Khám phá những kiệt tác tu viện trên vách núi ở Ấn Độ

58

Tuy đã đi nhiều vùng đất có tu viện Phật giáo Mật tông như Nepal, Tây Tạng, Bhutan nhưng nơi mà tôi ấn tượng nhất là miền Bắc Ấn Độ, bởi nơi đó có những tu viện được xây dựng cheo leo trên những vách núi, vừa ấn tượng vừa hiên ngang. Đứng trước những công trình kiến trúc tu viện trên vách núi ở Ấn Độ ngoạn mục này, tôi có một niềm kính phục từ sâu trong tâm khảm và luôn có câu hỏi vì sao con người cổ đại có thể xây dựng nên những kiệt tác như vậy?

Tu viện Dhankar

Tu viện Dhankar

Tu viện Dhankar đã gần 1000 năm tuổi

Spiti Valley là thung lũng xa xôi hẻo lánh nằm ở phía Đông Bắc của bang Himachal Pradesh phía Bắc Ấn Độ. Cái tên "Spiti" có nghĩa là "Vùng đất ở giữa", Spiti cũng chính là vùng đất nằm giữa Tây Tạng và Ấn Độ. Nằm ở độ cao trung bình 4000m so với mực nước biển, thung lũng Spiti có rừng thông, con sông nước xanh như ngọc, núi đồi hùng vĩ hiểm trở, những ngôi làng nằm trên núi cao bình yên và những tu viện phật giáo linh thiêng. Spiti Valley là thiên đường cho những ai đang khao khát thoát khỏi cuộc sống thành phố ồn ào vội vã.

Khi đọc về Spiti Valley, hình ảnh tu viện Dhankar Gompa nằm chênh vênh cheo leo trên vách đá ngạo nghễ cả gần 1000 năm khiến tôi yêu thích tu viện trên vách núi ở Ấn Độ này ngay lập tức. Một cảm giác xa xôi, huyền bí và ngưỡng mộ, tôi muốn được đến ngay nơi này để tận mắt chứng kiến. Từng là thủ phủ, trung tâm quyền lực và tôn giáo của cả thung lũng Spiti vào thế kỷ 17, Dhankar là một thị trấn với địa thế đắc địa, được bao quanh bởi các ngọn núi và sông Pin, sông Spiti. Dhankar Gompa được xây dựng ở vị trí chiến lược ở vị trí cao nhất vào thế kỷ thứ 12 từ các nguyên vật liệu gỗ, đá và bùn và nó là một trong những Tu viện quan trọng nhất ở Spiti. Dhankar Gompa nằm hiên ngang chênh vênh trên một vách đá nhìn ra sông Pin ở độ cao 3900m đã gần 1000 năm. Nó vừa là tu viện vừa có chức năng là một pháo đài vì vị trí đắc địa, quân thù chưa tới ta đã nhìn thấy từ xa rồi.

Tu viện Dhankar

Dhankar được xây dựng từ thế kỷ 12

Tu viện Dhankar

Tu viện Dhankar mới

Dhankar Gompa có bức tượng Vairochana với bốn hình Đức Phật trong trạng thái thiền định, kinh điển Phật giáo, tranh tường Phật Dược Sư và các vị hộ pháp. Tuy nhiên, tu viện cũ đang xuống cấp trầm trọng, vì vậy một tu viện viện mới được xây dựng cách đó không xa, tại ngay làng Shichilling dưới chân tu viện cũ và là nơi ở của khoảng 150 Lạt ma.

Tu viện Phuktal

Nằm chênh vênh ở trên vách núi đá cao vút ở nơi xa xôi của thung lũng Zanskar là tu viện Phuktal (Phuktal Gompa). Tu viện trên vách núi ở Ấn Độ này được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ và bùn, ở lối vào của hang động tự nhiên, trên hẻm núi vào đầu thế kỷ 12. Không hiểu vì sao, tu viện đẹp đẽ này lại bị quên lãng cho tới tận thế kỷ 19, khi năm 1826, nhà đông phương học Alexander Cosmo de Koros phát hiện ra Phuktal. Điểm hấp dẫn nhất của Phuktal là để khám phá và chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của tu viện, bạn phải đi bộ khoảng 3km vào sâu bên trong các hẻm núi. Bạn sẽ đi bộ qua những con đường mòn nhỏ, một bên là núi, một bên là dòng sông xanh như ngọc, băng qua một vài làng nhỏ với khung cảnh hùng vĩ, núi non bao la. Tu viện Phuktal chỉ có thể tới dễ dàng trong 6 tháng mùa hè và mùa thu, thời gian còn lại đường tuyết phủ dày, rất khó đi và nguy hiểm. Bạn sẽ phải đi bộ trên dòng sông đóng băng. Khó khăn là vậy nhưng chính những yếu tố này khiến trải nghiệm tới tu viện trên vách núi ở Ấn Độ Phuktal càng trở nên thú vị và khó quên.

