ghi cố định chỗ ngồi nên có thể lựa chọn ngồi bất kì đâu tùy thích. Ngay cạnh cửa sẽ có sẵn túi nilon để đựng giày dép, mỗi người sẽ tự bảo quản giày dép của mình và có thể mang theo đệm ngồi do hội trường không cung cấp ghế.

Kagura theo nghĩa đen có nghĩa là điệu múa kính dâng lên các vị thần. Đây là một nghi lễ trong Thần đạo gồm các điệu múa có sự kết hợp cùng với sự hòa âm phối khí của các nhạc cụ truyền thống. Từ xa xưa, Kagura được biểu diễn tại các lễ hội để cầu mong một mùa màng bội thu và xua đuổi thiên tai.

Sân khấu Kagura thường được trang trí bởi Erimono, đồ trang trí bằng giấy được treo ở nơi biểu diễn Kagura

Sân khấu Kagura thường được trang trí bởi Erimono, đồ trang trí bằng giấy được treo ở nơi biểu diễn Kagura

Nguồn gốc của Kagura không được biết chính xác nhưng người ta cho rằng nó bắt nguồn từ câu chuyện thần thoại Amano Iwato, một trong những câu chuyện được mô tả trong Kojiki, cuốn sử đầu tiên được ghi chép tại Nhật. Trong câu chuyện này, nữ thần mặt trời Amaterasu đã trốn trong một hang động và không chịu bước ra ngoài. Khi đó, thế gian chìm trong bóng tối và ma quỷ hoành hành khắp nơi khiến vạn vật lầm than. Lo sợ cho tương lai của thế giới, các vị thần đã cùng tụ họp và bàn bạc kế hoạch kéo nữ thần Amaterasu ra khỏi hang động. Các vị thần đã tổ chức tiệc linh đình bên ngoài hang động nơi nữ thần Amaterasu đang trốn tránh. Khi đó, nữ thần Amenouzume đã biểu diễn một điệu nhảy mua vui và tiếng cười của các vị thần lớn đến mức nữ thần Amaterasu phải hé mặt ra ngoài để xem chuyện gì đang xảy ra. Chớp nhanh cơ hội đó, một vị nam thần đã kéo tay nữ thần ra khỏi hang động và ánh sáng đã một lần nữa trở lại trên thế gian.

các bức vẽ trên cửa nhà người dân khi đi bộ xung quanh đền Takachiho

Điệu múa Yokagura là đặc trưng của tỉnh Takachiho nên bạn có thể bắt gặp rất nhiều các bức vẽ trên cửa nhà người dân khi đi bộ xung quanh đền Takachiho

Đền thờ Amanoiwato shrine và hang động Amanoya Sugawara

Kết thúc buổi du lịch ngày đầu tiên, sang ngày thứ hai, nhóm mình tiếp tục bắt xe buýt đến khu lân cận để tham quan đền thờ Amano Iwato và hang động Amanoya Sugawara.

Đền thờ được phân làm hai khu riêng biệt: Đền thờ phía Tây (Nishi Hongu) và Đền thờ Đông (Higashi Hongu). Cụm đền thờ phía Tây bao gồm đền thờ nữ thần Amaterasu và hang động Amano Iwato, là nơi nữ thần Mặt trời đã trốn tránh thế giới. Cách khu phía Tây một con đường mòn ngắn ven sông là khu đền thờ phía Đông, tại đây có một hang động ven sông tên là Amano Yasukawara, được cho là nơi được cho là các vị thần đã tụ họp để lên kế hoạch dụ nữ thần Amaterasu ra khỏi nơi ẩn náu.

Khu đền thờ phía Tây (Nishi Hongu)

Đền thờ được lấy theo tên câu chuyện Amano Iwato phía trên, và đối tượng được thờ phượng cũng chính là hang động Amano Iwato

Đền thờ được lấy theo tên câu chuyện Amano Iwato phía trên, và đối tượng được thờ phượng cũng chính là hang động Amano Iwato

Takachiho

Vào những khung giờ cố định trong ngày, một vị thầy tu Thần đạo (shinto priest) sẽ dẫn du khách đi đến nơi quan sát để chiêm ngưỡng hang động Amano Iwato. Do hang động này được cho là nơi rất linh thiêng, nên cánh cửa dẫn đến chỗ đài quan sát hang động sẽ luôn được khóa, và chỉ có những người trông coi đền thờ mới được phép mở. Đồng thời, sau khi bước qua cánh cửa này, du khách cũng phải giữ gìn trật tự, nhỏ tiếng và không được phép chụp ảnh quay phim trong suốt quá trình quan sát.

