Nằm tách rời với bối cảnh hiện đại của đô thị sầm uất như Quận 1 và các quận lân cận, Quận 5 vẫn giữ nguyên nét xưa cũ tạo nên nhiều nỗi thương nhớ cho những ai đã ghé qua. Chỉ một thoáng dạo chơi đã như lạc về thì quá khứ. Ở Sài Gòn, đi chơi quận 5 đã lạ lắm rồi, chắc hẳn bạn bè từ nơi khác ghé thăm cũng lạ lẫm không kém.
Ngã 4 đường Trần Hưng Đạo giao với Ngô Quyền
Quận 5 cùng với Quận 6 từng là được gọi chung là Chợ Lớn, khu trung tâm thương mại lớn nhất của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam. Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, nơi đây vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa và kiến trúc độc đáo đến từ người Triều Châu, Phúc Kiến. Điển hình là những ngôi chùa lớp mái ngói ống cùng các ngôi chợ đậm nét người Hoa.
Chùa Bà Thiên Hậu đã tồn tại hơn 250 năm ở khu Chợ Lớn
Cũng là một khu vực có nhiều con đường đan xen, đông đúc người qua lại nhưng Quận 5 lại mang đến một cảm giác rất khác biệt. Cảm giác của một thế giới nằm yên giữa vạn vật đang liên tục chuyển động. Cảm giác an yên giữa những xô bồ của cuộc sống. Giờ hãy cùng mình ngược dòng thời gian tìm về những điều độc đáo còn được lưu giữ đến nay.
Chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Bà Thiên Hậu hay còn được gọi là hội quán Tuệ Thành, chùa Bà Chợ Lớn tọa lạc tại số 710, đường Nguyễn Trãi, Quận 5, “đặc khu” của người Hoa.
Đã tồn tại xuyên suốt 250 năm, chùa Bà Thiên Hậu không chỉ là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu linh thiêng, mà còn là “bảo tàng” sống động về mặt kiến trúc đặc biệt, đến hơn 400 cổ vật quý giá được cất giữ cho đến ngày nay như phù điêu, lư đồng, tranh tường…Đứng trước cổng chùa, vẻ ngoài uy nghi cùng sự tráng lệ của ngôi chùa khiến bất kỳ ai cũng phải nán lại chiêm ngưỡng.
Gian giữa của Chùa Bà Thiên Hậu với lư đồng lớn đặt giữa sân
Được xây dựng theo phong cách và tay nghề thủ công của người Hoa xưa, mỗi chi tiết điêu khắc trên gỗ, trên cột đều đạt độ tinh xảo cao. Lối đi vào chùa được thiết kế theo lối tam quan, cách điệu ở phần cửa chính, hai bên là hai cửa gỗ đã dần nhuốm màu thời gian nên hạn chế người chạm vào.
Không gian chùa được xây dựng theo dạng nhà khung gỗ, gồm 4 gian được liên kết với nhau tạo thành hình chữ “khẩu” hoặc chữ “quốc”. Chính vì điều này, phần giữa chùa thoáng đãng để thắp hương và ánh nắng chiếu vào.
Phần mái ngói đã nhuốm màu thời gian
Điều đặc biệt nhất với mình khi đến đây chính là hệ mái được trang trí bằng quần thể tiếu tượng từ “ngõa tích hãng” của gốm Cây Mai, dòng gốm nổi tiếng đất Nam Kỳ xưa. Ngõa Tích Hãng là dòng sản phẩm có hoa văn và điêu khắc tượng người, được sử dụng cho công trình chùa Bà Thiên Hậu vào năm 1908. Thoạt nhìn phần mái có vẻ rối rắm với nhiều bức tượng chen chúc, nhưng thật ra mỗi phần đều là một câu chuyện sinh động về đời sống sinh hoạt của người Hoa cùng các điển tích.
Phần mái hiên được trang trí bằng nhiều bức tượng gốm Hoa Mai độc đáo
Một trong những hoạt động nổi bật khi đến đây chính là xin xăm và cầu an, ghi lại nguyện vọng của mình lên giấy và dán lên tường công đức. Điều này cũng tạo nên nét đặc biệt cho ngôi chùa, thu hút nhiều người đến chụp hình kỉ niệm.
Bức tường dán những tấm giấy hồng cầu an đặc trưng
Bên cạnh việc đến thắp nhang của người địa phương, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều du khách nước ngoài lẫn có nhóm bạn trẻ đến tìm hiểu lịch sử của ngôi chùa vào những ngày cuối tuần. Trong lớp khói nghi ngút, cùng khung cảnh trầm mặc, không gian chùa cũng dần trở thành nơi check in của nhiều người trẻ.
Hội quán Ôn Lăng
Tọa lạc tại số 12, đường Lão Tử, Phường 11, Quận 5, hội quán Ôn Lăng chỉ cách chùa Bà Thiên Hậu 600 mét.
Không mang nét trầm mặc như chùa Bà Thiên Hậu, hội quán Ôn Lăng khoác lên mình vẻ ngoài rực rỡ với tông màu vàng đỏ, đông đúc người lui tới thắp hương vào mỗi buổi sáng cuối tuần. Từ ngoài cổng, các hàng bán đồ cúng tế, người giữ xe đã láo nháo kéo khách tạo nên một sự ồn ào rất chợ, rất quen thuộc. Nhưng không vì thế, không gian bên trong hội quán Ôn Lăng đánh mất đi nét yên tĩnh vốn có.