tu viện trên vách núi ở Ấn Độ

Phuktal trong ánh nắng chiều

Tu viện Phuktal

Tu viện Phuktal chênh vênh trên vách núi

Quang cảnh bên dưới tu viện

Quang cảnh bên dưới tu viện

Con đường từ làng Purney đi bộ tới tu viện trên vách núi ở Ấn Độ Phuktal thật sự đẹp xuất sắc, bức tranh thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ không có lời nào để miêu tả. Tôi đã dành hẳn 1 ngày trọn vẹn 24h chỉ để ngồi, nhâm nhi ly trà Chai nóng hổi thơm lừng và chậm chậm tận hưởng từng giây phút ở Phuktal, từ hoàng hôn tới bình minh cho đến tận chiều hôm sau mới rời đi. Tôi chưa bao giờ thấy một bầu trời đầy sao, sáng trưng đẹp lung linh và tôi chưa bao giờ tôi cảm thấy đất trời gần nhau đến như vậy. Dù đã trải qua bao nhiêu buổi hoàng hôn, nhưng sao buổi chiều ở Phuktal vẫn khiến tôi thấy đẹp đến nao lòng. Tôi nhớ buổi sáng sớm, lạnh buốt tay, lại pha một tách trà và ra ngồi ghế ngắm Phuktal cả gần 2 tiếng, chờ từng tia nắng chiếu rọi vào vách đá. Không khí tĩnh lặng không một tiếng động, trong trẻo. Phuktal dần dần hiện ra, từng vệt nắng chiếu sáng dần lên từ dưới chân tu viện cho đến khi cả Phuktal rực rỡ dưới ánh nắng vàng mềm mại buổi sáng. Cho đến khi rời đi, tôi vẫn cố gắng quay lại nhìn Phuktal lần cuối, bấm máy lưu lại những tấm ảnh cuối cùng mặc dù cả ngày hôm trước có lẽ tôi đã chụp tới hàng trăm bức hình. Đối với tôi, Phuktal là một kỉ niệm thật sự quá đẹp, quá đáng nhớ. Tôi hi vọng mình sẽ có cơ hội quay lại nơi này thêm nhiều lần nữa trong đời.

Tu viện Karsha

Nằm ở thung lũng Zanskar thuộc bang Jammu & Kashmir, tu viện Karsha (Karsha Gompa) là tu viện lớn nhất và quan trọng nhất của vùng này. Karsha Gompa toạ lạc trên ngọn núi cao ở thị trấn Padum, đứng từ xa bạn có thể nhìn thấy tu viện được được tạc vào núi như một bức tranh.

tu viện Karsha

Karsha tọa lạc trên một ngọn núi cao ở Padum

Bên trong tu viện Karsha

Bên trong tu viện Karsha

Thị trấn Padum nhìn từ tu viện Karsha

Thị trấn Padum nhìn từ tu viện Karsha

Được xây dựng từ thế kỷ thứ 10 Karsha là tu viện của dòng Gelugpa, phái Mũ vàng của Phật giáo Tây Tạng. Tới Karsha – tu viện trên vách núi ở Ấn Độ bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những bức tranh tường, thangka từ thế kỷ 10-11 dưới thời của Rinchen Zangpo, nghe các nhà sư làm lễ và đọc kinh rất thú vị. Khi ngắm những bức tranh tường phôi pha màu thời gian ở Karsha, tôi thật sự cảm khái. Giữa vùng đất hoang vu khô cằn như vậy, niềm tin tôn giáo và sức sống của con người thật mãnh liệt. 11 thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu triều đại đã đổi thay, lịch sử cũng đã viết nên nhiều trang vậy mà tu viện vẫn ở đó tồn tại với thời gian. Có lẽ khoảnh khắc tôi nhớ nhất là được nghe các sư thầy ở Karsha tụng kinh, làm lễ. Âm thanh ùng ùng của tiếng trống, tiếng cầu kinh rầm rì, mùi hương trầm thoang thoảng là trải nghiệm xứng đáng đối với cả quãng đường xa để đến với Karsha.