Khu đền thờ phía Đông (Higashi Hongu)

Cách khu phía tây khoảng 10 phút đi bộ dọc theo bờ sông chính là khu đền thờ phía Đông. Càng gần phía hang động, mình lại càng bắt gặp nhiều những viên đá nhỏ được xếp chồng lên nhau. Đây chính là những dấu ấn mà những người hành hương từ khắp nơi trên Nhật Bản đổ về.

Hàng trăm hàng nghìn những cột đá mini được tạo bởi những viên sỏi xếp chồng lên nhau

Hàng trăm hàng nghìn những cột đá mini được tạo bởi những viên sỏi xếp chồng lên nhau

Kem xoài được bán rất nhiều dọc trên đường đi từ khu phía Tây sang phía Đông

Kem xoài được bán rất nhiều dọc trên đường đi từ khu phía Tây sang phía Đông. Xoài cũng là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Miyazaki.

Tuyến đường sắt Takachiho Amaterasu

Đây là chuyến tham quan đường sắt dài 30 phút đi qua 2,55 km đường sắt Takachiho cũ. Điểm nổi bật của chuyến tham quan là điểm dừng chân trên đỉnh Cầu Sắt Takachiho, từng là cây cầu đường sắt cao nhất ở Nhật Bản.

Các em nhỏ khi đi tàu sẽ không hề cảm thấy sợ hãi khi tàu đi vào đường hầm tối om bởi hệ thống chiếu đèn siêu ngộ nghĩnh phía đầu toa tàu

Các em nhỏ khi đi tàu sẽ không hề cảm thấy sợ hãi khi tàu đi vào đường hầm tối om bởi hệ thống chiếu đèn siêu ngộ nghĩnh phía đầu toa tàu

Đài quan sát Kunimigaoka

Đài quan sát Kunimigaoka là nơi mình được trải nghiệm rõ ràng nhất sự thay đổi của 2 mùa. Khi đến đây vào mùa mưa, đài quan sát chỉ có gió, mưa và sương mù nên nhóm mình đã không quan sát được khung cảnh ruộng bậc thang cùng ngôi làng bên dưới chân núi.

Ruộng bậc thang trong khung cảnh có phần u ám ngày mưa

Ruộng bậc thang trong khung cảnh có phần u ám ngày mưa

Đài quan sát Kunimigaoka ngoài là địa điểm tuyệt vời để ngắm thung lũng, nơi đây còn chứa đựng câu chuyện thần thoại về nguồn gốc cái tên Takachiho. Theo Kojiki, biên niên sử lâu đời nhất còn sót lại của Nhật Bản, vị thần mặt trời Amaterasu đã cử cháu trai của mình, Ninigi no Mikoto, xuống dưới mặt đất để cai trị Nhật Bản. Trong thần thoại Nhật Bản, vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản là chắt của Ninigi. Trên đường xuống Nhật Bản, Ninigi và đoàn tùy tùng đã gặp phải một màn sương mù dày đặc trên đường đến mặt đất và bị lạc đường. Đúng lúc đó, hai người dân trên mặt đất đã xuất hiện và thúc giục Ninigi lấy cây lúa trên tay và rải bông lúa khắp mặt đất. Khi làm như vậy, sương mù tan đi, Ninigi cùng đoàn tùy tùng có thể đã xuống Nhật Bản một cách an toàn. Việc rất nhiều (tiếng Nhật là 千 “chi”) bông lúa (tiếng Nhật là 稲穂 “ina-ho”) quý giá (tiếng Nhật là 高 “taka”) đã được Ningi rải xuống khắp mặt đất chính là nguồn gốc của cái tên Takachiho ngày nay (tiếng Nhật có câu trúc ngữ pháp đảo ngược so với tiếng Việt đó là “tính từ – danh từ”).

