Khám phá các công trình kiến trúc ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh

36

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất, cũng là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam. Một thành phố năng động và hiện đại, nhưng còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc xưa đầy giá trị. Lữ Phong đã dành thời gian làm “du khách thứ thiệt”, đi bộ tham quan các công trình kiến trúc nổi tiếng ở khu vực trung tâm thành phố.

Đa số chúng ta khi đến được một thành phố lạ, ai cũng cảm thấy háo hức muốn khám phá. Rồi vì thời gian có hạn, nên cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa, hoặc chỉ tìm hiểu được vài điểm đặc sắc của thành phố ấy, cũng cảm thấy vui mừng.

Công trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành - Công trình kiến trúc ở quận 1

Công trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành – Công trình kiến trúc ở quận 1

Thành phố Hồ Chí Minh là một đại đô thị, một thành phố đang phát triển với những công trình hiện đại, xen lẫn những kiến trúc cổ xưa, được khá nhiều du khách nước ngoài tìm đến. Nhưng Lữ Phong đôi khi giật mình nhận ra y cũng đang “bất công” với thành phố này, khi chưa từng “du lịch” nó một cách nghiêm túc. Bởi vậy một buổi sáng cuối tuần y quyết tâm gác mọi thứ lại, dạo bộ ở khu vực trung tâm thành phố để tham quan nó như một du khách thứ thiệt. 8g sáng, Lữ Phong gửi xe ở bãi trông xe máy 24/24 tại góc ngã tư Huỳnh Thúc Kháng – Hồ Tùng Mậu, và bắt đầu hành trình.

Nhà hát thành phố

Nhà hát Thành phố, tên chính thức là Nhà hát Giao hưởng – Nhạc, Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, tọa lạc tại số 7 Công trường Lam Sơn, Phường Bến Nghé, Quận 1, với cổng chính nhìn ra đường Đồng Khởi, và có thể nhìn suốt ra đại lộ Lê Lợi.

Nhà hát thành phố - Công trình kiến trúc ở quận 1 chịu ảnh hưởng của nhà hát Petit Palais ở Paris được xây dựng cùng thời gian

Nhà hát thành phố – Công trình kiến trúc ở quận 1 chịu ảnh hưởng của nhà hát Petit Palais ở Paris được xây dựng cùng thời gian

Công trình này vốn được người Pháp xây dựng làm nhà hát, khởi công từ năm 1898 và khánh thành vào ngày 01/01/1900, với ý định làm nơi giải trí cho các nhân vật quan trọng của chính quyền thực dân với các gánh hát từ Pháp sang biểu diễn. Kiến trúc của tòa nhà chịu ảnh hưởng của nhà hát Petit Palais ở Paris được xây dựng cùng thời gian, bởi các mẫu trang trí, tượng, phù điêu mặt tiền đều do một họa sĩ bên Pháp thiết kế gửi sang.

Nhà hát được trang trí theo lối châu Âu

Nhà hát được trang trí theo lối châu Âu

Trải qua thời gian và chiến tranh, Nhà hát Thành phố từng bị các chính quyền cũ sửa chữa, sử dụng với những mục đích khác hoặc bị hư hỏng ít nhiều do bom đạn. Sau năm 1975, nhà hát được sử dụng đúng với mục đích ban đầu là nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật, và dịp kỷ niệm 300 năm ngày thành lập Sài Gòn (1998), Nhà hát thành phố được tiến hành trùng tu, phục chế lại đúng với nguyên bản ban đầu.

Ủy ban Nhân dân Thành phố

Ủy ban Nhân dân Thành phố

Ủy ban Nhân dân Thành phố

Nằm khá gần với Nhà hát Thành phố, trụ sở UBND Thành phố tọa lạc tại số 86 đường Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Q.1, có thể nhìn thẳng ra đường Nguyễn Huệ tới sông Sài Gòn. Đây cũng là một công trình kiến trúc cổ điển đặc sắc, xây dựng từ năm 1898 tới 1909. Năm 2020 công trình này được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Trang trí những thiên thần và các con thú kiểu châu Âu

Trang trí những thiên thần và các con thú kiểu châu Âu

Công trình do kiến trúc sư người Pháp Fermand Garde thiết kế mô phỏng theo kiến trúc của Tòa Thị chính Paris, với một tháp cao ở chính giữa, hai tháp thấp hơn ở cạnh hai bên và dãy nhà thấp kéo dài về hai phía. Ở khu vực trung tâm mặt tiền tòa nhà được trang trí các phù điêu nữ thần, thiên thần cùng những con thú kiểu châu Âu, cùng các hoa văn cây lá cầu kỳ, tinh xảo.

Chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành là ngôi chợ nổi tiếng có lẽ là nhất Thành phố Hồ Chí Minh, bởi mặt cổng phía Nam với tháp đồng hồ của nó đã trở thành biểu tượng của thành phố này.

Về cái tên “Bến Thành”, tương truyền ngôi chợ có từ rất sớm, trước thời kỳ người Pháp xuất hiện. Chợ nằm bên bờ rạch Bến Nghé gần tòa thành Gia Định cũ (tức thành Bát Quái, hay còn gọi là thành Quy; sau loạn Lê Văn Khôi, năm 1835 tòa thành Bát Quái bị triệt giải, và một tòa thành nhỏ hơn nhiều được dựng nên, gọi là thành Phụng). Ngay cạnh chợ là một bến thuyền để khách vãng lai và binh lính ra vào thành Gia Định, nên chợ được gọi theo tên bến, là Bến Thành.

Cổng phía Nam chợ Bến Thành - Một trong những công trình kiến trúc ở quận 1 vẫn giữ được kiến trúc cổ kính qua tháng năm

Cổng phía Nam chợ Bến Thành – Một trong những công trình kiến trúc ở quận 1 vẫn giữ được kiến trúc cổ kính qua tháng năm

Sau một vài lần bị hỏa hoạn, cũng như do nhu cầu quy hoạch thành phố, năm 1912 người Pháp cho dời chợ đến một địa điểm mới – chính là vị trí ngôi chợ ngày nay đang tọa lạc – gần ga xe lửa đi Mỹ Tho. Khu vực ấy vốn là một khu vực sình lầy, phải lấp ao mà xây dựng. Ngôi chợ được xây từ năm 1912 đến cuối tháng 3/1914 thì đi vào hoạt động cho đến tận ngày nay – dù có trải qua một vài lần tu sửa lớn nhỏ.

Ngày nay, vị trí của chợ Bến Thành nằm ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, ngôi chợ cổ kính hơn 100 tuổi nằm giữa 4 con đường: Lê Lợi, Phan Bội Châu, Lê Thánh Tôn, Phan Chu Trinh – Phường Bến Thành, Quận 1. Mặc dù đã trải qua một số lần tu sửa nhưng chợ Bến Thành ngày nay vẫn giữ được kiến trúc cổ kính được người Pháp thiết kế từ đầu thế kỷ XX với bộ giàn mái lợp ngói đỏ và các vòm cổng chính ở 4 mặt đường lớn kể trên.

Chợ Bến Thành có tổng diện tích khoảng 13.000 m2 với khoảng 1.500 sạp hàng – là ngôi chợ bán lẻ lớn nhất thành phố. Chợ gồm 4 cửa chính và 12 cửa phụ, chia ra nhiều khu vực bán những mặt hàng khác nhau:

Các cửa Bắc – Đông – Tây của chợ Bến Thành - Công trình kiến trúc ở quận 1 này là biểu tượng bất hủ của thành phố mang tên Bác

Các cửa Bắc – Đông – Tây của chợ Bến Thành – Công trình kiến trúc ở quận 1 này là biểu tượng bất hủ của thành phố mang tên Bác

Đặc biệt các sạp hàng ăn trong chợ rất đa dạng các món ẩm thực Nam Bộ, và khi cuối ngày chợ đóng cửa, hoạt động của khu chợ vẫn tiếp tục diễn ra sôi nổi ở hai bên hông chợ (khu vực đường đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh). Sắp tới, khi tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên đi vào hoạt động, chợ Bến Thành sẽ càng thêm đông vui tấp nập.