Do tu viện Karsha nằm trên núi nên đứng ở tu viện trên vách núi ở Ấn Độ này bạn có thể ôm trọn cả Padum vào trong tầm mắt. Những ngôi làng nhỏ nép dưới rặng cây, khói lan toả trong buổi chiều hoàng hôn nhạt nắng, xa xa là những ngọn núi hùng vĩ bao bọc lấy cả thung lũng, phong cảnh thật sự làm say đắm lòng người.

Ở tu viện Karsha có lễ hội Karsha Gustor được tổ chức hàng năm, thường vào tháng Giêng. Nếu có cơ hội đến Padum vào thời gian này, bạn đừng bỏ qua lễ hội tuyệt vời tại tu viện trên vách núi ở Ấn Độ này nhé.

Tu viện mặt trăng Lamayuru

Tu viện Lamayuru còn được gọi là tu viện Yuru nằm trên đường cao tốc Leh – Srinagar, cách Leh 127km và ở độ cao 3.510m so với mực nước biển. Lamayuru được thành lập vào thế kỷ 11 bởi hành giả Phật giáo Ấn Độ – Mahasiddacarya Naropa. Lamayuru còn được gọi là “Vùng đất mặt trăng” của Ladakh do địa hình kỳ lạ của nơi này giống như trên mặt trăng các địa hình giống như mặt trăng được khắc vào dãy Himalaya. Chính vì vậy tôi gọi Lamayuru là tu viện mặt trăng. Tu viện Lamayuru được bao quanh bởi phong cảnh núi non hùng vĩ và là một trong những tu viện Phật giáo lâu đời nhất và linh thiêng nhất trong khu vực. Tu viện trên vách núi ở Ấn Độ này được biết đến là tu viện bảo tồn các di sản văn hóa rất tốt, là nơi lưu giữ nhiều bức tranh tường, tác phẩm điêu khắc và bích họa cổ mô tả cuộc đời của các vị thánh, lời dạy của Đức Phật và lịch sử của khu vực Ladakh. Tu viện Lamayuru nằm trên đỉnh một ngọn núi nhìn xuống thung lũng Lamayuru. Ở phía trước tu viện có ba gian nhà nhỏ nơi có tượng phật 1000 cánh tay và 11 đầu, Padmasambhava và tượng của 8 vị Bồ Tát. Bên cạnh tu viện có một hang động tên là hang Naropa, nơi người ta tin đây là nơi rằng ông đã thiền định.

Hàng năm, vào ngày 17 và 18 tháng 5 theo lịch Tây Tạng, lễ hội Yuru Kabgyad được tổ chức tại tu viện Lamayuru. Những điệu múa đeo mặt nạ hay phong tục đốt hình nộm tượng trưng cho sự hủy diệt cái tôi trong mỗi người được biểu diễn rất sống động. Trong những ngày tốt lành này, tất cả các điện thờ và thangka của tu viện đều được trưng bày để các tín đồ chiêm ngưỡng và thờ cúng. Khu vực “moonland” gần tu viện Lamayuru cũng rất đáng để khám phá. Do cấu tạo địa chất của khu vực này đã từng nằm ở dưới đáy biển từ hàng trăm triệu năm trước đã tạo nên nhưng vân núi rất độc đáo, độc lạ như ở trên mặt trăng nên chắc nơi này mới có biệt danh như vậy.

Bắc Ấn được mệnh danh là Tiểu Tây Tạng trên đất nước Ấn Độ, nhưng Ladakh, Zanskar hay Spiti Valley có vẻ đẹp rất riêng. Dù có điểm chung là Phật giáo Mật Tông đều rất phát triển, nhưng những tu viện phật giáo ở Bắc Ấn rất đẹp và độc đáo. Chính những công trình kiến trúc được xây dựng trên những vách núi hùng vĩ và cheo leo này đã thu hút rất nhiều du khách, nhiếp ảnh gia tới Bắc Ấn. Chỉ khi tận mắt chiêm ngưỡng, bạn mới thật sự cảm nhận được vẻ đẹp thật sự của nơi này.