Ngược lại, vào mùa nắng, khung cảnh trông hết sức bình yên và đầy chất thơ

Ngược lại, vào mùa nắng, khung cảnh trông hết sức bình yên và đầy chất thơ

Tượng đá này chính là biểu tượng của đài quan sát Kunimigaoka. Vị thần đứng ở giữa chính là Ningin no Mikoto, cháu trai của nữ thần mặt trời Amaterasu

Tượng đá này chính là biểu tượng của đài quan sát Kunimigaoka. Vị thần đứng ở giữa chính là Ningin no Mikoto, cháu trai của nữ thần mặt trời Amaterasu

Món gà Nanban (Nanban chikin)

"Nanban" trong "gà Nanban" là một thuật ngữ ban đầu được sử dụng để gọi những người Bồ Đào Nha đến Nhật Bản. Trong số các món ăn được người Bồ Đào Nha mang đến Nhật Bản có món Escabeche, được làm bằng cách ướp thịt cá với dấm ngọt với ớt. Sau này, món ăn đó được người Nhật tiếp thu, biến đổi, và được phục vụ lần đầu tiên tại một nhà hàng ở tỉnh Miyazaki. Món ăn ngày càng trở nên phổ biến theo phong cách hiện nay là dùng kèm với sốt tartar và salad. Vào những năm 1960, món ăn này trở nên phổ biến trong gia đình, và cuối cùng trở nên phổ biến trong bữa trưa ở trường và thực đơn nhà hàng trên toàn vùng.

Takachiho

Gà Nanban là món ăn được rất nhiều người yêu thích bởi hương vị vừa chua chua của dấm, vừa béo ngậy của trứng và mayonnaise. Miếng gà phía dưới không giòn hẳn như gà rán karaage nhưng lớp bột áo chiên cũng không hề bị bở, bao bên ngoài miếng gà mềm và mọng nước rất đặc trưng kiểu gà rán Nhật. Lớp sốt vàng nhạt phía trên nhìn trông béo ngậy nhưng khi ăn lại sẽ được cân bằng bởi vị chua dịu nhẹ của dấm.

Gà nướng than củi Takachiho

Ngoài món gà đặc trưng của tỉnh là gà Nanban thì tỉnh Miyazaki nói chung và Takachiho nói riêng còn vô cùng nổi tiếng với món gà nướng than củi (Charcoal grilled chicken). Nướng than củi thì mình đã có một số lần trải nghiệm tại các nhà hàng khác, nhưng có lẽ ở Takachiho thì thấy đặc biệt nhất, chắc bởi bàn ăn to hơn bình thường. Mình ngồi ăn 4 người thôi nhưng chiếc bàn vô cùng to, vỉ nướng cũng to và đặc biệt đĩa gà để nướng cũng siêu to khổng lồ.

Takachiho

Nhân viên sẽ mang hẳn một chiếc xẻng để xúc những miếng than củi đã được làm nóng đến bàn của từng thực khách. Trong suất ăn cũng có sẵn cả trứng để có thể ăn theo kiểu trứng nướng hoặc ăn sống như nước sốt chấm thịt.

Trong quá trình nướng, các miếng thịt sẽ tiết ra nước và rơi thẳng vào những miếng than nóng đỏ. Nhờ đó mà tạo nên những tiếng xèo xèo đặc trưng và làm bùng lên một ngọn lửa nhỏ. Một suất gà nướng than củi có giá 1980 yên (~336.000 VND), nếu muốn gọi thêm thịt bò và heo thì có thể gọi suất 2590 yên (~450.000 VND)

Địa chỉ: Nhà hàng gà nướng than củi Takachiho – Aira (高千穂 鶏の炭火焼 吾平店), số 3121-2 Mitai, thị trấn Takachiho, xã Nishiusuki District, tỉnh Miyazaki.

Vậy là đã kết thúc chuyến tham quan đến tham quan đến một trong những thánh địa linh thiêng bậc nhất tại Nhật Bản. Chuyến đi tới không chỉ mang đến cho mình những bữa tiệc thị giác mãn nhãn về sự hùng vĩ, biến hóa của thiên nhiên mà còn mang đến cho mình cả một lượng tri thức đáng quý về những câu chuyện thần thoại thể hiện tư tưởng, cách suy nghĩ của người Nhật Bản cổ đại.