Khu vực bến Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ, cầu Mống

Ngã ba sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé cũng là khu vực có những công trình cổ xưa nổi tiếng của thành phố, gồm: cầu Mống, bến Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ. Cả ba công trình này đều liên quan tới một hãng vận chuyển hàng hải của Pháp – Messageries Imperiales (năm 1871 đổi thành Messageries Maritimes – và đều do hãng này đầu tư xây dựng.

Nhà Rồng nơi ngã ba sông Sài Gòn – Bến Nghé, nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh

Nhà Rồng nơi ngã ba sông Sài Gòn – Bến Nghé, nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh

Bến Nhà Rồng – thực ra phải là “Nhà Rồng” – vốn là tòa nhà trụ sở của hãng vận tải biển tại Sài Gòn. Hãng này được chính quyền thực dân Pháp trao quyền xây dựng khu thương cảng Sài Gòn để làm đầu mối thông thương của Đông Dương với quốc tế. Hãng này đã khởi công xây dựng tòa nhà trụ sở bên hữu ngạn sông Sài Gòn, góc ngã ba với rạch Bến Nghé và ngày 04/03/1863, và hoàn thành sau 1 năm. Tên gọi Nhà Rồng được cho là bởi trên nóc tòa nhà có đắp cặp rồng lớn bằng đất nung tráng men. Chính nơi đây vào ngày 05/06/1911, Bác Hồ – khi đó là anh thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành – đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville đi tìm đường cứu nước.

Cột cờ Thủ Ngữ ngay chân cầu Khánh Hội ở góc ngã ba sông

Cột cờ Thủ Ngữ ngay chân cầu Khánh Hội ở góc ngã ba sông

Cột cờ Thủ Ngữ nằm tại góc ngã ba sông Sài Gòn với rạch Bến Nghé, đối diện Bến Nhà Rồng qua rạch Bến Nghé. Công trình đầu tiên được hãng Messageries Imperiales xây dựng tháng 10/1865 để làm cột tín hiệu cho tàu bè ra vào khu thương cảng Sài Gòn trên nề cũ của dinh quan Thủ ngự (cũng gọi là Thủ ngữ) – chức quan trấn giữ đồn cảng của triều Nguyễn – nên sau này được gọi là cột cờ Thủ Ngữ. Từ một cột tín hiệu cho tàu bè ra vào cảng bằng gỗ ban đầu, sau nhiều giai đoạn lịch sử, được sửa chữa, thay cột, xây dựng thêm phần nhà bát giác dưới chân cột, mà cột cờ có kết cấu như hiện nay.

Cột cờ Thủ Ngữ và Nhà Rồng đối diện nhau qua kênh Bến Nghé

Cột cờ Thủ Ngữ và Nhà Rồng đối diện nhau qua kênh Bến Nghé

Cầu Mống được hãng Messageries Imperiales (lúc này đã đổi tên thành Messageries Maritimes) xây dựng trong thời gian 1893 – 1894, bắc qua rạch Bến Nghé, nối Quận 1 (đầu đường Pasteur) với Quận 4 (đầu đường Nguyễn Trường Tộ) hiện nay.

Cầu Mống bắc qua kênh Bến Nghé, ngay phía trên cửa hầm Thủ Thiêm

Cầu Mống bắc qua kênh Bến Nghé, ngay phía trên cửa hầm Thủ Thiêm

Cây cầu tuyệt đẹp với kết cấu vòm bằng thép, dài 128 mét, rộng 5,2 mét này là một trong số những cây cầu cổ xưa nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày nay chỉ dành cho khách bộ hành, và là một điểm check-in được các bạn trẻ ưa thích.

Tượng đài Đức Thánh Trần

Tượng đài Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) được dựng năm 1967 tại Công trường Mê Linh (đối diện bến tàu thủy Bạch Đằng). Bức tượng vị anh hùng dân tộc thời Trần, với chiến công vang dội 3 lần đánh thắng quân Nguyên – Mông, được sáng tác bởi nhà điêu khắc Phạm Thông. Tượng cao gần 6 mét, đặt trên bệ tượng hình lăng trụ tam giác cao gần 10 mét.