Cổng vào hội quán Ôn Lăng và các hàng quán xung quanh
Được xây dựng vào năm 1740, hội quán là nơi để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, nhiều vị thần và Quan Âm Bồ Tát. Trước khi trở thành nơi thờ cúng, hội quán từng là trụ sở của người Hoa phủ Tuyền Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc. Họ là cộng đồng người Hoa nhập cư vào Sài Gòn nên thường xuyên gặp gỡ để chia sẻ khó khăn.
Nhan vòng đặc trưng của người Hoa
Kiến trúc của hội quán nhìn chung cũng giống những ngôi chùa Phật giáo của người Hoa xưa với mái ngói uốn cong, chân mái viền bằng ngói xanh, trang trí nhiều họa tiết gốm sứ tinh xảo.
Phần mái cong được trang trí với nhiều hoạt tiết hoa đẹp mắt
Hàng năm, hội quán Ôn Lăng thu hút lượng lớn người dân địa phương, du khách phương xa đến viếng thăm bởi các phong tục độc lạ như “đánh kẻ tiểu nhân” để xua đuổi điều xấu. Vào những ngày đầu năm, bà con thường ghé đến dâng hương xin tài lộc, mua chỉ đỏ để mong được se duyên.
Chuông lớn và trống đã có mặt từ thời vua Quang Tự (nhà Thanh)
Hào Sĩ Phường
Nổi tiếng là tọa độ sống ảo của giới trẻ với phong cách Hồng Kông, là nơi được lựa chọn làm bối cảnh của nhiều MV, bộ phim hot, Hào Sĩ Phường nay trở nên vắng vẻ hơn xưa. Mình bước đến khu chung cư cổ này vào một buổi trưa đầy nắng, lối lên tầng trên im ắng lạ thường. Sau đại dịch Covid-19, con hẻm ít khách đến thăm. Nhưng cũng nhờ thế, nếp sinh hoạt của cộng đồng người Hoa cùng với sự bình yên càng được thể hiện rõ nét.
Sân giữa của khu chung cư trong một buổi trưa nắng
Người Hoa đi đến đâu cũng thế, họ đều tựa vào nhau, gắn kết với nhau giúp đỡ nhau tạo thành tập thể vững mạnh. Cũng như mỗi ngôi nhà đều có màu sắc riêng, nhưng cùng chung kết cấu, nằm cạnh nhau tạo thành một khối vững chắc.
Từ tầng 2 khu chung cư có thể nhìn ai ra vào cổng đường Trần Hưng Đạo
Tồn tại hơn 100 năm, khu chung cư cũ này vẫn không đổi thay vẻ ngày dù cả thế giới đã thay đổi. Vẫn là một con hẻm giản dị với 2 tầng nhà cũ kỹ. Vẫn là những ngôi nhà có lớp sơn dần bay theo thời gian. Có người đi, cũng có người đến hòa vào bầu không khí yên ắng này.
Tiệm sâm với nét rất Hoa trên đường Ngô Quyền, bên cạnh hẻm Hào Sĩ Phường
Chợ Phùng Hưng
Nhắc đến Quận 5, chắc hẳn ngôi chợ đầu tiên mà ai cũng nghĩ đến là chợ Lớn, hay còn gọi là chợ Bình Tây. Nhưng với mình có một ngôi chợ đặc biệt hơn thế, đó là chợ Phùng Hưng. Chỉ trải dài trong con hẻm Phùng Hưng, người Hoa xưa di dân đến bày bán nhiều món hàng để phục vụ người lao động. Nơi đây còn từng là khu ăn uống bậc nhất của giới tư sản người Hoa, có lẽ vì thế mà chợ còn có tên là Chợ Nhà Giàu.
Ngắm nhìn chợ Phùng Hưng từ trên chung cư
Trải qua nhiều thế hệ, nhiều gánh hàng vẫn còn giữ cho đến ngày nay như hủ tiếu chay chân cầu thang, bánh mì Tăng nằm ở đầu chợ với tuổi đời 90 năm, hay cà phê vợt pha theo lối “kho cà phê” mang tên Ba Lù.
Tiệm bánh mì Tăng nằm ở góc chợ
Đi chợ từ lúc 7h, nhiều gánh hàng rau, hàng đồ ăn sáng được bày bán tấp nập. Mình bước vào tiệm cà phê Ba Lù nhâm nhi một ly cà phê trong nắng sớm. Cà phê không đậm, hơi nhạt và rất nhiều nhưng không dễ say như cà phê pha theo cách người Việt. Ngồi dưới mái hiên nhìn ông chủ pha cà phê cho các vị khách ghé đến, phía trước là khung cảnh nhộn nhịp nhiều người qua lại cũng tạo nên sự thi vị.
Chủ tiệm cà phê vợt Ba Lù đang pha cà phê
Chợ Phùng Hưng với bề ngoài rất cũ kỹ, dù giăng kín lối, lại có phần nhếch nhác nhưng lại có sự thu hút đến lạ. Nhiều nhiếp ảnh gia đến đây để bắt lại những khoảnh khắc bình dị từ tầng trên các khu chung cư. Cũng có nhiều người trẻ mặc những chiếc áo hoa vintage để chụp những bộ ảnh “hồi đó”.
Dừng chân tại cửa hàng bán chanh muối trên đường Nguyễn Trãi
Quận 5 là thế, hòa nhịp với thời đại số nhưng vẫn không đánh mất vẻ đẹp vốn có. Dẫu mọi thứ phai màu theo tháng năm, nhưng vẫn chất, vẫn lãng mạn theo cách riêng. Nếu ai đã mê cái chất này rồi, khó mà cai nổi.