Tượng đài Đức Thánh Trần ở công trường Mê Linh, Khu vực xung quanh tượng đài là các cao ốc hiện đại của thành phố

Tượng đài Đức Thánh Trần ở công trường Mê Linh, Khu vực xung quanh tượng đài là các cao ốc hiện đại của thành phố

Tượng Đức Thánh Trần được thể hiện dưới hình thức một viên tướng trong võ phục chiến trường, tay trái cầm kiếm trong bao, tay phải hơi chỉ xuống về phía trước. Tượng được dựng theo tích cũ: năm 1288, khi Đức Thánh Trần dẫn quân đến trận địa Bạch Đằng chặn giặc, con voi chiến của ngài đã bị sa lầy ở sông Hóa (tiếp giáp giữa Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương). Voi ứa nước mắt nhìn theo chủ tướng, Đức Thánh Trần trước khi tiếp tục lên đường đã chỉ xuống dòng sông mà rằng: “Trận này không phá xong giặc Nguyên, thề không trở lại khúc sông này nữa”. Và sau đó là trận Bạch Đằng lịch sử, đại phá quân Nguyên, bắt sống tướng giặc Ô Mã Nhi – một dấu son trong lịch sử giữ nước của cha ông ta.

Dinh Độc Lập

Dinh Độc Lập là một tòa dinh thự lớn nằm trong một khuôn viên 12 ha rợp bóng cây xanh được giới hạn bởi 4 con đường: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Thị Minh Khai, tại phường Bến Thành, Quận 1.

 Dinh Độc Lập - Một trong những công trình kiến trúc ở quận 1 là niềm tự hào của Sài Gòn

Dinh Độc Lập – Một trong những công trình kiến trúc ở quận 1 là niềm tự hào của Sài Gòn

Thuở ban đầu, nơi đây có một tòa dinh thự mang tên Dinh Norodom, do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1868 đến năm 1871, làm nơi ở và làm việc cho viên Thống đốc Nam Kỳ và sau đó là những viên Toàn quyền người Pháp tại Đông Dương. Sau đó do bom đạn chiến tranh, Dinh bị sập gần một nửa vào năm 1962, nên được phá đi xây lại trên nền cũ.

Diễn giải biểu tượng kiến trúc của dinh và Phòng Khánh tiết ở tầng trệt

Diễn giải biểu tượng kiến trúc của dinh và Phòng Khánh tiết ở tầng trệt

Công trình mới do kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ thiết kế, được khởi công ngày 01/07/1962 và khánh thành ngày 31/10/1966 và trở thành nơi ở và làm việc của các Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cho đến ngày 30/04/1975 lịch sử.

Phòng trình quốc thư và khu vực ở của gia đình Tổng thống ở tầng 2

Phòng trình quốc thư và khu vực ở của gia đình Tổng thống ở tầng 2

Dinh Độc Lập xây dựng trên mặt bằng 4.500m2, gồm 2 tầng hầm, 3 tầng nổi (trong đó có 2 tầng lửng ở giữa) và sân thượng có bãi đáp trực thăng. Toàn bộ dinh thự có hơn 100 căn phòng các loại. Gia đình Tổng thống (Việt Nam Cộng hòa) sống ở tầng 2, khuôn viên có đắp cả hòn non bộ với thác nước và cây xanh ở khoảng thông tầng.

Tầng thượng nhìn xuống bãi đáp trực thăng và vị trí trúng bom ngày 8/4/1975

Tầng thượng nhìn xuống bãi đáp trực thăng và vị trí trúng bom ngày 8/4/1975

Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 25/06/1976. Tên gọi chính thức là Dinh Độc Lập, còn tên của cơ quản quản lý quản lý Dinh Độc Lập lại là , bởi vậy nhiều người nhầm lẫn gọi sai là “Dinh Thống Nhất”.

Các tầng hầm bố trí các phòng làm việc trong những tình huống khẩn cấp

Các tầng hầm bố trí các phòng làm việc trong những tình huống khẩn cấp

Từ tầng thượng Dinh Độc Lập nhìn ra đường Lê Duẩn

Từ tầng thượng Dinh Độc Lập nhìn ra đường Lê Duẩn

Hồ Con Rùa

Hồ Con Rùa là một hồ nước nhân tạo, xung quanh có nhiều trồng nhiều cây xanh, tại ngã tư giao lộ của đường Phạm Ngọc Thạch với trục Trần Cao Vân – Võ Văn Tần. Ngã tư này được thiết kế theo kiểu vòng xoay lớn, và khu vực vòng xoay này được gọi là Công trường Quốc tế, phường Võ Thị Sáu, quận 3.

Hồ Con Rùa, nhìn từ phía Nhà thờ Đức Bà là công trình kiến trúc ở quận 1 được rất nhiều người ưa thích vì được bao phủ nhiều cây xanh

Hồ Con Rùa, nhìn từ phía Nhà thờ Đức Bà là công trình kiến trúc ở quận 1 được rất nhiều người ưa thích vì được bao phủ nhiều cây xanh

Cuối thế kỷ XIX, tại vị trí này, người Pháp xây một tháp nước để cung cấp nước cho cư dân trong vùng, cho đến năm 1921 thì tháp nước bị phá bỏ bởi không còn đủ đáp ứng nhu cầu cung cấp nước cho số lượng cư dân đã tăng lên rất nhiều. Người Pháp xây dựng tại đây một hồ nước nhỏ và dựng một tượng đài tạc 3 lính Pháp, Đến năm 1956 thì tượng đài bị chính quyền đương thời phá bỏ, chỉ còn lại hồ nước.

Hồ Con Rùa nhìn ra đường Phạm Ngọc Thạch về phía Nhà thờ Đức Bà

Hồ Con Rùa nhìn ra đường Phạm Ngọc Thạch về phía Nhà thờ Đức Bà

“Hồ Con Rùa” được xây dựng từ cuối những năm 1960, và đến năm 1974 thì hoàn thiện như hiện trạng ngày nay, với hồ phun nước hình bát giác nằm trong khuôn viên một vòng xoay giao thông đường kính khoảng 100 mét. Có 4 đường đi bộ hình xoắn ốc bên trên mặt hồ hướng đến trung tâm, là một con rùa bằng kim loại đỡ trên lưng một tấm bia lớn, trên đó ghi tên các nước công nhận chính thể Việt Nam Cộng hòa – có lẽ vì vậy mà vòng xoay được gọi là “hồ Con Rùa” từ đó.

Điểm nhấn chính của công trình là 5 trụ bê tông dựng sát nhau cao 34 mét, bên trên đỉnh xòe tròn ra như các cánh hoa, cũng được xây dựng và hoàn thiện trong giai đoạn 1970 – 1974. Có thuyết cho rằng, Dinh Độc Lập – còn mang tên khác là Phủ Đầu rồng – là vị trí của đầu con rồng trong long mạch phong thủy, còn Công trường Quốc tế là vị trí đuôi của con rồng. Do đuôi rồng hay vùng vẫy nên ảnh hưởng đến vị trí đầu rồng, bởi vậy ngươi ta mới cho xây dựng tháp cao tại hồ Con Rùa như thanh gươm cắm xuống để giữ yên đuôi rồng.

Hồ Con Rùa được thêu dệt về thuyết “trấn yểm”, tấm bia cũ vẫn còn, con rùa đã hỏng

Hồ Con Rùa được thêu dệt về thuyết “trấn yểm”, tấm bia cũ vẫn còn, con rùa đã hỏng

Ngày nay hồ Con Rùa trở thành một công viên xanh được rất nhiều người ưa thích, và khu vực xung quanh vòng xoay, đặc biệt đoạn ngắn trên đường Trần Cao Vân dẫn vào vòng xoay có rất nhiều quán café và các quán ăn nổi tiếng.

Bưu điện thành phố

Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh – tên cũ là Bưu điện Sài Gòn – cũng là một trong số những công trình cổ nổi tiếng ở khu vực trung tâm thành phố. Cuối năm 1860, người Pháp đã xây dựng bưu điện Sài Gòn ngay sau khi chiếm được Gia Định không lâu, tới giữa tháng 1/1863 thì xây dựng xong và đi vào hoạt động, nhưng từ năm 1864 người dân mới được “phục vụ”, còn trước đó bưu điện chỉ phục vụ cho chính quyền đương thời.

Mặt tiền Bưu điện thành phố - Một trong những công trình kiến trúc ở quận 1 lưu giữ nét đẹp Sài Gòn xưa

Mặt tiền Bưu điện thành phố – Một trong những công trình kiến trúc ở quận 1 lưu giữ nét đẹp Sài Gòn xưa

Hơn 20 năm sau, vào năm 1886 tòa trụ sở bưu điện được xây dựng lại với quy mô to lớn, kiên cố hơn, do kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng Gustave Eiffel thiết kế, công trình được khánh thành vào năm 1891, và tòa nhà trụ sở Bưu điện Sài Gòn đó tồn tại bền vững đến ngày nay – sau hơn 130 năm. Đất nước thống nhất, công trình trở thành Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ bưu chính phục vụ nhân dân. Ngoài ra, với vẻ đẹp và giá trị lịch sử lâu đời của mình, Bưu điện thành phố còn là điểm đến rất thu hút với du khách gần xa đến thành phố mang tên Bác.

Chiếc đồng hồ lớn kiểu cổ điển lắp trên vòm cửa chính

Chiếc đồng hồ lớn kiểu cổ điển lắp trên vòm cửa chính

Mặt trước tòa nhà được trang trí các ô tường chữ nhật giữa các ô cửa sổ. Giữa các ô tường tầng trên đắp tượng đầu người đội vòng nguyệt quế kiểu châu Âu, còn giữa các ô tường ở tầng dưới đều gắn các bảng chữ nhật ghi danh các nhà phát minh trong ngành điện và điện tín, được trang trí hoa văn xung quanh. Vòm cửa chính được gắn một chiếc đồng hồ lớn kiểu cổ điển với mặt tròn và các con số La Mã chỉ giờ.

Bên trong Bưu điện thành phố

Bên trong Bưu điện thành phố

Bên trong tòa nhà, gian ngoài rộng rãi với trần hình vòm bán cầu cao vút, gian phía trong chia hai bên cánh gà bố trí các quầy dịch vụ bưu chính, khu vực giữa mái vòm bán trụ chạy dài suốt chiều sâu tòa nhà. Khu vực này bố trí một quầy gỗ hình ô van, bán đồ lưu niệm cùng các vật phẩm ngành bưu điện, nửa sau là mấy dãy bàn gỗ để khách viết thư hoặc điền địa chỉ lên bì thư. Cuối gian phòng là bức ảnh Bác Hồ, trang trọng treo cao trên tường.

Với những nét đặc sắc về kiến trúc, Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã được tạp chí kiến trúc Architectural Digest (Mỹ) xếp vào hàng thứ 2 trong tổng số 11 bưu điện có kiến trúc đẹp nhất thế giới. Trước đó, năm 2019 Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh cũng lọt vào top 20 Bưu điện đẹp nhất thế giới, theo bình chọn của tạp chí Mỹ Insider.

Các phòng điện thoại ở gian ngoài

Các phòng điện thoại ở gian ngoài

Trong cùng là dãy bàn ghế để khách ngồi viết thư hoặc điền địa chỉ trên phong bì

Trong cùng là dãy bàn ghế để khách ngồi viết thư hoặc điền địa chỉ trên phong bì

Ngay trước cửa Bưu điện thành phố là một công trình cổ cực kỳ nổi tiếng: Nhà thờ Đức Bà, tuy nhiên Nhà thờ đang trùng tu (dự kiến tới năm 2027 mới xong) nên bị quây kín bởi vách tôn ở bên dưới, và hệ giàn giáo ở bên trên từ rất lâu rồi.

Khi đi bộ như một du khách phương xa khám phá thành phố lạ, mới thấy Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh – còn nhiều điều thú vị để khám phá, các bạn ạ. Chắc Lữ Phong sẽ còn dành thời gian để thực hiện thêm các “tour” khám phá thành phố thân quen này.